Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
PHẬT GIÁO HƯỚNG DẪN THẾ KỶ 21
Dịch Giả: Thích
Viên Lý
THAM LUẬN IV
PHẬT GIÁO SẼ PHÁT TRIỂN THẾ NÀO
TRONG THẾ KỶ 21
Mizutani Kosho
(1)
Thế kỷ 21 sẽ biến thành thời đại như
thế nào? Muốn dự đoán bằng những từ ngữ đơn giản là chuyện khó khăn.
Thậm chí có người cực đoan cho rằng nhân loại sẽ diệt vong . Quay nhìn
lại mười mấy năm gần đây chúng ta thấy những tiến bộ đáng kể trong khoa
học, nhất là kỹ thuật cao cấp; vì vậy, sự thay đổi của diện mạo thời đại
thật là chớp nhoáng vạn biến. Từ đây về sau sẽ biến thành thời đại ra
sao, thật khó mà tiên đoán.
Tuy nhiên, chúng ta có thể bàn luận
về đề tài này bằng hai cách: Thứ nhất là hãy nhận xét sự phát triển của
Phật giáo trong sự biến chuyển của gần 100 năm qua của thế kỷ 20; thứ
nhì là hãy khảo cứu xem Phật giáo nên như thế nào trong tương lai. Đây
là câu hỏi mà những người làm công tác Phật giáo hãy nên thường xuyên
đặt ra. Tôi cho rằng để phát triển Phật giáo ở thế kỷ 21 chúng ta phải
chú trọng vào hai điểm trên đây. Nói cách khác, ở giai đoạn hiện thời
chúng ta phải đặt câu hỏi cho đề tài tương lai như thế nào?
Câu hỏi này chẳng phải lúc nào cũng
có cùng một câu trả lời. Thật ra, chúng ta có thể có nhiều câu trả lời,
nếu chúng ta thảo luận từ những phương diện khác nhau.
Bởi vì diện mạo của các thời đại đa
loại đa dạng, Phật giáo cũng đa loại đa dạng.
Tôi không có ý nói rằng sự thảo luận
trừu tượng là chuyện vô nghĩa, nhưng tôi muốn đề nghị sự thảo luận cụ
thể. Một mặt, tôi muốn xác nhận ý nghĩa sự hiện hữu của Phật giáo trong
xã hội hiện đại; mặt khác, tôi muốn vạch ra một phương hướng thực hành
cho các Phật tử làm công tác Phật sự.
Tôi muốn xét xem điều gì là nguyên
tắc và chỉ đạo của hành động để xã hội hóa Phật giáo khi bước sang thế
kỷ 21. Phật tử ở những quốc gia khác nhau, ở những thời đại khác nhau và
thuộc những tông phái khác nhau, hẳn là phải có những ý kiến khác nhau.
Do đó, tôi muốn đưa ra một nguyên tắc chung. Tôi tin rằng nguyên tắc
chung đó phải là “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” (“làm cho đất
Phật - tức là thế gian - trở thành thanh tịnh và khiến cho chúng sanh
trở thành hoàn hảo, giải thoát, giác ngộ”), và đó cũng là mục tiêu để xã
hội hóa Phật giáo trong tương lai.
(2)
“Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng
sanh,” câu nói quan trọng này nằm trong Đại Phẩm Bát Nhã Kinh, là tiêu
điểm của Bồ Tát Đạo. Điều này có nghĩa là sau khi Bồ Tát thành Phật họ
sẽ thanh tịnh hóa vùng đất sanh sống (thế gian) và giáo hóa chúng sanh
để khiến họ được thành tựu. Trong Duy Ma Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Pháp Hoa
Kinh cũng có nói; đương nhiên cũng liên hệ với tư tưởng “tịnh độ” của
tông phái Tịnh Độ. Đây là biểu thị tinh thần lợi tha của Phật giáo Đại
Thừa. Đem lại lợi ích, giúp đỡ, thành thục, dưỡng dục, cứu hộ chúng sanh
có nghĩa là “thành tựu chúng sanh.” Giả sử áp dụng cách đảo ngữ, mang
thứ tự câu nói thuận này đảo ngược lại: “Thành tựu chúng sanh, tịnh Phật
quốc độ”, trong nhiều kinh sách cũng nói đảo ngược như vậy: Thanh tịnh
hóa đất của Phật tức là khiến cho chúng sanh được hoàn hảo, hoặc giúp
cho chúng sanh được hoàn hảo cũng chính là thanh tịnh hóa đất của Phật.
