MỘT CÂU CHUYỆN SỢ MA
TRONG KINH ĐIỂN PALI
KINH SUDATTA-SUTTA SN 10.8
Hoang Phong
– “Thưa Thế Tôn, Ngài vượt sang được bên kia sông bằng cách nào vậy?
– Không dừng lại cũng không cố gắng, này các Tỳ kheo, đấy là cách mà ta vượt sang được bên kia sông.
– Tại sao lại như vậy, thưa Đấng Thế Tôn, Ngài không dừng lại cũng không cố gắng thế nhưng tại sao Ngài lại vượt sang được phía bên kia sông?
– Nếu bất động, này các Tỳ kheo, thì ta sẽ bị chìm. Thế nhưng nếu vùng vẫy thì ta sẽ bị cuốn trôi. Này các Tỳ kheo, không dừng lại, cũng không cố gắng, đấy là cách mà ta vượt sang được bên kia sông”
Trên đây là một câu trích dẫn trong một quyển sách tiếng Pháp mang tựa “365 pensées bouddhistes” / “365 tư tưởng Phật giáo”, dịch lại từ một quyển sách tiếng Anh “Daily wisdom – 365 buddhist inspirations” / “Trí tuệ trong từng ngày – 365 nguồn cảm hứng từ giáo lý Phật giáo”. Các câu trích dẫn trong quyển sách này được chọn lựa từ kinh điển, các tập luận triết học, các tác phẩmvăn chương, thi phú của các vị đại sư, học giả, triết gia, khoa học gia, nhà văn, thi sĩ trong lịch sử và hiện tại, thuộc các nền văn hóa khác nhau, từ phương Đông đến phương Tây. Trong số các câu trích dẫn này chỉ có vài câu là do chính Đức Phậtthuyết giảng, và câu trích dẫn trên đây cũng là câu thứ nhất trong toàn bộ quyển sách. Người góp nhặt các câu trích dẫn là Josh Bartok, người dịch sang tiếng Pháp là Elisabeth Guillot.
H.1 – Bìa quyển sách tiếng Anh Daily Wisdom – 365 buddhist inspirations
(nhà xuất bản Wisdom Publications, 2001).
H.2 – Bìa quyển sách tiếng Pháp: 365 pensées bouddhistes, dịch lại từ quyển tiếng Anh trên đây
(nhà xuất bản Le Courrier du livre, 2002)
Câu trích dẫn trên đây, nếu không lầm, là một câu tóm lược ngắn gọn ý nghĩa nêu lên trong bản kinhAlagaddupama-Sutta MN 22 trong Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh), tiền ngữ alagaddho trong chữ Alagaddupama có nghĩa là con rắn, hậu ngữ upama có nghĩa là sự so sánh hay tương đương, do đó tên gọi của bản kinh này có nghĩa là Sự so sánh với một con rắn. Trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt bản kinh này mang tựa là Ví dụ con rắn.
Bài kinh nêu lên hai hình ảnhẩn dụ khá đơn giản. Nếu bắt một con rắn bằng cách nắm vào thân hay đuôi nó, thì nó sẽ quấn vào chân hay tay mình và quay đầu lại để cắn mình. Cũng vậy nếu nắm bắt các quan điểmsai lầm hay các cảm nhận phát sinh từ lục giác – ngũ giác và tâm thần – thì cũng tương tự như nắm bắt một con rắn bằng cách giữ chặt thân hay đuôi nó, sự nắm bắt sai lầm đó là nguyên nhân đưa đến mọi thứ khổ đau cho mình.
Hình ảnh thứ hai là nếu muốn vượt sang bên kia sông thì phải tìm cỏ khô, các cành cây khô bó lại để làm bè giúp mình bám vào nó để bơi qua sông. Thế nhưng không nên xem chiếc bè là cứu cánh của hành động bơi lội của mình, bởi vì hành động đó chỉ là một hình thứcbám víu. Dòng sông biểu trưng sự thèm kháttính dục, các quan điểmlầm lẫn và các cảm nhận u mê, là những gì liên tục dấy lên trong tâm thức mình, tạo ra một chuỗi hình thành triền miên của sự hiện hữu. Nếu muốn vượt qua dòng sông cuồn cuộn của những sự thèm khát, bám víu và u mê đó thì phải bám vào chiếc bè để bơi. Việc bơi lội bằng chân và bằng tay đó của mình là một việc tự nhiên và cần thiết giúp mình sang sông mà không bị chìm, thế nhưng sự cố gắng đó không phải là một cách bám chặt vào chiếc bè để vùng vẫy chống lại dòng nước, bởi vì đấy chỉ là cách khiến dòng nước cuốn trôi mình và cả chiếc bè. Việc bơi lội đó biểu trưng cho “Con đường gồm tám yếu tố đúng đắn” (Atthangika-magga), kinh sách Hán ngữ gọi là “Bát chánh đao”. Tám yếu tố đó là: ngôn từđúng đắn, hành động đúng đắn, phương tiện sinh sống đúng đắn, sự chú tâm (kiên trì) đúng đắn, sự cố gắng đúng đắn, sự tập trung tâm thần đúng đắn (chánh niệm), sự định tâmđúng đắn (samma-samadhi), sự quán thấy (quan điểm) đúng đắn, tư duy (sự nhận định, nhận thức) đúng đắn. Tám yếu tố đó không hề là một sự “dừng lại” cũng không phải là một sự “vùng vẫy”.
Tuy nhiênchúng ta cũng có thể mở rộng thêm ý nghĩa của câu trích dẫn trên đây qua một tầm nhìn khác hơn trong lãnh vựctâm lý và tâm thần. Thật vậy, thể dạng “không dừng lại” cũng “không cố gắng” phản ảnhbản chấttự nhiên của dòng tri thức của chúng ta. Các xúc cảm đủ loại, dù là thương yêu hay ghét bỏ, đều là các sinh hoạttâm thần mang tính cáchbám víu, liên tục dấy lên bên trong tâm thức mình, chúng phát sinh từ sự phân biệt giữa mình và thế giới, giữa cái tôi của mình và của kẻ khác. Các sự sinh hoạttâm thần dưới hình thứcbám víu đó bùng lên trong tâm thức, lôi kéo, thúc đẩy và liên kết với nhau, khiến tâm thức rơi vào tình trạngthường xuyên chuyển động và sôi sục. Trong khi ngủ, dù các cơ quan giác cảm không hoạt động, có nghĩa là không tạo ra các sự cảm nhận liên hệ với thế giới bên ngoài, thế nhưng tâm thức vẫn tiếp tục bị khuấy động bởi các vết hằn của các xúc cảm sâu kín cất chứa từ trước – có thể là rất lâu đời – trên dòng tri thức của mình. Chúng tạo ra các “hình ảnh” và các sự “cảm nhận” đủ loại hiện lên trong các giấc mơ và các cơn ác mộng của mình. Chúng ta thường không nhớ được hết, hoặc rất ít, sau khi thức dậy, bởi vìtrong khi ngủ phần tâm thứcnhận biết lắng xuống, các cơ quan giác cảm tạm thời ngưng hay hoạt động rất ít, khiến chúng ta không ghi nhận được hết những gì hiện lên trong các giấc mơ. Điều đó không có nghĩa là dòng tri thức của mình dừng lại trong khi ngủ.
Sự sinh hoạttâm thầnliên tục đó cho thấy tri thức mình là một dòng luân lưu không ngưng nghỉ gồm những vết hằn của xúc cảm và các cảm nhận của mình trong quá khứ, kể cả những sự nhận biết trong hiện tại và những sự phóng tưởng trong tương lai đang tạo ra các vết hằn mới trên dòng luân lưu đó của tri thức. Chúng ta không thể làm cho dòng luân lưu đó “dừng lại” được, bởi vì sự vận hànhliên tục không gián đoạn đó là bản chấttự nhiên của tri thức. Tìm cách làm cho dòng luân lưu đó phải dừng lại chỉ là cách khiến nó tự “nhận chìm” chính nó, trái lại, nếu tìm cách đè nén hay khắc phục nó thì đấy chỉ là các hình thức “bám víu” hay “vùng vẫy”, khiến tâm thần càng trở nên sôi sục và bấn loạn hơn, biến sự luân lưutự nhiên của tri thứctrở thành một dòng nước lũ ào ạt “cuốn trôi” nó trên dòng luân lưu của chính nó.
Cốt lõi trong việc tu tậpPhật giáo không phải là tìm cách làm dừng lại hay đè bẹp sự chuyển động của tri thức, mà đúng hơn là hóa giải các xúc cảm bám víu và sôi sục – dù là thương yêu hay ghét bỏ – dấy lên trên trong dòng luân lưu của tri thức, biến nó trở thànhtrong sáng, thanh thản và phẳng lặng, loại bỏ được mọi thứ xúc cảm u mê và bấn loạn. Thể dạng tâm thức đó là upekkha, kinh sách Hán ngữ gọi là “xả”. Đó là thể dạng phẳng lặng “không vùng vẫy” cũng “không dừng lại” của tâm thức nói đến trong câu trích dẫn trên đây, và đó cũng là chủ đíchcăn bản nhất của phép luyện tập thiền định.
Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết dòng luân lưu đó của tri thức chúng ta mang bản chấtthời gian, gồm các “đơn vị” liên tục nối tiếp nhau. Dòng luân đó không chấm dứt cũng không có điểm khởi thủy. Các xúc cảm đủ loại – dù là dưới hình thức nào cũng vậy – đều là những sự bám víu và khuấy động, dấy lên trên dòng luân lưu đó của tri thức mình. Làm cho các xúc cảm bám víu lắng xuống là cách giúp tri thức tìm lại thể dạng nguyên sinh và tinh khiết của nó, tái lập lại sự luân lưu êm ả, bình lặng và thanh thản của nó, và đó cũng là bản chấttự nhiên của chính nó. Kinh sách gọi thể dạng này là upekkha. Hòa nhập sự sinh hoạt của tâm thức mình, sau khi tinh khiết hóa nó, với dòng luân lưu của thời gianvô tận, không khởi thủy cũng không chấm dứt của tri thức, là cách tạo ra thể dạng “không dừng lại” cũng “không cố gắng” của chính nó, và đấy cũng là cách giúp mình vượt sang bờ bên kia dòng nước lũ của vô thường. Bất cứ lúc nào trong những giây phút hiện tại trong cuộc sống, nếu có thể làm lắng xuống các xúc cảm dấy lên trong tâm thức thì chúng ta tất sẽ tìm lại được dòng luân lưu nguyên sinh của tri thức mình, nói một cách khác là chúng ta sẽ cảm nhận được, và thưởng thức được hương vị của sự giải thoát và giác ngộ, giúp mình có thể quay nhìn sau lưng – nếu có thể nói như vậy – để trông thấy dòng nước cuồn cuộn từng cuốn trôi mình trước đây.
