Ngày nay, trước những biến động do chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, nhân họa đã khiến cho thế giới đổi thay một cách nhanh chóng. Từ những thành phố sầm uất bậc nhất tại những đất nước như Ukraine hay tại dải Gaza giờ đây chỉ còn lại những đống gạch đổ nát do sự hủy diệt của chiến tranh. Từ một quốc gia thịnh vượng, hòa bình mà nay xác người chất đống, người chết la liệt thậm chí tại một số quốc gia giàu có cũng đang ở trong tình trạng căng thẳng giữa những bất đồng chính kiến khiến cho đất nước có nguy cơ bị phân hoá. Trước những thực trạng về sự thay đổi, biến hoại nhanh chóng của thế giới vật chất khiến lời dạy về vạn pháp vô thường, huyễn hoá của đức Thế Tôn trở nên đậm nét hơn bao giờ hết. Những tài sản vật chất dù có giá trị cao đến đâu cũng đều nằm trong quy luật THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG – một quy luật tất yếu của vũ trụ.
Những biến cố, những thay đổi, và suy vong đang tiếp diễn chính là nỗi bất hạnh cho toàn xã hội nhưng đồng lúc nó cũng là một bài học vô giá để chúng ta nghiệm lại những chân lý tối thượng mà bậc Điều Ngự Thế Tôn đã tuyên thuyết hơn 2600 năm trước. Muôn sự, muôn vật luôn hiện hữu ba đặc tính vô thường- khổ vô ngã. Do đó, những thứ vật chất như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc,… đều chẳng thể tồn tại mãi. Ngay chính khối thân thể vật chất mà chúng ta luôn cho là ngã thể cũng không thể nào tránh khỏi sự vô thường sinh diệt. Chính vì thấu triệt được bản chất của hữu vi pháp nên đức Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm chân lý tối thượng nhằm thoát ly sự trói buộc do tài sản vật chất v.v… chỉ phối.
Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật cũng đã từng dạy hàng đệ tử rằng: “Này các Tỳ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật”. Vì ngài biết rằng bất kỳ thứ vật chất gì dù cứng rắn đến đâu rồi cũng tan hoại. Đến cả ngay Tứ Thánh địa (nơi đức Phật đản sanh-Lumbini, nơi đức Phật thành đạo- Bodhgaya, nơi đức Phật Chuyển Pháp Luân- Sarnath, nơi đức Phật nhập Niết Bàn- Kusinara) giờ đây cũng chỉ còn lại những nền gạch vữa.
Mọi thứ đều bị thời gian ăn mòn theo năm tháng tuy nhiên, chỉ riêng giáo pháp của đức Phật không những không bị hao mòn mà còn ngày một hưng thịnh và được truyền bá trên khắp năm châu bốn biển. Từ đó cho thấy, với tuệ giác siêu việt của một bậc đại giác, tài sản mà ngài để lại chẳng phải là những thứ vật chất tạm bợ, vô thường huyễn hóa mà là một gia tài pháp bảo tối thượng cho tất cả chúng sanh mà cụ thể đó là BẢY THỨ TÀI SẢN TỐI THƯỢNG (THẤT THÁNH TÀI) thường được đề cập đến trong rất nhiều kinh điển. Bảy tài sản này (tín, giới, tàm, quý, văn, thí hay xả, huệ) mang những đặc tính: “Bảy loại tài sản này, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chỉ phối”
Mục Lục
TÀI SẢN THỨ NHẤT CHÍNH LÀ “TÍN TÀI”
“Tín” có nghĩa là đức tin trong sáng, vững chãi được xây dựng từ sự liễu giải rốt ráo về chân lý (chánh pháp). Sự tin hiểu này không phải là tà tín mà nó chính là một sự trực giải Chánh pháp dựa trên lời Phật dạy. Nếu người phát tín tâm theo hướng tà tín thì đó chính là một sự nguy hại to lớn. Sự tà tín do thiếu hiểu biết về Chánh Pháp sẽ phá trụi và thiêu hoại mọi công đức, mọi nỗ lực tu tập. Không những vậy mà nó còn gây khổ đau cho mình và cho người. Chính vì vậy, trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã từng dạy rằng: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu” có nghĩa là niềm tin là bước đầu nhập đạo, là mẹ của mọi công đức.
