VỀ CHUYỆN BỒ-TÁT VESSANTARA (TU-ĐẠI-NOA) BỐ THÍVỢ CON Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Do duyên: Trước năm 1975, có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, khi đọc truyện Thái tử Tu-đại-noa bố thívợ con, vị ấy đã lên án khá gay gắt trong một bài viết, nói rằng, hành động bố thívợ con là quá đáng, là không có nhân tính (tôi nhớ có thể nhầm, ngại không đúng nguyên văn). Vừa rồi, độc giả Thái Kim Du, có lẽ là một cư sĩ, trong một comment dưới bài viết của tôi trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, có nội dung sau:“Về việc bố thí cả vợ con của thái tử Vessantara, con chưa biết rõ lắm và con cũng không có ý kiến phản bác giống vị giáo sư thiên chúa giáo kia, nhưng con tha thiết mong được đọc bài viết của thầy, xin thầy từ bi đáp ứng”. Không chỉ vị giáo sư Thiên chúa giáo kia, mà ngay chính Ni sư Thuần Chánh ở tại Ni việnViên Chiếu cũng có cảm nhận tương tự về chuyện thái tử Tu-đại-noa bố thívợ con: “Mới đây thôi, khi học đến phẩm An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa, chúng tôithảo luận về sự bố thí và nhắc đến thái tử Tu-đại-noa. Cái gút nằm ở chỗ Thái tử cho hai đứa trẻ và công chúa. Từ lúc biết đọc truyện cổ tíchPhật giáo, tôi đã không thích câu chuyện này ở cái gút đó. Thái tửphát tâmbố thí, ông muốn cho lâu đài, thành quách, châu báu gì thì cứ việc cho, có muốn bố thí sinh mạng ông cho tròn hạnh nguyện cũng được, tôi không nói tới. Nhưng cho hai đứa trẻ và công chúa là điều không thể chấp nhận. Cho vợ con là việc làmvô nhân bản, không thể coi hai trẻ và công chúa như một vật vô tình sở hữu. Và tôi không ưa được đoạn oái ăm đó, một đoạn lý đáng rất cảm động. Vì chưa đồng ý, nên tôi chưa nhớ rõ vị giáo đạo đã mở gút đó thế nào cho hợp tình hợp lý. Tôi vẫn còn suy nghĩ, bởi đối với chúng tôibố thí là hạnh đứng đầu trong “sáu ba-la-mật”. Truyện Thái tử Tu-đại-noa được kể với nhiều bút pháp khác nhau, cốt truyện có sai khác chút đỉnh, nhưng hễ đọc đến khúc quanh đó, tôi luôn bị “khựng” lại, thắc mắc không biết hiểu sao cho phải với hạnh nguyện của người xưa. Sự không ưa ngày trước không còn rõ nét nữa, chỉ còn lại một sự băn khoăn. Có thể tôi tạm suy nghĩ như thế này: Có lẽ ngày đó tôi không đứng trên tâm trạng và trái tim của người từ bỏ. Tôi chưa từng nghĩ mình phải từ bỏ cái gì hết. Và có cần thiết hay không sự “bố thí thái quá” đó trong cuộc đời này! Mãi cho đến khi, chữ “từ bỏ” nhen nhúm trong tim tôi, cái đốm lửa lập loè bé bỏng giữa đêm dày đặc đã làm chúng tôi trăn trở không ít. Nghĩ đến thái tử Tu-đại-noa, cảm phụcThái tử bằng cuộc đờitu tậpvụng về của mình. Ngẫm nghĩ lời dạy của ngài Triệu Châu: “Con nít ba tuổi cũng biết, ông già bảy mươi chưa chắc làm được”. Thật không dễ dàng buông đi cái gì đó khi nó là sở hữu của mình. Vật vô tình đã khó, huống là hữu tình – cái mà mình còn đang coi là niềm vui, là tin yêu, là điểm tựa. Tôi vẫn ngồi bên bàn cân nghiêng ngửa, buồn rầu khi thấy thế giới nhẹ hơn trái tim mình, nghĩ đến thái tử Tu-đại-noa và trái tim buông bỏ của Người mà thấm thía thuật ngữ “tu tập hạnh Bồ Tát”. Như vậy là chuyện bố thívợ con của thái tử Vessantara (Tu-đại-noa) là sự thắc mắc của nhiều người, cả cư sĩ và tu sĩ. Do vậy, hôm nay, tôi xin trích lại một chương trong Mi-Tiên vấn đáp do HT. Giới Nghiêmsoạn dịch, mà tôi là người mày mò nhuận sắc và hiệu chính mất gần hai năm mới hoàn thành. Đây là đoạn vấn đáp giữa đức vua Mi-lan-đà và tỳ-khưu Na-tiên về đề tài mà “trái tim chúng ta không yên ổn”.Hy vọng với trí tuệsiêu việt của tôn giả Na-tiên, không những giúp cho đức vua Mi-lan-đà thoả mãn mà cảchúng ta cũng được thở phào nhẹ nhõm! Cẩn bút, MĐTTA. – Thưa đại đức tất cả Bồ-tát thuở trước đều phải trải quahoàn cảnhbố thívợ con, hay chỉ riêng Bồ-tát Vessantara của chúng ta thôi? – Tâu, tất cả. Vị Bồ-tát nào hành ba-la-mật cũng đều bố thívợ con như nhau cả thảy. – Thế vợ con