Quyển sách trên đây không đánh số thứ tự các câu trích dẫn mà chỉ nêu lên mỗi câu trong một trang riêng, và câu mà chúng ta vừa tìm hiểu trên đây nằm ở trang 1. Nếu tiếp tục đọc thêm thì đến trang 219 chúng ta sẽ thấy có một câu như sau :
“Không nên áp đặt sự yên lặng cho tâm thức mình
bằng cách nghiền nát nó bởi ý chí của chính mình”.
Ý nghĩa của câu này khá gần với ý nghĩa của câu thứ nhất trên đây. Nghiền nát tâm thức, bắt nó phải yên lặng hay dừng lại là điều không nên làm và cũng không thể làm được, bởi vì đó chỉ là cách “nhận chìm” chính nó. Càng tìm cách đè nén hay nghiền nát các xúc cảm trong tâm thức thì càng khiến tâm thức sôi sục hơn và biến nó trở thành một dòng nước lũ, cuốn trôi chính nó. Nếu không thể làm cho thời gian dừng lại được, thì tương tự như vậy chúng ta cũng không thể làm cho dòng tri thức dừng lại được, bởi vì bản chất của dòng tri thức tự nó cũng chính là thời gian.
Sự chuyển động liên tục mang bản chấtthời gian đó của tri thứctrùng hợp và gắn liền với sự luân lưu không gián đoạn của sự sống một cá thể, xuyên qua các sự hiện hữu nối tiếp nhau của cá thể ấy. Các sự hiện hữutuần tự đó hiện lên trên dòng luân lưu của tri thứcmang theo với nó các vết hằn – có thể là tích cực hay tiêu cực – tạo ra bởi các “hành động” của các sự hiện hữu đó. Khi nào chúng taloại bỏ được các vết hằn ô nhiễm đó trên dòng tri thức mình, đồng thời không tạo ra thêm các vết hằn mới, thì đấy sẽ là cách tinh khiết hoá dòng tri thức của mình, giúp nó thoát ra khỏi sự chuyển động của vô thường để hòa nhập với thời gianvô tận. Tóm lại không nên đè bẹp tâm thức mình bằng ý chí của chính mình, bởi vì đấy chỉ là cách tạo ra thêm khổ đau cho mình. Đấy là ý nghĩa của câu trích dẫn trong trang 219 của quyển sách trên đây, câu này là câu phát biểu của B. Allan Wallace (1950-), khoa học gia, triết gia, học giả người Mỹ, và cũng là đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Nếu câu trích dẫn đầu tiên nơi trang 1 của quyển sách là một câu tóm lược trong kinh điển, thì câu sau cùng trong trang 366 cũng được tác giả Josh Bartok xem là lời thuyết giảng của Đức Phật. Câu này như sau :
“Một trăm nghìn con voi,
Một trăm nghìn con ngựa,
Một trăm nghìn cỗ xe do các con la kéo,
Cũng không sánh kịp một phần mười sáu
Của một bước tiến lên phía trước”.
Câu trên đây mang tính cáchẩn dụ với ít nhiều phóng đại, thế nhưng dường như không nói lên được một ý niệm hay chủ đích rõ rệt nào cả. So sánhmột trăm nghìn con voi, một trăm nghìn con ngựa, một trăm nghìn cỗ xe với một phần mười sáu của một bước chân là để nói lên điều gì ? Và tại sao lại chỉ có một phần mười sáu của một bước chân ?Đức Phật cũng thường thuyết giảng bằng phương phápẩn dụ, thế nhưng các cách ẩn dụ đó rất chính xác, trực tiếp và dễ hiểu. Vậy chúng ta hãy thử truy tìm xem câu trích dẫn trên đây được trích ra từ bản kinh nào để đặt nó vào bối cảnh của nó thì mới có thể hiểu được ý nghĩa đúng thật và chính xác của nó và nhất là kiểm chứng xem câu này có đúng là lời phát biểu của Đức Phật hay không.
Sau nhiều cố gắngtra cứu và truy tìm thì chúng ta thấy câu này được trích ra từ một bản kinh ngắn mang tựa Sudatta-Sutta / Bài kinh nói về nhân vật Sudatta, được đánh số thứ tự SN 10.8 theo phương pháp phân loại thường được sử dụng ngày nay. Bản kinh này cũng có thể tìm thấy trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt, trong Samyutta Nikaya / Tương Ưng Bộ Kinh, Chương 10: Yakka Samyutta / Tương Ưng Dạ-xoa.
Bản kinhSudatta-Sutta này thuật lại câu chuyện về một người thế tục lần đầu tiên gặp được Đức Phật, Người này tên là Sudatta, tên gọi này là tên tục tức là tên do cha mẹ đặt, do đó không mấy ai biết đến. Người ta chỉ biết người này này qua biệt danh là Anathapindika. Chữ anathapindika trong tiếng Pali có nghĩa là “Người hào hiệpbố thí cho những kẻ đơn chiếc”, chữ a-natha có nghĩa là kẻ cô đơn, chữ pinda có nghĩa là miếng ăn hay vật bố thí, chữ ika có nghĩa là người ấy, vị ấy. Kinh sách Hán ngữ dịch nghĩa tên gọi của người này là “Cấp Cô Độc” (給孤獨),achữ cấp (給) có nghĩa chu cấp, chữ cô (孤) có nghĩa cô đơn, chữ độc (獨) có nghĩa là đơn chiếc. Sở dĩ dài dòng là vì người này là nhân vật chính trong câu chuyện.
Trước khi tìm hiểusâu xa hơn ý nghĩa của câu trích dẫn trên đây trong bối cảnh liên hệ với nó tức là câu chuyện trong bản kinh trên đây, thì trước hết chúng ta hãy đối chiếu câu trích dẫn trong quyển sách trên đây với cùng câu đó trong bản kinh gốc để xem có những khác biệt nào hay không :
Câu trích dẫntrong quyển sách trên đây Câu trong bản kinh gốcSudatta-Sutta
“Một trăm nghìn con voi, Một trăm con voi,
Một trăm nghìn con ngựa, Một trăm con ngựa,
Một trăm nghìn cỗ xe do các con la kéo, Một trăm cỗ xe do các con la kéo,
Cũng không sánh bằng một phần mười sáu Một trăm nghìn trinh nữ đeo trang sức
Của một bước tiến lên phía trước” và bông tai,
Cũng không sánh bằng một phần mười sáu Của một bước chân tiến lên phía trước!
Điều đáng lưu ý trước nhất là câu trích dẫn nêu lên một trăm nghìn con voi, một trăm nghìn con ngựa, một trăm nghìn cỗ xe, thế nhưng trong bản kinh gốc thì mỗi thứ chỉ có một trăm. Cách nhân lên quá lố này phải chăng là để phù hợp vơi câu tiếp theo trong bản kinh gốc nêu lên một trăm nghìn trinh nữ ? Sự sửa chữa các con số này phải chăng là một phản ứngtự nhiên, ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ “hợp lý” (lôgic) thường thấy nơi người Tây phương ? Dầu sao các con số phóng đại trên đây chỉ là chi tiết, điều quan trọng hơn là câu nêu lên một trăm nghìn trinh nữ đeo trang sức và bông tai” trong bản kinh gốc lại bị cắt bỏ trong câu trích dẫn. Người trích dẫn có thể không nắm bắt được ý nghĩa của câu này nên đã cắt bỏ chăng? Thật vậy, đang nói đến voi, ngựa, các cỗ xe thì lại nêu lên các trinh nữ đeo trang sức, quả là khó hiểu. Dưới đây, chúng ta sẽ phân tích và tìm hiểu về các thắc mắc trên đây sau khi đặt câu trích dẫn vào bối cảnh của nó, tức là bài kinhSudatta-Sutta MN 10.8.
Một cách tổng quát, nội dung của bài kinhtương đối – hoặc ít nhất cũng có vẻ – khá giản dị, thuật lại một người thế tục là Anathapindika (Cấp Cô Độc) lần đầu tiên gặp được Đức Phật trong một khu rừng thanh vắng, cạnh một nơi hỏa táng. Khi Đức Phật trông thấy người này từ xa đang đi đến thì ngồi vào chỗ dọn sẵn cho mình, chờ người này đến gần hơn và gọi người này hãy cứ đến gần với Ngài. Thế nhưng Ngài lại không gọi người này bằng biệt danh quen thuộc là Anathapindika (Cấp Cô Độc) mà gọi bằng tên tục là Sudatta do cha mẹ đặt, tên gọi này chỉ có những người thân thuộc mới biết. Điều đó khiến Anathapindika vừa kinh ngạc vừa sung sướng, bèn phủ phục dưới chân của Đấng Thế Tôn và thốt lên một lời vấn an, Đức Phậttrả lời và bài kinhchấm dứt ở đó.
Tuy bề ngoài có vẻ giản dị, thế nhưng câu chuyện ẩn chứa nhiều ý nghĩa thật sâu sắc. Dưới đây là bản dịch bài kinh trên đây dựa vào một số các bản dịch sang các ngôn ngữTây phương, trong số này gồm hai bản dịch tiếng Anh, một của nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu và một của nhà sư người Úc Bhikkhu Sujato, cùng một bản dịch song ngữ Pali – Pháp ngữ của dịch giả Rémy, một dịch giả rất uyên bác thế nhưng rất kín đáo chỉ cho biết tên nhưng không cho biết họ, ngoài ra các bản dịch này cũng được đối chiếu với bản dịch tiếng Việt trong Đại Tạng Kinh.
