Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
PHẬT GIÁO HƯỚNG DẪN THẾ KỶ 21
Dịch Giả: Thích
Viên Lý
THAM LUẬN X
MỘT VIỄN KIẾN CỦA PHẬT GIÁO HƯỚNG VỀ THẾ KỶ 21
CỦA THỜI ĐẠI CƠ ĐỐC GIÁO
Sulak Sivaraksa
Trong khi chúng ta đang bước sang thế kỷ 21 của thời đại Cơ Đốc giáo,
hồn ma của chiến tranh vẫn còn bao trùm cái bóng của nó lên thế giới.
Người ta chỉ cần nhìn vào vụ khủng bố đánh bom ở Oklahoma City, vụ khủng
bố bằng hơi độc Sarin ở Nhật Bổn, thực trạng đáng buồn về những vụ giết
chóc tàn bạo giữa các bộ lạc ở Rwanda hoặc giữa các sắc dân khác nhau ở
Tích Lan và ở Bosnia-Herzegovina, để thấy sự thực của vấn đề này. Đối
diện với những vấn đề này, nhân loại cần phải nhấn mạnh vào hòa bình và
công lý, chẳng những như là một nghĩa vụ lịch sử mà còn là một sự cần
thiết đối với tương lai nhân loại.
Từ khi bắt đầu Thế Chiến II, với cuộc
xâm lăng Ba Lan năm 1939 của Đức Quốc Xã, cho tới khi nó chấm đứt với sự
hủy diệt thành phố Trường Kỳ (Nagasaki), Nhật Bổn, ngày 9 tháng 8 năm
1945 do bom nguyên tử của Hoa Kỳ, đã có tới khoảng 51 triệu người chết,
trong số đó 34 triệu là thường dân.
Từ khi Thế Chiến II kết thúc đến năm
1990, đã xảy ra khoảng 127 trận chiến tranh lớn hay nhỏ, lại đoạt mất
thêm 20 triệu sinh mạng nữa. Các nhà nghiên cứu hòa bình ước tính rằng
cũng trong vòng 45 năm đó, kể từ sau Thế Chiến II đến nay, khoảng 865
triệu người, trong số đó có nhiều trẻ em, đã chết một cách oan uổng, do
hậu quả của bạo lực trực tiếp như chiến tranh, hoặc do các loại “bạo lực
gián tiếp” như thiếu dinh dưỡng và các bệnh tật có thể chữa trị và có
thể ngăn ngừa.
Chúng ta cần phải ý thức rằng con số
865 triệu này không phải chỉ là một con số mà là tượng trưng cho những
sanh mạng đã mất, gồm nam phụ lão ấu. Những người thiệt mạng này đã từng
là những con người có cảm xúc và họ bỏ lại những người thân yêu đau buồn.
Có lẽ điều quan trọng hơn nữa là những cái chết đó thực ra “không cần
thiết,” nghĩa là họ đã chết oan uổng. Những cái chết đó đã xảy là do vô
minh. Vô minh khiến cho một số người trong chúng ta tin rằng văn minh
đang tiến tới cùng với sự kỳ diệu của khoa kỹ. Loại “tiến bộ” này thường
cắt lìa nhân loại ra khỏi quá khứ của chúng ta: tước đoạt lòng từ bi và
thường thức (common sense) của chúng ta. Vì vô minh nên thế giới đã tích
luỹ nhiều vũ khí đáng sợ, nhất là vũ khí hạch tâm, đến nỗi chúng có thể
huỷ diệt địa cầu này 12 lần. Trong khi đó, chúng ta không thể nào chế
tạo nổi một địa cầu, hoặc một khu rừng có sinh thái đầu đủ, hoặc phục
hồi một loài động vật nào đã tuyệt chủng. Vậy mà vẫn có những có những
cường quốc tiếp tục thử nghiệm những kho vũ khí hạch tâm của họ cả ở
phía mặt đất lẫn ngoài đại dương - những hành động đó bất chấp sự phản
đối của cộng đồng thế giới.