Tuy nhiên đức tin ở đây cần phải kèm theo sự hiểu biết tức là kiến giải. Trong kinh Pháp Hoa, Phẩm Tín Giải thứ tư, đức Phật cũng đã nhấn mạnh về việc tin không thôi chưa đủ mà chúng ta còn phải có sự hiểu biết, hiểu biết về muôn sự, muôn vật nhất là hiểu biết về Phật pháp. Sự hiểu biết này không phải là cái biết của thế gian pháp mà đó là sự thấu triệt chân lý tối thượng về nhân sinh, vũ trụ, một cái thấy tận cùng bản thể của tất cả các pháp như chính nó đang là.
Vì vậy, nếu muốn có một đức tin kiên vững thì chúng ta bắt đầu với việc hiểu rõ những giáo lý căn bản và dần mở rộng đến những giáo pháp uyên thâm hơn, đốn ngộ hơn. Trong bất kỳ lộ trình tu tập nào cũng đều tiến dần theo ba bước cơ bản: thứ nhất là học Pháp (học về Phật pháp để lãnh hội rõ trình tự tu tập, có kiến giải để tránh sai đường lạc lối), kế tiếp là giai đoạn hành pháp (thực tập áp dụng những giáo lý kiến thức vào đời sống thực tế của tự thân để trải nghiệm, quán sát tu tập nơi chính mình), cuối cùng là thành pháp (thành tựu, lãnh thọ được những pháp lạc từ sự hành trì tu tập theo giáo pháp).
Vậy nên, lộ trình căn bản đầu tiên chính là cần phải học pháp, thâm hiểu giáo lý Phật Pháp và hiểu biết trọn vẹn về chính bậc Tôn Sư mà chúng ta quy ngưỡng. Nhiều người trong chúng ta tuy đi chùa lâu nhưng thật có mấy người hiểu được trọn vẹn về cuộc đời của đức Phật huống hồ là những giáo nghĩa uyên thâm. Đó là chỉ nhắc đến cuộc đời đức Phật trên phương diện lịch sử (Tích môn) mà chưa đề cập đến Bản môn hay học thuyết Tam thân-trikāya (Báo thân – Thọ dụng thân, ứng thân- Hóa thân, Pháp thân tự tánh thân). Dẫu biết giáo pháp thì vô lượng nên hàng hạ căn chúng ta khó có thể lãnh hội hết được. Tuy nhiên, đối với những học pháp nền tảng thì mỗi người cần phải tự thân trau dồi để nhờ đó mà kiên vững đức tin trước xã hội với đầy rẫy những chủ thuyết sai lầm từ các ngoại đạo tà kiến.
TÀI SẢN THỨ HAI ĐÓ LÀ “GIỚI”
“Giới” ở đây tức chỉ cho những giới luật mà đức Phật đã chế định bao gồm năm giới, tám giới, mười giới v.v (toàn bộ những điều giới nằm trong tạng Luật). Giới là nấc thang đầu tiên trong hành trình đạt đến giác ngộ giải thoát bởi lẽ nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, từ đó mới có thể chứng thành đạo quả. Vậy nên, giới chính là nền tảng của mọi nền tảng, không có giới thì chúng ta không thể nào tiến lên nửa bậc huống gì nói đến một bậc trên lộ trình tu tập. Không những vậy, Giới còn là thọ mạng của chánh Pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, Giới luật mất Phật Pháp mất. Chính vì vậy, hành trì giới luật không những là tu cho mình mà còn góp phần vào việc bảo vệ chánh Pháp, giúp giáo pháp trường tồn trên thế gian. Công năng của giới là phòng phi chỉ ác tức là ngăn ngừa điều sai lầm, lỗi quấy và đồng thời chấm dứt những ác nghiệp, ác nhân. Thông thường, giới luật luôn đi đôi với nhau nhưng nếu tách ra phân tích thì mỗi từ đều thuộc hai phạm trù khác nhau nhưng vẫn luôn bổ xung lẫn nhau.