Kinh Sudatta Sutta SN 10.8
(Hoang Phong chuyển ngữ)
Lúc bấy giờ Đấng Thế Tôn đang ngụ gần thị trấn Rajagaha (thủ đô của xứ Magadha / Ma-kiệt-đà; chữ raja có nghĩa là vua, gaha là nhà, kinh sách Hán ngữ dịch nghĩa tên gọi này là Vương Xá. Tùy theo tư liệu, tên gọi này cũng được viết là Rajri, Rajgiri, và trong các trường hợp này thì chữ giri có nghĩa là ngọn đồi), tại một nơi gọi là “Khu Rừng Lạnh” (tên gọi này được dịch từ chữ Sitavana trong bản gốc tiếng Pali, chữ sita có nghĩa là lạnh nhưng cũng có thể hiểu là yên tịnh, thanh vắng, chữ vana có nghĩa là rừng, các bản tiếng Anh dịch là “Cool Forest” / “Khu Rừng Lạnh”. Bản dịch tiếng Việt trong Đại Tạng Kinh không dịch nghĩa cũng không dịch âm chữ này mà gọi là “rừng Sita”). Vào dịp đó có một người chủ gia đình(một người chồng, một người cha trong gia đình, nói chung là một người thế tục “gia chủ” của một gia đình. Cách gọi này rất thường thấy trong rất nhiều kinh sách) là Anathapindika (Cấp Cô Độc), vì vài việc kinh doanh đã phải thân hành đến Rajagaha.và sau khi đến đây thì nghe nói “Có một Đấng Giác Ngộxuất hiện trong thế giới”. Người chủ gia đình Anathapindika cứ muốn đến gặp ngay Vị Cao Quý ấy. Thế nhưng ý nghĩ sau đây lại hiện lên với mình: “Hôm nay quả không tiện (vì đã quá muộn),tốt hơn nên chờ đến sáng hôm sau thì sẽ thuận tiện hơn”. Thế rồi đầu óc Anathapindika cứ tơ tưởng đến Đấng Giác Ngộ, sau đó thì đi ngủ. Đêm hôm ấy Anathapindika thức giấc đến ba lần, và mỗi lần đều nghĩ rằng trời đã sáng bèn tìm đến cửa cổng của nghĩa địa Sivathika (theo tư liệu trên trang mạng wisdomlib.org của một tổ hợp phát hành kinh sách uy tín của nuớc Mỹ là Wisdom Library, thì chữ Sivathika là tên gọi của nghĩa địa của thị trấn Rajagaha / Vương Xá, tức là danh từ riêng. Thế nhưng hầu hết các các bản tiếng Anh và cả tiếng Pháp đều dịch nghĩa tên gọi này là charnel ground / cemetery / charnier, khiến tên gọi nơi hỏa táng của thị trấn Rajagaha trở thành một danh từ chung. Riêng bản dịch tiếng Anh của nhà sư Sujato Bhikkhu thì gọi nơi này là Sivaka Gate / Cổng [nghĩa địa] Sivaka. Bản dịch tiếng Việt trong Đại Tạng Kinh giữ nguyên tiếng Pali là sivathika. Chữ siva trong chữ sivathika có nghĩa an lành, nơi ẩn trú hay che chở / safe, sheltering, do đó có thể hiểu chữ Sivathika là “An địa”, hay “Nơi an nghỉ” hay “Nghĩa địa”. “Khu Rừng Lạnh” nói đến trên đây cũng có thể tạm dịch là “Hàn lâm” hay “Tịnh lâm”, nói chung là một khu rừng vắng vẻ và thanh tịnh dùng làm nơi hỏa táng, và cũng là nơi mà Đức Phật và Tăng đoàn đang tạm trú. Sở dĩ dài dòng là vì chi tiết này rất quan trọng giúp theo dõicâu chuyện thuật lại trong bài kinh). Các chúng sinh không phải là người bèn mở cửa cổng để đón Anathapindika (Cấp Cô Độc).
Trước đó khi vừa ra khỏi thành phố [Rajagaha để đi đến Khu Rừng Lạnh] thì ánh sáng biến mất, bóng tối bao trùm, người chủ gia đình Anathapindika cảm thấysợ hãi, kinh hoàng, sởn gai ốc và cứ muốn quay trở về. [Thế nhưng lúc đó Anathapindika đã đến Khu Rừng Lạnh và đang đứng trước cổng khu hỏa táng] và nghe thấy tiếng của con ma yakkha vô hình là Sivaka thốt lên như sau:
(Chữ yakkha trên đây có nghĩa là “ma” hay “ma quỷ” / devil, demon, spirit. Trong đoạn trước đó, bài kinh có cho biết là các “chúng sinh không phải là người” đã mở cửa cổng cho Anathapindika. Các chúng sinh này là các con “ma” yakkha, kinh sách Hán ngữ dịch âm chữ yakkha là “dạ-xoa”. Theo truyền thuyết các dạ-xoa có thể là nam hay nữ, và hầu hết đều rất đáng sợ, tuy nhiên đôi khi cũng có các dạ-xoa rất tốt, các dạ-xoa tốt thường là nam giới (yakkha), trái lại các dạ-xoa nữ giới tức là các ma nữ (yakkhini) thường hung ác và rất kinh khiếp. Trong trường hợp trên đây, dạ-xoa vô hình Sivaka, đầu đàn của các dạ-xoa khác trong khu hỏa táng Sivathika, là một dạ-xoa “tốt”. Từ trong bóng tối dạ-xoa đầu đàn này cất lời khuyên Anathapindika chớ sợ hãi mà hãy cứ bước vào bên trong khu hỏa táng để tìm gặp Đấng Thế Tôn trong Khu Rừng Lạnh. Câu cổ vũ của con ma Sivaka như sau)
“Một trăm con voi,
Một trăm con ngựa
Một trăm cỗ xe do các con la kéo,
Một trăm nghìn trinh nữ đeo trang sức và bông tai,
Cũng không sánh bằng một phần mười sáu
Của một bước chân tiến lên phía trước !
Vậy, này người chủ gia đình, hãy bước tới,
Cứ bước tới phía trước !
Bước tới phía trước là cách mang lại những điều tốt đẹp cho mình !
Chớ lui lại phía sau !”.
Lần thức giấc thứ hai cũng vậy…, [sau khi nghe lời khuyến khích của dạ-xoa Sivaka] thì ánh sáng vụt biến mất, bóng tối lại hiện ra. Sự sợ hãi, kinh hoàng và sởn gai ốc phát sinh, khiến Anathapindika cứ muốn quay trở về(bản kinh gốc lập lại đầy đủ ba lần đoạn thuật chuyện trên đây, thế nhưng các bản dịch thường cắt bớt các đoạn lập đi lập lại này). Lần thứ ba cũng vậy, con ma dạ-xoa vô hình Sivaka cũng lại thốt lên :
“Một trăm con voi,
Một trăm con ngựa
Một trăm cỗ xe do các con la kéo,
Một trăm nghìn trinh nữ đeo trang sức và bông tai,
Cũng không sánh bằng một phần mười sáu
Của một bước chân tiến tới phía trước !
Vậy, này người chủ gia đình, hãy bước tới !
Cứ bước tới phía trước !
Bước tới phía trước là cách mang lại cho mình những điều tốt đẹp !
Chớ lui lại phía sau !”
Thế nhưng vào lần thứ ba này thì bóng tối tan biến với Anathapindika và ánh sáng hiện ra. Anathapindika không còn cảm thấysợ hãi, kinh hoàng và sởn gai ốc nữa (trong lần thứ ba này sau khi nghe con ma vô hình là dạ-xoa Sivaka khuyên bảo thì Anathapindika thức giấc hẳn, đêm đã thật sự chấm dứt và trời đã sáng, Anathapindika không còn sợ hãi nữa. Hai lần thức giấc trước đó là còn trong đêm, sau mỗi lần như thế Annathapindika lại tiếp tục thiếp đi và ngủ lại, sau lần thức giấc thứ ba thì trời đã hừng đông, Anathapindika bèn tìm đến khu hỏa táng).
Anathapindika tiến vào “Khu Rừng Lạnh” để tìm gặp Đấng Thế Tôn. Lúc đó Đấng Thế Tôn cũng đã thức giấc sau khi đêm vừa tàn và đang tản bộ ngoài trời(đang kinh hành). Thế nhưng khi trông thấy người chủ gia đình Anathapindika đang từ xa đi đến, thì Đấng Thế Tôn xuất thiền và tiến đến chỗ ngồi đã được dọn sẵn cho mình (Đức Phậtbiết trước người đang từ xa đi đến là để tìm mình). Vừa ngồi xong thì Ngài gọi Anathapindika: “Này Sudatta hãy cứ đến gần đây!”. Lời gọi đó khiến Anathapindika không khỏi thán phục và vui sướng trong lòng : “Đấng Thế Tôn gọi đích danh tên cha mẹ đặt cho tôi“, và tức thời phủ phục dưới chân Đấng Thế Tôn và nói như sau : “Thưa Thế Tôn, tôi tin rằng đêm qua Ngài ngủ thật an lành” (trong khi đó Anathapindika trong đêm vừa qua đã phải trải qua ba cơn ác mộngthật kinh hoàng)
[Đức Phậttrả lời Anathapindika như sau:]
Luôn luôn là như vậy, luôn luôn là như vậy,
Người Bà-la-môn loại bỏ được mọi dục vọng ngủ thật an lành.
Dứt bỏ tất cả, không bám víu vào các thú vui dục tính,
không tranh dành, luôn dửng dưng,
loại bỏ mọi bám víu, khắc phục sự sợ hãi trong tâm,
thanh thản, người Bà-la-môn loại bỏ được mọi dục vọng, luôn ngủ thật an lành.
Bài kinhchấm dứt khá đột ngột sau câu trả lời trên đây của Đức Phật. Điều đó khiến chúng ta không khỏi cảm thấycâu chuyện có thể còn ẩn chứa các ý nghĩa khác sâu sắc hơn chăng ?
Tuy nhiên trước khi tìm hiểusâu xa hơn về ý nghĩa của bài kinh này, thiết nghĩchúng ta cần nêu lên một vài nhận xét thứ yếu liên quan đếnvấn đề dịch thuật. Bài kinhcho biết lúc Anathapindika vừa đến khu hỏa táng thì “các chúng sinh không phải là người”, tức là các con ma dạ-xoa, liền mở cửa cổng của khu này để đón Anathapindika. Các bản dịch sang các ngôn ngữTây phương đều gọi các con ma dạ-xoa là “các chúng sinh không phải là người(non-human beings / êtres non-humains), thế nhưng các bản tiếng Việt thì lai dịch là các “phi nhân”, chữ “phi nhân” là một thuật ngữ gốc tiếng Hán có thể khiến hiểu lầm là các con người “phi thường” hoặc cũng có thể hiểu là các con người“phi nhân phi nghĩa”. Nói chung trong các bản kinh tiếng Việt còn quá nhiều tiếng Hán, thiếu chính xác dễ gây ra hiểu lầm. Đức Phật không giảng bằng tiếng Hán, cũng không giảng bằng tiếng Pali hay tiếng Phạn cải tiến là các ngôn ngữ chỉ xuất hiện cùng với chữ viếtvào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch dưới triều đại của vua Azoka / A-dục. Gần ba thế kỷ trước đó Đức Phậtthuyết giảng bằng một thứ tiếng Phạn cổ qua một số thổ ngữ, trong đế quốc Magadha và Kosala. Kinh sách dịch thuật và trước tác bằng tiếng Hán chỉ xuất hiện nhiều thế kỷ sau đó. Thiết nghĩ khi nào chưa có các kinh sách tiếng Việt bằng tiếng Việt đúng nghĩa của nó và được sử dụng ngày nay, thì khi đó việc phát trển Phật giáo sẽ còn gặp nhiều trở ngại.
