Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
PHẬT GIÁO HƯỚNG DẪN THẾ KỶ 21
Dịch Giả: Thích
Viên Lý
THAM LUẬN XII
SỰ HỘI NHẬP CÓ HỆ THỐNG CỦA THIỂN QUÁN
PHẬT GIÁO Ở BẮC MỸ
Michael Drunmond
Khi xét tới sự phát triển của Phật giáo hướng về thế kỷ 21, tôi muốn chú
trọng vào sự bành trướng của thiền quán Hoa Kỳ. Điều này được đặt trên
tiền đề rằng một số hình thức thiền quán của Phật giáo là những phương
pháp có nhiều hiệu quả nhất, và có tính cách khoa học nhất, để thanh
tịnh hóa cái tâm của con người.
Tôi xin bắt đầu bài nói chuyện này
với một cái nhìn khái quát về sự phát triển của Phật giáo ở Hoa Kỳ trong
100 năm qua. Đây là một đề mục rất rộng lớn và trọng yếu, vì vậy xin quí
vị tha lỗi cho tôi về điều thiếu sót.
Những Biến Thiên Xã Hội ở Hoa Kỳ Sau Thế Chiến II
Trong thập niên 1960, nước Mỹ có sự
xáo trộn xã hội kịch liệt. Giới trẻ tuổi bắt đầu hoài nghi, thách thức
và chống đối những đạo đức quan hẹp hòi của cha mẹ họ và chính phủ Mỹ.
Phong trào biến thiên xã hội này xảy ra theo nhiều hình thức khác nhau,
và là kết quả của vô số những suy đồi về chính trị và xã hội, vì các
lãnh tụ chính trị và xã hội đã vi phạm những giới luật đạo đức Mỹ.
Tôi xin kiểm thảo một số hiện tượng
trong thập niên 1950 và xét xem tại sao chúng là một chất xúc tác đối
với những xáo trộn trong dân chúng và cộng đồng Mỹ trong thập niên 1960.
Trong thập niên 1950, giới chuyên
nghiệp bắt đầu bị mất việc làm; một số người còn mất cả những gì nhiều
hơn là việc làm, chỉ vì họ đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để
chỉ trích chính sách chống cộng quá khứ của chính phủ. Tuy nhiên, phần
đông người Mỹ trong thời kỳ này – được gọi là thời đại McCarthy – không
nói tới chính trị hoặc những bất công xã hội.
Những vết rạn nứt bắt đầu hiện ra
trong cấu trúc của xã hội Mỹ với sự xuất hiện của một trào lưu văn hóa
mới gồm các thanh niên nam nữ da trắng mà một số thuộc gốc Do Thái và Ái
Nhĩ Lan. Họ được gọi là những “Beatniks.” Một trong những thành quả quan
trọng nhất của phong trào Beatnik là sự tiến hóa của một thể loại thi
văn đặc thù trong đó những giá trị truyền thống Mỹ thường bị bác bỏ. Thể
loại văn chương của họ được gọi là “Văn chương và Thơ Beat.”
Giới Beatnik đặc biệt chịu ảnh hưởng
từ Phật giáo Thiền Nhật Bổn mà họ đã gặp ở San Francisco và New York qua
một số Thiền sư Nhật Bổn. Họ cũng bắt đầu đọc những bản dịch Kim Cang
Kinh và Tâm Kinh, cùng những tác phẩm của các học giả và các nhà phiêu
lưu Tây phương từng học hỏi về giáo lý của Đức Phật Thích Ca khi họ
viếng Á Châu trong thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20.
Người ta có thể nhận thấy những giòng
tư tưởng Phật giáo chẩy qua Văn Chương Beat. Nhà văn Jack Kerouac viết
cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Dharma Burns (Những Khất Sĩ Đạo Pháp)
trong đó Kim Cang Kinh giữ một vai trò quan trọng. Rồi tới những bài thơ
của Gary Snyder, chịu ảnh hưởng sâu đậm từ điều ông học được từ Thiền
Nhật Bổn và các thi sĩ Trung Hoa đời Đường. Gary Snyder là một trong
những người Mỹ đầu tiên trong thời đại này đã sang Nhật để nghiên cứu
Thiền (và học chữ Hán) trong những tự viện khác nhau. Thi sĩ Alên
Ginsberg là cột trụ của Văn Chương Beat. Ông là cây cầu giữa các
Beatniks của thập niên 1950 với các “Flower Children” của thập niên
1960. Một số thi phẩm tuyệt tác của ông là những bài thơ nói tới Phật
giáo.
