TRUNG LUẬN

TRUNG LUẬN (MADHYAMAKAKÀRIKÀ)

Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Nàgàrjuna)

Hán dịch:

Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

Việt dịch: Thích Viên Lý

LỜI GIỚI THIỆU

  Tác phẩm Mùlamadhyamakakàrikà của Tổ sư Long Thọ (Nàgàrjuna) đã được ngài Cưu Ma La Thập dịch ra chữ Hán vào đầu thế kỷ thứ năm Tây lịch- qua nhan đề thu gọn là Trung Luận (cũng gọi là Trung Quán Luận).

  Tất cả tư tưởng vĩ đại nhất của thế giới đã nằm gọn trong hai mươi bảy phẩm của quyển Trung Luận; nếu muốn nói cho tinh mật hơn thì chẳng những cái gì vĩ đại nhất thuộc phạm vi tư tưởng triết học và tôn giáo ở thế giới mà cả cái gì đó vượt ra ngoài toàn thể vũ trụ (với vô số trăm tỷ thiên hà) và vượt ra ngoài toàn thể thời gian, chẳng những thế thôi, cái gì đó trong 27 phẩm của Trung Luận lại vượt ra ngoài cả thể tính, ngoài cả hư vô và hư không. Phải hiểu mấy chữ “vượt ra ngoài” này trong ý nghĩa “siêu việt” nghĩa là siêu việt cả tứ cú của sự vận hành ngôn ngữ ý niệm trong tất cả triết học và đạo học nhân loại. Không nên hiểu mấy chữ “vượt ra ngoài” trong thời gian và không gian, vì nếu hiểu thế thì vẫn có một cái gì đó để vượt hay để được vượt, và ngay cả cái “không có gì cả” cũng không phải là cái “không có gì cả” để vượt hay được vượt. Sự vượt qua ở đây trong Trung Luận chính là sự tự vượt qua của chính Không Tánh trong Vô Tự Tính của Không Tánh, cơn bão lốc vũ trụ bùng vỡ xoáy tròn từ nội không-ngoại không cho đến vô tánh không-tự tánh không-vô tánh tự tánh không (tức là Thập Bát Không trong Đại Bộ Bát Nhã Kinh) và đã được hồi chuyển linh động qua bát bất trung đạo trong lòng duyên khởi nhịp nhàng được giao mật giữa đệ nhất nghĩa đế và thế đế. 

 Từ khoảng thời gian khởi đầu Tây lịch hoặc khoảng thế kỷ thứ hai Tây lịch, Long Thọ đã xuất hiện như một cái gì bất khả tư nghị đột nhập mặt đất. Từ thời đó cho đến thế kỷ XX, gần hai ngàn năm, trong toàn thể lịch sử tư tưởng triết học, đạo học và tôn giáo ở thế giới (cả Đông phương lẫn Tây phương), vẫn chưa có ai có thể đáng được đứng gần mức độ siêu việt tột đỉnh của Long Thọ. 

  Bao nhiêu đạo sư triết gia vĩ đại nhất của nhân loại từ Lão Tử, Trang Tử cho đến Khổng Tử và Mạnh Tử, từ Shankara cho đến Aurobindo, từ Plato và Aristotle cho đến Kant và Hegel, từ hegel cho đến Nietzsche và Heidegger và kể cả Wittgenstein, vẫn chưa có ai vượt qua được tư tưởng siêu việt tột đỉnh của Long Thọ. Gần đây, có nhiều học giả Tây phương thường đem Nietzsche, Wittgenstein và cả Jacques Derrida để so sánh đối chiếu những điểm tương đồng với Long Thọ, nhưng tất cả công trình ấy đều vẫn đứng ngoài cửa và chưa lọt được vào trong sự vận hành bí ẩn bất khả tư nghì của Long Thọ. Điều này dễ hiểu, vì tư tưởng của Long Thọ được xuất phát từ Đại Trí và Đại Hạnh của Bồ Tát và được thể hiện nhịp nhàng chuyển động từ cảnh giới siêu việt bất khả đắc của một kẻ giải thoát, người đã tiêu diệt trọn vẹn tất cả cơ cấu kiến trúc của ý thức và vô thức nhân loại.

  Con đường ý thức của nhân loại và nhất là của Việt Nam hiện nay đang đi đến chỗ bế tắc, và chỉ có tư tưởng của Long Thọ mới tiêu diệt được tất cả ý thức hệ hiện nay và mở đường rực sáng cho quê hương và cho toàn thể nhân loại. 