Một nhận xét khác là trong câu trả lời cho Anathapindika, Đức Phật tự nhận mình là một người Bà-la-môn qua câu sau đây : “Người Bà-la-môn loại bỏ được mọi dục vọng ngủ thật an lành”. Sự tự nhận đó có khể gây ra một chút hoang mang nào đó. Sau khi đối chiếu bản gốc với các bản dịch khác nhau, trong đó kể cả bản tiếng Việt, thì thấy tất cả đều dịch chữ này đúng với chữ Brahmano trong bản gốc bằng tiếng Pali. Vậy phải giải quyết sự thắc mắc này như thế nào ?
Quả là một sự tình cờ, thế nhưng cũng là một sự tình cờ thú vị : trong phần giới thiệu bản dịch bài kinhSudatta-Sutta của nhà sư Thanissaro Bhikkhu, có cho biết là bản kinh này chỉ là một đoạn ngắn, tóm lược từ một bản kinh khác dài hơn, đầy đủ và chi tiết hơn trong Tạng Luật, thuộc vào phẩm Cullavagga VI (Tiểu Phẩm VI). Sau khi tra cứu Tạng Luật do T.W. Rhys Davids dịch thì quả đúng là như vậy, bản kinhSudatta-Sutta SN 10.8 chỉ là một phần ngắn gọn của một bản kinh khác trong Tạng Luật. Sự “khám phá” này – nếu có thể nói như vậy – có thể giải quyết cùng một lúc cả hai thắc mắc nêu lên trên đây : trước hết là tại sao Đức Phật trong bản kinh này lại tự nhận mình là một người Bà-la-môn và sau đó là sự chấm dứt khá đột ngột của bài kinh khiến chúng ta có cảm giác là câu chuyện nêu lên trong bài kinh dường như chưa được đầy đủ cho lắm.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem chữ Bà-la-môn trong bài kinhSudatta-Sutta có nghĩa là gì ? Trong bản dịch phẩm Cullavagga VI (Tiểu Phẩm VI) trong Tạng Luật của ông, T.W. Rhys Davids có cho biết trong lời ghi chú số 5 là chữ Brahmano (Bà-la-môn) thường đi đôi với một chữ thứ hai là parinibbuto, và chữ này không có nghĩa là “chết” hay “tịch diệt” mà chỉ có nghĩa là thoát khỏi hay loại bỏ [được mọi dục vọng] ; chữ pari có nghĩa là hoàn toàn, chữ nibbuto có nghĩa “loại bỏ” hay “thoát khỏi”, do đó cũng có nghĩa là sự an bình, thanh thản và trong sáng. Hai chữ Brahmano và parinibbuto ghép chung với nhau sẽ đồng nghĩa với chữ Arahant / A-la-hán, Sau khi so lại với bản kinh gốc Sudatta-Sutta thì quả đúng là như vậy : chữ Brahmano đi kèm với chữ parinibbuto. Tóm lại, khi thấy kinh sách nêu lên những người “Bà-la-môn loại bỏ được mọi dục vọng” thì các chữ này đồng nghĩa với chữ A-la-hán. Ngoài ra T.W. Rhys Davids còn cho biết thêm là cách gọi này được thấy trong các bài kinh khác.
Dưới đây, chúng ta sẽ tiếp tụcdựa vào bản dịch của T.W. Rhys Davids về bài kinh trên đây trong Tạng Luật để tìm hiểu thêm về nhân vật Anathapindika và sự diễn tiến đầy đủ hơn của câu chuyện nêu lên trong kinh Sudatta-Sutta trong Tạng Kinh. Tuy nhiên trước hết thiết nghĩ cũng nên nêu lên một vài nét về dịch giả T.W. Rhys Davids và một tầm nhìn bao quát hơn về vấn đề dịch thuật kinh sách Phật giáo nói chung. T.W. Rhys Davids (1843-1922) là một học giả và chuyên gia lỗi lạc người Anh về kinh điển Pali, sáng lập viên Hiệp Hội Văn Bản Pali (Pali Text Society / PTS), và cũng là một trong những người tiên phong đưa Phật giáo vào thế giớiTây phương, Các công trìnhnghiên cứu và dịch thuật kinh điển từ tiếng Pali sang tiếng Anh của ông đã làm sống dậy Tam Tạng Kinh, và đã được đưa ngược trở lại các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và sau đó ảnh hưởng đến cả các nước Campuchia, Lào, và đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Phật giáo Theravada tại các nơi này. Điều đó khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến các nhà sư dịch giả đầu tiên đã đưa Phật giáo vào Trung quốc. Trước hết là các nhà sư dịch giả gốc Trung đông – còn gọi là “Tây vực” – theo các con đường tơ lụa để đến Trung quốc vào thế kỷ thứ II dưới thời Hậu Hán, sau đó đến lượt các nhà sư người Ấn đến Trung quốc vào thế kỷ thứ V dưới thời Lưu Tống, sau hết là các nhà sưTrung quốc là Huyền Trang và Nghĩa Tịnh sau khi hành hương và du học tại Ấn đã trở lại quê hương vào các thế kỷ thứ VI và VII dưới thời Nhà Đường, đã tiếp nối nhau thiết lập một nền Phật giáo Hán ngữ tại Trung quốc. Khó khăn to lớn nhất trong việc dịch thuật này là biên giớingôn ngữ. Thật hết sức khó chuyển ngôn ngữđa âm, khúc triết và trừu tượng trong thung lũng sông Hằng sang ngôn ngữ độc âm, cụ thể và tượng hình trong lãnh thổ Trung quốc, đấy là chưa nói đến hai nền văn minh, văn hóa và tư tưởnghoàn toàn khác biệt nhau của hai vùng lãnh thổ này. Các công trình dịch thuật đó cùng với các trước tác, trong số đó kể cả ngụy tác, còn sử dụng quá nhiều thuật ngữLão giáo, tất cả không còn theo kịp sự tiến hóa của ngôn ngữ và tư tưởngxã hội ngày nay nữa. Nếu các nước miền Nam Á châu theo Phật giáo Theravada, nhờ Tam Tạng Kinh bằng Anh ngữ, đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, thì các nước xa hơn về phương Bắc là Trung quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản dường như vẫn chưa thoát ra khỏi nền Phật giáo Hán ngữ lâu đời đó.
Chúng ta hãy trở lại với bản kinh trong Tạng Luật liên hệ đến bản kinhSudatta-Sutta trong Tạng Kinh trên đây. Bản kinh trong Tạng Luật được tham khảo và tìm hiểu dưới đây là do T.W. Rhys Davids dịch năm 1881, sau đó đã được hiệu đính nhiều lần và lần sau cùng vào năm 2020. Chúng ta cũng có thể tìm được bản dịch tiếng Việt của bài kinh này trong Đại Tạng Kinh theo cách truy tìm sau đây : Bộ Khandaka (Hợp phẩm), Phần II: Cullavagga (Tiểu Phẩm), Chương 6: chương Sàng Tọa, Tụng phẩm 1, Phân đoạn 27 : [198], Dựa vào cả hai bản dịch này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về nhân vật Anathapindika² và sự diễn tiến đầy đủ hơn của câu chuyện trong kinh Suudatta-Sutta trong Tạng Kinh.
Anathapindika (Cấp Cô Độc) là một doanh nhân giàu có, sinh trưởng tại kinh đô Savatthi (Xá-vệ) của đế quốc Kosala (Kiều-tát-la), thế nhưng lại lấy em gái của vị phú hộ Vetthi tại kinh đô Rajagaha (Vương Xá) của đế quốc Magadha (Ma-kiệt-đà). Chữ vetthi trong tiếng Pali thật ra chỉ có nghĩa là phú hộ, vì vậy tên gọi này là một biệt danh. Có thể là vào thời bây giờ người ta có thói quen không gọi người khác, nhất là những người có địa vị hay chức phận, bằng tên tục mà chỉ gọi họ bằng biệt danh, chẳng hạn như Sudatta thì gọi là Anathapindika / “Người bố thí cho kẻ đơn chiếc”, hoặc gọi Đức Phật là “Đấng Giác Ngộ”, “Đấng Thế Tôn”, “Vị Hiển Giả của bộ tộc Sakya (Shakyamuni) nhưng không gọi Đức Phật là Ngài Siddharta Gautama / “Sĩ-đạt-ta Cồ-Đàm”.
Khoảng 600 năm trước Tây lịch, trong thung lũng sông Hằng trên miền Tây bắc của bán lục địa Ấn độ, có hai đế quốc lớn và hùng mạnh là Magadha (Ma-kiệt-đà) và Kosala (Kiều-tát-la) cùng chia nhau chiếm gần hết thung lũng này. Đế quốc Magadha nằm về phía đông kéo dài đến tận vịnh Bengal, đế quốc Kosala nằm về mạn Tây bắc giáp ranh vói đế quốc Kosala. Kinh sách cũng cho biết là nhiều cuộc tranh chấpbiên giới đã từng xảy ra giữa hai đế quốc này. Quê hương của Đức Phật chỉ là một vương quốc nhỏ nằm tận biên giới phía bắc của đế quốc Magadha.
Vì vài việc kinh doanh, Anathapindika (Cấp Cô Độc) từ thủ đô Savatthi của đế quốc Kosla thân hành đến thủ đô Rajagaha của đế quốc Magadha. Trong dịp này đã gặp lại gia đình bên vợ và nhận thấy cả gia đình đang bận rộn thúc dục gia nhân chuẩn bị các thức ăn ngon và quý hiếm để tổ chức một bữa tiệc lớn vào ngày hôm sau. Anathapindika thắc mắc không biết cảnh nhộn nhịp đang diễn ra là để chuẩn bị một lễ cưới hay để mời vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la, vua của đế quốc Magadha). Thế nhưng người chủ gia đình Vetthi cho Anathapindika biết sở dĩgia đình đang bận rộn là để tổ chức một bữa tiệc lớn thỉnh mờiTăng đoàn mà vị đứng đầu là Đấng Giác Ngộ.
