Kinh Sunita-Sutta
(Câu chuyện về người nghèo khổ Sunita)
Hoang Phong chuyển ngữ
Bài kinh này được chọn trong bộ kinh Theragatha mà kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka). Trong chữ Theragatha thì tiền ngữ thera có nghĩa là “người xưa” hay “người đi trước”, và hậu ngữ gatha có nghĩa là thi phú và nguyên chữ theragatha thì có nghĩa là “các bài thơ của người xưa”. Kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, nhưng thiển nghĩ cách dịch này không được sát nghĩa lắm. Chữ Khuddaka thì có nghĩa là [các bài kinh] nhỏ. Bài kinh hay đúng hơn là bài thơ Sunita này đã được Gabriel ‘Jivasattha’ Bittar, một người tu tập theo Phật Giáo Theravada và cũng là giáo sư tiến sĩ khoa học giảng dạy về môn “Tiến hóa chủng loại” (Phylology) tại các đại học Genève và Lausanne (Thụy Sĩ), dịch sang tiếng Pháp vào khoảng năm 1998. Bài kinh này cũng đã được một nhà sư Theravada người Mỹ là Thinassaro Bhikkhu dịch sang tiếng Anh năm 1994. Bản Việt dịch dưới đây được dựa vào cả hai bản dịch này. “Nhân Vật ” Sunita cũng thấy nhiều lần nói đến trong kinh Jataka (Kinh về Tiền thânĐức Phật).
Bàn dịch tiếng Pháp mang tựa là Le Témoignage de Sunita (Nhân chứng Sunita), bản dịch tiếng Anh mang tựa là Sunita the Outcast (Sunita một người thuộc giai cấpTiện Dân). Các bài kinh trong Tiểu Bộ Kinh dường như tương đối ít được quan tâm đến hơn so với các kinh khác, có lẽ là vì khá đa dạng và không đồng đều, đôi khi quá ngắn (?), dầu sao thì cũng có nhiều bài rất sâu sắc và siêu việt. Một số kinh được trình bày dưới hình thức thơ (riêng trong tập Trưởng Lão Tăng Kệ đã có đến 264 bài thơ với tất cả là 1.291 tiết!). Hầu hết các bài kinh trong Tiểu Bộ Kinhthường có nguồn gốc rất xưa.
Sunita-Sutta
(Theragatha. XII.2 – PTS ; Theragatha, 620-631)
Câu chuyện về người nghèo khổ Sunita
Tôi sinh ra trong một gia đìnhthấp hèn,
Cực khổ, dăm bữa đói một bữa no.
Sinh sống với một nghề hèn mọn:
Quét dọn và nhặt hoa héo rơi xuống từ các bệ thờ (của những người Bà-la-môn).
Chẳng ai màng đến tôi, mọi người khinh miệt và hay rầy mắng tôi,
Hễ gặp ai thì tôi cũng phải cúi đầu vái lạy.
Thế rồi một hôm, tôi được diện kiếnCon Người ấy,
Một Con Người đã hoàn toànGiác Ngộ.
Một đoàn tỳ kheo bước theo sau,
Người Siêu Phàm ấy đi vào thị trấn Ma Kiệt Đà (Magadha).
Tôi bèn vứt bỏ quang gánh (dùng để hốt rác),
Chạy đến gầnchắp tay và cúi đầu vái lạy.
Nào ngờ, với tấm lòng ngập tràn từ bi,
Con NgườiSiêu Phàm ấy đã vì tôi mà dừng lại.
Tôi bèn phủ phục dưới đôi chân Vị Thầy nhân từ,
Lùi lại và đứng sang một bên,
Tôi bèn cất lời xin Con Người xứng đáng nhất trong thế gian này,
Hãy cho phép tôi được bước theo chân Ngài.
Và Vị Thầy từ bi và nhân từ đó,
Với tất cả sự trìu mến, cất lời với tôi rằng:
“Này người tỳ kheo của ta, hãy bước đến bên cạnh ta!”
Và như thế đó tôi được trở thành một người tu hành.
….
Theo lời dạy của Vị Thầy,
Tôi tìm nơi an trú trong một khu rừng hoang vắng,
Hầu có thể tu tập theo những lời chỉ dạy của Ngài.
….
[Một hôm] với nụ cười trên môi, Vị Thầy bảo với tôi rằng:
Với nghị lực và một tấm lòng tinh khiết,
Sống thanh đạm và luôn chủ động chính mình,
Ấy là cách giúp mình trở thành một con người cao cả,
Và mở ra cho mình con đườngthánh thiện.
Vài lời ghi chú của người dịch
Những vần thơ thật đơn sơ, chân thật và cảm động này của bài kinh đã làm dậy lên những xúc cảm bàng hoàng và thật sâu xa khiến chính người chuyển ngữ cũng không sao kềm giữ được những nỗi niềm xao xuyến bùng lên trong lòng mình, nên dù có muốn cũng chẳng còn một lời nào để gửi gấm thêm. Chỉ ước mong rằng những vần thơ của bài kinh này có thể khơi động được chút từ bi nào đang ẩn chứa trong đáy tâm hồn của mỗi người trong chúng ta.
Bures-Sur-Yvette, 17.01.15
Hoang Phong chuyển ngữ
|