Một thí dụ về những sách do các học
giả Tây phương viết về Phật giáo vào đầu thế kỷ 20 là cuốn The Tibetan
Bơok of the Dead (Sách tây Tạng Về Người Chết) do W.E. Evans-Went hiệu
đính, xuất bản lần đầu năm 1927. Evans-Wentz là một tiếng sĩ tốt nghiệp
Đại Học Oxford chuyên nghiên cứu về các tôn giáo. Trong khi du hành ở Ấn
Độ ông gặp một vị lạt-ma Tây Tạng và trở thành môn đồ của vị lạt-ma này
– là người đã phiên dịch cuốn sách nói trên. Cuốn sách này cũng gồm có
cả lời giới thiệu của Sir John Wơodruff, vị học giả Tây phương nổi tiếng
nhất về Phật giáo Mật tông trong thập niên 1920 và cũng là một tiến sĩ
của Đại Học Oxford. Và cũng có cả lời mở đầu của Bác Sĩ Carl G. Jung,
người cộng sự nổi tiếng của Sigmund Freud và đã tách riêng ra khỏi
Freud để nghiên cứu về tiềm thức tập thể biểu hiện trong những biểu
tượng và những mạn-đà-la hiện ra trong những giấc mộng.
Một ảnh hưởng lớn khác đối với “Thế
Hệ Beat” là âm nhạc của giới người da đen. Người Mỹ da đen gọi âm nhạc
của họ là “The Blue” - mầu xanh này có nghĩa là buồn khổ, chán chường,
không thoả mãn, v.v… Nó gần với chữ “Dukkha” (Khổ) trong kinh điển Phật
giáo Pa-Li văn. Vào thời đó giới Beatniks là những người da trắng duy
nhất ở Mỹ thích nghe nhạc của người da đen và họ cũng là những người Mỹ
đầu tiên biết về Phật pháp. Điều đó khác hẳn với ngày nay: bây giờ rất
nhiều người thích nghe nhạc Blues và hiểu biết về một số khái niệm Phật
giáo.
Những Người Đi Trước Thế Hệ Beatnik
Những người đi trước thế hệ Beatnik
là một số học giả Tây phương sống ở Á Châu, họ thường là những người có
quan hệ với Đế Quốc Anh, Trong số đó có các nhà truyền giáo Cơ Đốc như
dịch giả James Legge. Họ cư trú tại Ấn Độ hoặc Trung quốc nhiều năm,
quen thuộc với ngôn ngữ ở những xứ đó. Những người khác với ngôn ngữ ở
những xứ đó. Những người khác như Hòa Thượng Nyanaponika Thera và Lạ Ma
Anagarika Govinda, cả hai đều là người gốc Đức và trở thành tăng sĩ.
Trong khi một số người khác, như Bác Sĩ Carl Jung và văn sĩ kiêm triết
gia Hermann Hesse thì không thường du hành sang đông phương, họ chỉ mang
tư tưởng Đông phương, giới thiệu cho độc giả và sinh viên Tây Phương.
Cuối thế kỷ 10, bà Helena petrovna
Blavatsky -- một người Nga – và các đệ tự của bà thành lập Hội Thông
Thiên Học (Theosophical Society). Bà Blavatsky là một trường hợp thú vị.
Theo lời bà kể lại, trong thập niên 1890, khi du lịch trong vùng Hi Mã
Lạp Sơn thì bà rơi vào trạng thái thiền định thâm sâu, và trong trạng
thái tinh thần đó bà đã được nghe Chúa Giê-su, Đức Phật Thích Ca, và các
vị Lạt Ma cao tăng cư trú tại linh giới hiện ra để nói chuyện với bà.
Những thánh giả này ban cho bà “Thiên Khải,” để giảng về những sợi dây
lên hệ chung giữa các tôn giáo. Sau này bà đem những thiên khải đó viết
thành cuốn sách nhan đề là “Isis Unveiled” (“Nữ Thần Isis Lộ Diện” –
Isis là tên một nữ thần Ai Cập). Cuốn sách này gây chấn động trong thành
phần xã hội Tây phương đã mất niềm tin đối với những tín điều Cơ Đốc
giáo. Trong những lần thiên khải khác bà được huấn thị hãy ở lại Ấn Độ
để tìm kiếm Phật Di Lặc, vị Phật tương lai. Một người Mỹ là Đại Tá H.S
Olcott – là người thân cận với các viên chức cao cấp trong chính phủ Hoa
Kỳ - cũng tham gia cuộc tìm kiếm này. Ông đã trở thành một đồng sự trung
thành với bà Blavatsky. Họ hợp tác thành lập một trung tâm ở Madras, Ấn
Độ. Và Đại Tá Olcott bắt đầu thường xuyên thăm viếng Tích Lan để nghiên
cứu Phật giáo qua Pa-li văn. Ông rất bận tâm khi thấy các nhà truyền
giáo Tây phương có những hành vi hủy hoại Phật giáo Tích Lan như thế nào.