(Xin lưu ý trong bản kinh Jivaka-Sutta MN 55 trong Majjima Nikaya / Trung Bộ Kinh, nêu lên vấn đềăn chay, Đức Phật có cho biết người tỳ-kheo, và cả chính Ngài cũng vậy, nếu được người thế tục mời ăn và mình chấp nhận thì cũng chỉ được phép ăn những gì gia chủ đặt vào bình bát của mình, và nếu đấy là thịt của một sinh vật thì không được ăn. Bởi vì khi được mời và mình nhận lời, thì tất mình phải hiểu rằng các con vật bị giết là để làm thức ăn mời mình. Trái lại việc khất thực thì khác, đó là cách sống nhờ vả vào người thế tục trong thôn xóm hay nơi đô thị, trong trường hợp đó người tỳ-kheo không được phép chê bai, lựa chọn hay từ chối thực phẩm mà người thế tục đặt vào bình bát của mình. Họ nhịn một miếng ăn để cúng dường mình, vì vậy người tu hành không được phép phân biệt miếng ăn đó là gì, nhiều hay ít, ngon hay dở, mà chỉ đơn giản xem là thực phẩm nuôi sống mình. Cũng xin nhắc thêm là có một đệ tử của Đức Phật là Devadatta (Đề-bà Đạt-đa) chủ trương một lối sống rất khắc nghiệt và cực đoan, không được nhận lời mời ăn của người thế tục, phải ngủ dưới gốc cây, v.v.)
Sau khi nghe người chủ gia đình Vetthi, và cũng là anh rể của mình, cho biết bữa tiệc là để thỉnh mờiĐấng Giác Ngộ. Nghe nói thế Anathapindika (Cấp Cô Đọc) háo hức cứ muốn tìm gặp Đấng Giác Ngộ ngay lúc đó, thế nhưng người chủ gia đình Vetthi khuyên nên chờ đến sáng sớm hôm sau thì thuận tiện hơn.
Đêm hôm đó Anathapindika nôn nóng cứ nghĩ đến ngày mai đây mình sẽ gặp được Đấng Giác Ngộ. Trong giấc ngủ đêm hôm đó Anathapindika ba lần nằm mơ thấy mình đi đến khu hỏa táng trong cảnh rừng hoang vắng để tìm gặp Đấng Giác Ngộ. Cứ mỗi lần như thế Anathapindika đều được các con ma dạ-xoa nơi khu hỏa táng mở cửa cổng đón mình. Trong hai lần đầu tiên sau khi nghe con ma dạ-xoa đầu đàn Visaka khuyên cứ bước tới, thì ánh sáng lại vụt tắt, trời tối sầm, khiến Anathapindica vô cùng khiếp sợ, sau đó lại ngủ thiếp đi. Thế nhưng vào lần thứ ba, sau khi nghe lời cổ vũ của con ma dạ-xoa đầu đàn Visaka khuyên mình hãy cứ can đảmbước tới phía trước, thì đột nhiên ánh sáng hiện ra, đêm đã tàn, trời bắt đầu hừng đông, Anathapindica hết sợ, thức dậy và tìm đến khu hỏa táng, bước qua cửa cổng để tìm Đấng Giác Ngộ trong khu rừng thanh vắng.
Đến đây bản kinh trong Tạng Luật thuật tiếp như sau, Anathapindika sau khi vấn an Đức Phật và Đức Phậttrả lời, thì ngay sau đó Đức Phậtthuyết giảnggiáo lý cho Anathapindika. Sau khi nghe xong thì Anathapindika vụt đạt được cấp bậc “bước vào dòng chảy”, có nghĩa là thấu triệt được chủ đích trong nền Giáo huấn của Đức Phật và đồng thời phát động được quyết tâm bước theo con đường vạch ra bởi nền Giáo huấn đó. Anathapindika bèn xin Đức Phật nhận mình làm đệ tử và đã trở thành người đệ tửthế tục đầu tiên của Ngài.
(Trong bản dịch tiếng Việt của bài kinh Sudatta-Sutta trong Tạng Kinh và cả trong bản dịch tiếng Việt của bản kinhliên quan đếnbài kinh này trong Tạng Luật, nhân vật Anathapindika (Cấp Cô Độc) được gọi là “Cư sĩ”, điều này không được chính xác, bởi vì trước khi gặp Đức Phật lần đầu tiên qua câu chuyện thuật lại trong cả hai bài kinh này thì Anathapidika chỉ là một người chủ gia đình, một kẻ thế tục, quê quán tận thủ đô Savatthi của đế quốc Kosala xa xôi, lần đầu tiên nghe nói có một “Đấng Giác Ngộxuất hiện trong thế giới”. Sau khi gặp được Đức Phật trong khu rừng Sitavana và được Ngài chấp nhận mình làm đệ tử, thì khi đó Anathapindika mới trở thành một “cư sĩ”)
Trong bữa tiệc hôm đó, sau khi ăn xong thì Đức Phật rửa tay và tự rửa bình bát của mình, sau đó bước lại chỗ ngồi của mình, thấy thế Anithapindika bèn tiến đến gầnĐức Phật, ngồi sang một bên và cất lời như sau : “Ước mong Đấng Thế Tôn cùng các vị tỳ-kheo sẽ chấp nhậnan cư mùa mưa tại thành Savathi” (tức là thành Xá-vệ, quê quán của Anathapindika tại đế quốc Kosala). Đức Phậttrả lời Anathapindika như sau : “Này người chủ gia đình, các vị Như lai chỉ thích an trú ở những nơi cô quạnh”. Anathapindika thốt lên : “Tôi đã hiểu, thưa Đấng Thế Tôn, tôi đã hiểu. Còn sung sướng nào hơn cho tôi”.
Sau khi giải quyết xong các việc kinh doanh tại Rajagaha, Anathapindika quay vềquê nhà là Savatthi. Thủ đô Rajagaha và thủ đô Savatthi cách nhau hơn 500 cây số, cách nay 25 thế kỷ khoảng cách đó là cả một quãng đường thật dài. Mỗi khi tạm dừng chân trên con đường đó, Anithapindika đều rao lên là “Đấng Giác Ngộ đã xuất hiện trong thế giới, những ai thành tâm hãy tìm nơi xây dựng trú xá và chuẩn bị lễ vật”. Khi về đến quê nhà thì Anathapindika tức khắc tìm kiếm chung quanh kinh đô Savatthi một nơi thuận tiện nhất để xây dựngtự viện. Nơi này không được quá xa thành phố Savatthi, hầu những người viếng thăm có thể lui tới dễ dàng, thế nhưng cũng không được quá gần vì sẽ quá đông đúc và ồn ào. Nơi này cũng phải kín đáo, yên tịnh, không gió lùa, ban đêm phải thanh vắng. Sau cùng Anathapindika tìm thấy khu vườn của hoàng thân Jeta Kumara hội đủ các điều kiện trên đây.
(Jeta Kumara là con của vua Pasenadi / Ba-tư-nặc của đế quốc Kosala, Tên gọi Jeta Kumara của vị hoàng thân này có nghĩa là “Người thanh niên hào hùng”, chữ jeta có nghĩa là kẻ “chiến thắng” hay “hào hùng”, kinh sách Hán ngữ dịch âm chữ này là “Kỳ đà” (?), chữ kumara có nghĩa là “người thanh niên” hay “người trẻ tuổi”, vì vậy tên gọi Jeta Kumara chỉ là một biệt danh. Như đã được nói đến trên đây, cách gọi bằng biệt danh có thể là một thông lệ hay một thói tục của thời bấy giờ. Tên khu vườn của vị Jeta Kumara là Jetavana, chữ vana có nghĩa là khu rừng hay khu đất có nhiều cây cối, nhưng cũng có nghĩa là một công viên chỉnh trang, kinh sách Hán ngữ dịch chữ Jetavana là “Kỳ-đà lâm”, có nghĩa là khu rừng hay khu vườn của vị hoàng thân Kỳ-đà. Tên gọi “Kỳ Viên” của một số ngôi chùa là do chữ Jatavana / Kỳ-đà lâm mà ra).
Anathapindika bèn tìm gặp vị Jeta Kamara để hỏi mua khu vườn trên đây để xây cất tự viện (“tự viện” là chữ tạm dịch từ chữ arama hay vihara trong tiếng Pali, có nghĩa là một tu viện hay một khu đất, một góc rừng làm nơi tạm trú cho Tăng đoàn. Xin lưu ý là Tăng đoàn thời bấy giờ rất linh động, không bám víu vào một nơi an trú nào cả, thiên nhiên và thế giới là nhà. Vị Jeta Kumara cho Anathapindika biết là dù xếp các đồng tiền phủ kín mặt đất khu vườn thì cũng không bán. Anathapindika chấp thuận mua với điều kiện đó, thế nhưng Jeta Kumara khăng khăng cho rằng giá đó vẫn còn hời, nên không bán. Cả hai tìm vị quanphụ tráchluật pháp tại triều đình để phân xử, vị này phán rằng khi đã ra giá thì phải bán, không được rút lời. Anathapindika chấp thuận mua với giá đã được nêu lên, và tức thời suốt ngày hôm đó cho xe luân phiên mang tiền đến, thế nhưng khi xếp thì vẫn chưa phủ kín được mặt đất, vẫn còn một khoảng trống nơi cổng ra vào. Trước sự thành tâm và cử chỉhào hiệp của Anathapindika, Jeta Kumara rất xúc động và nghĩ rằng công trìnhxây dựng này tất phải mang một ý nghĩa cao đẹp, bèn nói với Anathapindika là không cần phải mang thêm tiền nữa và mình sẽ tự nguyện cúng dường phần đất còn lại, hơn thế nữa sẽ chi thêm tiền để xây dựng một cổng ra vào thật đồ sộ.
Câu chuyệnmua bán, ra giá, mặc cả và thưa kiện xoay chiều một cách thật bất ngờ, sự quyết tâm và nhiệt tình của Anathapindika đã cảm hóa được vị hoàng thân trẻ tuổi. Việc mua bánkết thúc bằng sự hài hòa giữa kẻ mua người bán, quên đi các quyền lợivật chất để cùng hướng vào một chủ đíchthiêng liêng hơn.
