Chùa Diệu Pháp - GHPGVNTN - DIEU PHAP TEMPLE
|
|
THẬP NHỊ MÔN LUẬN
Dịch Giả: Thích Viên Lý
CỬA THỨ NHẤT
QUÁN NHÂN DUYÊN
Bồ Tát Long Thọ nói: “Nay tôi sẽ
được giải những giáo lý của Đại Thừa (Mahayanaa).
Hỏi (lời
người đối thoại): Việc giải thích Đại Thừa thì có những
lợi ích và ý nghĩa gì?
Đáp:
Đại Thừa là kho tàng giáo pháp vô cùng sâu xa của ba đời mười
phương chư Phật. Nó đã được thuyết giảng cho những người
có công đức lớn và trí thông minh ưu việt. Nhưng chúng sanh
ở thời mạt pháp phước đức chẳng được sâu dầy và thiếu căn
tánh sáng suốt. Tuy họ cố gắng tầm cầu học hỏi kinh
điển, họ vẫn không thể hiểu thấu. Tôi thương cảm những
người này và muốn họ được khai ngộ. Hơn nữa, tôi cũng
muốn hoằng dương và làm sáng tỏ đại pháp vô thượng của Như
Lai. Vì vậy tôi sẽ lược giải những giáo nghĩa của Đại
Thừa.
Hỏi:
Giáo nghĩa của Đại Thừa thì vô lượng vô biên, không thể đếm
hết. Nếu chỉ kể riêng những lời dạy của Đức Phật cũng
không sao nói hết. Vậy thì làm sao ngài có thể giải
nghĩa đầy đủ ?
Đáp:
Chính vì vậy mà ngay từ đầu tôi đã nói rằng tôi sẽ chỉ lược
giải mà thôi.
Hỏi:
Tại sao lại gọi là Đại Thừa (Cỗ Xe Lớn)?
Đáp: Đại Thừa là cổ xe ở bậc cao hơn trong hai cỗ xe (nhị
thừa), vì thế được gọi là “Cỗ Xe Lớn.” Thừa (cỗ xe) này
có thể đưa người ta đạt tới quả vị to lớn tột cùng của chư
Phật, cho nên được gọi là “Đại.” Đây là cỗ xe mà chư Phật
và các bậc đại nhân sử dụng, nên được gọi là “lớn”. Nó
có khả năng diệt trừ những đau khổ lớn của chúng sanh và đem
lại những lợi ích lớn, vì vậy gọi là “lớn”. Nó là cỗ
xe được sử dụng bởi các bậc đại sĩ như các vị Bồ Tát:
Quan Thế Âm (Avalokitésvara), Đại Thế Chí (Mahàsthàmapràta), Văn
Thù Sư Lợi (Majustrì) và Di Lặc (Maitreya); nên được gọi là “lớn”.
Cỗ xe này có thể bao trùm cùng tận tất cả pháp (gồm cả pháp
tánh và pháp tướng), vì vậy được gọi là lớn. Vả lại,
trong Kinh Bát Nhã chính Đức Phật dạy rằng, ý nghĩa của Đại
Thừa là vô lượng vô biên. Vì vậy nó được gọi là “lớn”.
Một trong
những giáo nghĩa thâm sâu nhất của Đại Thừa được gọi là “không-tánh”.
Nếu người nào có thể hiểu được ý nghĩa của không-tánh thì
có thể hiểu được Đại Thừa và lãnh hội được sáu Ba La Mật (pàramità)
mà không gặp trở ngại nào. Vì vậy, tôi chỉ muốn giải
thích về không-tánh. Để giải thích không-tánh và đi sâu
vào ý nghĩa của nó đương nhiên cần phải dùng tới Thập Nhị Môn
(Mười Hai Cửa).
Cửa thứ
nhất liên quan tới nhân duyên, được gọi là Nhân Duyên Môn, đó là:
Các pháp (mọi hiện tượng, mọi sự vật)
sanh ra từ những duyên khác nhau,
Vì vậy chúng không có tự tánh.
Nếu chúng không có tự tánh,
Thì làm sao có những pháp đó?