Đây chính là lý duyên khởi trong Phật giáo, tương tức tương nhập, tương duyên tương sinh không thể tách rời. Người muốn hành trì giới thì cần phải hiểu rõ đâu là giới khinh, giới trọng, đâu là khai, giá, trì, phạm để nhờ đó mà giữ gìn giới pháp một cách trọn vẹn. Thí như một người muốn bảo vệ tài sản trong ngôi nhà của chính mình thì cần phải biết rõ tướng thông bít của ngôi nhà, biết rõ những vật có giá trị thì mới có thể bảo vệ ngôi nhà khỏi những giặc cướp, nếu không thông rõ thì dù có bị cướp nhưng cũng chẳng thể biết là đã bị mất những gì. Cũng tương tự như thế, muốn bảo vệ tài sản của giới chúng ta cần phải học và hiểu rõ về giới, một tài sản trọng yếu trong đời sống học Phật, là nấc thang để đi đến mọi chứng đắc. Mọi thành tựu đều từ giới mà sanh ra, vì vậy mọi người cần phải hết sức lưu tâm.
TÀI SẢN THỨ BA ĐÓ LÀ TÀM
Tức sự tự xấu hổ với chính bản thân. Cảm giác mặc cảm, xấu hổ khi làm những điều sai phạm những cấm giới sanh khởi từ chính tâm thức của những ai có tâm tài. Dẫu tự thân biết rằng không ai biết việc mà bản thân đã phạm phải nhưng chính chúng ta là người biết rõ nhất về những điều gì chúng ta đã gây ra.
Do đó, những người đệ tử Phật, những người học giáo lý thâm diệu sẽ có đủ trí tuệ để nhận biết những lỗi sai quấy của bản thân. Chính vì vậy, sự tự xấu hổ có công năng ngăn ngừa khiến chúng ta không phạm những giới luật, không hành bất thiện pháp đồng thời nó cũng là động lực giúp hành giả tu tập nỗ lực hơn để mau chứng đắc đạo quả.
TÀI SẢN THỨ TƯ LÀ QUÝ
Tức là sự sợ hãi và hổ thẹn với người về lỗi lầm đã phạm phải phải. Thông thường “tàm quý” thường đi chung với nhau. Tuy nhiên, dựa theo sự giải thích trong Luận Câu Xá mà giữa hai thuật ngữ này có đôi điểm khác biệt sau: “Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có đức, Quý là lòng sợ tội lỗi và Tàm là khi mình phạm tội mặc dầu không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình xấu hổ” hay trong Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có định nghĩa một cách chi tiết về hai thuật ngữ này: “Tàm là tự mình không tạo tội, Quý là không bảo người khác tạo tội: Tàm là tự trong lòng mình cảm thấy hổ thẹn, Quý là cảm thấy hổ thẹn khi bày tỏ tội lỗi của mình với người khác”. Từ sự phân tích về mặt ngữ nghĩa, chúng ta có thể thấy công năng của tàm và quý giúp hành giả nhận chân được lỗi lầm của bản thân nhờ đó mà sám hối. Sám hối lỗi lầm của mình, chừa bỏ lỗi đã phạm, ngăn ngừa lỗi chưa phạm chính là quá trình thanh tịnh hóa tâm thức. Ví như một ly nước bẩn với nhiều tạp chất phải trải qua quá trình đãi lọc dần trở nên tinh khiết mới có thể sử dụng được. Cũng vậy, quá trình tu tập quan trọng nhất là nhận chân được lỗi lầm của chính mình nhờ đó mà sửa đổi. Nếu tu nhưng mãi nhìn lỗi người không thấy lỗi mình thì quả là một sai lầm to lớn.
TÀI SẢN THỨ NĂM ĐÓ LÀ VĂN.
“Văn” ở đây tức là sự nghe, sự hiểu biết học hỏi. Trong giáo lý Phật giáo, Văn thuộc vào huệ học thứ nhất trong tam huệ học (Văn, Tư, Tu). Người muốn tăng trưởng Văn tài cần phải trau dồi không ngừng về sở học, nghe nhiều, học nhiều về chánh pháp để pháp học trở nên đa văn, bác lãm. Nếu không thể trở thành những người am tường về Phật học thì chí ít cũng có thể am hiểu chánh pháp sâu sắc hơn những hàng ngoại đạo. Thực tế ngày nay, có rất nhiều người mặc dù không theo Phật giáo nhưng kiến giải của họ về Phật học rất sâu sắc. Nếu xét về mặt pháp hành chúng ta không thể biết họ hành trì được bao nhiêu nhưng xét về pháp học thì đây là một trong những thiếu sót rất lớn của hàng Phật tử học Phật. Vậy nên, mỗi người cần tập trung để chú trọng vào việc am hiểu giáo lý, nỗ lực học hỏi, nghiên cứu kinh điển để tăng trưởng Văn tài của chính mình.