Qua những công tác không mệt mỏi, với sự góp sức của một số người Tích
Lan, ông đã thuyết phục được chính phủ Anh quốc chận đứng sự phá hoại đó.
Một trong những thanh niên Tích Lan mà Đại Tá Olcott đã huấn luyện là
Anagarika Dhammapala, và ông này về sau đã phục hồi được khu di tích Bồ
Đề Đạo Tràng bị lãng quên từ đám cỏ hoang và rừng rậm. Ngày nay có một
pho tượng điêu khắc mô tả Đại Tá Olcott dựng trước cửa tòa nhà quốc hội
của Tích Lan, vì ông được xứ này coi như một vị anh hùng dân tộc.
Khi nhìn lại sự trưởng thành trong
việc nghiên cứu tư tưởng Đông phương ở Tây phương, cần phải đề cập đến
triết gia kiêm tiểu thuyết gia Aldous Huxley. Ông này đã phân tích xã
hội Tây phương, và trước Thế Chiến II ông tin rằng sự tự hủy diệt của
loài người đã gần kề và chỉ có thể tránh khỏi nhờ một cuộc chuyển hóa
trong tâm thức nhân loại. Trong khi đi tìm sự chuyển hóa này, Huxley bắt
đầu thực hành và phổ biến phương pháp thiền quán của phái Vệ-Đà trong Ấn
Độ giáo. Nhưng ông cảm thấy phương pháp này tiến triển quá chậm, cho nên
tới cuối thập niên 1940 ông bắt đầu thực nghiệm chấn mescaline và loại
nấm gây ảo giác mà ông cho rằng có thể giúp cho tâm trí con người trải
qua kinh nghiệm giống như trực tiếp nhận thức “Thượng Đế.” Từ những cuộc
thực nghiệm này Huxley đã viết cuốn sách nổi tiếng The Doors of
Perception (Những cánh cửa của Tri Nhận). Cuốn sách này đã thúc đẩy
nhiều người có học thức trong thập niên 1960 thực nghiệm chất hóa học
gây ảo giác LSD, từ đó thúc đẩy một số lớn thanh niên Tây phương trong
thập niên 1960 đi sang các nước Đông phương để thực tập thiền quán Phật
giáo và Ấn Độ giáo, sau khi họ thấy rằng chất LSD không đủ để giúp tâm
thức nhân loại chuyển hóa.
Tất cả những dịch giả, những người
diễn giải và những người phổ biến tư tưởng Đông phương và sự chuyển hoá
ý thức nhân loại – và cả Thế Hệ Beatnik – đã lớn mạnh giống như một cơn
thủy triều, cho tới khi nó tràn lên những bờ biển ý thức của nước Mỹ
trong thập niên 1960.
Cách Mạng Văn
Hóa Mỹ từ 1960 tới 1970
Trong thập niên 1960, những người
diễn giải và những người phổ biến tư tưởng Đông phương chủ yếu gồm:
1) Ban nhạc The Beatles: Ban nhạc kích động xuất phát từ Anh Quốc, họ
thực nghiệm chất LSD, và sau này quay sang thực nghiệm thiền quán.
2) Alan Watts (1915-1973): Ông đã thụ phong mục sư Cơ Đốc giáo, nhưng đã
từ bỏ tín ngưỡng cũ và hóa thân thành cha đẻ của Thiền Phật giáo Mỹ quốc.
3) Allen Ginsberg (1926-1977): Thi sĩ của Thế Hệ Beat có số tác phẩm
phong phú nhất và đã tiến xa nhất. Ông rất tán đồng dùng chất LSD vào
những mục đích tôn giáo, và sau này ông đến Ấn Độ để học các đại sư Ấn
Độ giáo. Về sau, ông chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng.