Tỳ-Kheo P.A Payutto - vị cao tăng
hàng đầu của Thái Lan sau khi Tì-Kheo Buddhadasa (Phật Sứ) viên tịch –
đã nói trong bài diễn văn tại Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới ở Chicago năm
1993 rằng: “Chúng ta phải coi nhân
loại như là những người láng giềng, những người cùng
sống chung trên thế giới. Chúng ta đều bình đẳng trong con mắt của luật
thiên nhiên, đều bình đẳng đối với sự chi phối của luật thiên nhiên.”
Chúng ta cần phải phát triển ý nghĩ
coi nhân loại vừa bình đẳng vừa đoàn kết. Nếu không làm như vậy, khái
niệm về bình đẳng có thể dẫn tới một hình thức cạnh tranh không lành
mạnh đối với những quyền bình đẳng. Nhằm tránh cho sự tranh đấu cho bình
đẳng khỏi gây chia rẽ, chúng ta phải có sự đoàn kết. Chữ đoàn kết tôi
muốn nói ở đây là dục nguyện và khuynh hướng muốn chung sống với nhau.
Đó là thái độ dẫn tới sự gắn bó và liên minh. Đoàn kết không phải chỉ là
một thỏa hiệp, nó không phải là một thỏa hiệp về sự cạnh tranh, mà là
phát huy sự hợp tác để nó trở thành sự hoà đồng.
Cạnh tranh cần phải được hợp tác mà
cho quân bình. Nó cần phải được hỗ trợ bởi điều mà Phật giáo gọi là “metta,”
tức là từ tâm hay thiện chí. Loại từ tâm này cần phải vô giới hạn, vô
điều kiện và không phân biệt giáo phái. Người đời thường gặp những trở
ngại liên quan tới từ tâm hoặc tình thương yêu. Có thể họ có tình thương
yêu, nhưng nó chia rẽ rời rạc, nó có điều kiện, nó kén chọn, và nó kỳ
thị. Người ta có tình thương yêu dành cho người thân cận với họ, nhưng
không dành cho người khác. Tình thương yêu, hoặc metta, phải được trải
rộng khắp nơi, không có biên giới, hướng về tất cả chúng sanh trong vũ
trụ.
Điều này không có nghĩa rằng nhân
loại sẽ không còn có thể bảo tồn những truyền thống và văn hóa riêng của
họ. Sự bảo tồn truyền thống và văn hóa riêng vẫn có thể tiếp tục, vì
người ta có những bối cảnh khác nhau và nơi sanh khác nhau. Nhờ điều
chỉnh và thích nghi với môi trường nơi họ sanh ra cho nên người ta sống
hòa hợp và lành mạnh trong những môi sinh đặc thù của họ. Văn hóa sắc
tộc có thể bảo tồn, và cũng nên bảo tồn, giúp chúng ta trở thành đa dạng
trong sự đoàn kết. Nhưng chúng ta hãy nên bảo tồn những truyền thống của
mình chứ không phải chỉ bám víu vào chúng, hãy nên sử dụng trí huệ và sự
hiểu biết thay vì ảo tưởng hoặc vô minh.
Nếu chúng ta thực hành đúng cách để
phát triển tình nhân loại, dân chúng thế giới sẽ tăng từ những nhóm nhỏ
thành một cộng đồng toàn cầu, một cộng đồng hài hòa cả trên tầng diện
cộng đồng địa phương lẫn trên tầng diện toàn cầu. Khi nhân loại phát
triển nhân cách cao độ thì sẽ không còn 5 loại tham dục, hoặc sự mong
muốn chiếm hữu, mà Phật giáo gọi là “macchriya”:
(1) Tham dục đối với một địa khu hoặc quốc gia.
(2) Tham dục đối với đoàn thể hoặc gia đình, gồm cả các
đoàn thể sắc tộc và tôn
giáo.
(3) Tham đục đối với tài vật.
(4) Tham dục đối với giai cấp, gồm cả địa vị xã hội, màu da,
v.v...
(5) Tham dục đối với kiến thức và học vấn, gồm cả những
thành tựu trí thức.