TÀI SẢN THỨ SÁU LÀ THÍ TÀI HAY XẢ TÀI.
“Thí” ở đây mang hal ý nghĩa, y nghĩa thứ nhất chính là sự buông xả, không thâu tóm, không bám víu. Dẫu biết rằng trong mỗi chúng ta đôi khi cũng có đôi chút ích kỷ, tuy nhiên chúng ta hãy ích kỷ một cách khôn ngoan đó là buông tất cả để được tất cả. Ý nghĩa thứ hai của “thí” chính là ban phát, là giúp đỡ. Trong rất nhiều pháp môn mà đức Phật đã giảng dạy, bố thí luôn nằm ở vị trí đầu tiên. Như trong lục độ Ba-la-mật bố thí đứng đầu (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ), trong tứ nhiếp pháp nó cũng xếp hạng nhất (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự hay trong thập độ – bố thí cũng được đề cập đến đầu tiên (bố thí, trì giới, xuất gia, trí huệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả).
Sở dĩ, đức Phật dạy nhiều pháp môn lấy bố thí làm đầu vì phải khiến chúng sanh vơi đi nỗi khổ về vật chất thì họ mới có thể tập trung vào thực hành tu tập chánh pháp được. Thử nghĩ nếu chúng ta nhịn đói ba ngày không được ăn uống lại bị bắt ngồi thiền hay tụng kinh thì quả thật hết sức chán nản. Bên cạnh đó, bố thí cũng có ba cấp bậc bao gồm: tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Chính vì vậy, hành giả học Phật phải thực tập hạnh bố thí để tăng trưởng lòng từ mà cũng là hành động để tri ân và báo ân ba đời mười phương chư Phật. Bởi lẽ, sự dấn thân của chúng ta chính là thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp đến cho nhân sinh, đem dưỡng tố đặc thù của đạo Phật đó là từ bi và trí tuệ mà xoa dịu nỗi khổ niềm đau nơi trần thế.
TÀI SẢN CUỐI CÙNG LÀ HUỆ TÀI.
“Huệ” tức là trí tuệ, một thứ tài sản mà không ai có thể tước đoạt hay cướp được. Hành giả tu tập có được tài sản này thì dù có đối diện với những nghịch cảnh, khó khăn đến đâu cũng đều có thể vượt qua, Trí huệ có công năng dứt trừ tất cả phiền não, lậu hoặc như ánh sáng của mặt trời soi rọi thế gian u tối, khiến cho vạn vật đều thấy được rõ thực tánh của nó, không còn có sự nhìn nhận sai lầm về thế giới và tự thân.
Thấy rõ được bản chất vạn pháp như chính nó đang là, không mê mờ, không ảo tưởng. Mọi thứ nhờ trí huệ mà suốt thấu vô ngại, không vướng mắc. Chính đức Phật đã từng căn dặn trong kinh Di Giáo: “Thật trí huệ giả tắc thị độ lão bệnh tử hải kiên lao thuyền dã, diệc thị vô minh hắc ám đại minh đăng dã; nhất thiết bệnh giả chỉ lương được dã, phạt phiền não thọ chỉ lợi phủ đã.” (Trí huệ thật là chiếc thuyền bền chắc đưa người vượt qua biển già, bệnh, chết, lại như ngọn đèn lớn sáng soi trong chỗ vô mình đen tối; như món thuốc hay trị được hết thảy bệnh tật; như cái rìu sắc bén đốn ngã cây phiền não).
Thâu tóm lại, với bảy thứ tài sản mà đức Phật đã truyền trao cho hàng đệ tử là hành trang hết sức quan yếu để tiến dần trên đạo lộ giải thoát. Người kiến tạo và tăng trưởng được bảy loại tài sản này chính là những người giàu có nhất trên thế gian. Bởi lẽ đây chính là gia tài pháp bảo tối thượng, không bị vô thường biến hoại chi phối, vượt không gian và thời gian mà bậc đại Đạo Sư để lại cho chúng ta. Chính vì vậy, hãy tự mình trang bị một hành trang từ những thánh tài mà vững bước trên con đường trở về bến giác.