Ban nhạc The Beatles do John Lennon
cầm đầu đầu hiển nhiên là những người diễn giải có sức ảnh hưởng mạnh
nhất trong số đó, tuy có nhiều nhà tư tưởng mạnh nhất trong số đó, tuy
có nhiều nhà tư tưởng và nhà hành động khác cũng theo bén gót họ. Tới
năm 1965 John Lennon đã viết về những chủ đề Phật giáo trong các ca khúc
của ông. Trong tuyển tập đĩa hát “Revolver” (Súng Lục) có một bài ca
nhan đề là “Tomorrow Never Knows” (Ngày Mai Không Bao Giờ Biết). Mấy câu
mở đầu là: “Hãy khép tâm bạn lại, hãy buông thả và trôi theo giòng nước,
đây không phải là tử vong, đây không phải là tử vong sao?” Mấy câu này
dùng thể tài thơ để nói về thiền quán. Mấy câu kết thúc là: “Hãy chơi
trò chơi sinh tồn cho đến tận cùng của sự bắt đầu, bắt đầu.” Mấy câu này
trực tiếp đề cập đến quan niệm luân hồi. Lennon nói rằng ông đã viết
những lời ca này khi đọc cuốn Sách Tây Tạng Cứu Độ Vong Linh
Còn có bao nhiêu thí dụ khác cho thấy
ảnh hưởng của Đông phương trong những bài ca của ban nhạc The Beatles,
kể cả sự sử dụng nhạc khí Ấn Độ trong âm nhạc của họ. Có lẽ hành động có
sức ảnh hưởng mạnh nhất của họ là chuyến đi sang Ấn Độ để thực tập điều
mà họ đã cổ xúy: Thiền định! Điều đó đã mở cánh cửa ngăn nước cho thanh
niên Tây phương tràn sang Ấn Độ để học tập thiền định và môn Hatha Yoga.
Họ xuất phát từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc Châu và Tân Tây Lan, để tầm cầu giải
pháp cho những bất đồng sâu xa của họ đối với xã hội Tây Phương hiện đại
trong thập niên 1960; đó là những vấn đề mà các mục sư Cơ Đốc Giáo, các
linh mục và dì phước Thiên Chúa giáo, Kinh Thánh, và các chính phủ “dân
chủ” đã không thể trả lời được cho họ.
Một phần của loại tầm cầu này là tái
xác định những giới luật đạo đức. Họ đặc biệt phản đối hai giới luật
“không say sưa, không tà dâm.” Những chất say sưa được xem là con đường
để bành trướng ý thức nhân loại. Quan niệm này thoái hóa rất nhanh thành
việc sử dụng ma tuý như là con đường để được những người đồng trang lứa
tiếp nhận, và để chạy trốn những khốn cảnh trong đời sống. Tương tự như
vậy, sự cấm đoán tình dục trước khi kết hôn bị coi là vô nghĩa lý, từ
ngữ “tư do luyến ái” (free love) từ đó sanh ra. Đây là hai dấu hiệu lớn
“phản văn hóa” (counter-culture) trong thập niên 1960. Những thanh niên
đi theo lối sống này được gọi là “Flower Children.” Nhưng sự bất mãn của
họ đã thành hình như thế nào? Cho tới ngày nay, sau nhiều năm trôi qua,
câu hỏi này vẫn còn gây tranh cãi! Phần lớn nỗi khổ của họ là đến từ sự
nhận thức rằng lối sống của cha mẹ họ không đủ đem lại hạnh phúc; rằng
giáo dục nhà trường, sự nghiệp, hôn nhân và con cái đều ràng buộc với
nhau bởi sự giả dối và thỏa hiệp. Họ nhận ra rằng những lời nói của
những người bề trên đều có ý thao túng, đều là chân lý nữa chừng và lời
nói dối. Trong con mắt của những thanh niên này, những lời nói đó được
dùng để chiếm đoạt những thứ mà người ta không cho mình (như chủ nghĩa
thực dân, Chiến Tranh Việt Nam và chính sách kỳ thị người da đen), và
lãng phí tài nguyên địa cầu (phong trào bảo vệ môi sinh đã bắt đầu từ
đây).