Đặc điểm của sự phát triển nhân cách
chân chính là sẽ không còn 5 loại tham dục này nữa, khi đạt tới mức cao
nhất thì hoàn toàn hết sạch những tham dục đó. Khi chúng ta đánh giá sự
phát triển nhân cách, cần phải xét xem 5 loại tham dục này đã diệt trừ
được hay là vẫn còn. Để cứu vãn địa cầu khỏi lâm vào chiến tranh và hủy
diệt, chúng ta nên kịp thời dùng toàn sức để đoạn diệt 5 loại tham dục
này. Nhưng, hiện nay thì thế thế giới dường như đang đi ngược lại chiều
hướng đó. Sự tiến triển trong ngành truyền thông và sự tương lập lẫn
nhau – là yếu tố đáng kể trong sự phát triển khoa kỹ - vẫn chưa giúp
được gì nhiều trong sự tương giao của nhân loại và sự phát triển đạo đức.
Thái độ tinh thần cơ bản của con
người thời nay là cạnh tranh để lấn át nhau, là tự bảo tồn một cách hẹp
hòi, tích lũy lợi ích cá nhân, và quan niệm về cái ta một cách hẹp hòi.
Những điều này giỏi lắm thì chỉ có tác dụng giữ cho thế giới tiếp tục
sinh tồn, trong khi đó nhân loại sống dưới sự khống chế của lối suy tư
chia rẽ.
Nếu Phật tử muốn đóng góp một cách có
ý nghĩa vào hòa bình của thế giới hoặc để giải thoát thế giới hiện đại
khỏi bạo lực và áp bức thì cần phải dương đầu với ba nguyên nhân can bản
của đau khổ: Tham, sân, si. Và Phật tử phải đương đầu với chúng bất cứ
nơi đâu khi thấy chúng: chẳng những ở trong các cá nhân mà còn ở trong
các cấu trúc xã hội. Các giới luật đạo đức chẳng phải chỉ dành cho các
nhóm người đặt biệt nào đó, tất cả các Phật tử hành đạo đều phải phát
triển chánh niệm.
Chánh niệm (samma samadhi) tức là
không còn tham sân si, những thứ khiến cho tâm người ta bại hoại và
khiến người ta phạm đủ thứ tội ác. Thay vào đó, chúng ta có thể trồng
trong tâm những hạt giống của hòa bình. Đây là sự thực hành chánh niệm
trong sinh hoạt hằng ngày. Và chúng ta có thể thực hành mỗi thời khắc
trong đời mình, khi chúng ta thở, ăn, uống, rửa chén, làm vườn hoặc lái
xe. Một khi tu tập chánh niệm, nội tâm chúng ta sẽ được an tường và hạnh
phúc, đồng thời chúng ta còn có thể chia sẻ lối sống này với người khác.
Thời khắc hiện tại trở thành thời khắc tuyệt diệu.
Theo truyền thống, bước đầu tiên huấn
luyện tâm trí là đạt tới định, tức là thanh tịnh. Điều này giúp chúng ta
gieo hạt giống hòa bình trong nội tâm. Bước huấn luyện thứ nhì căn cứ
vào một kỹ thuật để hiểu được thực tướng của thân tâm ta và chân tánh
thế giới. Điều này được gọi thiền Nội Quán (Vipassana), là phương pháp
phân tích để tâm dò những quan hệ nhân duyên và giải quyết vấn đề. Nội
quán lại phát triển thành một yếu tố nội tại của trí huệ hoặc chánh kiến
bằng cách khuyến khích vô chấp. Trong Pa-li văn, điều này được gọi là
yonisomanasikàra, tức là sự thức tỉnh nội tâm cao độ, nó dẫn tới
vô-ngã-tánh. Sự duy trì yonisomanasikàra giúp chúng ta nhiệt thành trong
những nỗ lực của mình. Nó giúp phát sanh chánh tinh tiến và làm giảm dục
vọng ích kỷ. Đức Phật nói rằng nền tảng của trí huệ Bát Nhã là sự thanh
tịnh để phát triển trau dồi bản thân và thức tỉnh nội tâm cao độ.