Anathapindika khởi công xây cất một tự viện thật khang trang, nào là nơi hành thiền, phòng họp, phòng nghỉ, nhà kho, nhà tắm, bồn chứa nước, v.v., biến khu vườn Jetavana trở thành Jetavana-Vihara (Tự viện Jetavana / Kỳ Viên), là tự viện đầu tiên của Phật giáo trên đế quốc Kosala, chỉ kém đôi chút so với tự viện Venuvana (Trúc Lâm) tại kinh đô Rajagaha của đế quốc Maghadha. Đức Phật đã từng trải qua 19 lần an cư mùa mưa (vassa) tại Jetavana-Vihara. Ngoài các mùa ẩn cư đó Đức Phật cũng đã từng nhiều lần đến đế quốc Kosala để thuyết giảng. Trong khoảngthời gian này có nhiều tự viện khác cũng đã được xây dựng thêm, Kinh Jataka (Bản sinh kinh) và một số các kinh khác cho biết trong các lần thuyết giảng này, Đức Phậtthường lưu lại một ngày tại tự viện này hay một đêm tại tự viện kia, kể cả tự viện Jetavana-Vihara. Tựu trung, Đức Phậttrải qua khoảng 25 năm, tức là một nửa quãng đời hoằng Pháp của mình trên lãnh thổ của đế quốc Kosala. Sau hết cũng xin nhắc thêm là nhà sưPháp Hiền của Trung quốchành hương tại Ấn độ từng viếng Jetavana-Vihara vào đầu thế kỷ thứ V và sau đó một nhà sưTrung quốc khác là Huyền Trang cũng đã viếng nơi này vào tiền bán thế kỷ thứ VII, cả hai đều nhận thấy nơi này đã trở thànhhoang phế.
Câu chuyện về Anathapindika và việc xây dựngtự viện Jetavana-Vihara trên đây xảy ra dưới triều đại của vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) của đế quốc Magadha, tức vào khoảng từ -558 đến -492 trước Tây lịch. Lúc đó Đức Phật còn trẻ, sau triều đại của vua Bimbisara Đức Phật vẫn còn thuyết giảng thêm 8 năm dưới triều đại của vua kế vị là Ajatashatsu (A-xà-thế) khoảng -492 đến -460 trước Tây lịch, trước khi hòa nhập vào Đại-bát Niết-bàn lúc 80 tuổi. Vào thời bấy giờ nước Ấn chưa có lịch sử ghi chép bằng chữ viết, người sau phải dựa phần lớn vào kinh sách Phật giáo để phác họa lại lịch sử và nền văn minh của quốc gia này vào các thời kỳ xa xưa đó. Ngoài ra người sau cũng đã dựa vào kinh sách Phật giáo để tìm hiểu các thói tục, sự sinh hoạtxã hội và cả các mối liên hệ cùng các cung cách hành xử giữa con ngườivới nhau vào các thời kỳ đó. Chẳng hạn như việc mô tả cảnh nhộn nhịp chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạnthỉnh mờiTăng đoàn và Đức Phật, cho thấy sự vinh dự và hãnh diện của cả gia đình vị phú hộ Vetthi, dù rằng Đức Phật và các đệ tử của Ngài chỉ ăn những gì được gia chủ đặt vào bình bát của mình. Việc mua bán khu đất cũng đã được kinh sách thuật lại rất sinh động và khéo léo. Việc định giá khu đất bằng cách xếp các đồng tiền phủ kín mặt đất có thể chỉ là một sự phóng đại với chủ đích nói lên sự quý hiếm và vô giá của khu đất, bởi vì cũng có thể xếp các đồng tiền trên một đơn vị diện tích nhỏ, sau đó nhân lên diện tích của toàn thể khu đất. Cách ra giá cầu kỳ đó phải chăng là để nói lên lòng nhiệt thành của Anathapindika và cả sự hào phóng của người thanh niên Jeta Kumara khi tự nguyện hạ giá khu đất và chi thêm tiền để xây cổng ra vào.
Sau khi tìm hiểu về các nhân vật và phác họa lại bối cảnh và sự diễn tiến của câu chuyện trên đây qua bản kinh trong Tạng Luật, chúng ta sẽ trở lại với bản kinhSudatta-Suta trong Tạng Kinh để tìm hiểu thêm nội dung và ý nghĩa của câu chuyện này. Trước hết là tại sao bài kinh lại mượn hình ảnh một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm cỗ xe và một trăm nghìn trinh nữ đeo trang sức và bông tai để so sánh với một phần mười sáu của một bước chân ?
Voi, ngựa và các cỗ xe là các phương tiệndi chuyển. Dù mình có hàng trăm lần các phương tiện như vậy cũng không giúp mình tiến xa hơn một phần mười sáu của một bước chân. Vậy một phần mười sáu của một bước chân là gì ? Đó là khoảng cách của bờ thềm hay cái cọc nơi cửa công của khu hỏa táng, dẫn đến khu rừng thanh vắng nơi Đấng Giác Ngộ và Tăng đoàn đang tạm trú. Bước lên chưa đầy một phần mười sáu của một bước chân cũng đủ để vượt qua cửa cổng đó để đến gần với Đấng Giác Ngộ. Thế nhưng cái khoảng cách thật ngắn đó chỉ có sự can đảm, lòng nhiệt thành và sự quyết tâm của mình mới có thể giúp mình bước qua được mà thôi. Dù mình có một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm cỗ xe đi nữa thì những thứ ấy cũng không giúp mình làm được việc đó.
Nếu voi ngựa và các cỗ xe là các phương tiệndi chuyển thì một trăm nghìn trinh nữ đeo trang sức và bông tai biểu trưng cho sự giàu sang và các lạc thúdục tính. Bản tiếng Việt của bài kinh này trong Đại Tạng Kinh dịch trại chữ “trinh nữ” thành “thiếu nữ”, điều đó phải chăng là một sự tránh né với ít nhiều tế nhị ? Dầu sao thì ý nghĩa của câu trên đây cũng không thay đổi gì nhiều : sự giàu sang và các thú vui dục tính không có gì sánh kịp với những lời thuyết giảng mà mình sẽ được nghe khi đến gần với Đấng Giác Ngộ. Đức Phật lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta, khoảng cách chưa đầy một phần mười sáu của một bước chân, thế nhưng cái khoảng cách đó cũng có thể thật xa nếu mình chỉ biết sống trong sự sợ hãi, say mê đuổi bắt của cải và chạy theo những thú vui dục tính.
Ngoài ra trong câu trên đây cũng có một chi tiết có thể khiến gây ra cho chúng ta ít nhiều thắc mắc, đó là tại sao chỉ có một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm cỗ xe, thế nhưng con số trinh nữ thì lại lên đến một trăm nghìn người ? Voi, ngựa, xe là các phương tiệndi chuyểncụ thể, nhân lên một trăm lần cũng đủ là một sự phóng đại. Một trăm nghìn trinh nữ mang trang sức và bông tai là một hình ảnhtrừu tượng nói lên tính cáchvô độ của sự thèm khátcủa cải và các lạc thúdục tính.
Điểm lưu ý thứ hai tế nhị và kín đáo hơn, đó là câu vấn an khá vụng về của Anathapindika. Lần đầu tiên gặp Đấng Giác Ngộ, thế nhưng Anathapindika lại thốt lên một câu vấn an khách sáo, tương tự như một lời thăm hỏi một người quen thuộc. Sự thắc mắc đó không hẳn là cách nói lên sự lo lắng của Anathapindhika đối với Đấng Giác Ngộ, mà phản ảnh sự sợ hãi trong phần vô thức của Anathapindika sau khi hiểu rằng ngày mai đây mình sẽ phải đi ngang khu hỏa táng để gặp Đấng Giác Ngộ. Sự sợ hãi sâu kín đó hiện lên với Anathapindika qua ba cơn ác mộngthật kinh hoàng. Trong các cơn ác mộng đó Anathapindika sởn gai ốc khi trông thấy các chúng sinh không phải là người mở cửa cổng đón mình. Sự sợ hãi đó vẫn còn ám ảnh Anathapindika khi phủ phục dưới chân của Đức Phật.
Điểm đáng lưu ý sau cùng và cũng là điểm sâu sắc và thiêng liêng nhất là Đấng Giác Ngộbiết trước sự viếng thăm của một người đệ tử tương lai của mình. Trong lúc đang kinh hànhĐức Phật dừng lại khi trông thấy Anathapindika từ xa đang đi đến, Ngài trở về chỗ ngồi thường lệ đã dọn sẵn cho mình, và khi Anathapindika đến gần hơn thì Ngài gọi Anathapindika bằng tên do cha mẹ đặt và bảo Anathapindika hãy cứ đến gần bên cạnh Ngài. Điều đó cho thấy Đức Phật trông thấy quá khứ và cả sự thành tâm trong lòng của Anathapindika.
Sau khi trả lời thật khéo léo câu vấn an của Anathapindika bằng một sự mở rộng là những “người Bà-la-môn sau khi loại bỏ được mọi dục vọng” luôn ngủ thật an lành, thì ngay sau đó Đức Phậtthuyết giảnggiáo lý cho Anathapindika, từ thật thấp đến thật cao. Sau khi nghe xong thì Anathapindika đạt được cấp bậc thứ nhất của người tu hành. Điều này cho thấy Đức Phật biết được khả năng và trông thấy được cả tương lai của Anathapindika.
Sau buổi gặp gỡ đó Anathapindika trở thành người đệ tửthế tục đầu tiên và tích cực nhất của Đức Phật. Nếu vua Azoka gần ba thế kỷ sau đó, đã đưa Phật giáo ra khỏi thung lũng sông Hằng, thì Anathapindika sau khi gặp được Đấng Giác Ngộ là người đầu tiên đã thiết đặt nền tảng cụ thể cho Giáo huấn của Đức Phật trên quê hương mình tại đế quốc Kosala, trước khi Giáo huấn đó được quảng bà sâu rộng hơn trong khắp thung lũng sông Hằng và ngày nay trên toàn thế giới.
