VĂN HÓAPHẬT GIÁO TRONG HÀNH TRÌNHKẾT TẬP VÀ CỦNG CỐ
(Hưng Trung)
Trong 45 năm truyền giảng con đườnggiải thoát, Đức Phậtthu nhận rất nhiều đệ tử, có người xuất gia theo Ngài và lập thànhTăng đoàn (Sangha), có người là cư sĩ. Đức Phật để lại cho nhân loại kho tàng tri kiếnvô giá gồm nhiều bài thuyết giảng (Sutta – Kinh) cho nhiều đối tượng từ quý tộc đến bình dân, từ giới cư sĩ đến bậc thánh thanh văn. với sự phát triển của Tăng đoàn, giới luật được Ngài chế định để tăng chúngtu tập được thuận lợi (Vinaya – Luật). Ngoài ra, còn nhiều bài giảng, luận – đặc biệt khác đã đúc kết trong bộ A-tỳ-đàm (Abhidhamma). Luật và Kinh là hai tạng kinh điển được kết tập sớm nhất, ngay trong kỳ kết tập kinh văn ngoại thành Rajagaha (Vương Xá).
BỐN KỲ KẾT TẬP KINH ĐIỂN TRONG PHẬT SỬ
Vào ngày thứ hai của tháng thứ tư sau khi Phật bátNiết bàn, một đại hội các vị Tỳ kheo tổ chức ở vùng đồi núi ngoại thành Vương Xá dưới sự bảo trợ của vua A-xà- thế. Mục đích của đại hội là kết tập các bài kinh giảng và các điều luật thành một hệ thống chặt chẽ, nhằm gìn giữdiệu pháp của Thế Tôn cho muôn đời. Tham giađại hội có 500 vị A-la-hán. Trưởng lão Maha Kassapa (Ma-ha-ca-diếp) chủ trì đại hội. Người có nhiệm vụ trùng tuyên phần Luật được Phật chế định là ngài Upali (Ưu-ba-ly) và phần Kinh được Phật thuyết giảng là ngài Ananda (A-nan-đà).
Trong đại hội kết tập lần thứ nhất, chỉ có hai phần Pháp và Luật được trùng tuyên lại. Một số vấn đề về giới luật được đem ra thảo luận vì trước khi Thế Tônnhập Niết bàn, Ngài có bảo Đại đức Ananda rằng: nếu Tăng già muốn sửa đổi một ít giới luật nhỏ, họ có thể sửa đổi. Ngài Ananda vì quá ưu sầu nên không hỏi Đức Phậtgiới luật nào nhỏ nhặt và có thể sửa đổi.
Thành viên đại hội không đồng ý về việc khẳng định giới luật nào là nhỏ. Cuối cùng, trưởng lão Kassapa quyết định không có giới luật nào Thế Tôn đưa ra phải thay đổi và cũng không giới thiệu thêm giới luật mới. Tương truyền, trưởng lão Kassapa nhắc nhở: “Nếu chúng ta thay đổi giới luật, người ngoài sẽ nói rằng đệ tửSa Môn Gotama thay đổi giới luật trước khi hỏa táng Ngài”.
Sau đại hội, giáo phápphân chia thành nhiều phần. Mỗi phần ấn định cho một vị trưởng lão và đệ tử ghi nhớ. Giáo pháptruyền khẩu theo truyền thống các học phái đương thời tại Ấn Độ. Kinh và Luật được đọc tụnghằng ngày và hội chúngthường xuyên kiểm chứng với nhau để bảo đảm không có sự thiếu sót hoặc thêm bớt nào[1].
Nhận được sự ủng hộ của các vương quốc trong khu vực, nhiều phái đoàntruyền giáo đi các nơi hoằng dương đạo pháp, từ miền Trung Ấn đến mạn Nam và Tây tiểu lục địa Ấn Độ. Ở thời kỳ này, xã hộiẤn Độ xảy ra nhiều biến động, ảnh hưởng đến sinh hoạtTăng đoàn, nhất là những nơi Phật giáo vừa bén rễ.