Các pháp (mọi
sự vật) phát sanh do những duyên (điều kiện) khác nhau, và
chúng gồm hai loại: loại thứ nhất là “nội” và loại thứ
hai là “ngoại”. Tất cả các duyên cũng gồm hai loại, nội
và ngoại. Các nhân duyên bên ngoài, chẳng hạn như đất sét,
dụng cụ, và người thợ làm đồ gốm; nhứng thứ đó cùng nhau
sản xuất ra một cái bình. Một thí dụ khác: một
tấm thảm được sản xuất từ những nhân duyên của sợi, khung cửi,
và người thợ dệt. Tương tự như vậy, ngôi nhà được tạo
thành là do sự kết hợp của các nhân duyên bên ngoài như sự
chuẩn bị, chọn vị trí đất đai, lập nền móng, cột, gỗ, bùn,
cỏ tranh, công nhân, v.v... Thí dụ khác là những thứ như sữa, hũ,
và nhân lực, hợp lại để tạo thành phó-mát. Một thí dụ
nữa là những thứ như hạt giống, đất, nước, ánh nắng mặt trời,
gió, không khí, thời tiết và nhân lực hợp lại để cây có thể
đâm chồi nẩy mầm. Nên biết rằng tất cả các duyên ngoại
tại của các pháp cũng giống như vậy.
Những thứ
được gọi là nội nhân duyên (nhân duyên bên trong) gồm có vô minh,
hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh,
lão tử; mỗi thứ trước tiên phải có nhân rồi sau đó mới sanh ra.
Như vậy, cả
nội pháp lẫn ngoại pháp đều do các nhân duyên khác nhau kết
hợp lại mà sanh ra. Bởi vì chúng do nhân duyên khác nhau
sanh ra, cho nên chúng không có tự-tánh.
Nếu các
pháp không có tự-tánh thì chúng thì chúng không thể có
tha-tánh, cũng không thể nào vừa có tự-tánh vừa có tha-tánh.
Tại sao? Bởi vì cái gọi là tha-tánh cũng đương nhiên không có
tự-tánh. Nếu chúng ta nói rằng cái gì đó sinh tồn là do
tha-tánh, vậy thì một con bò sanh tồn là do tánh chất của con
ngựa; một con ngựa sanh tồn là do tánh chất của con bò; một
quả đào là hiện hữu là do tánh chất của một quả táo; một
quả táo hiện hữu là do tánh chất của quả đào, v.v...Tất cả
những điều đó không thể nào xảy ra. Người ta có thể nói
rằng một vật hiện hữu chẳng phải do một “tha-tánh” nào đó mà
là do một “tha” nào đó. Nhưng điều đó cũng không thể xảy
ra. Tạ̣i sao? Nếu nói rằng một tấm chiếu hiện hữu do
một số cỏ lát nào đó, vậy thì cỏ lát và chiếc chiếu là
“nhất thể,” và, cỏ lát không thể được gọi là “tha.” Nếu ai
nói rằng cỏ lát là “tha” đối với cái chiếu, thì người đó
không thể nói rằng cái chiếu hiện hữu là vì cỏ lát. Vả
lại, ngay chính cái gọi là cỏ lát cũng đâu có tự-tánh.
Tại sao? Vì cỏ lát cũng là do các nhân duyên khác nhau
sanh ra. Một khi cỏ lát không có tự-tánh, người ta không
thể nói rằng nhờ cỏ lát mà cái chiếu hiện hữu. Do đó,
cỏ lát không thể là bản thể của cái chiếu. Cũng vì vậy,
người ta không thể khẳng định sự sanh sản của chiếc bình, pho
mát và những thứ khác thuộc ngoại nhân duyên.
Tương tự như
vậy, người ta không thể xác định những gì do các nội nhân duyên
sanh ra. Như được trình bày trong Bảy Mươi Luận Tụng:
“Thập nhị
nhân duyên thật sự là vô sanh. Nếu bảo rằng chúng hữu sanh
thì chúng sanh ra ở nhất thời hay đa thời (nhất tâm hay đa tâm)?”
