KINH CHÚ TÂM TỈNH GIÁC
Hoang Phong dịch
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation
Lời giới thiệu của
NHÀ XUẤT BẢN
“Kinh Chú Tâm Tỉnh Giác” là một trong hai bài kinhcăn bản mà Đức Phật đã nêu lên một phép luyện tập vô cùng thiết thực, cụ thể và trực tiếp về thiền định, đó là phép thiền định chú tâm thật tỉnh giác và thật mạnh vào bốn lãnh vực thân xác, cảm giác, tâm thức và các hiện tượng tâm thần từ bên trong chúng.
Kinh sách Hán ngữ thường gọi là “Minh Sát Tuệ“. Bài kinh kia khá tương tự với bài kinh này là “Kinh Chú Tâm Vào Hơi Thở” đãđược xuất bản trước đây.
Bản kinh này được dịch giả Hoang Phong chuyển ngữ từ kinh Satipatthana Sutta (Majjhima Nikaya/Trung Bộ Kinh, MN 10). Nhưng chủ yếu được dựa vào bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu một nhà sư người Mỹ rất uyên bác, có một lối dịch thật trong sáng, minh bạch và chính xác. Chúng tôi đính kèm trong phần phụ lục.
Trước đây bài kinh này đã được dịch sang tiếng Việt bởi Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh (Trung Bộ Kinh) với tựa là “Kinh Niệm Xứ” và một bản dịch Việt khác được dịch bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh là “Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm “.
Phép thiền định trong bài kinh này, theo dịch giả cho biết là “hết sức đơn giản, chỉ cần ngồi xuống trong yên lặng, phát huy sự tỉnh táo giúp mình tìm về với chính mình, sống với những gì thật sự là mình, từ thân xác, các cảm giác, tâm thức cho đến những gì hiện lên bên trong cái tâm thức ấy của mình”. Đây là Con Đường trực tiếp và ngắn nhất “giúp chúng ta tìm về với chính mình, với thân xác bên trong thân xác mình, với các cảm giác bên trong các cảm giác mình, với tâm thức bên trong tâm thức mình, với các hiện tượng tâm thần bên trong các hiện tượng tâm thần hiện lên bên trong tâm thức mình. Sự trở về đó sẽ làm bùng lên sự “sáng ngời” của tâm thức, giúp nó không những trông thấy một Vị Phật đang mỉm cười trước mặt nó mà cả một Vị Phật đang hiện hữu bên trong chính nó.”
Dịch giả Hoang Phong là một nhà khoa học nên cái nhìn về Phật giáo của ông ảnh hưởng bởi các khía cạnh khoa học hơn là tín ngưỡngđơn thuần. Ước mong bản dịch này với phần ghi chú cẩn trọng có thể đóng góp một chút gì mới mẻ hơn trong việc tìm hiểu một bài kinh thật căn bản và chủ yếu về phép thiền định hướng sự tỉnh giácvào bốn lãnh vực chú tâm.
Tâm Diệu | Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation.
VỀ DỊCH GIẢ
Dịch giả Nguyễn Đức Tiến, bút hiệu: Hoang Phong, sinh năm 1939, Tiến sĩ Khoa học, tốt nghiệp đại học Khoa học Sài Gòn, đại học Oslo – Na-uy, đại học Paris-Sud, tại các đại học này ông đều có một số bài khảo cứu viết riêng hoặc viết chung với các khoa học gia khác. Ông là cựu Giảng sư Đại học Khoa Học Saigon, cựu giáo sư thỉnh giảng đại học Cần Thơ, đại học Đà Lạt, cựu Địa chất gia và Kỹ sư tầm khảo công ty dầu khí TOTAL, và cũng là thành viên của Hội Thiền Học Quốc tế AZI (Association Zen Internationale). Ông về hưu năm 1999, và hiện định cư tại Pháp quốc.
Trong những năm gần đây, ông đã dành toàn thời gian, công sức nghiên cứu và chuyển ngữ kinh sách Phật giáo của các vị cao tăng Phật giáo Tây Tạng, góp phần hoằng dương Phật pháp, mang lại lợi ích cho chúng sinh.
Sách đã xuất bản:
Hơn 30 đầu sách bao gồm sách chuyển ngữ và trước tác. Xem danh sách các sách đã xuất bản tại Thư Viện Hoa Sen.
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH
Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana, nghĩa từ chương là “Sự quán thấy chuyên biệt” hay “sâu sắc”, kinh sách Hán ngữ gọi là “Minh Tuệ” hay “Minh sát tuệ”. Tuy với ít nhiều khác biệt trên phương diện ứng dụng và thực hành, nhưng phép luyện tập này luôn là căn bản của hầu hết các tông phái và học phái Phật giáo.
Do đó kinh Satipatthana Sutta (Majjhima Nikaya/Trung Bộ Kinh, MN 10) là một trong các bản kinh được đặc biệt quan tâm và dịch ra nhiều thứ tiếng, với khá nhiều phiên bản tiếng Việt khác nhau. Như vậy thì có thêm một bản dịch đề nghị dưới đây có khác gì đẩy một cánh cửa đã mở hay chăng? Thắc mắc này thật hết sức chính đáng, thế nhưng sự kiện có rất nhiều bản dịch khác nhau tự nó cũng đã nói lên một cái gì đó chưa được hoàn hảo, cần phải tìm hiểu và bổ khuyết thêm chăng?