Một số tu sĩđề xuấtsửa đổigiới luật và lề lối sinh hoạt, trong đó có việc thọ dụng, cất giữ vàng bạc do dân chúng cúng dường[2]. Sự khác biệt trong cách thực hànhgiới luật khiến Tăng đoàn phải lưu tâm. Khoảng một trăm năm sau cuộc kết tập kinh điển lần thứ I, trưởng lão Yassa và Revata nhóm họp 700 vị A-la-hán tại thành Vaishali để giải quyếttranh chấp về những khác biệt này. Đại hội cũng trùng tuyên kinh điển và kết tập một số bài kinh giảng chưa được đúc kết trước đây. Đó là những cơ sở để thành hìnhTiểu Bộ kinh sau này[3].
Đại hội kết tậpkinh điển lần thứ hai quyết định giữ nguyên 10 điều giới luậtcăn bản Phật đã chế định. Tuy nhiên, một số tu sĩ không hài lòng và bắt đầu có khuynh hướng ly khai. Đây là mầm mống đưa đến sự phân chia đầu tiên trong tăng đoàn: bộ pháiTrưởng Lão Thuyết Bộ (Sthaviravada) gồm các tu sĩ theo khuynh hướng giữ gìn nguyên vẹn những lời Phật dạy và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) là những tu sĩcải cách.
Trong vòng vài thế kỷ, hai bộ phái trên đã phát triển thành nhiều bộ phái[4]. Trưởng Lão Thuyết Bộ phân hóa thànhít nhất 12 học phái, gồm: Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Saivàtivàdàh), Độc Tử Bộ (Vàtsiputriya), Pháp Thượng Bộ (Dharmottariyàh), Hiền Trú Bộ (Dhadrayàniyàh), Chánh Lượng Bộ (Sammitiyàh), Mật Lâm Sơn Bộ (Sandagirikàh), Hóa Địa Bộ (Mahìsarakàh), Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptakàh), Ẩm Quang Bộ (Kàsyaplyàh), Kinh Lượng Bộ (Sautràntikàh), Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavada), Xích Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya). Đại Chúng Bộ lại phân hóa thànhNhất Thiết Bộ (Ekavyavahàrikàh), Thuyết Xuất Thế Bộ (Locottaravavàdinà), Kê Dận Bộ (Kankkutikàh), Đa Văn Bộ (Bàhusrutiyàh), Thuyết Giả Bộ (Prajràptivadinàh), Chế Đa Sơn Bộ (Caityasailàh).
Các bộ phái vừa khuếch trương thanh thế, vừa phản bác luận thuyết của nhau. Đến thời vua Asoka (268-232 trước công nguyên), một đại hộiPhật giáo lại được tổ chức nhằm xiển dương chánh pháp và bác bỏ những luận điểm không đúng với giáo lýPhật đà. Chủ trì đại hội kết tậpkinh điển lần thứ III là ngài Mục Kiền LiênĐế Tu (Moggaliputta Tissa) – thầy của vua Asoka. Ở đại hội này, sự khác nhau giữa các bộ phái nằm ở giới luật và giáo pháp. Ngoài việc trùng tuyên Kinh – Luật, đại hội còn kết tập tạng A tỳ đàm.
Vua Asoka ủng hộPhân Biệt Thuyết Bộ nên học phái này trở nên mạnh mẽ. Đại hội cũng cử các phái đoàntruyền giáo ra khỏi biên giớiẤn Độ, truyền báchánh phápĐức Phật đến lân bang. Trong đó, ngài Mahinda – con trai vua Asoka mang theoTam tạng kinh điển vừa kết tập đến đảo Sri Lanka.
