Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
PHẬT GIÁO HƯỚNG DẪN THẾ KỶ 21
Dịch Giả: Thích
Viên Lý
THAM LUẬN III
TRIỂN VỌNG CỦA PHẬT GIÁO Ở THẾ KỶ 21
Tani Gemsho
Lý sự trưởng Hiệp Hội Giao Lưu Văn Hóa Phật Giáo Nhựt-Hoa
(1)
Khi ngưỡng cửa thế kỷ 21 gần kề, các
nền chính trị và tư tưởng trên thế giới bị hỗn loạn trầm trọng và đầy
dẫy xáo động. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, các quốc gia đồng minh chủ trương
chế độ dân chủ, chống lại chính sách độc tài chuyên chế của các nước
thuộc phe trục (Đức, Ý, Nhật). Nhưng cuối cùng, điều đó đã biến thành sự
kình chống giữa hai khối Đông và Tây.
Ở giai đoạn tái thiết sau chiến tranh,
xã hội dân chủ Tây phương đã đáp ứng nhanh chóng với những nhu cầu đa
dạng của dân chúng và mau lẹ chuyển đổi từ kỹ nghệ nặng sang kỹ nghệ học
cao-tốc. Khối Tây phương cũng cố gắng bình quân hóa sự phân phối lợi
nhuận kính tế cho quốc dân, nhằm khuyến khích mức sản xuất và khiến cho
dân chúng được thỏa mãn.
Nhưng khối Cộng Sản đã không phát
triển các ngành kỹ nghệ để đáp ứng với những nhu cầu hàng ngày của người
dân, và ngày nay chúng ta đã trông thấy rõ hậu quả của chính sách coi
trọng kỹ nghệ quân sự của khối Cộng Sản. Liên Xô tan rã, chánh sách
giải phóng kinh tế của Trung Quốc đại lục tuy đốt lên ngọn lửa thỏa mãn
dụcvọng đại chúng, nhưng con đường tiến tới của quốc gia này phải biến
hóa thế nào vẫn là một ẩn số.
Mặt khác, trong xã hội Tây phương đã
sanh ra một giai cấp không được hưởng sự thịnh vượng do văn minh và nền
kinh tế thị trường cao-kỹ mang lại. Sự bất mãn của họ sẽ dẫn đến bất ổn
xã hội. Ở cuối thế kỷ này, khi khuynh hướng tôn giáo rơi vào nỗi bất an
chung về tinh thần, khiến cho người ta đi tìm sự nâng đỡ của tôn giáo,
tìm kiếm những phép thần bí, hoặc cầu nguyện, để cầu mong được phù hộ.
Và các nhóm tà giáo đã xuất hiện. Do đó đã đưa tới những hành vi cực
đoan và quá khích để phản kháng xã hội. Các nhà tôn giáo ngày nay cần
nên thấy rõ trạng huống nguy cơ của lịch sử này để minh định hệ thống
tín ngưỡng của mình, đưa ra phương thức hướng dẫn đại chúng.
Trong thời hiện đại, phải chăng nền
văn hóa tinh thần đã thành tựu sau mấy ngàn năm trong tuyền thống tinh
anh nay đang bị làm hư hỏng bởi chủ nghĩa duy vật mà chỉ trong vòng vài
trăm năm qua đã phát triển nhanh chóng? Phải chăng bây giờ là thời đại
mà nhân tính hầu như đã mất hút dưới sự áp chế và sự cô độc? Các tôn
giáo phổ thông - nền móng của văn hóa tinh thần - bất cứ ở thời đại nào
cũng đều chú trọng vào chủ thể tánh (identity) của con người. Khi bước
vào thế kỷ 21, dự cảm có trạng huống nghiêm trọng, tôi muốn đưa ra một
kế hoạch khái quát về những gì mà Phật giáo hãy nên thực hiện ở thời kỳ
chuyển đổi của lịch sử này.
(2)
Nhìn vào lịch sử, quyền lực chính trị
luôn luôn tìm cách bổ sung giá trị của thể chế đã sáng tạo ra nó. Chúng
ta thường thấy rằng khi đối diện với nguy cơ thể chế băng hoại, quyền
lực chính trị thường khai thác uy quyền của tôn giáo để duy trì quyền
lực và ổn định tình thế. Tại Nhật Bổn, chính phủ Minh Trị - dựa trên lý
thuyết Âu Mỹ để thành lập thể chế quốc gia cận đại – đã áp dụng Thần Đạo
truyền thống dân tộc như là uy quyền để duy trì sự thống nhất quốc gia,
trong khi các nước Tây phương nhờ cậy vào giá trị trật tự của Cơ Đốc
Giáo. Do đó, Thần Đạo đối phó hợp đặc tính dân tộc là sùng bái thiên
nhiên và Thiên Hoàng, người được coi là vị Chủ Tế của Thần Đạo và tách
riêng ra khỏi thế tục để trở thành nhân vật cai quản quyền quốc gia.