có hoan hỷ làm vật thí cho Bồ-tát Vessantara bố thí chăng? – Tâu đại vương! Vợ thì hoan hỷ nhưng con thì không. Nếu trường hợp người con ấy lớn, hiểu biết về nhân quả, phước báu, hiểu rõtâm nguyện của cha thì nó sẽ hoan hỷ; còn nếu nó nhỏ quá, chưa biết gì thường thì khóc than rất bi lụy. Vua Mi-lan-đà trầm ngâm giây lâu rồi nói: – Câu chuyện Bồ-tát Vessantara bố thívợ con, trẫm nghĩ ngợi rất nhiều. Nếu nói đấy là việc khó thì đúng là việc khó làm, thế gian không ai làm nổi, ngoại trừ Bồ-tát Vessantara! Nếu bảo đấy là sự nhẫn tâm, trái tim đã biến thành gỗ đá – thì chẳng ai có thể biện hộ dùm cho Bồ-tát Vessantara được, thưa đại đức! – Đại vương xin cứ thẳng thắn cho. Lý do nào mà đại vương ghép tội Bồ-tát Vessantara như thế? – Không dám. Trẫm đâu dám kết tội, nhưng rõ là trẫm có bảy điều muốn đem ra vấn nạnđại đức đây! – Bần tăng xin rửa tai lắng nghe. – Vâng! Đại đức hãy nghe đây: Điều thứ nhất: Tại sao Bồ-tát lại đang tâm bố thí hai đứa con yêu của mình vốn là lá ngọc cành vàng – đến người bà-la-môn để làm tôi tớ cho gia đình hắn? Điều thứ hai: Tại sao khi hai trẻ vùng khỏi sợi dây buộc của lão bà-la-môn, chạy đến bên Bồ-tát; khẩn cầu, van xin Bồ-tát giúp đỡ, hầu thoát khỏi bàn tay độc ác của lão ấy, Bồ-tát lại nguội lạnh, dửng dưng đến như thế? Điều thứ ba: Trước đó, khi lão bà-la-môn cột trói hai trẻ, vừa lôi bừa đi, vừa đánh đập chúng trước mặt Bồ-tát, thế mà ngài chẳng động lòng? Chẳng động lòng, tim trơ trơ như gỗ đá thế kia, hay bảo đấy là ngài trú trong pháp xả ba-la-mật? Điều thứ tư: Khi hai trẻ khóc than thống thiết rằng: “Cha ơi! Lão già bà-la-môn xấu xí kia đúng là quỷ dạ xoa! Con quỷ ấy xin hai con về là để ăn thịt. Vậy xin cha hãy cứu hai con!” Ôi! Con mình đau khổ như thế, van xin với nước mắt thống lụy như thế – mà Bồ-tát của chúng ta chỉ an ủisơ sơ: Không có đâu, hai con, không có đâu, đừng sợ. Nói thế thì có được ích gì, chỉ như một nhát dao đâm sâu vào tình phụ tử đấy thôi. Điều thứ năm: Khi đứa trẻ trai Jāli lăn lộn, vùng vẫy, ngã quỵ, gần bên chân Bồ-tát, ngước đôi mắt hoen đỏ, bi thảm, nức nở tâu xin rằng: “Thưa cha, xin cho em gái Kaṇhā của con được ở lại, nó còn nhỏ dại quá, nó không chịu nổi sự đau khổ này đâu. Con xin gánh chịu tất cả, con sẵn sàng để cho quỷ dạ xoa kia ăn gan, uống máu, ăn thịt con! Phải cứu em gái tội nghiệp của con, cha ơi!” Ôi! Trước sự thống thiết của con trai như thế mà Bồ-tát chẳng xúc động, chẳng nói năng gì, thì kể cũng lạ đời! Điều thứ sáu: Khi bị lão bà-la-môn đánh đập, cột trói rất chặt, kéo bừa hai trẻ lê trên đất như hai con heo; trẻ Jāli chồm lên, lấy thân đỡ roi cho em, không ngớt chửi mắng lão bà-la-môn hèn hạ; thế mà Bồ-tát lại giả vờ quay mặt đi, chẳng rầy trách lão bà-la-môn một tiếng là cớ làm sao? Điều thứ bảy: Lão bà-la-môn lôi hai trẻ đi xa dần, vấp phải đá, đụng phải cây, thân thể chúng bầm dập, rách nát, tươm máu, tiếng khóc la thảm thiết từ núi rừnghoang vắng vọng lại! Thế đó. Làm cha, làm mẹ có chút thương con thì trái tim chắc cũng vỡ ra làm trăm mảnh; thế mà Bồ-tát cũng dường như không, bước vào cốc, đưa tay khép cửa lại! Thưa đại đức! Dù Bồ-tát Vessantara phát đại nguyệnbổ túc ba-la-mật đi nữa, muốn thành tựuvô thượng Bồ-đề tuệ đi nữa, ngài cũng phải có trái tim biết thương xót con mình chứ? Ai nỡ nào đang tâm để cho con mình kêu gào, la khóc như vậy chứ? Thật trẫm không hiểu nổi. (Đại đức Na-tiên trả lời): – Đại vương nên nhớ rằng, việc bố thívợ con của Bồ-tát, nhất là bố thí con, mà đại vương bảo là đang tâm, nhẫn tâm, không có trái tim ấy – đã chấn động mười ngàn thế giới trong cõi sa bà này! Chấn động khắp các cõi trời, người, Đế thích, a-tu-la, long vương, phạm thiên, dạ xoa, ma vương… Tất thảy, ai cũng nổi gai ốc, dựng tóc gáy; và ai cũng tán dương, khen ngợi không hết lời! Thế thì việc làm ấy là tốt hay xấu hở đại vương! Tốt hay xấu mà đại vương lại nghiêm khắc luận tội, trong