Đến thế kỷ I trước công nguyên trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ IV, trước tình hình nạn đói ở Sri Lanka lan rộng, đe dọatính mạngnhân dân và các vị tỳ kheo đang giữ gìngiáo phápĐức Phật bằng hình thứctruyền khẩu, đại hội phái Đồng Diệp Bộquyết định viết lại Tam tạng kinh điển trên lá bối để gìn giữchánh pháp muôn đời. Ngôn ngữ Prakrit được sử dụng để viết kinh văn, chấm dứt giai đoạn truyền khẩugiáo pháp và giới luậtPhật giáo[5].
Ngoài cuộc kết tập kinh điển của phái Đồng Diệp Bộ ở Sri Lanka, phái Nhất Thiết Hữu Bộ ở Kashmir cũng tổ chức một cuộc kết tập kinh điển riêng dưới sự bảo trợ của triều đại Kanishka ở Bắc Ấn Độ. Kinh văn của học phái này cùng một số phái khác được bảo lưu và theo các đoàn truyền giáo đến những nước xung quanh, trong đó có Trung Quốc với thành quả là bộ Hán tạng A-hàm.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỚI VÀ TINH HOALUẬT TẠNG
Xuyên suốt các cuộc kết tập kinh điển, giới điều trong Luật tạng là một trọng tâm được các bộ phái Phật giáo rất quan tâm, vì giới “là khởi điểm của các thiện pháp, chính là giới hoàn toàn thanh tịnh”[6].
Từ giới trong tiếng Pali là Sìla, không có nghĩa là những điều luật, quy luật, hay những quy tắc buộc con người phải tuân thủ trong nhà trường, cơ quan, tổ chức đoàn thể. Một vài học giảgiải thích Sìla theo nhiều phương diện khác nhau như: sự hướng dẫn về tư cáchđạo đức, phép tắc hành xử, lời dạy, mệnh lệnh, sự ngăn cấm, quy luật, giới hạnh. Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) định nghĩa trong Thanh Tịnh Đạo: “Giới hạnh là những trạng thái bắt đầu bằng sự hiện diện của Tư tâm sở trong một con người xa lánh việc sát sanh (không giết hại chúng sanh) hoặc người thực hànhviên mãn các học giới”.
Theo quan điểmPhật giáo, Sìla bao gồm 2 nghĩa: giới điều đạo đức (theo phương diệnđạo đức) và phong cách cư xử về đạo đức (theo phương diệntu tập). Với nghĩa đầu tiên, nó xuất phát từ lời dạy Đức Phật khuyên con người tránh ác làm lành, tu tập thân khẩu, ý thanh tịnh, diệt trừ tất cả những phiền não tham, sân, si đưa đến sự an lạcgiải thoát cho chính mình. Với nghĩa thứ hai, Sìla khuyên con ngườiquý mến nhau, thương yêu nhau, thông cảm cho nhau, đoàn kết và giúp đỡ nhau. Sìla còn hướng dẫn con người làm thế nào để tu tập và thích nghi với mọi tình huống xã hội hầu mang lại lợi ích, an vui và hạnh phúc thật sự cho mình và người.
Đây chính là ý nghĩa Sìla tích cực và năng động trong giới Phật giáo, đóng góp vai trò quan trọng về phương diệnđạo đức trong cuộc sống con người và cộng đồngxã hội ngày nay[7]. Bởi tầm quan trọng ấy, quá trình phát triển các bộ phái Phật giáo đã thúc đẩy sự kiến giải các học giớikế thừa từ thời tăng đoànnguyên thủy. Đến nay, ngoài Luật tạng văn hệ Pali, còn có hai tạng Luật của Pháp Tạng bộ (Phật giáo Đông Á) và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Phật giáo Tây Tạng và vùng Himalaya) còn lưu trữ nguyên vẹn.