Trí huệ Bát Nhã, hay chánh tri, khác
với loại trí thức thông thường, bởi vì nó đồng thời phát xuất từ trí óc
và tâm linh. Nó giúp chúng ta có ý thức, khiêm tốn và biết những hạn hữu
của mình. Đồng thời, nó cũng phát triển lòng từ bi, để chúng ta chia sớt
đau khổ của người khác và cố gắng đoạn trừ nguyên nhân của đau khổ. Khi
chúng ta tìm cách giải quyết những căn nguyên của đau khổ, nhất là trong
một hệ thống xã hội áp bức, chúng ta thường gặp khó khăn với những người
muốn duy trì hiện trạng có sẵn. Lúc đó chánh niệm giúp chúng ta hiểu rõ
những cảm xúc của mình và tha thứ cho địch nhân của chúng ta. Điều quan
trọng yếu trong những hoàn cảnh như vậy là hãy phát triển ý thức của
chúng ta về sự phẫn nộ, để chúng ta có thể phong tỏa nó bằng chánh niệm.
Lúc đó sự phẫn nộ của chúng ta chuyển biến thành lòng từ bi.
Thầy Thích Nhất Hạnh - một người đã
gây khích lệ cho nhiều Phật tử, phi Phật tử và những người vận động hòa
bình ở khắp nơi – nói rằng phẫn nộ giống như một đóa hoa khép kín. Khi
ánh sáng mặt trời xuyên vào trong đóa hoa, nó sẽ nở ra. Nếu chúng ta
tiếp tục hô hấp và chú tâm vào sự phẫn nộ, chánh niệm sẽ thẩm thấu vào
sự phẫn nộ. Khi ánh sáng mặt trời xuyên vào trong một đóa hoa, đóa hoa
ấy sẽ không sao chống cự nổi: Tất nhiên nó phải tự nở ra và phô bày cái
tâm của nó cho mặt trời. Nếu chúng ta cứ tiếp tục hô hấp vào sự phẫn nộ
của mình, và chiếu rọi từ bi và chánh tri vào đó, thì nộ khí của chúng
ta sẽ mở tung ra, lúc đó chúng ta có thể nhìn vào những chỗ thâm sâu của
nó để thấy những gốc rễ của nó.
Chúng ta cũng có thể dùng phương pháp
giống như vậy để đối trị lòng tham, dục niệm và u mê. Chánh niệm là công
cụ mạnh mẽ để đối kháng với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu thụ, sự kỳ
thị giới tánh, chủ nghĩa quân sự, và những hình thức bạo lực khác.
Chúng ta cũng có thể vận dụng thức
tỉnh nội tâm cao độ để nhận định xã hội, quốc gia, văn hóa của chúng ta
và ngay cả tới truyền thống Phật giáo của mình. Với thái độ này, chúng
ta sẽ không thù hận kẻ áp bức, kẻ theo chủ nghĩa tư bản hoặc kẻ độc tài.
Điều này sẽ vẫn còn đúng dù chúng ta sử dụng chánh tri của mình phá bỏ
hệ thống áp bức và bạo lực cố hữu của nó.
Chúng ta có những tấm gương ngay
trước mắt về điều này. Đức Đạt Lai Lạt Ma làm gương khiến cho nhiều
người trong chúng ta thương yêu kẻ địch của mình bằng cách gieo trồng
những hạt giống hòa bình. Tôi tin chắc rằng một ngày kia Tây Tạng sẽ
thoát khỏi sự thống trị và hủy hoại của Trung Cộng. Có lẽ người Tây Tạng
sẽ kiến lập một nền dân chủ Phật giáo hoặc thi hành một định chế xã hội
dựa theo Phật pháp, và cống hiến cho chúng ta một tương lai mới mẻ. Quân
phiệt Miến Điện đã giam lỏng bà Aung San Suu Kyi lâu đến 6 năm, Gần đây
họ đã bị thúc đẩy giải phóng thích bà. Tôi tin rằng dũng khí đạo đức phi
phàm của bà rốt cuộc có ngày sẽ giải phóng nhân dân Miến Điện.