Những thứ
gọi là nhập thị nhân duyên (12 nhân duyên) thật ra không có sanh
khởi. Nhưng nếu có sanh khởi, thì sanh khởi đó xảy ra ở
nhất thời hay đa thời? Nếu nó xảy ra cùng một lúc thì
nhân và quả đã xảy ra cùng một lúc. Nhưng đó là điều vô
lý? Tại sao? Bởi vì nhân phải đi trước quả.
Nếu sự phát sanh xảy ra trong nhiều “tâm thời” thì mười hai nhân
duyên đi trước phải tách riêng với nhau. Mỗi nhân duyên đi
trước phải xảy ra ở trong tâm-thời nào đó và biến đi cùng với
tâm-thời đó. Vậy thì đâu là nhân duyên của những nhân duyên
theo sau nó? Khi một cái gì đó biến đi cùng với một
tâm-thời nào đó thì có nghĩa là nó không hiện hữu, vậy thì
sao nó có thể sanh ra các thứ khác? Nếu có mười hai nhân
duyên thì hoặc là chúng xảy ra trong nhất thời hoặc là trong đa
thời. Nhưng cả điều đó đều là vô lý.
[Chú giải:
Ở đây Bồ Tát Long thọ muốn cho thấy rằng thập nhị nhân duyên
chỉ là “không.” Ngài cũng biện luận rằng người ta không
thể dùng tâm thức hoặc bất cứ yếu tố nội tại nào để giải
thích thực tại của vũ trụ. Nhất tâm ở đây có nghĩa là
nhân quả của nhất thời cộng sanh.]
Vì vậy,
tất cả mọi nhân duyên đều là không. Vì nhân duyên đều là
không, cho nên những sự vật (pháp) do nhân duyên sanh ra cũng đều
là không. Vì vậy, người ta cần phải biết rằng tất cả
“hữu vi pháp” (những pháp do nhân duyên sanh ra) đều là không.
Nếu hữu vi pháp là không thì cái ngã nào có khác gì hơn?
Người ta căn cứ vào
các hữu vi pháp như “ngũ uẩn,” “thập nhị thập,” “thập bát
giới” mà cho rằng có cái ngã. Chỉ khi nào có vật gì
dẫn lửa thì mới xảy ra một đám cháy. Vậy thì khi các “uẩn,”
các “nhập,” và các “giới” đều là không, thì chẳng có gì có
thể gọi là cái ngã. Nếu không có vật gì có thể cháy
thì không thể có đám cháy.
Trong kinh
chép: “Đức Phật dạy các tỳ kheo rằng khi có cái ngã thì
mới có những thứ thuộc về cái ngã. Nếu không có cái ngã
thì không có những thứ thuộc về cái ngã.”
Vì vậy, khi
các hữu vi pháp là không, chúng ta nên biết rằng vô vi pháp
Niết Bàn cũng là không. Tại sao? Bởi vì sự diệt trừ
ngũ uẩn mà không sanh ra một nhóm ngũ uẩn khác thì gọi là
Niết Bàn. Nhưng ngũ uẩn chỉ là không. Vậy thì phải
diệt trừ cái gì để được gọi là Niết Bàn? Và, cái ngã
cũng là không. Vậy thì ai có thể đạt tới Niết Bàn?
Vả lại, những vô sanh pháp được gọi là Niết Bàn; vậy nếu các
hữu sanh pháp có thể thành lập, thì các vô sanh pháp cũng có
thể thành lập. Như đã nói trong đoạn khảo sát về nhân
duyên, hữu sanh pháp không thể được thành lập. Vậy hãy
nhắc lại lần nữa rằng hữu sanh pháp không thể được thành lập.
Bởi vì trong thế gian có các hữu sanh pháp, cho nên các pháp
khác có thể được gọi là vô sanh. Nếu các hữu sanh pháp
không thể được thành lập thì làm sao các vô sanh pháp có thể
được thành lập?
Vì thế,
tất cả các hữu sanh pháp, vô sanh pháp và cái ngã đều là
không.
Chú thích:
-Hữu sanh pháp: Vật có sự sanh khởi
-Vô sanh pháp: vật không có sự sanh khởi
|
|
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
Chùa Diệu Pháp - DIEU PHAP TEMPLE - TĐGHPGVNTN
|
|