Trong thời đại Giang Hộ (Edo) Phật giáo đã thế tục hóa, thêm vào đó nó
còn bị ảnh hưởng bởi những giá trị Tây phương mà xã hội Nhật của thời
cận đại đã tiêm nhiễm; vì vậy Phật giáo Nhật Bổn đã mất đi nhiều sức
sinh động của truyền thống hoằng dương đạo pháp và cứu thế trước đây.
Nhật Bổn sau khi kết thúc Thế Chiến
II, bị ảnh hưởng sâu đậm tình huống chính trị thế giới của hai đại thế
lực đối lập Đông – Tây. Ký ức về sự chiến bại biến thành thái độ phản
chiến lan khắp toàn dân, và họ đồng lòng cương quyết lấy sự phục hưng
kinh tế làm mục tiêu vươn lên. Trong quan hệ quốc tế có lúc người Nhật
bị chê cười rằng họ chỉ muốn có hòa bình cho chính mình với ưu tiên hàng
đầu là kinh tế. Nhưng, chính vì chỉ đặt mục tiêu vào kết quả truy cầu
tài lợi để có thể thoả mãn tham vọng vô bờ bến của con người cho nên
phong trào sùng bái “tiến bộ và phồn vinh” đạt đến tột độ mà sinh ra sự
mệt mỏi của hệ thống xã hội. Dần dà người ta nhận ra rằng họ đã thờ ơ
đối với giá trị của đời sống nhân loại. Có thể nói đây là hậu quả của
chánh sách tôn giáo thời tiền chiến, tức là sự quy định văn hóa tinh
thần của Thần Đạo quốc gia làm nảy sinh bao nhiêu tệ hại. Suy tưởng về
sự kiện trên đây, chúng tôi tin rằng nguyên nhân của nó là vì người ta
đã khiến cho tôn giáo cách ly với sinh hoạt công cộng.
Trong hệ thống giáo dục công cộng,
kiến thức về tôn giáo được giảng dạy như là một phần của lịch sử; nhưng
người ta không nói tới nội dung và nguồn gốc của giáo lý, ảnh hưởng của
nó đối với dân tộc, và tại sao nó đã trở thành nền tảng của nền văn hóa
quốc gia. Vì thiếu kiến thức tôn giáo như vậy, nên người ta chạy theo
những dục lạc thế tục. Nếu loại phồn vinh trọng vật chất có ngày bị từ
bỏ - như nhiều người đã tiên đoán – thì lúc đó người ta lại sẽ tra vấn
về ý nghĩa của đời sống và họ sẽ đi tìm nguồn hỗ trợ tinh thần cho cuộc
nhân sanh.
Diện mạo và trạng thái của nguy cơ
rất đa dạng. Khi nghĩ đến những người đang dãy dụa trong nước xoáy khổ
nạn tại các nơi trên thế giới hiện nay do chiến tranh, đói khổ, bệnh
dịch, phá hoại môi sinh, v.v.., chúng ta phải tận lực tiêu trừ nguyên
nhân của chúng và mưu cầu sự chung sống hòa đồng giữa loài người với
nhau và với tất cả muôn loài. Đối với tôi thì đề tài này quá rộng lớn
nên không có khả năng đàm luận, nhưng tôi muốn nêu ra hai sự kiện lớn
xảy ra gần đây nhất ở Nhật Bản, đó là : “trận động đất ở Osaka và Kobe”
và “giáo phái Âu Mẫu Chân Lý” (Om Truth Cult), và tôi cũng muốn bày tỏ ý
kiến của tôi về cơn khủng hoảng trong nội tình nước Nhật và liên hệ của
nó đối với đề tài thảo luận tại hội nghị này.
(3)
Những thiệt hại về cấu trúc do trận
động đất gây ra cho thấy những khuyết điểm căn bản trong hạ tầng cơ sở
của một xã hội có mức phát triển cao độ. Người ta đã tin tưởng quá lố
rằng những tòa nhà ở Osaka và Kobe có thể chịu đựng nổi một trận động
đất, nhưng trận động đất gần đây đã phá hủy huyền thoại về sự an toàn
của kỹ thuật cao.
