Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
PHẬT GIÁO HƯỚNG DẪN THẾ KỶ 21
Dịch Giả: Thích
Viên Lý
THAM LUẬN XIII
PHẬT GIÁO ĐÀI LOANHƯỚNG VỀ THẾ KỶ 21:
TRIỂN VỌNG & ĐỀ NGHỊ
Giang Xán Đằng
(Nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Đài Loan,
giảng sư Đại Học Thanh Hoa)
1. Động lực của Bài Khảo Luận Này
Cuộc Hội Thảo Học Thuật Quốc Tế Lần
Thứ 8 với chủ đề “Triển Vọng của Phật Giáo trong thế kỷ thứ 21,” do Sở
Nghiên Cứu Phật giáo Tịnh Giác bảo trợ, với chủ ý mong muốn những người
tham dự đưa ra những ý kiến thâm thúy hàng loạt những đề mục, như giới
Phật tử nên tự xác định địa vị của mình trong thế kỷ 21, trong khi hoằng
dương Phật pháp, thành lập lý thuyết chỉ đạo tinh thần và xúc tiến thực
hiện tịnh Phật quốc độ.
Vì lãnh vực nghiên cứu của tôi là
Phật Giáo Sử Đài Loan, vào tháng 7 năm nay (1995) tôi mới xuất bản sách
“Cải Tiến và Phát Triển Phật Giáo Đài Loan” (Hội Cơ Kim Văn Giáo Tịnh
tâm Cao Hùng xuất bản), cuốn sách đó phù hợp với chủ đề đại hội lần này.
Ở đây tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về triển vọng của Phật giáo
trong thế kỷ 21 để đáp ứng với sự nhìn xa trông rộng của cuộc hội thảo
này.
2. Duyệt Xét Những Vấn Đề Hiện Nay
Lịch sử Phật giáo Đài Loan trong 100
năm qua có thể chia thành hai gia đoạn: Giai đoạn thứ nhất chịu ảnh
hưởng Phật giáo Nhật Bổn rất mạnh; giai đoạn thứ nhì là ảnh hưởng từ
Phật giáo Trung Hoa lục địa. Phật giáo Đài Loan ngày nay – đã chuyển
biến và tiến hóa từ Phật giáo Nhật Bổn kể từ năm 1948 - cần phải được
tái điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi tận gốc rễ của xã hội.
Có lẽ, có người sẽ hỏi: Hoàn cảnh
Phật giáo Đài loan đã có những biến thiên gì để cần phải có một cuộc
tổng phản tỉnh và đại điều chỉnh? Đây là một vấn đề liên quan tới nhiều
phương diện, vì vậy bài biên khảo ngắn này không thể luận sâu được.
Nhưng tôi xin trình bầy mấy điểm sau đây:
Vấn đề thứ nhất là đa nguyên hóa và
“dị chất hóa” của tổ chức Phật giáo. Trước khi chính quyền bãi bỏ Quân
Luật giới nghiêm ngày 14-7-1987, tổ chức Phật giáo cấp trung ương của
Đài Loan là Hội Phật Giáo Trung Hoa và các tổ chức phân hội trực thuộc.
Những tổ chức không thuộc Hội Phật giáo Trung Hoa, bị hạn chế phát triển
một cách đáng kể. Sau khi giải trừ giới nghiêm, pháp luật cho phép tổ
chức đa nguyên hóa, theo như Đạo Luật về Hội Đoàn Dân Sự ban hành tháng
giêng năm 1989, thế là các tổ chức Phật giáo nối nhau xuất hiện. Sau khi
thoát ra khỏi ảnh hưởng chế tài của Hội Phật Giáo Trung Hoa, các tổ chức
Phật giáo mới này có khuynh hướng ngả theo những phẩm chất ngoại lai khi
họ được tự do mọc ra như nấm và tự do cải cách miễn rằng họ không đánh
mất tiêu chuẩn trong việc giải thích Phật giáo theo kinh điển truyền
thống.