Phật Pháp Bắt Đầu Đặt Nền Tảng trong
những Cơ Cấu Xã Hội Mỹ từ Thập Niên 1960 tới Thập Niên 1990. Phong trào
sang Ấn Độ của thanh niên Tây phương đã lan tràn rất nhanh đến cả các
quốc gia Đông Á: Nhật Bổn, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, v.v… Đây là một
phong trào lịch sử vẫn còn đang tiếp diễn. Trong lịch sử Tây phương, đây
là lần đầu có số đông thanh niên đi sang Đông phương để thu nhập kiến
thức về “Cuộc Đời.” Nó cũng có tính cách lịch sử là vì nó đã mở
đường cho sự trỗi dậy của các quốc gia Đông phương từ những đống tro tàn
của chiến tranh và những tàn tích của chủ nghĩa thực dân. Nó cũng
là một điềm báo trước để sau này các quốc gia Tây phương ngạc nhiên khi
nhìn sang Đông phương và trông thấy vùng Đông Á tăng trưởng kinh tế.
Những gì mà thanh niên Mỹ mang về
nước Mỹ có thể thấy rõ trong nhiều lãnh vực. Trong chính trị, cựu thống
đốc California và ứng cử tổng thống Jerry Brown đã từng học tập thiền
khá lâu trong một thiền viện ở Kamakura, Nhật Bổn. Trong nghệ thuật,
nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và diễn viên đã luyện tập thiền định Phật
giáo. Trong y khoa, ngành bệnh đau nhức mãn tính của Trung Tâm Y Khoa
thuộc Đại Học Massachusetts đã sử dụng phương pháp thiền Anapanasati và
những khái niệm cơ bản của giáo lý Phật giáo nguyên thủy để dạy cho
các bệnh nhân của họ hãy chấp nhận cái khổ do bệnh tật gây ra và từ đó
hãy khắc phục nó. Ngày nay có những công ty bảo hiểm y tế trả tiền cho
những chương trình mà các thân chủ của họ tới học những phương pháp
thiền định khác nhau – đa số là các phương pháp thiền định Phật giáo và
Ấn Độ giáo – để khôi phục hoặc gia tăng sức khoẻ của họ.
Như tôi đã nói, Cơ Đốc giáo chưa bao
giờ dạy một cách rõ ràng và thâm thúy về bản chất của đau khổ và cách
diệt khổ. Thương yêu người lân cận là một việc tốt, nhưng nếu trong lòng
bạn đầy những sân hận thì làm sao bạn có thể thương yêu? Ở trong thời
đại khoa học và tự do cá nhân này, nếu chỉ hướng về một đấng Thượng Đế,
mà mình không biết và không thấy, để cầu khẩn ngày hãy lấy đi Tham, Sân,
Si thì không đủ. Tương lai của việc hoằng dương Phật Pháp tại Mỹ Quốc là:
càng ngày càng nhiều người nhận thức được tham sân si của họ phát xuất
từ đâu. Vì thế, có nhiều nhà truyền giáo sĩ Cơ Đốc giáo và Thiên
Chúa giáo đang tham dự những khóa học thiền định Phật giáo.
Những Kho Tàng Đông
Phương Mà Giới Trẻ
Tây Phương Có Thể Tiếp Cận
Lần đầu tiên tối tiếp xúc với tư
tưởng Phật giáo là vào năm 1979 khi tôi đọc cuốn tự truyện của Alan
Watts nhan đề là In My Own Way (Theo Cách Riêng Của Tôi). Quyển sách này
thuật lại chuyện ông đã thay đổi từ một mục sư Cơ Đốc giáo thành một
trong những người khai sáng Thiền Phật giáo Tây phương, đây là một cuốn
sách trọng yếu, đáng được dịch ra các loại ngôn ngữ. Sau đó, tôi du hành
sang Hàn quốc để học về Thiền quán và văn hóa Á Châu.
Tôi tập luyện thiền tọa với tư cách
một hành giả tại gia, dưới sự chỉ đạo của Đại Sư Cửu Sơn và các đệ tử
tăng sĩ Hàn quốc và Tây phương của ông. Sau khi trải qua mấy năm như vậy,
tôi quyết định dành trọn thời giờ để nghiên cứu và thực hành Phật pháp.
Trong 5 năm kế đó, tôi đã sống với tư cách một người thế tục trong các
chùa và trung tâm thiền quán ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bổn, Đài Loan,
Nepal và Ấn Độ. Tôi học tập phương pháp của từng loại mà tôi đã tiếp xúc.
Đó là:
• Thoại đề.
• Shikantaza
• Anapanasati
• Phương pháp Mahasi
• Vipassana (pháp môn Nội quán do Đại Sư S.N.
Goenka truyền thụ).