Những cuộc điều tra theo sau vụ động
đất đã khám phá thêm các nguyên nhân làm gia tăng thiệt hại. Trong số đó,
người ta phát hiện những sự thật về thất thoát công tác và chiết giảm
vật liệu trong gia đoạn kiến tạo công trình, khiến cho nhà thầu xây cất
lẫn cơ quan kiểm tra an toàn cùng gánh chịu trách nhiệm như nhau; đưa
tới phê phán nghiêm khắc rằng giới kỹ nghệ chỉ lo truy cầu lợi nhuận.
Ngoài ra, người ta cũng thấy rằng hệ thống giải quyết khủng hoảng do
thiên tai gây ra cũng có nhiều thiếu sót.
Tuy nhiên, sau tai họa khủng khiếp đó,
điều khiến người ta rất cảm kích là hành động của những người tình
nguyện. Đưa ra bàn tay cứu tế những người thọ nạn phần lớn là nghĩa cử
tích cực của những người tự động tham gia; việc này góp phần an ủi nhiều
hơn đối với tâm lý nạn nhân đang gặp phải thảm trạng mất mát, so với
công tác cứu trợ do chính quyền đứng ra tổ chức. Đồng thời, nó khiến cho
những người Nhật Bản ích kỷ chỉ nghĩ tới dục vọng riêng cho mình nhận
thức lại ý nghĩa của sự hợp tác hỗ tương. Người ta bày tỏ sự biết ơn đối
với những người tình nguyện cung cấp lương thực và nơi tá túc khẩn cấp,
v.v..., và các vị Hòa Thượng tụng kinh siêu độ cho người chết ở góc
đường cạnh đống gạch vụn.
Khi những thành phố tạo dựng bởi kim
khí, đất cát, bê tông, bỗng dưng sụp đổ hoang tàn vì thiên tai, chúng ta
có thể thấy một “xã hội quan tâm tới con người” trong đó con người thân
thiết với nhau nhờ tiếp xúc thân cận. Qua nhận xét trên đây, chúng ta
thấy rằng một “xã hội vật chất” coi trọng hưởng thụ sanh ra từ nền văn
minh cao-kỹ, đã tái sanh thành một “xã hội quan tâm với con người” giống
như thời tiền hiện-đại. Điều này chẳng phải chỉ giản dị là chúng ta hãy
quay về với thời tiền hiện-đại, mà là hãy kiến tạo một nền văn minh tiên
tiến hơn về phương diện tâm linh, đặt cơ sở trên nền văn minh hiện thời.
Những gì mà giới Phật tử nên làm là hãy noi theo chủ nghĩa thiện nguyện
kiểu Tây phương phát xuất từ Cơ Đốc Giáo, để cổ xúy và thi hành ý nghĩa
đích thực của “hạnh bố thí” như là nền tảng của chủ nghĩa thiện nguyện
kiểu Đông phương.
Xã hội tự do cạnh tranh của chủ nghĩa
tư bản bỏ rơi kẻ yếu, khiến cho mức độ cách biệt giàu nghèo càng rộng
lớn hơn. Để đối phó với tình trạng này, chủ nghĩa xã hội muốn thay đổi
cấu trúc xã hội và sửa sai những khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản, nhưng
nó không thể chiến thắng được cái nghiệp của sự truy cầu quyền lực và
dục vọng trong bản tánh nhân loại. Một yếu tố quan trọng cần có trong xã
hội của thế kỷ 21 là sự xiển dương những lý tưởng tốt của chủ nghĩa tư
bản và chủ nghĩa xã hội. Nếu coi sự liên hệ cá nhân và những người xung
quanh cá nhân như là đơn vị nhỏ nhất, chúng ta có thể thiết lập loại “xã
hội của công dân lành mạnh và năng động” giữa tập đoàn gia tộc mà chúng
ta trông cậy để sinh sống hằng ngày, đồng thời chúng ta cũng trông cậy
vào cơ chế của quốc gia. Vậy thì, phải chăng chúng ta hãy nên đề xướng
Lục Độ Ba La Mật và Bát Chánh Đạo của Phật giáo như là ưu tiên thứ nhất?