Từ năm 1924, học giảNhật Bản là Takakusu Junjirõ (Cao Nam Thuận Thứ Lang) vận độngphong trào xuất bản tam tạng kinh điểnPhật giáo. Nhờ công sức của hàng nghìn người trong cả học giới và Tăng Ni, Nhật Bản đã tập hợp và ấn hành bộ Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh trong thế kỷ XX. Trong đó, còn lưu giữ một số phần Luật tạng của các bộ phái Phật giáoẤn Độ khác như: Ẩm Quang Bộ, Đại Chúng Bộ, Hóa Địa Bộ và Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã được tu chỉnh trong các khảo cứu đương đại. Cấu trúc Luật tạng trong ba tạng Luật hiện thời tương đồng về nội dung căn bản, nhưng có sự khác biệt ở một số điểm phụ.
Trong bản văn hệ Pali, tạng Luật gồm Phân tích Giới bổn Suttavibhanga trình bày Patimokkha của tỳ kheo gồm 227 điều học và tỳ kheo ni có 311 điều học. Khandhaka gồm các vấn đề có liên quan đã sắp xếp thành từng chương và được phân làm hai: Mahãvagga (Đại Phẩm) và Cullavagga (Tiểu Phẩm). Cuối là Parivãra (Tập Yếu) phân tích về giới luật theo các tiêu đề và được trình bày dưới dạng vấn đáp, có thể xem như cuốn cẩm nang hướng dẫn việc hành xử giới luật.
Tại Phật giáo Tây Tạng, tạng Luật ngoài điều học cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni còn có các tập Vinayavibhanga (giải thíchhọc giới cho Tỳ kheo), Bhiksunĩvinayavibhanga (giải thíchhọc giới cho Tỳ kheo ni), Vinayaksudrakavastu (các chủ đề liên quan), Vinayottaragrantha (tương ứng với Tập Yếu của Phật giáo Nam truyền).
Vùng văn hóaPhật giáo Á Đông sử dụngTứ Phần Luật. Đây là bản Luật tạng của Pháp Tạng Bộ được dịch vào thời kỳPhật giáo bắt đầu hưng khởi tại Trung Quốc. Văn bản gồm bốn phần là giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, tăng sự và tạp phẩm. Bên cạnh đó, còn có Luật Thập Tụng là bản Hán dịch của Luật tạngThuyết Nhất Thiết Hữu Bộ gồm: giới Ba-la-di, Bất định, Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, Ba- dật-đề; Luật Ngũ Phần của Hóa Địa Bộ; Ma-ha-tăng-kỳ Luật của Đại Chúng Bộ.
Sự phong phú của tạng Luật thể hiệnPhật giáo không ngừng phát triển và luôn luôn mới mẻ, vừa đáp ứng những thay đổi đời sống, vừa giữ gìngiáo huấn của Thế Tôn. Phật nhật tăng huy sẽ không thể có, nếu các thế hệ không gìn giữgiới luậtđức Phật ban bố. Dù theo truyền thốngPhật giáo nào, cội nguồn phạm hạnh vẫn bắt đầu từ việc tu trìgiới luật.
Chú thích:[1] K.R. Norman (1983), Pãli literature: including the canonical literature in Prakrit and Sanskrit of all the Hĩnayãna schools of Buddhism, Wiesbaden: Otto Harrassowitz, p.12.[2] Hirakawa Akira (1993), A history of Indian Buddhism, Motilal Banarsidass, p.80.[3] Samanera Bodhesakho (1984), Beginnings: The Pali Suttas, Buddhist Publication Society, p.56.[4] Một số tư liệu liệt kê đến hơn 30 bộ phái.[5] Thích Viên Giác, “Khái quát lịch sửtruyền bákinh điển và những đặc điểm của Kinh tạng Nikàya”, www.budsas. org, truy cập 17/10/2020.[6] Bhadantacariya Buddhaghosa (Thích NữTrí Hải dịch), Thanh Tịnh Đạo, I, 10.[7] Thích Quang Thạnh, “Tìm hiểu về Giới luật (Sìla) trong Phật giáo”, www. budsas.org, truy cập 17/10/2020.
Bản gốc: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo Số 355
Xem thêm:
Các Kỳ Kiết Tập Kinh Điển Theo Phật Giáo Theravada (Hòa thượng Rewata Dhamma – Đăng Nguyên dịch)
.