Kho tàng của các quốc gia Đông phương
trân quý làm sao! Nhưng làm cách nào để mang báu vật Tam Bảo truyền bá
cho thanh niên Mỹ? Thanh niên Mỹ (nói rộng hơn là bao gồm tất cả Tây
phương) sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự ổn định trong tương lai của địa cầu.
Sự thách thức của Ma Vương rất lớn, nó gieo hạt giống bất mãn trong lòng
giới thanh niên của chúng ta. Thanh niên Mỹ quốc càng ngày càng không
tin vào Thượng Đế, Thánh Thần và Quỉ Sứ của cha mẹ họ. Giáo dục khoa học
và sự tiến bộ của khoa kỹ, đã làm lung lay tín ngưỡng của thanh niên đối
với giáo điều về sự Cứu Rỗi của Cơ Đốc giáo. Trong các nền văn hóa phi
Phật giáo, hầu như không thể nào khiến cho những người trẻ tuổi quan tâm
tới quan niệm Phật Bồ Tát, có mầu sắc thần thánh, của Phật giáo, sau khi
họ đã chối bỏ Jesu Christ và thế giới quan Cơ Đốc giáo. Nhưng khi người
ta thể nghiệm những lợi ích của thiền quán Phật giáo thì họ muốn chia sẻ
phương pháp tu tập đó với tất cả chúng sanh đang chịu đau khổ. Điều này
khác hẳn với sự hăng say của các nhà truyền đạo Cơ Đốc giáo cố gắng
thuyết phục mọi người rằng con đường cứu rỗi duy nhất là qua sự tin
tưởng vào Jesus Christ.
Vậy thì, các xã hội Phật giáo Đông Á
làm cách nào để cho thanh niên Mỹ - và thế giới Tây phương - tiếp cận
Phật pháp? Phưong thức hoằng dương Phật pháp trước đây ở Á Châu có lẽ
không thích hợp với khẩu vị Tây phương.
Vì pháp môn thiền Nội Quán của Phật
giáo nguyên thủy và pháp môn thiền định của Phật giáo Đại Thừa không
dựa cậy vào thần linh, cho nên những pháp môn này sẽ dễ được người Tây
phương tiếp nhận hơn. Ngoài ra, vì giáo lý trong kinh điển Phật giáo
nguyên thủy nói rõ ràng hơn và dùng ngôn ngữ dễ hiểu hơn so với những
giáo lý của Phật giáo Thiền tông, nhất là các phương pháp thiền định
Thoại-Đề và Công-Án rất khó hiểu đối với những người Tây phương thiếu
kinh nghiệm hoặc tâm trí tán loạn. Có lẽ chúng không thích hợp để giải
quyết những vấn đề mà giới thanh niên Mỹ đang phải đối phó.
Một kế
hoạch Nghiên Cứu có Hệ Thống về
Những Phương Pháp Nội Quán và Thiền Quán
Chúng ta nên lập một chương trình
nghiên cứu những kỹ thuật Nội Quán và thiền quán. Các khoa học gia và kỹ
sư Mỹ nên được hiến tặng những ngân khoản trợ cấp để họ tham gia những
khóa học thiền định dài hạn và thâm sâu; họ sẽ vừa thực hành vừa nghiên
cứu những kỷ thuật Nội Quán và Thiền Quán. Lúc đầu, tiền tài trợ phải
đến từ Á Châu. Điều này có nghĩa là trả lương cho các nhà khoa học Mỹ có
ý thích thực hành loại nghiên cứu này. Với công trình thu thập tài liệu
kỹ lưỡng, các nhà khoa học có thể đo lường những lợi ích và lập những kế
hoạch để hội nhập những kỹ thuật thiền định này vào những thành phần
khác nhau của xã hội Mỹ. Với công trình nghiên cứu tận tâm và kế hoạch
thận trọng, một chương trình như vậy có thể trở thành một thành phần
trọng yếu của thế giới hậu kỹ nghệ. Một chương trình như vậy sẽ cho thấy
chúng ta ý thức rằng mục tiêu của chúng ta trên hành tinh này không phải
là tích lũy tài sản mà là đạt được khai ngộ qua sự thanh tịnh hóa cái
tâm. Đối với đa số người, họ sẽ không thể nào vừa thực hành thiền định
trường kỳ - là phương pháp thanh thanh lọc cái tâm hữu hiệu hơn bất cứ
phương pháp nào khác - vừa kiếm những số tiền to lớn.