lúc mười ngàn thế giới lại tán thán không hết lời? – Trẫm hoài nghi về điều ấy! – Vâng! Tốt hay xấu còn tùy thuộc cách nhìn cùng quan niệm riêng tư. Nhưng sự bố thí ba-la-mật của Bồ-tát có mười đức tính cao thượng, đại vương cũng nên biết, để từ đó rút ra kết luận cho mình. – Xin cho nghe. – Tâu, vâng. Mười đức tính ấy như sau: Một là, sự bố thísiêu việt. Hai là, dứt trừ sự thương yêu (bởi tâm ái luyến). Ba là, thái độ dứt bỏ. Bốn là, không ăn năn, hối hận. Năm là, sự bố thívi tế. Sáu là, sự đoạn tuyệt. Bảy là, sự bố thí to lớn. Tám là, sự bố thíthế gian khó hiểu. Chín là, sự bố thí khó khăn. Mười là, sự bố thí chẳng ai so sánh được. Sở dĩ mười ngàn thế giớirung động là do sức mạnh của mười đức tính ấy, tâu đại vương! Đức vua Mi-lan-đà vẫn lắc đầu: – Thưa, bao nhiêu đức tính cũng vậy thôi! Bao nhiêu sức mạnh cũng vậy thôi. Sự dứt bỏ, bố thí một cách cao thượng, siêu việt, được mười ngàn thế giớitán dươngmặc dầu – trẫm vẫn nghi ngờ như thường! Sự bố thí mà không hề nghĩ đến sự đau khổ của kẻ khác, làm cho kẻ khác khóc than, la hét… mà có phước báu được sao? Đấy là con đường đi về cõi trời hay con đườngđi vàođịa ngục, đại đức? – Tâu đại vương! Có thể điều ấy đúng khi ta chưa hiểu rõ lý nhân quả. Nhưng nếu ta hiểu rõ lý nhân quả rồi, đồng thời, thấy được cái đại nguyện và dụng tâm sâu kín của đức Bồ-tát thì ta sẽ không nghi ngờgì nữa. – Đại đức cứ tiếp tục. – Tâu, vâng. Ví như có một đạo sĩtu tập trong rừng sâu, hằng ngày trú tâm từvô lượng, toát ra một năng lựcmát mẻ bao phủ cả một vùng. Thế rồi, các loài hươu, nai… đến gầnđạo sĩ mà chúng không hề sợ hãi. Bất chợt, sáng hôm kia, đạo sĩ tỏ vẻ hung dữ cầm cây đánh đuổi hươu, nai đi chỗ khác. Đại vương thấy thế nào, vị đạo sĩ đánh đập chúng sanh, vậy là độc ác, vậy là không có lòng từ sao? – Thưa, đánh đập như vậy là không được rồi! – Tâu đại vương! Chính đánh đuổi như thế, vị đạo sĩ đích thực mới có tình thương đối với hươu, nai! Vì sao vậy? Vị đạo sĩ nghĩ rằng, nếu chúng tưởng mọi người ai cũng đều hiền lành, vô hại, tìm đến chơi một cách vô tư như thế – thì có lúc, sẽ bị bọn thợ săn làm hại! Điều này chứng tỏ gì? Chứng tỏhiện tại dường như đau khổ nhưng tương lai, sẽ lợi ích cho nó, an vui cho nó hơn. Câu chuyệnbố thí hai con của Bồ-tát, chúng ta nên suy xét theo chiều hướng này thì may ra ánh sáng mới được lộ ra, tâu đại vương! – Thưa, chưa được thuyết phục lắm, nhưng đại đức cứ cho xin ví dụ nữa đi. – Tâu, vâng. Ví như có một sa-môn tu hành rất tinh tấn, có giới hạnh, bị té xuống hố gãy chân, gãy tay, máu ra rất nhiều. Có người thợ săn đi ngang, thấy vậy, khởi mối thiện tâm, muốn xuống cứu vị sa-môn ấy. Vị sa-môn nói rằng: “Tôi đau lắm, cứ để tôi chết ở đây!” Người thợ săn nói: “Ở đây tôi không có thuốc chữa, ngài hãy chịu khó, ráng chịu đau để tôi cõng về làng”. Sau ba lần thuyết phục, vị sa-môn không chịu. Người thợ săn quyết giữ ý mình, quyết cứu sa-môn cho bằng được, bèn xuống hố cõng lên. Phàm tay gãy, chân gãy để yên thì ít đau, nhưng khi di chuyển, động cựa, các khớp xương sai lệch, đau đến tận xương tủy. Người thợ săn biết vậy, nhưng vì muốn cứu bậc tu hành, chẳng ngại đường xa vất vả, chẳng ngại tiếng rên la đau đớn của vị sa-môn, lúc đi bộ, lúc đặt lên xe kéo, chuyển được về làng. Lúc sắp xếp lại các khớp xương, bó giẻ để cột lại, vị sa-môn đau đớn bất tỉnh… Mấy ngày hôm sau, vị sa-môn ngỏ lờicảm ơn. Người thợ săn nói: “Ngài chịu khó tịnh dưỡng ở đây vài tháng, tôi nuôi ngài được. Khi nào lành, chân tay hồi phục, tha hồ lên núi mà tu!”