Hãy lấy trường hợp Nhất Quán đạo và
Thanh Hải: Họ xuyên tạc và giải thích sai lạc Phật pháp, nhưng không có
luật lệ gì để ngăn cản họ làm như vậy. Không ai có thể làm gì đối với
những hành vi cố ý dị hóa chất này, ngoại trừ vài bài viết trên các đặc
san Phật giáo để phê phán họ. Vì vậy, đang có sự đe dọa và thử thách bao
trùm lên sự toàn vẹn của cộng đồng Phật giáo Đài Loan.
Vấn đề thứ nhì là sự chuyển giao
quyền lãnh đạo trong tổ chức Phật giáo Đài Loan. Vấn đề này bề ngoài có
vẻ như chẳng có gì quan trọng và cấp bách. Nhưng sự thật không phải như
vậy. Tại sao? Bởi vì vấn đề này chẳng phải chỉ là sự có mặt hay vắng mặt
người lãnh đạo trong tổ chức Phật giáo nào đó hoặc chỉ cần đầu phiếu hay
chỉ định người lãnh đạo mới. Nếu như vậy thì sự chuyển giao quyền lãnh
đạo sẽ giống như trước đây: sau ngày trưởng lão Hòa Thượng Bạch Thánh
viên tịch thì Hội Phật Giáo Trung Hoa dã do trưởng lão Hòa Thượng Ngộ
Minh lên kế vị để lãnh đạo; và sau khi trưởng lão Hòa Thượng Ngộ Minh từ
chức thì do trưởng lão Hòa Thượng Tịnh Tâm thừa kế.
Nhưng, theo ý tôi một vị lãnh đạo
Phật giáo mang nhiều trọng trách hơn là một danh hiệu tượng trưng. Vị
lãnh đạo đó phải là một Phật tử gương mẫu biểu lộ những đức hạnh về
nghiên cứu Phật pháp, về giáo dục xã hội, và nhất là thành tích tu hành
xứng đáng với địa tối cao cả trên phương diện tượng trưng lẫn phương
diện thực tế.
Chẳng hạn như trưởng lão Hòa Thượng
Ấn Thuận, người có nhiều sáng kiến trong việc diễn giải Phật pháp, tuy
vẫn còn khoẻ mạnh nhưng đã 90 tuổi. Nhưng ai là người thừa kế ông? Đến
nay vẫn chưa biết được. Tương tự như vậy, ở bên Trung Hoa Lục Địa, sau
khi học giả Lu Ch’en qua đời, cho tới nay vẫn chưa xuất hiện người xứng
đáng để thừa kế. Cho nên, việc chuyển giao quyền lãnh đạo một cách thích
đáng cho những Phật tử ưu tú cần nên được chú ý.
Vấn đề thứ ba là sự quân bình giữa
việc địa phương hóa của Phật giáo và thầm thức quốc tế của Phật giáo Đài
Loan. Sự phát triển gần 100 năm nay của Phật giáo Đài Loan, cứ mãi chịu
ảnh hưởng thế lực Phật giáo ngoại lai, mà thiếu đặc sắc bản thân; tuy
rằng tình huống này có giúp cho Phật giáo địa phương thêm phong phú.
Trong thời hậu chiến nửa thế kỷ qua, Đài Loan đã được công nhận là địa
khu phát triển Phật giáo mạnh nhất trên toàn cõi Trung quốc, vậy thì
Phật giáo Đài Loan không nên thiếu những đặc điểm riêng của ninh. Nếu
không, người đời sau sẽ phê phán rằng Phật tử Đài Loan đời nay chỉ biết
ghi chép thành quả của người khác, thiếu sức sáng tạo và lỡ cơ hội tốt
phát triển đặc sắc bản thân. Những tổ chức Phật giáo như Hội Từ Tế Công
Đức v.v... tuy có quy mô và ảnh hưởng rộng lớn; nhưng hãy thử hỏi đâu là
những đặc tính địa phương của họ? Cần phải cứu xét vấn đề này một cách
cẩn thận, nếu không việc địa phương hóa Phật giáo sẽ vẫn chỉ là một cao
vọng không có căn bản và một mục tiêu xa vời.
Trong khi đó, cộng đồng Phật tử Đài
Loan đã có những nổ lực lớn lao trong việc bành trướng ảnh hưởng của
mình trên thế giới, bằng cách thiết lập nhiều phân nhánh ở hải ngoại.