Sau hai mươi mấy năm chiến tranh và
giết chóc tàn bạo, không ai tin rằng Cam Bốt sẽ tái lập hòa bình. Lần
đầu tiên khi tôi ở trại tị nạn Cam Bốt trợ giúp Đại Sư Maha Ghosananda,
đó là việc rất gian khổ. Nhưng ông có quyết tâm rất lớn muốn dùng Thân,
Khẩu, Ý của ông để gieo hạt giống hòa bình. Ông yêu cầu chúng tôi phải
thực hành hòa giải và tọa thiền để cầu nguyện cho các tăng sĩ đối nghịch
và dân chúng Cam Bốt. Ông từng cầm đầu hai chuyến đi bộ cho hòa bình
băng qua những chiến khu. Ông đã góp công vào Chuyến Đi Bộ Hòa Bình Từ
Auschwitz Tới Hiroshima, từ ngày 8-12-1994 đến ngày 15-8-1995. Những nỗ
lực dũng cảm này cần nên được ghi nhận.
Bản thân tôi đã hân hạnh phục vụ cho
hòa bình ở Thái Lan, đồng thời được cộng tác với những người bạn tốt
thuộc Tổ Chức Phật Tử Quốc Tế Dấn Thân (INEB: The International Network
of Engaged Buddhists). Tổ chức này có quan hệ với “Hội Hữu Nghị Phật
Giáo Hòa Bình” (Buddhist Peace Fellowship) ở Hoa Kỳ và với những tổ chức
tương tự ở Âu Châu và Nhật Bổn. Chúng tôi phụng sự để giải thoát chính
mình khỏi những căn nguyên của đau khổ và để thách thức những hệ thống
áp bức con người.
Tuy ở Á Châu có áp bức xã hội và
chánh trí, cùng với vấn đề phá hoại môi sinh, nhưng tôi cho rằng nơi đây
có triển vọng thực hiện được đổi mới xã hội và giải phóng con người, vì
chúng ta có nhiều người cộng tác với nhau như là những “những người bạn
tốt” (kalayanamitta)
Đức Phật dạy rằng những người
kalayanamitta thật là quan trọng đối với mọi người. Chúng ta cần có
những người bạn tốt, người đồng hành tốt và tình bạn tốt. Chúng ta có
thể học từ tha nhân cách phát triển chính mình và các tự giúp mình và
giúp xã hội của chúng ta trở thành an lạc và công bằng. Một khi chúng ta
biến cải ý thức mình để trở thành ít vị kỷ hơn, kế đó chúng ta lại có sự
trợ giúp của những người bạn tốt, thì chúng ta có thể biến cải xã hội để
thoát khỏi sự áp bức và lợi dụng con người. Điều đó chẳng phải là chuyện
dễ dàng, nhưng có thể thực hiện.
Những người trong chúng tôi thuộc Tổ
Chức Phật Tử Quốc Tế Dấn Thân (INEB) đang cố gắng. Đương nhiên là chúng
tôi cần có thêm nhiều người bạn tốt (kalayanamitta), để họ phê bình và
hợp tác với chúng tôi, để chúng tôi sớm giải thoát chính mình và đồng
loại ra khỏi đau khổ. Tôi tin chắc rằng với hạt giống hòa bình và cách
vun trồng thích đáng thì triển vọng này của Phật giáo trong thế kỷ 21 sẽ
thành sự thật.
Hòa Thượng P.A. Payutto nhắc nhở
chúng tôi rằng muốn cho nhân loại được hạnh phúc cần phải có tự do trên
ba giai tầng:
Loại tự do thứ nhất là được tự do
sống với thiên nhiên. Chúng ta có thể gọi điều này là tự do sinh lý. Đây
là tự do khỏi bị thiếu thốn và nghèo túng: có đủ tiếp liệu cho bốn nhu
cầu cơ bản của đời sống: thực phẩm, y phục, chỗ ở và thuốc men. Điều này
cũng gồm cả tự do đối với những nguy hiểm thiên nhiên, và có khả năng
đối phó với những nguy hiểm đó khi xẩy ra.
Loại tự do thứ nhì nằm trong sự liên
hệ giữa chúng ta và tha nhân. Chúng ta cần có tự do xã hội để chúng ta
có thể chung sống an toàn mà không bị người khác bóc lột.
Nhưng hai loại tự do nêu trên sẽ
không có hiệu lực đích thực nếu chúng ta không được liên kết với loại tự
do thứ ba. Đây là tự do nội tâm, tức là tự do ở giai tầng cá nhân. Tự do
nội tâm là gì? Khi đã có do sinh lý và tự do xã hội, người ta cần phải
học cách sống độc lập, cảm thấy an vui và hài lòng trong thân tâm mình.