. Tâu đại vương! Câu chuyện xảy ra như thế, ta biết rõ đâu nhân đâu quả, đại vương không lên án nghiêm khắc người thợ săn bất nhẫn trước sự đau đớn quằn quại của vị sa-môn chứ? – Dĩ nhiên là không rồi. Chính nhờ chịu đựng được đau đớn ấy, vị sa-môn mới được lành bệnh an vui! – Việc làm của người thợ săn – dường như lạnh lùng trước sự đau đớn của vị sa-môn – có được quả báo như thế nào? Y sẽ mở cửa thiên đường hay y mở cửa địa ngục? – Khách quan mà luận nhân quả, có lẽ người thợ săn được phước báu rất lớn, rất vĩ đại thưa đại đức! – Sự khổ sở, đau đớn của hai trẻ, và cái tâm dường như lạnh lùng của Bồ-tát, cũng tương tự như vị sa-môn và người thợ săn vậy, tâu đại vương! – Qua hai câu chuyện kể của đại đức, trẫm thấy nó có lý được một vài phần. – Còn nữa, tâu đại vương! Ví nhưđại vương làm vua một nước, hôm nọ, đại vương muốn làm một công trìnhdẫn thủy nhập điền vĩ đại; sẽ có lợi ích rất lớn cho nông nghiệp, có thể đem đến hạnh phúcấm no cho cả nước. Đại vương bèn ra một thông cáo rộng rãi là muôn dân phải đóng thuế bằng tiền, bằng lúa gạo hoặc bằng nhân công. Nếu ai không nộp sẽ bị trói, đánh đập hoặc bị giam cầm… lệnh ban ra, mọi người rất sợ hãi, ai cũng than khổ, than không có tiền, than không có lúa gạo! Người không nộp thì bị đánh đập, bị bắt, bị trói, bị giam cầm… lời ta thán của muôn dân kể sao cho xiết! Tuy nhiên, đại vương vẫn lạnh lùng, cương quyết làm công trình thủy lợi, dẫu trải qua biết bao gian lao, vất vả; lại còn bị hàm oan, bị nhân dân lên án là khắc nghiệt, là bạo chúa… Sau khi công trình làm xong, muôn dânhoan hỷ, sung sướng; từ rày về sau, ruộng đồng khỏi lo thiếu nước, lúa ngập khỏi lo úng nước… Nông dân được mùa, mở hội ăn mừng! Tâu, đại vương! Ví nhưđại vương làm việc ấy, đại vươngquả thật là người không có trái tim, không xúc động trước sự ta thán của muôn dân, bá tánh nhỉ? Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười: – Chính cái kết quả sau cùng đã biện hộ giùm cho trái tim của trẫm rồi! – Hay lắm – Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười – Chính kết quả sau cùng sẽ biện hộ giùm cho trái tim của Bồ-tát Vessantara, tâu đại vương! – Thú thật với đại đức, câu chuyện kể của đại đức, mặc dầu là ví dụ, nhưng sao nó giống với vài công việc lớn mà trẫm thường làm cho quốc độ này. Ban đầu, vì không hiểu nên bá tánh rất ta thán, nhưng sau đó họ ca tụng không hết lời. Còn riêng phần trẫm, trẫm rất mãn nguyện. Kết quả mai sau, kiếp sau ra sao, trẫm cũng không cần biết nữa. – Đều là phước báu trời, người rất vi diệu đấy, tâu đại vương! – Thế giả dụnhân dân đóng thuế rất sung mãn, trẫm lấy số tiền ấy mua vải cóc, lương thực, thực phẩm – để cúng dường, bố thí đến cho thập phương sa-môn, bà-la-môn, đạo sĩ, những người bần cùng đói khổ – thì có được phước báu không đại đức? – Vẫn được rất nhiều phước báu, tâu đại vương! Thế đại vương còn hoài nghi gì về việc bố thí hai trẻ của Bồ-tát Vessantara nữa chăng? – Vẫn còn hoài nghi, đại đức! Việc làm của trẫm về dẫn thuỷ nhập điền, bố thí, cúng dường mà lấy tiền thuế – mới nghe thì từa tựa như chuyện Bồ-tát bố thí hai trẻ: một bên thì bá tánh kêu than, một bên thì hai trẻ la khóc. Nhưng dù sao hai trẻ là con ruột của mình, đem cho đi thì hơi quá. Bố thí hai trẻ là việc làmquá trớn, quá đà, như quả cân nghiêng hẳn về một bên! Một bên là khối đá trơ lì, nặng nề, bên kia là trái tim nhẹ hẫng. Phước báu sau này thế nào không ai biết, nhưng chắc chắnthế gian thường tình không ai khen ngợi đâu, họ chê trách thậm tệ là dĩ nhiên vậy. – Đại vương cứ nói nữa đi! – Vâng! Đại đức hãy xem! Cái gì quá trớn, quá đà đều không tốt cả: Cái xe chở nặng quá sức mình, trục, căm sẽ gãy. Ăn vật thực quá nhiều, trúng thực mà chết! Thuốc bổ quá liều, thành độc dược. Mưa quá nhiều, lúa ngập chết. Người bố thí với hằng tâm, hằng sản… nhưng thỉnh thoảng cũng phải biết tính toán, xem lại sự chi tiêu, xem lại gia sản – nếu không, sẽ khánh tận. Nắng quá gắt, quá nhiều, quả đất sẽ nứt nẻ. Người có lòng tham ái, tham dục quá nhiều, có thể đưa đến điên loạn. Tham lamcủa cải, bạc tiền nhiều sẽ dẫn đến trộm cắp, cướp của, giết người. Người ham nói, nói nhiều, dễ bị lỗi lầm. Lũ lớn quá sẽ vỡ bờ. Người học nhiều quá dễ loạn tâm, loạn trí. Người dũng cảm quá thì yểu thọ… Thưa