Đức Phật thuyết giảng cách nay đã 2500 năm, và sau khi Ngài tịch diệt thì các môn đệ họp nhau và nhớ lại những lời thuyết giảng trước đây của vị Thầy mình để truyền khẩu cho nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phải đến 500 năm sau đó thì các lời truyền khẩu này mới bắt đầu được ghi chép trên các tờ lá bối, và từ đó đến nay lại thêm 2000 năm sao chép và dịch thuật! Được chuyển tải bằng các cácngôn ngữ khác nhau, ảnh hưởng bởi cá tính, khả năng và sự hiểu biết đa dạng của con người, xuyên qua không gian và thời gian, xuyên qua các nền văn minh và văn hóa, phải chăng những lời giáo huấn đó của Đức Phật cũng đã phải chịu ít nhiều sai sót? Dầu sao thì nền Giáo Huấn tuyệt vời đó vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay với tất cả sự trong sáng, sâu sắc và siêu việt, và được quảng bá khắp nơi trên thế giới, không những đã nói lên một sự cố gắng phi thường của người xưa mà còn cho thấy cả một gia tài hiểu biết vô song của nhân loại. Bổn phận của chúng ta hôm nay là phải bảo vệ và giữ gìn gia tài đó luôn được tinh khiết hầu lưu lại cho các thế hệ mai sau.
Sau 2500 năm phát triển và lưu truyền, những sự sai sót trong Giáo Huấn của Đức Phật dù có xảy ra đi nữa, thì cũng hết sức khó để kiểm chứng một cách cụ thể. Vì thế nếu không thể xác định được các sự sai lệch theo chiều sâu tức là ngược về quá khứ, thì chúng ta hãy thử nhìn vào hiện tại tức là thu ngắn 2500 năm lịch sử Phật giáo thành 100 năm của thế hệ chúng ta ngày nay, để tìm hiểu xem có những sự lệch lạc nào xảy ra theo chiều rộng hay không? Thiết nghĩ đó cũng là một cách tương đối cụ thể nhất hầu mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về những sự sai sót có thể đã xảy ra trong quá khứ.
Nhằm vào cố gắng trên đây khoảng hơn ba mươi bản dịch, sách và các bài bình giải bản kinh Satipatthana Sutta bằng các tiếng Anh, Pháp và Việt đã được tham khảo và đối chiếu. Thật hết sức bất ngờ, công việc này đã cho thấy một số dị biệt giữa các tư liệu này. Riêng đối với các bản Việt dịch thì một sự kiện nổi bật là tất cả đều chịu ảnh hưởng nặng nề của Hán ngữ qua các cách vay mượn và sử dụng các thuật ngữ vừa lỗi thời vừa thiếu chính xác trong Phật giáo Hán ngữ, dù rằng một số các bản dịch này được trực tiếp dựa vào các bản gốc bằng tiếng Pa-li hay tiếng Anh. Ảnh hưởng Hán ngữ này đã khiến các bản dịch – dù được gọi là Việt dịch – nhưng thật ra là đầy các thuật ngữ tiếng Hán, lại càng khó hiểu cho một số người.
Một số các dị biệt giữa các bản dịch tham khảo và nhất là ảnh hưởng Hán ngữ trong các bản Việt dịch sẽ được phân tích và nêu lên trong phần ghi chú dưới đây. Dầu sao cũng phải thú nhận rằng bản dịch đề nghị dưới đây cũng chỉ là một sự cố gắng gần như liều lĩnh, với hy vọng có thể góp phần, dù chỉ là nhỏ nhoi, vào việc tìm hiểu thêm về bài kinh quan trọng này.
Thật ra bản dịch này chủ yếu được dựa vào bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu một nhà sư người Mỹ rất uyên bác, có một lối dịch thật trong sáng, minh bạch và chính xác. Ngoài ra nguyên bản bằng tiếng Pa-li trong Kinh Tạng thường có nhiều đoạn hoặc nhiều câu lập đi lập lại, mỗi lần chỉ thay đổi một chữ hay một ý, đó là cách giúp dễ nhớ và dễ học thuộc lòng. Cách lập đi lập lại này thì ngày nay không còn cần thiết nữa, do đó các bản dịch nói chung thường được rút ngắn bằng cách cắt bớt một số đoạn hay câu mang tính cách lập đi lập lại để tránh dài dòng và nhàm chán. Tuy nhiên trong bản dịch đề nghị dưới đây, trong một vài trường hợp cách lập đi lập lại cũng sẽ được giữ nguyên, bởi vì đôi khi sự lập đi lập lại đó cũng là một cách nhấn mạnh ý nghĩa và nội dung của một câu hay một đoạn kinh. Ngoài ra một vài lời ghi chú và giải thích cũng sẽ được ghép thêm vào bản dịch, và được trình bày bằng chữ nghiêng lồng trong hai dấu ngoặc đơn, với hy vọng có thể giúp người đọc theo dõi bản dịch được dễ dàng hơn chăng?
Sau hết trong phần ghi chú dưới đây một số nhận xét về vấn đề dịch thuật nói chung cũng sẽ được nêu lên cùng với một vài đề nghị nhằm lưu ý tất cả chúng ta về ý thức trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn và quảng bá Giáo Huấn của Đức Phật
Quý độc giả yêu thích đọc sách in trên giấy có thể tìm sách trên mạng Amazon bằng cách gõ chữ không dấu tên sách. Thí dụ: “kinh chu tam tinh giac” hay click vào đây để link trực tiếp tới trang mạng Amazon. Riêng độc giả ở Việt Nam xin xem chú thích dưới đây:
Mong muốn pháp được lưu truyền rộng rãi, tác giả và nhà xuất bản không giữ bản quyền sách. Giá bán khi độc giả đặt mua là giá thành tối thiểu của Amazon nhằm trang trải chi phí in ấn cho một quyển theo hình thức POD (Print on Demand).
Quý độc giả cũng có thể download phiên bản PDF về máy nhà đọc trước:
Kinh_Chu_Tam_Tinh_GiCSP_Proof052618
Ananda Viet Foundation Books from Amazon