TIẾNG GỌI NƠI TÂM THỨC – HT Thích Viên Huy

Tâm thức là những thực tại vô sắc thuộc về tinh thần mà trong Phật học còn gọi đó là Danh. Một cơ thể của chúng ta được cấu thành từ hai yếu tố cơ bản gồm thân (Sắc) và tâm (Danh). Tâm thức giúp tất cả chúng ta nhận biết, cảm nhận được cảnh trần và cũng là nơi dẫn đầu, chi phối mọi hành động thiện ác của chúng sanh. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy:


“Tâm dẫn đầu các pháp tâm làm chủ tâm tạo nếu với tâm ô nhiễm nói năng hay hành động khổ nào sẽ theo sau như xe chân vật kéo.”


Hay trong kinh Hoa Nghiêm ngài cũng từng dạy rằng: “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nếu ai muốn hiểu rõ được về hết thảy các đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai, thì nên quán xét tánh thật của các pháp trên thế gian này tất cả đều là do tâm tạo thành). 

Tuy nhiên, khi người ta mổ xẻ thân thể này ra, nơi nào chứa đựng tâm thức, não hay tim? Chúng ta sẽ không thấy được gì nữa cả. Ngay cả một định nghĩa cụ thể để miêu tả về tâm cũng chẳng thể tìm thấy bởi tâm là không nên vượt ngoài ngôn ngữ khái niệm. Do đó mà trong Bát Nhã Tâm Kinh, đức Phật dạy rằng: “Ngũ uẩn giai không“. Không ở đây chẳng phải là nhị nguyên lý thuyết mà không chính là tánh không vắng lặng tròn đầy của bản thể, uyên nguyên tuyệt đối. 

Do không thấy được gì trong tâm nên tâm thức thuộc phi vật chất với bản chất uy nguyên là tri giác, sự linh quang, trong sáng. Tâm thức ô uế chỉ là những cặn bẩn khiến tâm bị lu mờ và mất đi đặc tính sáng vốn có của nó.

Tuy nhiên, những cặn bẩn, uế nhiễm chẳng thể nào phá bỏ được bản thuỷ của tâm vốn sáng sạch, tròn đầy. Lấy một ví dụ thực tiễn đó là khi chúng ta nói đến phân tử của nước được cấu thành từ 2 nguyên tử Hydro (H2) và 1 nguyên tử Oxygen (O). Bản chất của nước là thế dù cho các tạp chất có bị lẫn vào nhưng khi loại bỏ tạp chất ra bàn thủy của phân tử nước không thể thay đổi.
Cũng vậy, bản chất của tâm vốn hằng hữu một thực tánh thanh tịnh sáng suốt. Tuy nhiên, sự cất tiếng kêu gọi của tâm thức bởi chúng ta vô tình quên mất thực tánh thanh tịnh vốn có của tâm. Chúng ta thường sẽ loay hoay để tìm phương pháp mà an định tâm thức nhưng chúng ta không biết càng loay hoay thì tâm càng bị khuấy động không thể nào định tỉnh được. 

Chính sự vọng hướng tìm cầu một sự giúp đỡ từ bên ngoài nên chúng ta mới thấy tâm thức chúng ta đang bị tổn thương, cần phải chữa lành. Thật thú vị là giới trẻ ngày nay đều ưa thích những thuật ngữ như “chữa lành vết thương, “chữa lành tâm hồn” nhưng khi được hỏi đâu là chỗ chứa đựng tâm thức bị tổn thương ấy thì lại chẳng thể chỉ rõ một cách chân xác. Đây chính là một loại bệnh của thế kỷ khi quá nhiều giới trẻ đua nhau đi tìm phương thuốc để chữa lành tự ngã của chính mình.


Trong Phật giáo, cũng có một giai thoại thiền khi Nhị tổ Huệ Khả cầu pháp với Sơ tổ Thiền Tông – Bồ Đề Đạt Ma về việc an tâm. Nhưng khi Sơ tố yêu cầu đem tâm ra thì Nhị tổ Huệ Khả lại chẳng thể tìm được tâm để mà an. Vậy tâm bất an ấy từ đâu mà có? Đó chính là do tâm vọng động, mê mờ nên thấy mọi vật có không, ngưng tụ, được mất…. với nhiều hình thù do chính tâm tự ảo tưởng ra. Chính vì vậy, tâm thức của chúng ta chẳng thể bị tổn thương hay trở nên quẻ quật nếu chúng ta an trú vào thực tại vắng lặng của nó.


Do đó, có thể thấy sự thanh tịnh hay ô uế  đều từ nơi tâm, cũng từ nơi tâm mà nhìn nhận vạn vật theo chiều hướng thuận nghịch khác nhau. Tâm lạc tịnh độ sanh, tâm uế nhiễm phiền não sanh. Xét về bản chất chẳng có sai khác nhưng do sự nhận biết khác nhau mà thấy thế gian muôn hình vạn trạng như sự loạn động của chính tâm thức của chúng ta. Vậy nên, mỗi người chúng ta đừng tự bóp méo bản chất của tâm để rồi thấy nó thật bất an, bệnh tật mà hãy an trú chánh niệm nơi tâm thức của chính mình, nhìn nhận một cách chân xác để thể nhập vào sự an tịnh tuyệt đối của bản thể tự thân mỗi người.