Loại phát triển quan trọng nhất là phát triển con người trên giai tầng
cá nhân, dẫn tới tự do nội tâm.
Đây là thứ hạnh phúc độc lập hơn đối
với những ngoại cảnh, nhờ nó chúng ta sẽ không còn phải lệ thuộc vào
chuyện khai thác thiên nhiên hoặc đồng loại của mình. Chúng ta ngày càng
giàu khả năng tìm thấy sự hài lòng trong tâm mình và qua trí huệ mình.
Có thể cảm thấy hài lòng tự mãn mà không cần phải khai thác thiên nhiên
hoặc đồng loại tức là có thể hài lòng tự mãn một cách độc lập đối với
những điều kiện tự nhiên và xã hội. Khi đã có loại hạnh phúc độc lập hơn,
thì tự do xã hội và tự do sinh lý sẽ được bảo đảm và vững mạnh hơn. Lúc
đó nhân loại sẽ có mối liên hệ tốt đẹp nhất với cả môi sinh thiên nhiên
lẫn xã hội loài người.
Ngày nay, và nhất là ở Tây phương,
đường lối thông thường để chữa những chứng bệnh xã hội và vận dụng sự
sửa chữa xã hội; hình thức ngụy khoa học này vận dụng trên một căn bản
hoàn toàn lý trí. Trái lại, chúng ta vận dụng trên căn bản Phật giáo để
hòa hợp giữa đầu óc và trái tim, chúng ta phát triển an lạc nội tâm và
gieo hạt giống hòa bình, chúng ta dùng thức tỉnh nội tâm cao độ để giải
quyết những vấn đề xã hội một cách bất bạo động. Phật giáo, vốn nhấn
mạnh sự tương quan giữa tất cả mọi thứ trên đời, với giáo lý từ bi đối
với tất cả chúng sanh và chủ trương bất bạo động, và với sự quan hoài
đối với mọi sự sống, đã giúp cho một số người Tây Phương có những cái
nhìn sâu rộng hơn về sự liên hệ giữa hòa bình và công lý của xã hội, môi
sinh, chủng tộc, và giới tính.
Hòa Thượng Buddhadasa, một nhân vật
lãnh đạo của Phật giáo Thái Lan, đã hình dung ra một xã hội tốt đẹp và
công bằng phù hợp với nhãn quan của ông về một trạng thái thiên nhiên
vốn có, hoặc cảnh huống tương lập sống chung giữa nhân loại, trong hòa
hợp và quân bình. Trong bản chất của nó, một trạng thái thiên nhiên như
vậy là vô ngã; các cá thể không vì lý do tự ngã mà chấp trước chính mình.
Nhưng một khi mất đi trạng thái thuần chân này, cá nhân sẽ chịu khống
chế bởi chấp thủ và dục vọng không bờ bến. Do đó, chúng sanh cần phải
tìm đủ phương cách để trở về với lối chung sống hài hòa, thương yêu và
tôn trọng lẫn nhau. Trên giai tầng cá nhân, một người đạt được trí huệ
Bát Nhã nhờ gia tăng chánh niệm, trì tục chuyên chú, và nhờ Định, để
vượt ra khỏi tham sân si. Trên giai tầng xã hội, những người cầm quyền
cần nên nâng cao những chính sách kinh tế, xã hội và chánh trị để đáp
ứng với những nhu cầu vật chất căn bản, và kế đó đưa ra một chính sách
phát triển quân bình trong đó những vấn đề tinh thần được đặt vào đúng
vị trí quan trọng của chúng.
Viễn kiến của Tỳ-Kheo Buddhadasa về
một thế giới hài hòa sống theo Phật pháp có thể được mô tả theo ba
nguyên tắc cơ bản: Lợi ích cho toàn thể, tự chế và rộng lượng, tôn kính
và từ bi. Nguyên tắc “lợi ích cho toàn thể” đặc căn bản trên thế
giới quan của Phật giáo Nam tông về duyên khởi. Theo quan điểm này,
không có thứ gì hiện hữu độc lập; mọi thứ đều cộng tồn tương lập với
nhau như là thành phần của một tổng thể. Điều này đều đúng ở bất cứ giai
tầng nào: từ những phân tử hóa học, cho tới con người, xã hội và vũ trụ.