đại đức! Quá trớn, quá đà… đều đưa đến kết quả xấu, bố thí hai trẻ cũng là cái gì nằm trong định luật tất yếu ấy. – Tâu đại vương! Cái gì quá trớn, quá đà, quá nhiều như đại vương kể thì chẳng đem đến kết quả tốt đẹp. Nhưng cũng có những cái quá nhiều, quá mạnh, quá to lớn… chúng không nằm trong “định luật tất yếu” của đại vương thì sao? – Xin cho nghe! – Tâu, vâng! Ví dụ như: Người thắng cuộc cuối cùng qua các trận đô vật, được mọi người tán thưởng, chắn hẳn là tay đô vật mạnh nhất. Quả đất to lớn, vĩ đại – nhờ vậy, nó là nơi nương tựa, che chở, nơi sinh sống cho con người, muôn thú, cỏ cây! Hư không vĩ đại quá, nhờ vậy, nó mới bao dung được quả đất, trăng sao! Sư tử uy dũng quá nó mới làm chúa sơn lâm! Ngọc māṇi quý báu quá nó mới đứng đầutrân châuthất bảo, thành tựu được ước muốn của con người. Đức vua cao sang và thắng phước nên đứng đầu cả trăm họ, muôn dân! Kim cương cứng rắn quá, vật gì nó cũng cứa đứt được. Tỳ-khưu giới đức cao thượng quá nên dạ xoa, a-tu-la đều phải quỳ mọp dưới chân. Đức Phậttối thượng quá nên tam giới không có ai sánh bằng… Đại vương, tương tự như thế, việc bố thí hai trẻ là việc khó làm, là chuyện quá hy hữu, quá vĩ đại, tạo nên năng lực quá lớn, quá mạnh – nên sẽ có phước đức rất thù thắng, rất vi diệu, chấn động cả mười ngàn thế giới, làm cho người, trời, Đế thích, phạm thiên, a-tu-la, long vương, dạ xoa… không hết lời tán dương khen ngợi. Và việc Bồ-tát bố thí đặc thù, vô thượng ấy – quá đà, quá trớn ấy, chính là nhân duyênthành tựuquả vịChánh đẳng giác đấy, tâu đại vương! Đức vua Mi-lan-đà vô cùngthán phục: – Trí tuệ của đại đức quả là vô biên, vô lượng. Những ví dụ của trẫm đưa ra dường như là đẩy đại đức đến chân tường; thế mà, cũng những ví dụ tương tự, đại đức lại tạo sức bật trở lại, làm cho trẫm không còn chỗ mà thối lui. Thật là khâm phục vậy. Đại đức Mi-lan-đà khiêm tốn: – Đại vương đừng làm cho bần tăng thêm hổ thẹn. Chính nhờ đại vương đã gợi ý cho bần tăng đấy thôi. Còn nữa, ý đại vương còn muốn xác định là bố thí không được quá trớn, quá trớn kết quả sẽ xấu. Bần tăng không nghĩ thế, tuy nhiên, vẫn có những giới hạnnhất định. Có những bố thí mà kết quả của nó sẽ là bốn đường ác đấy, tâu đại vương! – Xin cho nghe. – Tâu, vâng. Có mười trường hợp không nên bố thí như sau: Một, cho người nữ đến người nam để thỏa mãndâm dục. Hai, cho bò cái đến bò đực. Ba, cho rượu hoặc chất say. Bốn, cho hình ảnh, hình vẽ khiêu dâm. Năm, cho khí giới. Sáu, cho thuốc độc. Bảy, cho xiềng xích để người ta trói, giam cầm kẻ khác. Tám, cho gà mái đến gà trống. Chín, cho heo cái đến heo đực. Mười, cho bàn tính sai, cân đo lường sai, để người ta lường gạt nhau! Đấy là mười loại bố thí mà người trí thức không làm vì nó là chìa khóa mở cửa đi vàoác đạo. Còn các loạibố thí khác thì tùy sức, tùy nghi, phải thế không đại vương? – Có lẽ vậy. – Thế thì có ấn định một ranh giới nào nữa trong việc bố thíkhông đại vương? – Trẫm không rõ lắm. – Ví dụ như cơm nước, y phục, chỗ ở, chiếu đệm, gường ghế, vườn ruộng, tôi trai, tớ gái, trâu bò, gà, vịt… đều có thể bố thí được chứ? – Thưa, vâng. – Ví dụ cho tài sản, của cải, bạc tiền, một trăm đồng tiền vàng, một ngàn đồng tiền vàng… hẳn là được chứ? – Thưa, vâng. Có quyền bố thí cả tay, chân, tim, óc… và luôn cả sanh mạng mình nữa, thưa đại đức – nếu biết trú tâm vô lượng! Đại đức Na-tiên nói: – Đại vương bảo bố thí cả tay, chân, tim, óc và luôn cả sanh mạng đều được – thì sao Bồ-tát Vessantara bố thí vợ, con – Đại vương lại bảo là quá đà, quá trớn, không được? – Đại đức cứ nói. – Một người cha nợ nần, vì quá nghèo khổ túng bấn, bèn cho con đi ở thuê hoặc bán con cho người khác – là chuyện thế gian cũng thường lắm mà! – Vâng! – Thế có ai chê trách họ không? – Có chứ! Nhưng rồi người ta cũng thông cảm họ hoàn cảnh quá đói nghèo. – Cũng thế, tâu đại vương. Đức Bồ-tát tầm cầu vô thượng Bồ-đề tuệ, vì đói ba-la-mật, vì