THÔNG ĐIỆP CỦA HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM – HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN LÝ

Hành hương đầu xuân là một trong những chuyến đi mang một thông điệp vô cùng ý nghĩa trong Phật giáo. Nhiều người cho rằng đây là một cuộc viếng thăm để tham quan những thắng cảnh các tự viện nhân dịp đầu năm. Tuy nhiên, thực chất hành hương lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đó chính là cuộc hành trình trở về với chính mình nhằm tái khám phá những gì vốn đã có sẵn trong mỗi chúng ta.

Trong suốt một năm với nhiều bận rộn, lo âu kiếm tiền tài, danh vọng…. những vật chất thuộc pháp hữu vi mà chúng ta lầm tưởng là hạnh phúc thực sự. Chúng ta lao vào để tìm kiếm một thứ gì đó với mục đích xoa dịu sự khổ đau, bất an, lo lắng hay những trạng thái tâm lý tiêu cực mà chúng ta đã phải trải qua hay đang phải đối diện trong cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống đã khiến chúng ta nhận ra rằng chẳng thể nào làm vơi đi khổ đau và đạt được hạnh phúc thật sự từ những vật chất tạm bợ, những thứ chỉ mang tính chất bổ trợ như nhà cửa, xe cộ v.v… Một ví dụ điển hình cho sự khẳng định trên chính là tỷ lệ phần trăm người tự sát tăng dần tại một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tự sát cao nhất thế giới.

Mặc dù, những nước này đều là những nước phát triển, các nhu cầu cho đời sống ngày một được nâng cao nhưng cùng với sự hưng thịnh của vật chất thì con người lại khổ đau quá nhiều do bị chính vật chất và nhiều yếu tố khác chỉ phối. Sự khổ đau bởi sự tác động từ thế giới bên ngoài khiến con người thống khổ, tuyệt vọng và thậm chí tự tước đoạt mạng sống của chính mình với mong ước được hạnh phúc hơn đằng sau cái chết. Họ mãi vọng hướng ra ngoài để mưu cầu cái mà họ nghĩ là hạnh phúc thật sự.

Trong một lần tham dự Đại Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới tại Nhật Bản, một học giả đã thuyết trình trước cử tọa và công bố một số lượng đáng ngạc nhiên về tỷ lệ những người trẻ tuổi tự tử, đồng thời họ cũng đưa ra những giải pháp để chặn đứng những vấn nạn lớn đang xảy ra. Không riêng gì tại Nhật Bản mà ngày nay, số lượng người trẻ tuổi tìm đến cái chết ngày càng tăng vọt. Nguyên nhân đưa đến những vấn nạn là do sự mất cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Do đó, điều cấp thiết để có thể giải quyết, khắc phục cũng như giữ trạng thái thăng bằng cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngay lúc này chính là sự quay về với tự thân mà an trú. Sự quay về với chính mình và an trú trong chánh niệm tỉnh giác hay hiện tại lạc trú giúp chúng ta tự tịnh hóa thân tâm. xây dựng một cuộc sống với tất cả giá trị bằng năng lượng của bản thể thanh tịnh. Bản chất của sự thanh tịnh vốn luôn hiện hữu một cách hằng hữu bên trong của mỗi chúng ta nhưng do mãi loanh quanh tìm kiếm bên ngoài những vật chất tạm bợ mà chúng ta vô tình quên mất sự hằng hữu của bản thể. Người tìm thấy được chính mình chính là người đã tìm thấy được bản thể thanh tịnh, tìm thấy thực tại vắng lặng nơi tâm thức. Khi tâm thức đã thực sự an trú, quay về, trực diện với hiện tại thì ngay lúc ấy hạnh phúc thực sự sẽ luôn hiện hữu mà chẳng nhọc tìm kiếm bên ngoài.

Một trong những ví dụ điển hình về sự quay về an trú nơi chính mình thường được nhắc đến qua câu chuyện Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ dạy pháp yếu của Thiền tông cho thái tử Trần Khâm (sau là tổ Điều Ngự Giác Hoàng) trước khi trở về lại triều đình. Ngài dạy rằng: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc. Có nghĩa là phải quay về soi sáng chính mình là bốn phận chính yếu chứ không phải do từ bên ngoài mà có. Bao nhiêu người trong chúng ta thể hiểu được chính mình hay chúng ta cứ mặc cho dòng chảy tâm thức trôi theo những biến chuyển nơi thế gian để rồi nhận lấy những khổ đau, bất an do thiếu sự thấu hiểu về sự thế. Chúng ta thường trong trạng thái thân tâm bất nhất, thân ở đây nhưng tâm lại cứ lo nghĩ những chuyện trong quá khứ hay mơ tưởng về tương lai. Sống một đời trong ảo mộng huyễn hóa nhưng nhưng lại mong cầu hạnh phúc thực tại thì thật là vô lý.”

Xét thấy rằng, trước sự phát triển của khoa học công nghệ và những tiện nghi đời sống… đang dần khiến chúng ta quên mất chính mình, quên mất đi những người đang chung sống, đang hiện hữu. Chính vì vậy vậy, sự quay về để tự chiếu soi tâm thức của mỗi người sẽ là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta xây dựng một hạnh phúc đích thực cho mình và cho mọi người. Chúng ta nên nhớ rằng: hạnh phúc là thứ “bất tùng tha đắc (không từ người khác hay vật khác mà có được). Do đó con đường để đưa đến hạnh phúc, an lạc đích thực không gi khác ngoài sự trở về với chính mình, nỗ lực tu tập để hiển lộ Phật tánh hay thể nhập viên giác tánh vốn đang hiện hữu một cách hằng hằng hữu trong mỗi chúng ta. (Trích Nguyệt San T2/2024)