Chúng ta nên diễn dịch câu đó như thế
nào trong thời hiện đại? Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể coi “tịnh Phật
quốc thổ” là phước lợi xã hội, “thành tựu chúng sanh” là giáo dục nhân
loại. Vậy thì chủ đề của việc hiện đại hóa Phật giáo tức là giáo dục và
phước lợi. Nhưng điều đó không nhất thiết là chỉ hạn định trong Phật
giáo. Cho dù nếu không dùng những chữ “giáo dục và phước lợi,” chúng ta
có thể nói rằng từ khi có nhân loại đến nay, hoặc ít nhất là từ khi có
lịch sử đến nay, giáo dục vá phước lợi là mục tiêu của bị đời sống nhân
loại. Kiến thức, nghệ thuật, chánh trị, kinh tế, bảo vệ môi sinh, và kỹ
thuật y khoa, cùng với tất cả sinh hoạt khác của nhân loại đều được bao
gồm trong giáo dục nhân loại và phước lợi xã hội, cũng tức là thành tựu
chúng sanh và tịnh Phật quốc độ. Bất cứ thời đại nào cũng đều lấy thành
tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ làm mục tiêu. Đây chính là phước lợi
nhân loại và hoà bình thế giới.
Ai cũng đều biết rằng động cơ, mục
đích Đức Phật Thích Ca xuất gia là để giải quyết tứ khổ “sanh, lão, bệnh,
tử”. Tứ khổ này, thậm chí ngay cả bát khổ, là những cái khổ của đời sống
nhân loại. Giải quyết những cái khổ trong cuộc nhân sinh tức là “thành
tựu chúng sanh,” cũng tức là “tịnh Phật quốc độ.” Đây chính là mục đích
của Phật giáo. Việc đào sâu thêm tư tưởng này về mặt lý luận tức là tư
tưởng siêu hình của Phật giáo. Việc xã hội hóa Phật giáo không dựa trên
lý thuyết và tư tưởng siêu hình mà là đặt cơ sở trên đời sống hằng ngày.
Tuy nhiên, để đặt lý tưởng của nó vào
thế giới siêu thế tục, hoặc để đặt cơ sở của nó trên sự giác ngộ nội tâm
của cá nhân, thì thế giới quan và nhân sinh quan – đã được hệ thống hóa
từ nguồn gốc siêu hình của đời sống qua sự siêu việt của thời gian và
không gian – đã trở thành cốt tủy của Phật giáo. Nói cách khác, những
thứ có tính cách siêu việt và nội tại đã trở thành trung tâm của tư
tưởng Phật giáo. Chúng ta có thể nói rằng những thứ có tính cách xã hội
đã được lý tưởng hóa. Khi Phật giáo lại được xã hội hóa thì nảy sinh ra
ý niệm về sự thanh tịnh hóa Phật quốc độ ( tức thế gian).
Khi chúng ta nói về giáo dục và phước
lợi, có vẻ như đó là sự đại cương hóa. Nhưng “tịnh Phật quốc độ” bao
hàm toàn bộ tư tưởng Phật giáo. Đương nhiên điều đó cũng có nghĩa là
“thành tựu chúng sanh.” Nói cách khác, hệ thống giáo lý được coi là lý
tưởng của Phật giáo. Một người trở thành Phật chẳng những người đó đã
khai ngộ mà còn đoạn trừ được tất cả đau khổ để đạt được hạnh phúc,
ngừng làm điều ác và chỉ làm điều thiện.
(3)
Cùng là tôn giáo, nhưng so sánh với
Cơ Đốc Giáo, thì việc xã hội hoá Phật giáo tiêu cực hơn; đây là điều
thường bị các tín đồ Cơ Đốc giáo chỉ trích.
Như người ta thường nói, Cơ Đốc giáo
coi việc thực hành những hành vi đạo đức và xã hội như là thực hành bác
ái theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, những hành vi thực hành
bác ái trong xã hội được coi là sứ mạng phải thực hiện để được lên thiên
đàng. Họ bảo rằng, so với điều này, Phật giáo là “chủ nghĩa xuất thế” từ
bỏ đời sống thế tục, và cũng tiêu cực đối với sự tham gia xã hội lịch sử,
có nghĩa là phủ nhận thực tại.
Thí dụ, theo Bác Sĩ Albert Schweitzer
(1875-1965) thì Phúc âm Chúa Giê-Su là Hãy trở thành tự do đối với thế
giới và chính ta để khiến ta sinh hoạt trên thế giới như là động lực của
Đức Chúa Trời. Traí lại, Đức Phật khuyên chúng ta hãy trở thành “người
dập tắt lửa” lãnh đạm đối với sự vật trên thế gian và sống trong thế
giới thuần túy tinh thần.
Ngoài ra, lý tưởng của Phật giáo là
phủ định thế giới và nhân sinh, sống trong trạng thái lãnh đạm và vô vi,
làm suy yếu công tác xã hội. Mặt khác, điều mà Cơ Đốc giáo hy vọng đạt
được là nhiệt tình về luân lý cao nhất, về sự quan tâm đối với tha nhân
sinh sống trong thế giới hiện tại, và về chuyện tôn giáo phục vụ nhân
loại. Vì vậy, Phật giáo chỉ thích hợp với những người nào muốn xa lánh
thế gian và có thể sống trong trạng thái “tự viên mãn” và vô vi. Đối với
những người canh tác ngoài ruộng, hoặc làm việc trong các cơ xưởng, Phật
giáo chỉ có thể hứa hẹn và an ủi họ rằng trong những kiếp sau họ sẽ có
thể đạt tới trạng thái cao hơn của tâm thức và do đó thoát ra khỏi thế
gian, nơi đầy dẫy những đau khổ.