nghèo phước báu – nên phải bố thí vợ, con, đại vương cũng phải biết “thông cảm hoàn cảnh” của ngài chứ? – Thưa, có lẽ vậy. Nhưng theo ý trẫm, bố thícá nhân mình vẫn tốt hơn. Bố thí mình thì khỏi làm đau khổvợ con, vẫn là biện pháp hay nhất. Đại đức Na-tiên giải thích: – Người ta xin vợ, xin con mà mình lại đem cho mình là việc không hợp lẽ. Xin vật này mà đem cho vật khác là không hợp lẽ. Nhưng nếu có người xin chính mình thì ngài cũng không tiếc đâu. Giả sử không phải người mà là sư tử, cọp, beo, chó rừng… muốn xin ngài để ăn thịt, thì ngài cũng cho ngay, không hề tiếc sanh mạng. Đại vương nên nhớ rằng, đức Bồ-tát là miếng thịt chung cho tất cả chúng sanh đó sao? Ví như trăm loài cây trong rừng đến mùa thì đơm hoa trổ trái, rồi xanh, rồi chín vàng. Trái cây chín vàng ngon ngọt ấy hằng để tự do cho muông thú, muôn chim, người đến đấy hái ăn tha hồ. Cũng như thế ấy là tâm của đức Bồ-tát khi phát nguyện ba-la-mật, tâu đại vương! Trải qua hai mươi bốn vị Phật tổ, trải qua bốn a-tăng -kỳ và gần một ức kiếp như thế, Bồ-tát tu tập ba-la-mật vô lượng như thế; đã từng xả ly, dứt bỏ vô lượng ngai vàng, công danh, phú quý, tài sản, lúa gạo, xe cộ ruộng vườn, tôi trai, tớ gái, vàng ngọc… đến cho tất cả chúng sanh. Ngài lại bố thí tay, chân, tim, gan, mắt… và luôn cả sanh mạng mình nữa. Ngài cương quyết dứt bỏ, bố thívật ngoại thân, cho đến nội thể, sanh mạng… cũng chỉ vì một mục đíchvô thượng, đánh đổi bồ-đề tuệ, Chánh đẳng giác, tâu đại vương! Ví như một vị quan tốt, thanh liêm, chánh trực, có tâm thương yêu dân. Vị ấy ở trong một triều đình có ông vua tàn bạo, sống đời xa hoa, phù phiếm. Dân chúng bị sưu cao, thuế nặng, đói khổ nhưng của cải, lương thực, vàng bạc của cung điện chất đầy như núi. Cũng vì mục đíchcứu khổ cho bao người, vị quan tốt kia bèn bán tất cả ruộng vườn, gia sản, tôi trai, tớ gái… để mua vải vóc, lương thực, vật thực… để chẩn bần, cứu đói cho chỗ này chỗ kia. Tiếng lành đồn xa, nhân dânái mộ; họ lật đổ triều đình và suy cử vị quan tốt kia lên làm vua. Sau khi lên ngôi, vị tân quốc vương kia không tiếc của kho, đem phân phát hết cho dân, nhờ vậy, đời sống trong quốc độthoát khỏi đói nghèo, dần dầncường thịnh. Tâu đại vương! Việc làm của vị quan tốt kia cũng tương tự như việc làm của Bồ-tát Vessantara. Muốn cầu ngôi vị Chánh đẳng giác để cứu khổ cho chúng sanhba cõibốn loài thì ngài đâu có tiếc thứ gì? Đâu phải vì không thương vợ, xót con mà ngài bố thí vợ con? Chính đức Thế tôn, sau khi giác ngộ, ngài đã có nói một câu kệ với đại ý rằng: “Này các thầy tỳ-kheo! Chính khi bố thívợ con, không phải Như lai không thương yêuvợ con. Hai trẻ Jāli và Kanhā thông minh và ngoan ngoãn hết mực, công chúa Maddī hiền thục, đức hạnh nhất trên trần hoàn. Có con như thế, có vợ như thế mà đem bố thí, ruột Như lai cũng đứt từng khúc. Nhưng Như lai phải hướng đến cái cao xa, cái rộng lớn hơn: đấy là ngôi vị Chánh đẳng giác, đấy là tình thương không bến bờ đối với tất cả chúng sanh!” Đại vương nên nhìn xa, thấy rộng, lặn vào chiều sâu thăm thẳm của câu chuyện hơn thế nữa! – Vâng, vâng! Trẫm đang suy nghiệm đây, đại đức cứ tiếp tụccâu chuyện đi! – Tâu, vâng! Đại vương chớ nên lên án Bồ-tát dửng dưng, lạnh lùng. Đức Bồ-tát trước cảnh tượng đứt ruột ấy, đã âm thầm chiến đấu với chính mình. Ngài nuốt sự nhẫn nại ấy, sự chịu đựng ấy, lửa đốt ấy vào bên trong, nên sóng lòng trào sôi dữ dội – Đại vương đâu có biết. Chính khi Bồ-tát bước vào thảo am, khép cửa lại, là nhằm ngăn bớt tiếng kêu khóc của hai con từ núi rừng xa xôi vọng đến. Ngài đã không chịu nổi, muốn bịt hai tai lại. Nỗi “căm hận” lão bà-la-môn ác độc làm cho toàn thân ngài run lên, máu dồn dập, ngài phải thở bằng miệng, nước mắt tuôn tràn. Ồ! Không phải là nước mắt nữa mà chính là lệ máu rỉ ra vì xót thương hai con. Ngay khi ấy, một niệm sân khởi lên, một niệm sát khởi lên đối với lão bà-la-môn; nhưng Bồ-tát