Tuy nhiên, trào lưu này chỉ nhắm vào giới người Hoa làm đối tượng, và
phần lớn chỉ giới hạn trong những hoạt động về tài chánh và từ thiện. Vì
vậy, cộng đồng Phật tử Đài Loan cần phải nói lên tiếng nói bản thổ của
mình để khỏi bị lấn át bởi bởi những ảnh hưởng ngoại lai.
Vấn đề thứ tư là xu hướng công lợi
hóa và chi tiêu quá lãng phí trong những hoạt động Phật giáo. Những hoạt
động của Phật giáo Đài Loan ở xã hội Đài Loan ngày nay được coi trọng và
có sức ảnh hưởng xã hội lớn lao. Nhờ đó, mặt kinh tế thu nhập tại các
đạo trưởng cũng cải thiện nhiều. Những quyên góp của tín đồ, trên cơ bản
là đến từ xã hội kinh tế tốt đẹp, mới có của dư tán trợ hoạt động Phật
giáo. Nhưng trong các dịp cử hành lễ nhiều pháp hội thường quảng cáo
danh tánh của người hiến tặng và số tiền mà họ cúng dường. Những hành vi
giống như thương mại như vậy thật là sai trái, dễ khuyến khích người ta
có thái độ coi trọng ích lợi thực tế, do đó trong trường kỳ sẽ xa lìa sự
trong sạch của Phật giáo.
Mặc khác, phương diện kiến thiết, sở
phí của những công vụ Phật giáo ngày càng cao trong khi chức năng thì
thấp. Chẳng hạn như những cơ sở giáo dục tôn giáo cao đẳng mọc ra như
nấm một cách không tương xứng với số người theo học đã khiến nguồn tài
chánh của giới Phật giáo khô cạn. Một khi hoàn cảnh kinh tế tổng quát
của Đài Loan gặp suy thoái thì Phật giáo sẽ khó có thể tránh được ảnh
hưởng xấu. Vì thế, cộng đồng Phật giáo cần phải cứu xét nghiêm về vấn đề
công lợi thủ hướng và quá độ lãng phí tài nguyên.
3. Góp Ý Kiến Về Tương Lai Phật Giáo Đài Loan
Một cuộc kiểm thảo về những vấn đề
nói trên sẽ dẫn tới sự quan tâm đối với việc điều chỉnh và cải thiện.
Khi bước sang thế kỷ 21, không thể
nào hoạch định một triển vọng mới mẻ nếu không kịp thời có những giải
pháp hữu hiệu cho những vấn đề khẩn thiết này.
Sau đây là vài kiến nghị riêng của
tôi để các Phật tử tham khảo:
1. Cần dành riêng một số cuộc hội họp quan trọng để thảo luận thâm sâu
về những sách lược khả thi cho công cuộc cải thiện đầu tiên. Một sự đồng
thuận là điều kiện tiên quyết cho hành động chung của cộng đồng Phật
giáo. Kế đó mọi chuyện sẽ trở thành thuận lợi để có thể giải quyết.
2. Thiết lập kho tư liệu đầy đủ về lịch sử Phật giáo Đài Loan càng sớm
càng tốt, và khích lệ giới học giả và giới tôn giáo hợp tác với nhau để
nghiên cứu lịch sử Phật giáo Đài Loan và đặc tánh địa phương.
3. Trên phương diện săn sóc xã hội không nên ngưng lại ở sự trợ giúp vật
chất hoặc tiền bạc mà cần phải được bổ túc bởi sự hướng dẫn lý thuyết và
thực hành cùng với sự trợ giúp từ những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật
hiện đại, để phương thức thông tin tôn giáo trong tương lai sẽ có hiệu
quả lớn lao hơn.
4. Đạo tràng và sự nghiệp Phật giáo nên hướng theo đa nguyên hóa và tinh
trí hóa mà tiến hành.
5. Cần phải khuyến khích cách diễn giải Phật pháp theo đường lối chính
thống và khuyến khích sự phản tỉnh có tính cách phê phán; nếu không, vấn
đề dị chất hóa Phật giáo sẽ càng ngày càng tệ hại hơn.
6. Cần phải chú trọng nhiều hơn về vấn đề người thừa kế, để sự chuyển
giao cấp lãnh đạo Phật giáo sẽ không gặp trở ngại.
* * *
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|