Toàn thể vũ trụ hiện hữu trong sự tương quan lẫn nhau. Vô số các ngôi
sao trên trời cùng hiện hữu với nhau là nhờ hệ thống tương quan này. Nhờ
đó mà mặt trời, các hành tinh, kể cả địa cầu, có thể tồn tại và không
đụng vào nhau.
Để mưu cầu lợi ích cho toàn thể,
chúng ta một mặt phải hạn chế dục vọng tự ngã, mặt khác phải tích cực
rộng lượng đối với tha nhân. Tỳ-Kheo Phật Sứ noi gương Đức Phật và tăng
đoàn, nhưng ông cũng tìm kiếm những tấm gương đơn giản hơn trong quá khứ
về những đức hạnh này. Ông nói: “Tổ tiên chúng ta dạy rằng chúng ta nên
tận lực xúc tiến tương y cộng tồn của tất cả chúng sanh. Tất cả chúng
sanh đều có thể sinh tồn để tổ chức thành xã hội, một tập thể cùng nhau
hưởng lợi. Đây là tác phẩm của thiên nhiên. Nếu thiên nhiên thiếu vắng
đặc tính này, tất cả chúng ta sẽ diệt vọng.” Những người hiểu biết
nguyên lý này đều cố gắng chia sẻ với tất cả các loài sinh vật những gì
mà họ có, thậm chí họ coi ruộng nương của mình là để cho cả những loài
thú vật sống ngoài đồng ruộng được hưởng thực phẩm cùng với chính họ.
Vũ trụ mà chúng ta cùng nhau cư trú kêu gọi chúng ta phải sống theo
những nguyên tắc tôn trọng tha nhân và tích cực truy cầu hạnh phúc cho
họ; đây tức là biểu hiện lòng từ bi. Trên phương diện này, Tỳ-Kheo Phật
Sứ trở thành người thúc đẩy hòa bình, khiển trách chiến tranh và tất cả
hình thức bạo lực đối với nhân loại và môi sinh.
Thầy Thích Nhất Hạnh đặc biệt nhấn
mạnh bất nhị luận trong giáo lý của ông. Ông nói rằng trong sinh hoạt
hằng ngày các cá nhân nên tâm niệm hòa bình, như vậy tức là góp phần
tranh thủ hòa bình cho thế giới. Ông nhấn mạnh sự liên tục giữa nội tại
và ngoại tại, ông gọi thế giới là “Đại Ngã” của chúng ta, đồng thòi kêu
gọi chúng ta tích cự trở thành đại ngã này và săn sóc nó. Trong thời kỳ
chiến tranh Việt Nam, Chúng Tiếp Hiện do ông thành lập là truyền nhân
của tông phái thiền Lâm Tế. “Tiếp Hiện” là một hình thức của Phật giáo
dấn thân vào sinh hoạt hằng ngày và xã hội. Căn cứ vào chủ trương của
Thầy Nhất Hạnh đối với giáo đoàn Tiếp Hiện thì chữ “tiếp hiện” có thể
dịch sanh Anh ngữ là “interbeing” tức là “Cộng sanh.” Ông giải thích thế
này: “Ở trong một tờ giấy, chúng ta có thể trông thấy mọi vật khác, như
đám mây, rừng cây, người đốn cây. Tôi hiện hữu, cho nên bạn hiện hữu.
Bạn hiện hữu, cho nên tôi hiện hữu. Đây là ý nghĩa của chữ Cộng sanh này.
Chúng ta sống liên đới với nhau.”
Ông nói tiếp: “Tôi biết đời trước
chúng ta từng là những cái cây, thậm chí đời này chúng ta vẫn tiếp tục
là cây. Nếu không có cây, thì không thể có nhân loại; cho nên cây và
nhân loại là cộng sanh vậy. Chúng ta là cây, không khí, bụi cỏ và đám
mây. Nếu cây không thể sinh tồn, thì nhân loại cũng không thể sinh tồn.