Sau hết, những gì thiết thực nhất mà chúng ta có thể học hỏi và rút tỉa được từ bài kinhSudatta-Sutta, là nếu muốn bước dến gần với Đức Phật thì chớ sợ các con ma dạ-xoa. Bước chân đó rất ngắn, bởi vì Đức Phật sẽ trông thấy mình từ thật xa và sẽ gọi mình đến gần hơn bên cạnh Ngài, thế nhưng Ngài sẽ không gọi mình bằng pháp danh hay tước vị của mình trong xã hội, mà gọi mình bằng tên cha mẹ đặt cho mình, bởi vì Ngài trông thấy quá khứ của mình và cả tương lai của chính mình.
Kết luận
Một câu trích dẫn mơ hồ, chẳng hạn như câu trích dẫn trong quyển sách trên đây, cũng có thể khiến chúng tacố gắngtìm hiểu thêm, đưa chúng ta vào một cuộc phiêu lưu trong lãnh vựctư tưởng, ngôn từ và chữ nghĩa. Phiêu lưu không nhất thiết là một sự lạc hướng, mà đúng hơn là một sự mở rộng, một cách đặt một sự kiện vào khung cảnh làm phát sinh ra nó. Thật vậy, bất cứ một sự kiện hay hiện tượng nào cũng chỉ mang một ý nghĩa hay một giá trị nào đó trong bối cảnh không gian và thời gian của nó.
Kinh sách rất sinh động và sâu sắc, hàm chứa những sự hiểu biết không cùng. Thế nhưng tiếc thay, đôi khi chúng ta bị thu hút bởi các phương tiện thiện xảo khiến mình không trông thấy sự siêu việt trong Giáo huấn của Đức Phật. Giáo huấn đó, dù đã phải trải qua một thời gian thật dài, hơn năm trăm năm truyền khẩu và hơn hai ngàn năm sao chép và dịch thuật, trong thời gian này không sao tránh khỏi một vài sơ sót, thế nhưng vẫn giữ được sự tinh anh và một mức độ chính xác thật đáng kính phục. Chúng ta, những người đi sau, phải tiếp tục bảo toàn kho tàng vô giá đó với tất cả sự thận trọng.
Nhằm giúp độc giảtìm hiểu thêm về câu chuyện trên đây, xin mạn phép nêu lên dưới đây vài địa chỉ liên kết trên mạng về bản kinhSudatta-Sutta và bản kinhliên quan đếnbài kinh này trong Tạng Luật :
A- Kinh Suadatta-Sutta SN 10.8
1- Bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu:
https://www.dhammatalks.org/suttas/SN/SN10_8.html
2- Bản dịch tiếng Anh của nhà sư Bhikkhu Sujato:
3- Bản dịch song ngữ Pali-Pháp ngữ của Remy:
http://www.buddha-vacana.org/fr/sutta/samyutta/sagatha/sn10-008.html
4- Bản dịch tiếng Việt trong Đại Tạng Kinh rất khó truy tìm, độc giả có thể gõ các chữ sau đây vào một công cụ tìm kiếm trên mạng: Kinh Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya – Tập I – Thiên có kệ – [10] Chương X – Tương Ưng Dạ Xoa, hoặc cũng có thể truy tìm trực tiếp hơn qua địa chỉ: https://thuvienhoasen.org/p15a618/10-chuong-x-tuong-ung-da-xoa . Sau đó tiếp tục tìm xuống bên dưới sẽ thấy phân đoạn VIII. Sudatta (S;i, 210), phân đoạn này là bài kinhSudatta-Sutta SN 10.8.
B- Đoạn kinh trong Tạng Luật liên quan đếnbản kinh
Sudatta-Sutta SN 10.8 trong Tạng Kinh
1- Bản dịch tiếng Anh của T.W. Rhys Davids:
https://www.wisdomlib.org/buddhism/book/vinaya-3-the-cullavagga/d/doc370276.html
2- Bản dịch tiếng Việt trong Đại Tạng Kinh (dạng pdf, ấn bản 2013):
https://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/07/07_00.html
Chọn TIỂU PHẢM tập II – tamtangpaliviet.
Sau đó bấm vào mục [02] VI CHƯƠNG SÀNG TỌA
Chọn phẩm thứ nhì, thì sẽ thấy đoạn kinh nói về nhân vật Anathapindika, liên quan đến bàn kinh Sudatta-Sutta SN 10.8.
Độc giả cũng có thể tìm đoạn kinh này trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen:
https://thuvienhoasen.org/a24595/tang-luat-tieu-pham
Bấm vào mục số 6 Chương Sàng Tọa, sau đó tiếp tục truy tìm đoạn kinh này.
Hoặc độc giả cũng có thể tìm đoạn kinh này dưới dạng pdf, ấn bản 2009, trên trang mạng Pháp Thí Hội: theo địa chỉ: https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Thuyet-Phap/Gioi-Luat/Tieu-Pham-Indachanda-Nguyet-Thien-Dich.pdf, thế nhưng sau đó cũng phải tiếp tục dựa và các chi tiết phân loại tiết mục trên đây để tìm đúng đoạn kinh cần tham khảo.
Dầu sao các bản dịch tiếng Việt về bản kinhSudatta-Sutta SN 10.8 và cả đoạn kinh liên hệ trong Tạng Luật rất khó truy tìm. Nói chung phần lớn kinh điển trong Đại Tạng Kinh được sắp xếp theo tiết mục, căn cứ vào tư liệu Hán ngữ hoặc tư liệu của Hiệp Hội Văn Bản Pali (PTS / Pali Text Society), ngày nay rất ít dùng. Vì vậy xin sao chép các bản dịch tiếng Việt này trong phần phụ lục dưới đây, hầu độc giảnếu cần có thể tham khảo dễ dàng hơn.
Phụ Lục
Phụ lục 1: Kinh Suadatta-Sutta SN 10.8
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Samyutta Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt – Phật Lịch 2537 – 1993
TẬP I – THIÊN CÓ KỆ
[10] Chương X
Tương Ưng Dạ Xoa
https://thuvienhoasen.org/p15a618/10-chuong-x-tuong-ung-da-xoa
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại rừng Sìta.
2) Lúc bấy giờ cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) đã đến Ràjagaha để làm một vài công việc.
3) Cư sĩ Anàthapindika được nghe đức Phật đã ra đời và muốn đến yết kiến Thế Tôn.
4) Rồi cư sĩ Anàthapindika suy nghĩ: “Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Ngày mai mới phải là thời ta đến yết kiến Thế Tôn”. Như vậy với ý nghĩ đi yết kiến đức Phật, ông Anàthapindika nằm ngủ. Trong đêm, ông ấy thức dậy ba lần, tưởng rằng trời đã sáng.
5) Rồi cư sĩ Anàthapindika đi đến cửa Sìvatthika (nghĩa địa), và có những phi nhân mở cửa.
6) Và khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối hiện ra. Ông sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược và muốn đi trở về.
7) Rồi Dạ-xoa Sìvaka ẩn hình, lên tiếng như sau :
Trăm voi và trăm ngựa,
Trăm xe do ngựa kéo,
Cả trăm ngàn thiếu nữ,
Được trang sức bông tai,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi tới này.
Cư sĩ, hãy tiến tới!
Cư sĩ, hãy tiến tới!
Tiến tới, tốt đẹp hơn,
Chớ có lui, thối bước!
8) Rồi với Anàthapindika, tối tăm biến mất, ánh sáng hiện ra. Và sợ hãi, hốt hoảng, lông tóc dựng ngược đã khởi lên được dịu hẳn xuống.
9) Lần thứ hai… (như trên)…
10) Lần thứ ba, với Anàthapindika, ánh sáng biến mất, bóng tối hiện ra. Và sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược khởi lên. Và Anàthapindika muốn trở lui. Lần thứ ba, Dạ-xoa Sìvaka ẩn hình lên tiếng như sau :
Trăm voi và trăm ngựa,
Trăm xe do ngựa kéo,
Cả trăm ngàn thiếu nữ,
Được trang sức bông tai,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi tới này.
Cư sĩ, hãy tiến tới !
Cư sĩ, hãy tiến tới !
Tiến tới, tốt đẹp hơn,
Chớ có lui, thối bước !
11) Rồi với Anàthapindika, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra và sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược đã khởi lên được dịu bớt.
12) Rồi Anàthapindika đi đến rừng Sìta, đi đến Thế Tôn.
13) Lúc bấy giờ Thế Tôn thức dậy vào lúc đêm vừa mãn và đang đi kinh hành ngoài trời.
14) Thế Tôn thấy Anàthapindika từ xa đi đến, khi thấy vậy, từ chỗ kinh hành đi xuống, và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Anàthapindika:
— Hãy đến đây, Sudatta!
15) Rồi cư sĩ Anàthapindika nghĩ: “Thế Tôn kêu tên ta”, rồi cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ngủ có an lạc chăng ?
(Thế Tôn):
Luôn luôn sống an lạc,
Không đèo bồng dục vọng,
Thanh lương, không sanh y,
Mọi ái trước đoạn diệt,
Tâm khổ não điều phục,
Tịch tịnh, sống an lạc,
Tâm tư đạt hòa bình
(không thấy dịch chữ Brahmano / Bà-la-môn)
Phụ lục 2: Đoạn kinh nói về Anathapindika trong Tạng Luật
Tam Tạng Pali-Viêt tập 7
TIỂU PHẨM tập II
VI Chương Sàng tọa
Tụng phẩm thứ nhì
Câu chuyện về Anathapindika
Ấn bản 2013
Người dịch Tỳ khưu Indacanda
***
27. Vào lúc bấy giờ, gia chủ Anāthapiṇḍika có người vợ là em gái của nhà đại phú ở thành Rājagaha. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến thành Rājagaha vì công việc cần làm nào đó. Vào lúc bấy giờ, nhà đại phú thành Rājagaha đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày hôm sau. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: – “Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.”
Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã khởi ý điều này: “Trước đây mỗi khi ta đến, gia chủ này bỏ hết mọi công việc và đã trò chuyện với mình ta thôi. Sao hôm nay ông ta có vẻ khẩn trương đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: ‘Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.’ Không lẽ vào ngày mai gia chủ này có đám rước dâu, hay là có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ cúng tế, hay là có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh?”
Sau đó, khi đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công xong, nhà đại phú thành Rājagaha đã đi đến gặp gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi đến đã chào hỏi gia chủ Anāthapiṇḍika rồi ngồi xuống một bên. Khi nhà đại phú thành Rājagaha đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với nhà đại phú thành Rājagaha điều này: – “Này gia chủ, trước đây mỗi khi ta đến, ông bỏ hết mọi công việc và đã trò chuyện với mình ta thôi. Sao hôm nay ông có vẻ khẩn trương đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: ‘Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.’ Này gia chủ, không lẽ vào ngày mai ông có đám rước dâu, hay là có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ cúng tế, hay là có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh?”