  Bản dịch của Thượng Tọa Thích Viên Lý được xuất hiện đúng lúc; trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và thường xuyên bận rộn suốt ngày đêm qua bao nhiêu công việc Phật sự phức tạp nan giải, thế mà Thượng Tọa Thích Viên Lý cũng đã nỗ lực thể hiện đức Tinh Tấn Ba La Mật hy hữu và đã dịch trọn vẹn một tác phẩm có tiếng là khó hiểu nhất trong những tác phẩm khó hiểu nhất của nhân loại. 

  Không phải chỉ giỏi chữ Hán là có thể dịch nổi Trung Luận của Long Thọ, cũng không phải chỉ giỏi Phật học là dịch được Trung Luận. Biết bao nhiêu vị học giả uyên bác về Hán học và Phật học phải đành cảm thấy bất lực khi muốn dịch Trung Luận ra chữ Việt. Thế mà Thượng Tọa Thích Viên Lý đã làm được điều ít ai làm được; bản dịch của Thượng Tọa chẳng những là bản dịch chính xác nhất hiện nay mà đồng thời cũng là một trong vài ba công trình vĩ đại nhất của nền Phật học Việt Nam ở quê hương và hải ngoại, chẳng những đối với hiện thời mà đối với cả ngàn năm sau nữa, cho đến lúc nào Phật giáo vẫn còn hưng thịnh ở quê cha đất tổ…

California, ngày 5 tháng 11, 1994

Phạm Công Thiện

Tác phẩm được chia thành 4 QUYỂN VÀ 27 PHẨM, cụ thể nội dung được tóm tắt như sau:

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ NHẤT

✥ PHẨM THỨ NHẤT: QUÁN NHÂN DUYÊN
✥ PHẨM THỨ HAI: QUÁN SÁT SỰ CHUYỂN ĐỘNG VÀ SỰ KHÔNG CHUYỂN ĐỘNG (Quán Sát Sự Đến Đi)
✥ PHẨM THỨ BA: QUÁN LỤC TÌNH
✥ PHẨM THỨ TƯ: QUÁN NĂM ẤM
✥ PHẨM THỨ NĂM: QUÁN LỤC CHỦNG (Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Thức)
✥ PHẨM THỨ SÁU: QUÁN ÁI DỤC VÀ KẺ THAM NHIỄM ÁI DỤC

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ HAI

✥ PHẨM THỨ BẢY: QUÁN SÁT BA TƯỚNG (* Pháp hữu vi có ba tướng: Sanh, Trụ và Diệt)
✥ PHẨM THỨ TÁM: QUÁN TÁC VÀ TÁC GIẢ
✥ PHẨM THỨ CHÍN: QUÁN SÁT BẢN TRỤ
✥ PHẨM THỨ MƯỜI: QUÁN LỬA VÀ NHIÊN LIỆU
✥ PHẨM THỨ MƯỜI MỘT: QUÁN SÁT BẢN TẾ
✥ PHẨM THỨ MƯỜI HAI: QUÁN SÁT VỀ SỰ THỐNG KHỔ
✥ PHẨM THỨ MƯỜI BA: QUÁN SÁT CÁC HÀNH
✥ PHẨM THỨ MƯỜI BỐN: QUÁN SÁT SỰ HÒA HỢP

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ BA

✥ PHẨM THỨ MƯỜI LĂM: QUÁN HỮU VÔ
✥ PHẨM THỨ MƯỜI SÁU: QUÁN SÁT VỀ SỰ TRÓI BUỘC VÀ GIẢI THOÁT
✥ PHẨM THỨ MƯỜI BẢY: QUÁN SÁT VỀ NGHIỆP
✥ PHẨM THỨ MƯỜI TÁM: QUÁN PHÁP (Àtma-parĩksà)
✥ PHẨM THỨ MƯỜI CHÍN: QUÁN THỜI GIAN
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI: QUÁN SÁT NHÂN VÀ QUẢ
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI MỐT: QUÁN SÁT VỀ SỰ SINH THÀNH VÀ HOẠI DIỆT

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ TƯ

✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI: QUÁN SÁT ĐỨC NHƯ LAI
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA: QUÁN SÁT ĐIÊN ĐẢO
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI BỐN: QUÁN SÁT TỨ ĐẾ (Bốn Chân Lý, Bốn Sự Thật)
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI LĂM: QUÁN SÁT NIẾT BÀN
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU: QUÁN MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
✥ PHẨM THỨ HAI MƯƠI BẢY: QUÁN SÁT VỀ NHỮNG TÀ KIẾN

Mời Quý độc giả cùng đọc chi tiết cuốn sách TRUNG LUẬN ngay dưới đây:

Cảm ơn Quý độc giả đã dành thời gian nghiên cứu về quyển sách ý nghĩa này. Để tham khảo thêm nhiều sách hay, sâu sắc về Phật giáo. Mời Quý vị xem tại mục Ebook HT Thích Viên Lý nhé!