Để trả lời cho sự thẩm định Phật giáo
như trên đây của Bác Sĩ Albert Schweitzwer, chúng ta có thể hỏi một cách
một cách không do dự: Phải chăng Phật giáo chỉ đưa ra 84,000 pháp môn mà
thôi? Ông ấy đánh giá những vị hành vi lợi tha của các vị Bồ Tát Phật
giáo Đại Thừa như thế nào? Dù sao, sự hiểu biết về Phật giáo của ông ấy
tùy thuộc vào sự hiểu biết của những người Cơ Đốc Giáo đi trước mình.
Ngày nay (ở Tây Phương) sự khảo cứu về tư tưởng Phật giáo Đại Thừa rất
thịnh hành. Cho nên Phật giáo đã được lý giải như là một tôn giáo thích
hợp với những người đang sống trong thế giới hiện thực, một tôn giáo
thực hành công tác xã hội, thậm chí có thể nói rằng nó là tôn giáo duy
nhất có thể chỉ đạo nhân loại trong thế kỷ 21.
Dù sao, nếu nhìn vào những hoạt động
của những người làm công tác Phật giáo ngày nay, chúng ta không khỏi
phản tỉnh về những lời phê bình rằng Phật giáo thiếu quan tâm tới xã hội
và thiếu công tác xã hội; và khi quay
nhìn lại lịch sử chúng ta phải công nhận rằng Cơ Đốc giáo thực sự có ưu
điểm trên phương diện này.
Tuy rằng siêu việt tánh và nội tại
tánh là trung tâm tư tưởng Phật giáo, mặt khác Phật giáo cũng thường
được coi như là một khoa học về nhân loại. Chúng ta phải thấu hiểu rằng
Phật giáo là khoa nhân loại học để thực hiện Bồ Tát Đạo. Hơn nữa, chúng
ta phải thấu hiểu rằng nguyên lý cụ thể của Phật giáo là “tịnh Phật quốc
độ và thành tựu chúng sanh.” Chỉ từ khía cạnh này chúng ta mới có thể
hiểu được ý nghĩa của Phật giáo như là khoa nhân loại học. Trên phương
diện này chúng ta phải học hỏi thêm từ Cơ Đốc giáo.
Dĩ nhiên chúng khỏi cần phải nói rằng
Phật giáo đặt căn bản trên sự tự giác nội tâm của cá nhân. Vì nhấn mạnh
vào tự giác nội tâm của cá nhân cho nên người ta dễ lầm tưởng rằng trong
lịch sử Phật giáo nó là một tôn giáo không quan tâm tới xã hội. Điều gọi
là “tự giác nội tâm” chẳng phải là tự giác để khiến cho chính mình siêu
việt mà là sự tra tấn nghiêm khắc về vấn đề đạo lý, như ý thức về tội ác,
thuyết nhân quả, và coi thuyết nghiệp báo như là một nguyên tắc cho cách
cư sử của mình.
Nói cách khác, những giáo lý về tội
ác, nghiệp báo v.v...chẳng phải dùng để phê bình người khác mà là để
nghiêm khắc phản tỉnh về bản thân mình để tạo hy vọng cho tương lai. Nếu
không hiểu rõ điều trọng yếu cơ bản này mà bàn luận về thuyết nhân quả,
về tư tưởng nghiệp báo, hoặc giả thuyết về địa ngục, thì sẽ sai lầm rất
lớn. Chúng ta có thể nói rằng việc thực hành đạo Phật là sám hối những
hành vi sai lầm của mình.
(4)
Nguyên động lực của việc xã hội hóa
Phật giáo bắt đầu từ sự phản tỉnh đối với bản thân, rồi từ đó nảy sanh
lòng biết ơn đối với tha nhân. Nếu chúng ta thảo luận từ lập trường của
Phật giáo Tịnh Độ tông thì có những bước như sau:
1. Mỗi cá nhân phải ý thức rằng mình sống nhờ sự hỗ trợ của tất cả mọi
người khác và tất cả sự vạn vật bên ngoài mình.
2. Mỗi người phải trân quí đời sống của tất cả tha nhân và sự vạn vật.
3. Chúng ta phải bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau.
4. Mỗi người phải luôn luôn sống với niềm vui và niềm hy vọng đối với
tương lai
Theo cách này, chúng ta sẽ có thể
thực hiện “tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sanh.” Điều này là tinh
túy của giáo dục Phật giáo và phước lợi Phật giáo.
Bài tiểu luận này là sự đóng góp
khiêm tốn của tôi vào cuộc hội nghị.
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|