(4)
Sự phát sinh và nguyên nhân của “Âu
Mẫu Chân Lý Giáo” (Om Truth Cult), phương pháp gia tăng tín đồ, và hành
động khủng bố của giáo phái đó, đã trở thành đề tài bàn tán của xã hội
trong thời gian qua. [Chú thích của dịch giả chữ “Âu Mẫu” là phiên âm
chữ Hán của chữ “Om”, giáo phái cuồng tín này từng đặt bom hơi độc trong
các trạm xe điện ngầm ở Tokyo]. Theo thăm dò dư luận thì hơn 70% dân
chúng hoài nghi hoặc sợ sệt đối với “tôn giáo.” Điều này có thể nói rằng
nguyên nhân là vì phương thức giáo dục của Nhật Bổn sau chiến tranh đã
thờ ơ đối với những vấn đề giáo dục căn bản, như “đạo đức luân lý” để
dạy người ta về sự phán xét giữa thiện và ác, như “triết lý tôn giáo” để
dạy cho người ta biết về sự toàn vẹn của cộng đồng nhân loại, và sự tôn
trọng sinh mạng, v.v...Nhưng chúng ta không thể trút hết trách nhiệm cho
giáo dục. Chính sách “đóng kín cửa” của các tổ chức Phật giáo Nhật Bổn
cũng đáng bị chỉ trích, vì họ đã làm ngơ đối với trào lưu xã hội nói
trên.
Đa số các tín đồ nòng cốt của giáo
phái “Âu Mẫu” là những người có học lực cao, nhất là về khoa học; và họ
đã đặc biệt gây chú ý khi trong số đó có những người phục vụ tại những
viện nghiên cứu và những xí nghiệp hạng nhất. Tại sao xảy ra điều đó?
Nền giáo dục hiện đại của Nhật Bổn nhấn mạnh vào sự huấn luyện về tin
học và các ngành kỹ nghệ kỹ thuật cao. Hậu quả là dân chúng Nhật Bổn
không biết cách trở thành những thành viên tốt của gia đình; trái lại họ
trở thành vị kỷ và chẳng quan tâm tới tha nhân. Khi họ gặp giáo phái Âu
Mẫu và bị những kẻ trong giáo phái đó kiểm soát tâm lý, họ không có sự
hiểu biết chính xác về tâm linh, và không biết phân biệt giữa thiện và
ác. Họ tin tưởng vào giáo phái đó vì họ trải qua những kinh nghiệm “thần
bí giả hiệu.” Thế rồi họ tuân theo những mệnh lệnh của giáo chủ và cán
bộ của ông ta để thi hành những hành động quá khích mà bình thường chúng
ta không thể tưởng tượng được.
Giáo phái đó tự nhận là một tổ chức
Phật giáo. Nhưng bất cứ ai có kiến thức căn bản về tôn giáo có thể thấy
rằng giáo lý của họ thật là khác thường. Nó pha trộn Phật giáo, Cơ Đốc
giáo và Ấn Độ Giáo, rồi giải thích chúng theo đường lối riêng của họ. Nó
tôn sùng giáo chủ tự xưng là “đấng giác ngộ cuối cùng,” và tổ chức đó
đặt các giáo sĩ của họ lên trên tất cả các tín đồ khác. Họ cũng phỏng
theo cơ cấu chính phủ, lập ra bộ khoa học, bộ thông tin, bộ y tế, bộ
quốc phòng, v.v...Họ chế tạo vũ khí và dược phẩm, và thi hành nhiều vụ
khủng bố bừa bãi. Từ những sự thật này, chúng ta thấy rõ rằng họ chỉ là
một nhóm người quá khích giả mạo là một tổ chức tôn giáo.
Sự phát sanh những tà giáo khích đội
lốt tôn giáo chẳng phải chỉ ở Nhật Bổn mà còn xảy ra tại các nước tiên
tiến khác trên thế giới. Ngày nay các nhóm tôn giáo truyền
thống đã thoát khỏi sự gò bó của giáo lý. Hậu quả là bây giờ những người
quá khích chủ trương duy trì giáo lý nguyên thủy đang phối hợp với chủ
nghĩa quốc gia hẹp hòi để gây ra xung đột giữa các chủng tộc. Trong tình
cảnh môi sinh toàn cầu hiện nay, sự hủy diệt đời sống - chẳng những của
nhân loại mà của tất cả các sinh vật trên hành tinh này – là một vấn đề
quan trọng đối với ngày mai. Vì vậy, tôi cho rằng phải lấy “khoan dung”
làm chủ thuyết ưu tiên thứ nhất của tôn giáo.
(5)
Ở cuối thế kỷ 19 người ta dự đoán
rằng thế kỷ 20 sẽ phát triển nền văn minh khoa học vô giới hạn. Bây giờ,
khi thế kỷ 20 sắp chấm dứt, chúng ta quay nhìn lại và thấy rằng đây là
một thế kỷ sôi động, với những trận chiến tranh và những cuộc cách mạng.