Chúng ta sinh bệnh, bởi vì chúng ta đã làm hư hại chính môi sinh của
mình; tâm thần chúng ta đau khổ cực độ, bởi vì chúng ta đã xa lìa mẹ
đích thực của chúng ta, Mẹ Thiên Nhiên.”
Chúng Tiếp Hiện đặc căn bản trên 14
nguyên tắc của Thầy, căn cứ vào ngũ giới Phật giáo mà biến chế nên; mục
đích là để đáp ứng với những vấn đề xã hội và hòa bình, để người tham
gia khi đối diện với nhu cầu của cộng đồng lớn có thể kiểm nghiệm hành
vi của mình, đồng thời cũng để họ có thể thoát ra khỏi sự bó buộc của
những qui tắc cũ. Những giới điều này đều nhằm vào Thân, Khẩu, Ý của
chúng ta.
Điều thứ nhất của họ là: “Đừng tôn
thờ hoặc buộc chặt vào bất cứ giáo điều, lý thuyết hoặc ý thức hệ nào,
ngay cả những lý thuyết Phật giáo. Mọi hệ thống tư tưởng đều chỉ là
phương tiện dẫn đường: Chúng không phải là chân lý tuyệt đối.”
Khi thảo luận về giới điều này, Thầy
Nhất Hạnh viết: “Nếu trên tay bạn có một khẩu súng, bạn có thể giết chết
1, 2, 3, 4, 5 người; nhưng nếu bạn có một ý thức hệ và cố chấp nó, cho
rằng nó là chân lý tuyệt đối, thì bạn có thể giết chết hàng triệu người.”
Ông còn nói: “Hòa bình chỉ có thể đạt được khi chúng ta không cố chấp ý
kiến, khi chúng ta không cuồng tín. Khi bạn càng quyết tâm thực hành
giáo điều này, thì bạn càng đi sâu vào thực tại và càng hiểu rõ Phật
pháp.”
Một giới điều khác khích lệ chúng ta
không nên trốn tránh tiếp xúc với đau khổ, mà hãy nên tìm cách gần gũi
những người đang đau khổ. Một giới điều khác kêu gọi chúng ta đừng tích
lũy tài sản, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang đói khát.
Những điều này tạo nên những chỉ đạo
và một ý thức về chính nghĩa xã hội và công tác hòa bình. Ý thức này đặt
nền móng vững chắc trong những nguyên tắc Phật giáo, trong cá nhân và
trong sự tu tập chánh niệm của chúng ta.
Điều thứ bảy, có lẽ là giới trọng yếu
nhất, và cũng là trụ cột của các điều khác: Đừng để mình lạc vào sự tán
loạn hoặc lạc vào cảnh vật xung quanh mình. Hãy học để thực hành Quán Hô
Hấp, để thân tâm được thanh tịnh, hãy tu tập sự giác tỉnh, phát triển
chánh niệm và chánh tri.
Những nguyên tắc chỉ đạo này là sự
kết hợp từ Ngũ Giới với những yếu tố trong Bát Chánh Đạo. Tôi tin rằng
Thầy Nhất Hạnh muốn phát huy ngũ giới truyền thống là vì ông thấy rằng
chúng có thể - và đã từng - bị giải thích theo cách khuyến khích người
ta xa lánh thế gian khiến người ta thụ động khi đối diện với chiến tranh
và bất công trong xã hội, và tự tách mình ra khỏi vận mệnh chung của
nhân loại.
Khi viết lại những giới điều của Phật
giáo, ông phản bác xu hướng đó. Để hướng dẫn chúng ta chú tâm vào sự
liên hệ mật thiết giữa chúng ta và chúng sanh, ông kêu gọi chúng ta thể
nghiệm tính cách liên tục giữa thế giới nội tại và thế giới ngoại tại;
kêu gọi chúng ta phải hợp tác với nhau trong nỗi lực tìm ra cái chân lý
nuôi dưõng chánh nghĩa và tạo hòa bình.
Tôi hy vọng rằng những điều tôi đã
nói trên đây sẽ hữu ích đối với các đạo hữu Phật tử, và đối với tất cả
những ai thực sự quan tâm tới sự phát triển của Phật giáo khi chúng ta
đối diện với thế kỷ thứ 21 của thời đại Cơ Đốc giáo.
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|