Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
PHẬT GIÁO HƯỚNG DẪN THẾ KỶ 21
Dịch Giả: Thích
Viên Lý
THAM LUẬN VII
PHÁT HUY PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ 21
Hamada Kashin
(Thứ Trưởng Sự Vụ, Hiệp Hội Phật Tử Nhật Bổn Thế Giới)
Trước khi đi sâu vào chi tiết về chủ đề của cuộc Hội Nghị “Phật Giáo
Hướng Về Thế Kỷ 21” chúng ta cần quay nhìn lại thế kỷ 20 sắp chấm dứt.
Thế kỷ 20 là một nhân chứng đáng
thương đã phải chứng kiến hai trận thế chiến và những cuộc cách mạng
liên tiếp. Trước khi người ta có thể nguôi đi cái kinh nghiệm đau đớn
của hai trận thế chiến khốc liệt thì liền xảy ra cuộc Chiến Tranh Lạnh.
Trong suốt 50 năm của “chiến tranh lạnh” sự thực là thế giới luôn luôn “nóng,”
với những trận chiến tranh: nội chiến ở Trung Hoa, chiến tranh giữa Nam
và Bắc Hàn, chiến tranh ở Trung Đông, chiến tranh ở Việt Nam, và chiến
tranh ở A Phú Hãn. Tuy không xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa Hoa Kỳ và
Liên Bang Sô-Viết, nhưng thật ra sự kình chống nhau giữa họ đã hiện diện
ở khắp nơi, trong hình thức can thiệp quân sự, hoặc viện trợ quân sự và
tài chánh. Ngay cả khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt, những trận chiến
tranh vì tranh chấp sắc tộc hoặc tôn giáo vẫn còn xảy ra.
Những cuộc chiến tranh giữa các nước
Âu Châu vì tranh giành thuộc địa, kể từ thế kỷ 17, đã kéo dài hơn 350
năm và lên tới cực điểm vào lúc sắp xảy ra Thế Chiến I. Sau đó, quốc gia
Hoa Kỳ còn trẻ trung và quốc gia cộngsản đầu tiên, Liên Bang Sô-Viết, đã
trở thành hai cường quốc cầm đầu các nước Châu Âu đồng minh với họ.
Người ta cho rằng Thế Chiến II là sự đương đầu giữa một phe là Hội Quốc
Liên - gồm hai cường quốc nói trên và các đồng minh Âu Châu của họ - và
phe Trục gồm các nước Đức, Ý và Nhật, nhưng sự thực nó không phải chỉ là
cuộc xung đột giữa chủ nghĩa tự do chống lại chủ nghĩa độc tài, với
chiến thắng của chủ nghĩa tự do. Liên Bang Sô Viết là một nước cộng sản
độc tài trong Hội Quốc Liên (league of Nations), trong khi đó Đức Quốc
Xã trở thành một nước độc tài sau khi Cộng Hòa Weimar của Đức đã có một
thể chế dân chủ nhất vào thời bấy giờ ở Âu Châu. Vì vậy, nếu nói rằng
Thế Chiến II là một cuộc chiến tranh ý thức hệ chính trị phát xuất từ
những diễn biến phức tạp của nền văn minh Âu Châu hiện đại thì đúng hơn.
Thế chiến II kết thúc giữa thế kỷ 20
thì Chiến Tranh Lạnh liền xảy ra ngay sau đó, giữa Hoa Kỳ và Liên Bang
Sô viết. Đồng thòi, nhiều nước Á Châu và Phi Châu đã liên tiếp dành được
độc lập. Vào gần cuối thế kỷ này Liên Bang Sô Viết tan rã, trong khi Hoa
Kỳ cũng không thể duy trì sức mạnh siêu cường như trước. Nói tóm lại,
văn minh Âu Châu hiện đại, sau 5 thế kỷ cực thịnh, từ thời Phục Hưng và
Cải Cách Tôn Giáo trong hai thế kỷ 15 và 16, đã không thể tránh được sự
xuống dốc với những mâu thuẫn ngày càng gia tăng trong thế kỷ 20.
Bất cứ nền văn minh nào cũng có
phương diện sáng sủa và phương diện tăm tối. Những cuộc cách mạng kỹ
nghệ ở Âu Châu cận đại giúp phát triển khoa học và kỹ thuật, nhờ đó đem
lại tiện nghi, phong phú, tự do và bình đẳng cho thế giới. Nhưng đáng
buồn rằng người ta đã phải trả giá rất đắt cho những ân huệ đó. Sự thực
là hai trận thế chiến và nhiều cuộc chiến tranh khác gây bao nhiêu tang
tóc đã nhờ cậy vào các phương tiện của kỹ thuật hiện đại. Hai thành Phố
Hiroshima và Nagaski là những bằng chứng hiển nhiên: Hơn 200,000 người
đã là nạn nhân của bom hạnh tâm. Mối quan tâm của thế kỷ 21 còn khẩn
thiến hơn nữa: sự cách biệt giữa các nước giàu phía bắc địa cầu và các
nước nghèo phía nam, dân số gia tăng nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên
ngày càng khô cạn, và ô nhiễm môi sinh – hai vấn nạn sau cùng này thường
là những hậu quả trong tiến trình hiện đại hóa của các nước đang mở
mang để giải quyết nạn nghèo khó.