– “Này gia chủ, không phải tôi có đám rước dâu, cũng không có đám đưa dâu, cũng không có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh, nhưng mà tôi sắp xếp cho buổi đại lễcúng dường. Hội chúng có đức Phậtđứng đầu đã được thỉnh mời vào ngày mai.”
28. – “Này gia chủ, có phải ngươi nói: ‘Đức Phật’?”
– “Ồ gia chủ, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”
– “Này gia chủ, có phải ngươi nói: ‘Đức Phật’?”
– “Ồ gia chủ, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”
– “Này gia chủ, có phải ngươi nói: ‘Đức Phật?”
– “Ồ gia chủ, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”
– “Này gia chủ, cái âm này thật khó được nghe ở thế gian, đó là từ: ‘Đức Phật.’ Này gia chủ, vào giờ này tôi có thể đi đến để diện kiếnđức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy không vậy?”
– “Này gia chủ, giờ này không phải là lúc để đi đến để diện kiếnđức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy. Để đến sáng sớm ngày mai, dượng sẽ đi đến để diện kiếnđức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy vậy.”
Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): ‘Sáng sớm ngày mai, ta sẽ đi đến để diện kiếnĐức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy vậy,’ rồi đã nằm xuống với niệm tưởng về đức Phật, và đã thức giấc trong đêm ba lần, nghĩ rằng trời đã sáng. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến cổng thành dẫn đến khu rừng Sīta. Các phi nhân(các chúng sinh không phải là người) đã mở cổng thành(?). Khi ấy, trong lúc gia chủ Anāthapiṇḍika đang đi ra khỏi thành thì ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika, chính vì thế đã có ý muốn quay trở lui.
Khi ấy, dạ xoa Sīvaka không có hiện hình(vô hình) đã nói lời rằng:
– “Một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm xe kéo bởi lừa, một trăm ngàn thiếu nữ (trang điểm) với ngọc trai, ngọc ma-ni, và các bông hoa tai, mười sáu lần (một phần mười sáu) như thế không giá trị bằng một bước chân đi tới.”
“Này gia chủ hãy bước tới, này gia chủ hãy bước tới. Đối với người, việc bước tới thì tốt hơn, không có việc quay lui.”
Khi ấy, bóng tối đã biến mất và ánh sáng đã hiện ra. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika đã được lắng xuống.
Đến lần thứ nhì, -(như trên)- Đến lần thứ ba, ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika, chính vì thế đã có ý muốn quay trở lui. Đến lần thứ ba, dạ xoa Sīvaka không có hiện hình đã nói lời rằng:
– “Một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm xe kéo bởi lừa, một trăm ngàn thiếu nữ (trang điểm) với ngọc trai, ngọc ma-ni, và các bông hoa tai, mười sáu lần như thế không giá trị bằng một bước chân đi tới.”
“Này gia chủ hãy bước tới, này gia chủ hãy bước tới. Đối với người, việc bước tới thì tốt hơn, không có việc quay lui.”
Đến lần thứ ba, bóng tối đã biến mất và ánh sáng đã hiện ra. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika đã được lắng xuống. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến khu rừng Sīta. Vào lúc bấy giờ, sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, đức Thế Tônđi kinh hành ở ngoài trời. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy gia chủ Anāthapiṇḍika từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã rời đường kinh hành đi đến ngồi ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.
29. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này Sudatta, hãy đến.” Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn gọi ta bằng tên’ nên đã mừng rỡ, phấn chấn đi đến gầnđức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống để đầu ở hai bàn chân của đức Thế tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, chắc hẳn rằng Đức Thế Tôn đã nghỉ ngơi được thoải mái?”
– “Đúng thế, vị Bà-la-môn đã chứng ngộ Niết Bàn (chữ parinibbuto không có nghĩ là chứng ngộ Niêt Bàn, theo T.W. Rhys Davidx thì chữ này có nghĩa là thoát khỏi mọi dục vọng) luôn luôn nghỉ ngơi được thoải mái, là người không bị vấy nhơ trong các dục, có trạng tháimát mẻ, không còn mầm tái sanh.
Sau khi đoạn lìa các sự vướng mắc, vị ấy có thể điều phục nỗi khổ trong tâm, được an tịnh, nghỉ ngơi được thoải mái, sau khi tâm đã đạt đượcNiết Bàn.”
Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến gia chủ Anāthapiṇḍika. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của gia chủ Anāthapiṇḍika đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được Chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánhhoại diệt.”
30. Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựuniềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin đi đến nương nhờđức Thế Tôn ấy, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tônchấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đếntrọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độim lặng. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễđức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Nhà đại phú thành Rājagaha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anātha-piṇḍika đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, nghe nói dượng đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày mai và dượng lại là khách vãng lai. Này gia chủ, hãy để tôi cho dượng tài chánh; nhờ đó dượng có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phậtđứng đầu.” – “Này gia chủ, thôi đi. Tôi có tài chánh, với số đó tôi sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phậtđứng đầu.”
31. Vị thị trưởng thành Rājagaha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, vị thị trưởng thành Rājagaha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, nghe nói ông đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày mai và ông lại là khách vãng lai. Này gia chủ, hãy để ta cho ông tài chánh; nhờ đó ông có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phậtđứng đầu.” – “Thưa ngài, thôi đi. Tôi có tài chánh, với số đó tôi sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phậtđứng đầu.”
Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, nghe nói khanh đã thỉnh mờihội chúng có đức Phậtđứng đầu vào ngày mai và khanh lại là khách vãng lai. Này gia chủ, hãy để trẫm cho khanh tài chánh; nhờ đó khanh có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phậtđứng đầu.” – “Tâu bệ hạ, thôi đi. Thần có tài chánh, với số đó thần sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phậtđứng đầu.”
32. Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ănhảo hạng loại cứng loại mềm tại tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha rồi cho thông báothời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã tự tay làm hài lòng và toại ýhội chúng tỳ khưu có đức Phậtđứng đầu với thức ănhảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Anāthapiṇḍika đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về việc an cư mùa mưa tại thành Sāvatthi cùng với hội chúng tỳ khưu.”
– “Này gia chủ, các đức Như Lai chỉ thỏa thích ở trú xứ thanh vắng.”
– “Bạch Thế Tôn, con đã biết được. Bạch Thiện Thệ, con đã được biết.”
Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Anāthapiṇḍika bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
33. Vào lúc bấy giờ, gia chủ Anāthapiṇḍika có nhiều bạn bè, có nhiều cộng sự, có lời nóiuy tín. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika sau khi hoàn tất công việc cần làm ấy ở thành Rājagaha đã ra đi trở về thành Sāvatthi. Sau đó, trên đường đi gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo với dân chúng rằng: – “Quý vị ơi, hãy xây dựng các tu viện, hãy cho thiết lập các trú xá, hãy chuẩn bị các vật cúng dường. Giờ đây, đức Phật đã xuất hiện ở trên đời. Và đức Thế Tôn ấy được tôi thỉnh mời sẽ đi đến bằng con đường này.” Khi ấy, đám người ấy được cổ vũ bởi gia chủ Anāthapiṇḍika đã xây dựng các tu viện, đã cho thiết lập các trú xá, và đã chuẩn bị các vật cúng dường.
Sau đó, khi đã về đến thành Sāvatthi gia chủ Anāthapiṇḍika đã xem xét quanh thành Sāvatthi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến mỗi khi có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.”
Gia chủ Anāthapiṇḍika đã nhìn thấy khu vườn của vương tử Jeta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến mỗi khi có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vương tử Jeta, sau khi đến đã nói với vương tử Jeta điều này: – “Thưa công tử, hãy cho tôi khu vườn để xây dựngtu viện.”
– “Này gia chủ, khu vườn không thể cho, ngay cả với việc trải ra mười triệu.”
– “Thưa công tử, khu vườn đã được bán.”
– “Này gia chủ, khu vườn chưa được bán.”
(Họ đã cãi nhau): “Đã được bán, chưa được bán,” rồi đã hỏi các viên đại thần lo việc xử án. Các viên quan đại thần đã nói như vầy: – “Thưa công tử, bởi vì giá cả đã được ngài quy định nên khu vườn đã được bán.”
34. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo chở tiền vàng lại bằng các xe kéo và cho trải ra mười triệu tiền vàng ở Jetavana (khu rừng của Jeta). Tiền vàng chở lại một lần ấy còn thiếu cho khoảng trống nhỏ xung quanh chỗ cổng ra vào. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo dân chúng rằng: – “Này các người, hãy đi, hãy đem tiền vàng lại. Tôi sẽ trải lên khoảng trống này.”
Khi ấy, vương tử Jeta đã khởi ý điều này: “Việc này sẽ không là tầm thường bởi vì vị gia chủ này hy sinh nhiều tiền vàng đến chừng nầy,” nên đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, được rồi, ông không cần phải trải lên khoảng trống này nữa. Hãy cho ta khoảng trống này. Việc bố thí ấy sẽ là của ta.”
Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): ‘Vương tử Jeta này nổi tiếng, là người nổi danh. Niềm tin trong Pháp và Luật này của những người nổi tiếng như thế quả có lợi ích lớn lao!’ nên đã nhường khoảng trống đó cho vương tử Jeta. Sau đó, vương tử Jeta đã cho dựng lên cổng ra vào ở khoảng trống đó.
Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho xây dựng ở Jetavana các trú xá, đã cho xây dựng các căn phòng, đã cho xây dựng các nhà kho, đã cho xây dựng các phòng hội họp, đã cho xây dựng các nhà để đốt lửa, đã cho xây dựng các nhà làm thành được phép, đã cho xây dựng các nhà tiêu, đã cho xây dựng các nhà tiểu, đã cho xây dựng các đường kinh hành, đã cho xây dựng các gian nhà ở các đường kinh hành, đã cho xây dựng các giếng nước, đã cho xây dựng các gian nhà ở các giếng nước, đã cho xây dựng các phòng tắm hơi, đã cho xây dựng các gian nhà ở các phòng tắm hơi, đã cho xây dựng các hồ trữ nước, đã cho xây dựng các mái che.
Bures-Sur-Yvette, 03.12.21
Hoang Phong biên khảo