Đông Phương
Hóa Dân Chúng Tây Phương
Mấy chục năm qua, dân các nước Đông phương
đã trải qua một quá trình Tây phương hóa. Các chính phủ của cả hai phía
đều tích cực thúc đẩy quá trình đó bằng cách sắp đặt cho các sinh viên Á
châu sang Mỹ du học.
Vì thế, một tiến trình Đông phương hóa dành
cho dân Tây phương sẽ là một nỗ lực chưa từng có trong lịch sử vậy! Nếu
phương pháp thiền định của Phật giáo được các “Giáo Sĩ Cao Cấp” - tức là
các khoa học gia và kỹ sư - của xã hội Tây phương tiếp nhận, thì họ sẽ
mau chóng tìm ra những phương cách để áp dụng thiền định cho những nhu
cầu của xã hội Tây phương. Thiền định sẽ có thể được áp dụng trong những
địa hạt sau đây trong xã hội Mỹ:
1. Giáo dục
2. Các khu vực có tỉ lệ phạm pháp cao và các khu vực
nghèo khó.
3. Trong hệ thống ngục tù
4. Trong quân đội.
5. Các xí nghiệp lớn nhỏ
6. Người thất nghiệp.
Những chương trình đó nên thi
hành như sau:
1. Giáo dục
Bắt đầu từ bậc tiểu học, cho học sinh
học tập thiền định trong những khóa trình 3 ngày, với sự tham dự của cha
mẹ và thầy giáo ở những trình độ nào đó. Sự cải thiện trong thành tích
học vấn của học sinh sẽ có thể dễ dàng đo lường. Khi dạy phương pháp
thiền Anapanasati mà không đề cập tới Đức Phật và các vị Bồ Tát thì có
thể tránh được điều khoản về sự tách biệt giữa tôn giáo và chính phủ
trong hiến pháp Mỹ. Điều này sẽ chuẩn bị cho trẻ em tham gia những khóa
học tập thiền định tại các gia trại trong tương lai khi các em lên bậc
trung học và đại học.
2. Các khu vực có tỉ lệ phạm pháp cao và các khu vực nghèo khó
Việc huấn luyện phương pháp thiền
Anapanasati tại những trường tiểu học trong những “khu vực thí nghiệm”
trong các thành phố lớn ở Mỹ quốc sẽ có hiệu quả rõ rệt. Những khóa học
thiền đó nên được phối hợp với sự thuyết giảng về những điều như “5 trở
ngại”: tham dục, chán ghét, hoài nghi, bồn chồn, biếng nhác; “3 thứ độc
hại”: tham, sân, si; và Bát Chánh Đạo, chia thành Giới, Định, Huệ. Kế
hoạch này có thể áp dụng cho cả các hội đoàn thiếu niên, cho các thiếu
niên đã bỏ học ngang và bắt đầu nhập vào những hoạt động không lành mạnh
và chống lại xã hội.
3. Trong hệ thống ngục tù
Trong phần trên kia đã nói về nhân số
các nhà tù của nước Mỹ. Bao nhiêu thanh thiếu niên trong các thành phố
lớn đã gặp rắc rối với cảnh sát? Nhưng những người bị kết án tù 5 năm,
10 năm, 20 năm, hoặc tù chung thân sẽ có thể trở thành các đại Bồ Tát,
nếu mỗi ngày họ tọa thiền 10 hay 15 tiếng đồng hồ, trong thời gian bị tù.
4. Trong quân đội
Vì quân đội Mỹ là quân lực mạnh nhất
trên thế giới, nếu các sĩ quan tham gia những khóa học thiền định tại
các gia trang, thì lợi ích sẽ rất lớn lao đối với hòa bình của thế giới.
5. Các xí nghiệp lớn nhỏ
Việc kinh doanh giữ một vai trò chủ
yếu trong xã hội. Nếu tình trạng kinh doanh xấu, nhiều người sẽ khổ vì
thất nghiệp. Các doanh gia, các nhà quản trị, kỹ sư, các chuyên gia về
nghiên cứu và phát triển, vào giới công nhân đều cần có ánh sáng kiến và
làm việc siêng năng. Những khóa trình thiền định kiên trì tại các gia
trang, và sau đó thực hành thiền tọa hằng ngày, sẽ tự nhiên nâng cao óc
sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp của những người nói trên.