Những biến chuyển chánh trị cũng cho
thấy mặt phải và mặt trái của chúng, cuộc cách mạng Pháp ở cuối thế kỷ
18 dùng tự do, bình đẳng, bác ái làm khẩu hiệu: chủ nghĩa Cộng Sản lúc
đầu cũng chủ trương tự do, nhưng cả hai đều đã biến thành những quốc gia
độc tài do một đảng duy nhất cai trị, mất hết những lý tưởng mà trước đó
họ đã hứa hẹn. Sự tan rã của Liên Bang Sô Viết chấm dứt chế độ độc tài
đã kéo dài 74 năm. Chủ nghĩa tự do, với sự hứa hẹn đem lại nhiều tự do
hơn, cũng biến thành hỗn loạn, sự ổn định của xã hội nhường chỗ cho sự
xáo trộn bất trắc. Cuộc cách mạng tin học toàn cầu đã giúp nhân loại gia
tăng rất nhiều kiến thức và mở rộng nhãn quan thêm mãi; tuy nhiên, nó
cũng đã gây ra những hỗn loạn tinh thần, làm giảm sự chú tâm của con
người và đạo đức của thế giới.
Âu Châu cận đại đã trải qua sự chuyển
đổi từ thần quyền và chủ nghĩa phong kiến của thời trung cổ sang chủ
nghĩa nhân bản lấy con người làm trung tâm. Sự chuyển đổi này chẳng phải
là hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế; thật ra hình ảnh của
Thượng Đế đã được biến đổi thành thuyết không tưởng, thành tư tưởng giác
ngộ và nhiều trào lưu ý thức hệ khác, giống như chí nguyện cao cả của
Mục Sư Martin Luther King đã bị người ta dùng để phục vụ sự phát triển
của chủ nghĩa tư bản. Ngay cả chủ nghĩa Mác-xít, đặt căn bản trên sự phủ
nhận Thượng Đế, đã lấy sự sản xuất để thay thế cho Thượng Đế Toàn Năng,
với giấc mơ thiên đàng Cộng Sản thay thế cho Vườn Địa Đàng của Kinh
Thánh. Vì vậy chủ nghĩa Mác-xít đã được người ta coi như là một thứ tôn
giáo trong thời đại vô thần.
Thế kỷ 20 rất quí trọng giá trị của
chủ nghĩa nhân bản – là chủ nghĩa đề cao sự tôn trọng nhân loại nói
chung. Vậy mà chính trong thế kỷ này con người đã bị thờ ơ thậm tệ, đã
bị sát hại tập thể, bị khai thác và lợi dụng. Chính trong thế kỷ này con
người đã bị cơ giới hóa, bị tiêu chuẩn hóa và thương mại hóa tới độ làm
mất cá tính. Khi chủ nghĩa nhân bản chỉ nhấn mạnh vào sự sinh tồn của
con người và coi thường tiềm năng siêu việt của họ, thì chủ nghĩa đó
đáng bị từ bỏ; bởi vì con người xứng đáng là con người là tuỳ thuộc phần
lớn và siệu việt tánh của họ.
Tôi đã nhấn mạnh vào phương diện
thoái hóa của nền văn minh Âu Châu hiện đại - nền văn minh đã chi phối
thế giới suốt 500 năm qua. Mọi phần của nó, dù là xấu hay tốt. có thể
nói là bắt nguồn từ sự hiện đại hóa của văn minh Cơ Đốc Giáo. Triết gia
Đức Frederich Nietzsche của hậu bán thế kỷ 19 từng nói “Thượng Đế đã
chết,” với hy vọng là để phục hồi quyền lực toàn năng cho con người. Nhà
tâm lý và xã hội học Erich Fromm (1900 –1980) nói rằng “vấn đề đối với
thế kỷ 19 là Thượng Đế đã chết, còn vấn đề đối với thế kỷ 20 là nhân
loại đã chết”, vì ông thấy nhân loại đã bị các hệ thống kỹ nghệ khổng lồ
và chủ nghĩa cơ giới làm đồi trụy.
Vậy thì thế giới phải làm sao để
không còn coi trọng thể xác hơn tinh thần, và coi trọng tiến bộ hơn
thiên nhiên, làm sao để không còn tin tưởng vào sự kiêu ngạo này nữa?