đã kịp thời xả ly, niệm tâm từ mát mẻ, một hồi lâu sau mới trấn tỉnh lại được! Đại vương thấy đó. Đại vương thấy rằng, lòng xót thương hai trẻ của Bồ-tát đâu khác gì thế gian, đồng thời còn hơn cả thế gian nữa. Tại sao vậy? Vì khi bố thí dứt được hai trẻ thì chí nguyện của ngài sẽ thành tựu, đồng thời hai trẻ sẽ được sung sướng và hạnh phúc hơn. Một việc làm mà thành tựu hai lợi ích, đại vương có biết chăng? – Đại đức hãy giảng giải thêm. Cái lợi ích thứ nhất, tức là thành tựubố thí ba-la-mật thì trẫm rõ rồi; nhưng còn lợi ích thứ hai: sự sung sướng và hạnh phúc của hai trẻ, trẫm hồ nghi lắm! Cho con để làm tôi tớ mà gọi là sung sướng, hạnh phúc ư? – Tâu đại vương! Hai trẻ vốn là cành vàng lá ngọc, ở trên nhung lụa thế mà phải sống đời ăn trái chua, củ sống, hẳn là rất khổ sở vậy. Do có thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Bồ-tát biết rõ số phận tương lai của hai đứa trẻ. Thứ nhất là hai trẻ không thể làm tôi đòi hầu hạ ai. Thứ hai, rồi hai trẻ sẽ được gặp lại thái thượng phụ ở kinh thành, sẽ thoát khỏi cảnh đói khổ ở rừng sâu! – Có thật thế không, đại đức? – Thật ra, Bồ-tát còn biết nhiều hơn thế nữa. Ngài biết rằng rồi “ông nội” sẽ chuộc lại hai trẻ. Ngài biết rằng, vì lý do hai trẻ về kinh đô nên vua cha sẽ thỉnh ngài về để kế vị ngôi vương. Đó là cơ hội tốt để ngài lo cho hạnh phúcmuôn dân, đồng thời bổ túc ba-la-mật cho mình. Ngài còn biết rằng, lão bà-la-môn tuổi thọ không còn được bao lăm, phước duyên ít, kiếp phận hèn hạ chẳng thể nào bắt hai trẻ làm tôi tớ, dù chỉ một ngày, tâu đại vương! – Thưa, các việc trên là có thể, nhưng việc dưới, việc Bồ-tát biết lão bà-la-môn vì phước duyên ít, chẳng thể bắt hai trẻ làm tôi tớ dù chỉ một ngày, là sao ạ? Lấy gì làm bằng chứng? – Tâu đại vương! Bằng chứng về lãnh vực này thì bần tăng đành chịu. Tuy nhiênbần tăng sẽ đưa ra ở đây rất nhiều ví dụ xoay quanhvấn đề ấy. Và có lẽ từ những ví dụ ấy đại vương sẽ tự giải đáp thắc mắc cho mình chăng? – Trẫm đồng ý! – Tâu, ví dụ như mặt trời, mặt trăng, nó to lớn, vĩ đại, nhiều oai lực; vậy ai trên thế gian này có khả năng lấy mặt trời, mặt trăng ấy đặt vào rương, vào thùng để làm đèn chiếu sáng không? – Chẳng thể được đâu, đại đức! – Lại nữa, ví như viên ngọc māṇi quí báu của đức Chuyển luân Thánh vương, rất to lớn, hào quang chói lọi, chiếu sáng vô ngại cả hằng do tuần; có người khởi tâm muốn ngăn hết hào quang của ngọc māṇi, bèn lấy một tấm vải bọc lại, hy vọng rằng làm như vậy ngọc māṇi sẽ không còn tỏa sáng nữa. Đại vương nghĩ thế nào, người kia có thể đạt được ước nguyện chăng? – Thật không thể, đại đức! Ngọc māṇi vẫn tỏa sáng hào quang như thường! – Còn nữa, ví như voi chúa Uposatha có màu trắng như tuyết, thanh khiết, cao sang; được trang điểm châu báurực rỡ, có thân hìnhuy nghi to lớn dị thường. Là báu vật chỉ phát sanh đến cho các bậc chân mạng đế vương hoặc cho các vị có phước đứcthù thắng. Có người nghèo khổ kia khởi tâm muốn bắt bạch tượng ấy về nuôi ở nhà mình. Kẻ kia có làm được việc ấy không, đại vương! – Thật là một ý nghĩcuồng vọng, được sao mà được, đại đức! – Còn nữa, ví như rồng chúa Nandopananda có oai lực lớn, sức mạnh lớn, nó to lớn cho đến đổi có thể quấn bảy vòng quanh núi Sineru. Có người sắm một cái đãy, định bắt nhốt rồng chúa kia. Việc làm ấy là thế nào hả đại vương? – Thưa, có lẽ hắn ta là người điên! – Tâu, đại vương! Lão bà-la-môn đến xin hai trẻ để về làm tôi tớ cho mình là việc làm của người ngu, kẻ cuồng vọng, là người điên… Tương tự như muốn lấy mặt trờimặt trăng đặt vào thùng, lấy vải bọc ngọc māṇi mong ngăn ánh sáng, bắt voi chúa Uposatha, về nhà nuôi, bắt rồng chúa Nandopananda nhốt vào đãy! Đấy là những việc làm không thể. Lão bà-la-môn ngu hèn, thiếu phước kia chẳng thể bắt hai trẻ làm tôi tớ dù chỉ một ngày, tâu đại vương! – Thưa, các ví dụ kia nêu bật là những việc làm bất khả, nhưng ý nghĩacuối cùng trẫm vẫn