Các nước Âu Mỹ, tự hào về nền văn minh tiên tiến của họ, đã kiện toàn
chủ nghĩa thực dân vào cuối thế kỷ 19, và đặt nền tảng của sự phồn vinh
trên sự khai thác những tài nguyên. Người Nhật gia nhập văn minh cận đại
khá muộn màng, dùng khẩu hiệu “thoát Á nhập Âu,” đeo đuổi chủ nghĩa đế
quốc của Âu Mỹ, và họ xâm lăng Trung Hoa, Cao Ly và các quốc gia Á Châu
khác, đưa đến những cuộc chiến tranh, gây ra rất nhiều đau khổ cho dân
chúng. Trong thời gian đó các tổ chức Phật giáo Nhận Bản – là thành phần
của quốc gia – tán thành chủ đích của cuộc chiến chinh và cổ võ việc
thành lập “đế quốc Phật giáo.” Ngày nay, đã năm mươi năm trôi qua, nhưng
các Phật tử vẫn còn làm ngơ và không chịu phản tỉnh về sự kiện nói trên,
và họ không lên tiếng khiển trách gì cả. Với tư cách là một Phật Tử Nhật
Bản, tôi xin thành tâm sám hối.
Trong khi phản tỉnh, tôi hy vọng rằng
những người có chí hướng tôn giáo, nhất là Phật tử, hãy nên kiên trì giữ
thái độ “bất tức bất ly” (không ràng buộc cũng không xa lánh) đối với
hiện trạng xã hội. Trong thế giới hiện đại những người có chí hướng tôn
giáo và các đoàn thể tôn giáo không thể nào hoàn toàn cách ly với với xã
hội và hệ thống chính trị. Ở bất cứ thời đại nào, các cá nhân sống trong
xã hội đều ảnh hưởng lẫn nhau và tùy thuộc vào nhau. Tuy nhiên, ở đây
tôi muốn nói rằng chúng ta đừng làm mất sự độc lập tinh thần, đừng để
cho mình bị lôi cuốn và chôn vùi trong trào lưu của người đời. Vậy thì
lý tưởng và hành động của Phật giáo phải như thế nào để dẫn đạo tinh
thần cho thế kỷ 21?
Qua nhận xét lịch sử Phật giáo Nhật
Bản, trong quá trình thành lập của nó, ngay cả Phật giáo thời đại Nại
Lương bình an (còn được gọi là “Phật giáo Quý tộc”), trong khi có tác
dụng truyền đạt tư tưởng và văn hóa, nó có lúc xung khắc có lúc hòa hiệp
với thể chế chính trị của thời đại đó. Dần dần nó đã hội nhập với đại
chúng. Các vị đại sư Phật giáo của thời Kiêm Thương đã chỉ trích tăng
đoàn thiếu trong sạch và nhúng tay vào những quyền lực thế tục, và các
vị đó kêu gọi hãy trở về với bổn phận của Phật tử là cứu vớt chúng sanh
và hãy phục hưng Phật giáo quốc gia.
Hai thời đại chuyển tiếp trọng yếu
trong lịch sử Nhật Bản, “từ thời thượng cổ tới thời trung cổ” và “từ
thời trung cổ tới thời cận đại,” Phật giáo Nhật Bản đã cho thấy sự thay
đổi trong quan niệm về “giới luật.” Ngài Tối Trừng (Saicho), người đã
thành lập Thiên Thai Tông ở Nhật Bản, đã cổ xúy việc lấy “Đại Thừa Bồ
Tát Giới” để thay thế cho “Tiểu Thừa Tỳ Kheo Giới” của thời Nại Lương.
Ngài đề xướng dùng “thập trọng tứ thập bát khinh giới” (10 giới nặng và
48 giới nhẹ) “tam tu tịnh giới” của hạnh Bồ Tát, theo như tư tưởng của
ngài Trí Giả (Chih Yi), vị tổ sư của phái Thiên Thai Trung Hoa. Và Tối
Trừng đã lập ra “đại giới chân tục nhất quán,” áp dụng cho cả tăng sĩ
lẫn các Phật tử thế tục, và các vị tổ sư của một số tông phái đời sau đã
lấy đó làm nền tảng cho tư tưởng họ trong việc đề xướng tụng kinh và
niệm Phật. Khi hướng về tương lai, chúng ta hãy thâu thập và hoằng
dương trí huệ của Phật giáo Đại Thừa và Bồ Tát Hạnh của Đại Thừa, biểu
hiện trong ‘tam tu tịnh giới” - gồm “nhiếp luật nghi, nhiếp thiện pháp,
nhiêu ích chúng sanh” (giới luật về cách cư xử, tu học, về điều thiện và
về cứu vớt chúng sanh), để dùng làm cột trụ tâm linh của thế giới tương
lai, mà trong đó đã có sự giải thích đầy đủ và hoàn hảo.
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|