Ngày nay tin thần tôn giáo Đông
phương đang được nhiều người quan tâm tới hơn trước. Tôn giáo và tinh
thần Đông phương luôn luôn coi trọng môi sinh thiên nhiên. Phật giáo tin
rằng “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” và “mọi vật, kể cả cỏ cây và
đất, đều có mầm mống của Phật,” Thần đạo Nhật Bổn chủ trương con người
và thiên nhiên chung sống hài hòa với nhau, thay vì cách biệt nhau. Tuy
tôi không hiểu rõ những giáo lý của Khổng giáo, nhưng có một điều chắc
chắn là trong cấu trúc gia tộc củ Nho giáo con người được đề cao về đạo
đức hơn. Thánh Gandhi, lấy tinh thần Ấn Độ giáo làm cơ sở, đã chỉ trích
những bất lợi tai hại của nền văn minh cơ giới hiện đại của Tây phương.
Tư tưởng và tôn giáo Đông phương coi mọi thứ trong thiên nhiên đều là sự
biểu hiện bình đẳng của sức sống vạn năng trong vũ trụ. Theo ý tôi thì
quan điểm này hợp lý hơn là chủ trương của văn minh Tây phương hiện đại
coi con người là trung tâm. Một đặc tính khác của tư tưởng và tôn giáo
Đông phương là tinh thần khoan dung. Văn minh Tây phương hiện đại, vì
tiến hóa từ những cuộc thánh chiến lâu dài của Thập Tự quân vào đầu thời
kỳ cải cách tôn giáo - mạnh về đặc tánh xung động. So với điều đó, Khổng
giáo, Phật giáo và Thần đạo Nhật Bổn có thể chung sống hài hòa qua sự
ảnh hưởng lẫn nhau, tuy có những tranh chấp không đáng kể giữa tôn giáo
này. Sử gia người Anh Arnold Joseph Toynbêe (1889 – 1975) đã chú trọng
tới tính cách đa dạng của văn minh. Gần đây, nhà chánh trị học người Mỹ
Samuel Philip Hungtington (1927 -) đã gây nhiều chú ý khi ông nói rằng
tính cách đồng nhất của văn minh sẽ dần dần trở thành quan trọng, và
trên tổng thể rộng lớn hơn, thế giới sẽ qui tụ còn khoảng bảy hoặc tám
tôn giáo có liên hệ với nhau.
Từ hai mặt tương phản nói trên của
thế kỷ 20, chúng ta có thể kết luận rằng thế kỷ 21 sẽ là thời đại của
ganh đua, ảnh hưởng lẫn nhau; nhưng một điều quan trọng hơn là nó cũng
sẽ là thời đại của cộng tồn và hợp tác, giữa các nền văn minh khác nhau,
để vượt qua phương diện đen tối của văn hóa. Do đó, tinh thần khoan dung
mà tôi nói ở đây không giống như một số người nghĩ rằng đó cung cách
khiêm tốn tuyệt đối để nhượng bộ cho sự bất khoan dung. Tôi muốn dùng
chữ khoan dung như là sự phủ định những giáo điều và những uy quyền. Đó
là thái độ tự chế để đừng đưa ra những phán xét tuyệt đối về những ý
kiến trái ngược nhau. Nói một các khái quát, chúng ta hy vọng sự kết hợp
giữa các tôn giáo Đông và Tây phương, đặt trên cơ sở của sự tương lập và
tương sanh, sẽ là một phương thuốc chống độc hữu hiệu nhất đối với những
lo ngại về nền văn minh hiện thời của chúng ta.
Sau cùng, tôi xin nói vài lời giới
thiệu về Phong Trào Liên Bang Thế Giới mà chúng tôi đã thúc đẩy. Sau khi
trận Thế Chiến II kết thúc, thì Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Đông và
Tây liền theo sau, khiến cho thế giới bị đe dọa xảy ra chiến tranh hạch
tâm. Nhà bác học Albert Einstein (1879-1955), một trong số ít khoa học
gia thấy rõ sự khủng khiếp của chiến tranh hạch tâm, nên đã kêu gọi rằng
ưu tiên thứ nhất là phải tránh sự hủy diệt toàn thể thế giới. Sử gia
Toynbêe đã đề xướng rằng chỉ có một chánh phủ mới của thế giới mới có
thể cứu được nhân loại. Phật tử Nhật Bổn chúng tôi đã nỗ lực cổ xúy việc
thành lập Phong Trào Liên Bang Thế Giới mà chúng tôi tin rằng giống như
Phật Quốc Tịnh Độ. Một Chánh phủ thế giới, xa lìa bất cứ nguy cơ chiến
tranh nào, có thể là một cơ chế chánh trị, nhưng thật ra nó cần tới tâm
thức nhiều hơn; do đó nó chỉ có thể được thực hiện qua sự cộng tác giữa
các tôn giáo khác nhau, như Phật Giáo, và Ấn Độ giáo, v.v... Chúng ta
vẫn còn bị đe dọa bởi chiến tranh hạch tâm, ô nhiễm môi sinh, và các
tranh chấp chủng tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, chúng ta không tuyệt vọng.
Chúng ta vẫn đang cố gắng hết sức để thúc đẩy sự chuyển đổi giá trị và ý
niệm về sự tương-lập, tuỳ thuộc lẫn nhau, để hướng tới việc sáng tạo một
nền văn minh mới trong thế kỷ 21.
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|