chưa lãnh hội. – Tâu, vâng! Dĩ nhiên Hy-mã-lạp-sơn là vua của muôn núi, cao năm trăm do tuần, dài rộng ba trăm do tuần, tổng cộng có tám vạn bốn ngàn đỉnh cao. Nó cao đến chót vót tầng mây, là nơi rót đầy năm con sông lớn, hằng trăm ngàn, hàng ức triệu cây cối, thảo mộc, muôn thú… nương tựa để sinh sống…! Đại vương! đại vương nghĩ như thế nào, nếu phước đức của hai trẻ được tu tạo ba-la-mật từ vô lượng kiếp, khả dĩ làm con của vị đại Bồ-tát có thể được ví như Hy-mã-lạp-sơn kia? – Điều này thì có thể hình dung được. Phước đức của hai trẻ, nếu chất chồng lại thì Hy-mã-lạp-sơn nọ còn nhỏ bé lắm, thưa đại đức? – Vậy là rõ. Phước đức của hai trẻ vĩ đại như thế thì có thể nào làm thân tội mọi cho lão bà-la-môn nghèo hèn, hạ liệt, ít phước kia chứ? – Nghe thì hữu lý nhưng vẫn chưa thuyết phục được trẫm, thưa đại đức. – Thật ra, những ví dụ của bần tăngđại vương đã hiểu. Đại vương đã hiểu rằng, người hạ liệt, thiếu phước chẳng thể nào sử dụng những báu vật chỉ để dành cho người có phước đứcthù thắng. Tuy nhiên, đại vươngcố ý hỏi là hỏi cho phần đông – thì bần tăng nào dám không tuân! Tâu đại vương! Từ khi Bồ-tát Vessantara bố thí bạc vàng, của cải, vải vóc, lương thực, voi thần, xe ngựa, tôi trai, tớ gái… thì danh tiếng và uy đức của ngài đã lan xa nhiều quốc độ. Chẳng những lan xa nhiều quốc độ mà còn vang động đến cõi trờiĐế thích, Phạm thiên, lan tỏa đến các cõi a -tu-la, càn-thát-bà, dạ xoa, long vương, cẩn-đà-la… Tất thảy trời người và chúng sanh hữu tìnhba cõi không ai là không biết. Vợ và hai con của Bồ-tát đi theo sống giữa rừng thiêng nước độc làm đau xót cả hằng vạn trái tim cũng không ai là không biết. Lửa cháy trên một ngọn núi cao trong một đêm tối trời, người ở rất xa vẫn nhìn thấy thì hai trẻ đi theo cha cũng như thế. Cây Long Hoa ở núi Hy-mã-lạp mỗi lần trổ hoa, hương thơm lan xaxung quanh, các hướng, xa đến mười hai do tuần – hương thơm và danh tiếng của hai trẻ cũng y như thế. Cộng với phước đức hai trẻ là con vua cháu chúa, với danh tiếng lững lẫy như thế, lão bà-la-môn bắt hai trẻ làm tôi tớ cho mình được chăng? Lại nữa, đây là quyết định, là lời giải đáp sau cùng, có tính thuyết phục nhất, đấy là Bồ-tát biết rõ là “ông nội” sẽ chuộc cháu cưng của mình, nên trước khi đi, Bồ-tát đã căn dặn trẻ Jāli: “Này con, về thành, cha biết là ông nội sẽ chuộc hai con. Khi ông nội hỏi giá cả tiền chuộc, chính con phải trả lời; con trai là một ngàn lượng vàng, con gái không những một ngàn lượng vàng – mà còn tôi trai, tớ gái ngựa xe, trâu, bò… mỗi thứ mỗi một trăm nữa”. Và sự việc sau đó xảy ra y như thế. Lão bà-la-môn dẫn hai trẻ về nhà, khi nghe đến thân thế hai trẻ, cô vợ trẻ của lão bà-la-môn hoảng sợ, bắt lão dẫn hai trẻ trả lại cho triều đình. Lão bà-la-môn được phần thưởng trọng hậu, ở trong một tòa lâu đài bảy tầng với tôi trai, tớ gái, ngựa, xe, trâu, bò, mỗi thứ một trăm. Nhưng y sống được bao lâu? Tâu đại vương, chỉ ngày đầu tiên thôi, y ăn một bụng no, trúng thực và chết. Tài sản được niêm phong, triều đình gọi quyến thuộc đến nhận, nhưng chẳng có một ai. Người vợ của lão ta, sau đó cũng không tìm thấy. Rốt lại, tài sản được sung vào quốc khố! Điều ấy chứng tỏ gì, đại vương? Chứng tỏ người thiếu phước không thể sử dụng phần phước quá với phước đức của mình! Tóm lại, bố thí vợ và hai trẻ là giọt nước cuối cùng làm thành tựucông hạnh ba-la-mật; chấm dứt cuộc lưu đày, vợ và hai con trở lạiđoàn tụ trong một quốc độthịnh trị, hùng cường; Bồ-tát tiếp tụcsứ mạng bồ-đề vô thượng. Nhân là vậy, sau trước viên dung! Đại vương còn mối nghi ngờ nào về chuyện bố thí vợ và hai con của Bồ-tát Vessantara nữa chăng? – Hoàn toàn không! Tuyệt đối không! Cảm ơnđại đứcvô cùng. Đại đức đừng có để tâm đến những câu hỏi khúc mắc của trẫm nhé. Trẫm cũng chỉ vì mình và mọi người đấy thôi! – Tâu, vâng! Bần tăng hiểu!
(Trích câu 163 trong Mi-Tiên vấn đáp) BÀI VIẾT LIÊN QUAN: |