6. Người thất nghiệp
Một mối lo ngại hiện nay của những
người hoạch định chính sách kinh tế và những người làm công tác xã hội
là ảnh hưởng của sự diện toán hoá đối với giai cấp trung lưu. Có những
người tin rằng chẳng bao lâu nữa người ta sẽ không cần sử dụng tới công
nhân: kết quả sẽ tạo nên số người thất nghiệp hàng loạt. Lối nói như vậy
là quá lố, tuy nhiên, nó phản ảnh một xu hướng lo ngại rằng càng ngày
càng có nhiều người thất nghiệp – và do đó họ sẽ có quá nhiều thì giờ
rảnh. Vì thế, tôi xin hỏi, còn cách nào tốt hơn để người ta dành thì giờ
của mình vào việc tu thiền tại một gia trang để thanh lọc cái tâm của
mình? Thời gian tu thiền càng dài, tâm linh càng được tự tại. Nếu không,
người ta sẽ cả ngày ngồi xem những chương trình truyền hình suy đồi đạo
đức, càng ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá, rượu, ma túy, hoặc chơi vô số
trò chơi bằng máy điện toán - những trò chơi này bề ngoài có vẻ như giúp
cho tâm trí an nhiên, nhưng trên thực tế làm tăng thêm phiền não cực độ.
Kết Luận
Nếu kinh tế và xã hội Mỹ cứ vẫn còn
bất ổn định – và do đó dẫn tới bất ổn về tôn giáo – thì cả thế giới sẽ
bị phương hại. Các xã hội Đông Á có một lý do quan trọng để bảo vệ sự
lành mạnh của Mỹ quốc. Vậy thì phải làm sao đây?
Một Cuộc
Hành Trình Dài Muôn Dặm Bắt Đầu
Ở Bước Thứ Nhất
Một kế hoạch cho loại công trình như
vậy đã được vị đại sư thiền Nội Quán S.N Goenka đẩy động ở Ấn Độ. Học
Viện Thiền Nội Quán Quốc Tế (VIA – Vipassana International Academy) đặt
trụ sở trong tiểu bang Maharashtra, Ấn Độ, cách Bombay bốn tiếng đồng hồ
xe chạy, với các chi nhánh rải rác khắp Ấn Độ, Nepal, Bắc Mỹ Châu, Âu
Châu, Nhật Bổn, Thái Lan, Úc Châu và Tân Tây Lan. Học viện này đã hầu
như độc lực làm tái sinh việc thực hành thiền Nội Quán cho những con số
đông đảo tín đồ Ấn Độ giáo, và cả những con số đông đảo tín đồ Ấn Độ
giáo, và cả những tín đồ của các tôn giáo thiểu số khác ở Ấn Độ, như Cơ
Đốc giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo (jainism), Tích Khắc giáo (Sikhism).
Học Viện Thiền Nội Quán Quốc Tế đã
thiết kế những chương trình dạy thiền định tại các trường học, nhà tù,
các cơ quan chính phủ và các xí nghiệp. Phương pháp huấn luyện thiền Nội
Quán của họ được bao gồm trong một khóa trình thiền quán kéo dài 10 này
mà Đại Sư S.N. Goenka gọi là “Khóa Học Đạo Pháp” (Dhamma Seminar) Phong
cách huấn luyện của họ là phi tôn phái, nhưng lại có thể rất hiệu quả để
hướng dẫn học sinh lượng giá và nắm vững những giáo lý cơ bản của Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni.
Kết Ngữ
Tôi là một sinh viên theo học giáo
pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Với một quá khứ Cơ Đốc giáo của Tây
phương, tôi có một quan điểm trung lập đối với một vài tranh luận mà tôi
đã chứng kiến giữa các tông phái Phật giáo khác nhau; mong rằng có ngày
tôi sẽ có thể nói chuyện với quý vị về những chuyện đó.
Ngay bây giờ thì tôi chỉ xin kêu gọi mỗi vị nhân sĩ tham gia đại hội này
hãy gác bỏ những thiên kiến riêng, và khi quí vị có thì giờ xin hãy tham
dự một khóa trình thiền Nội Quán 10 ngày theo phương pháp của Đại Sư S.N.
Goenka để chứng kiến hiệu quả của thiền Nội Quán, và cũng để chứng kiến
và phân tích hiệu quả của hệ thống thiền Nội Quán trong việc hoằng dương
Phật pháp một cách rộng rãi tới những người không phải là Phật tử. Đến
đây tôi xin kết thúc bản luận văn. Xin cảm ơn quý vị đã nhẫn nại lắng
nghe những nhận xét và ý kiến của tôi.
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|