Phóng dật là một trong những trạng thái vô cùng nguy hiểm đối với hành giả học Phật. Đây là thuật ngữ Phật giáo nhằm chỉ cho trạng thái tâm thức buông thả, biếng nhác, không tinh cần, không chuyên chú, không nhiếp hộ các căn cứ để tâm rong ruổi theo cảnh trần.
Tại phẩm này, đức Phật đã khẳng định phóng dật là pháp đưa đến nhiều bất lợi lớn cho hành giả tu tập. Thế nên, tất cả chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng đối với tất cả những trạng thái tâm thức ấy, phải phòng hộ và khéo giữ gìn tâm, ngăn chặn, chế ngự tâm phóng dật như kẻ chăn trâu điều khiển, huấn luyện trâu khiến chúng không xâm phạm vào lúa nhà người. Sự tai hại của phóng dật được đức Phật nhấn mạnh trong kinh Di Giáo như sau: “Dương cấp tỏa chi, vô linh phóng dật. Túng thử tâm giả, táng nhân thiện sự, chế chỉ nhất xứ, vô sự bất biện. Thị cổ tỳ-kheo đương cần tinh tấn, chiết phục nhữ tâm.” (Phải mau mau kiềm chế tâm thức, chớ để phóng dật. Nếu buông thả tâm, tất cả việc lành sẽ bị hủy hoại mất; chế ngự được tâm rồi, không việc gì không xong.)
Vậy nên, hàng học Phật trước hết cần phải tinh cần tu tập, chuyên ròng không để cho tâm phóng dật, giải đãi xâm chiếm và chế ngự thì mọi việc đều có thể thành, ngược lại nếu để tâm phóng dật ngự trị thì sẽ làm tiêu hoại mọi thiện pháp, phá huỷ mọi công đức tu tập.
Bên cạnh đó, tại bản kinh này, đức Phật cũng đề cập đến 16 pháp được chia thành 8 cặp biến tướng có tính chất đối nghịch của phóng dật gồm: Phóng dật không phóng dật, biếng nhác-tinh cần, nhiều dục-ít dục, không biết đủ biết đủ, không như lý tác ý như lý tác ý, không tỉnh giác-tỉnh giác, không làm bạn với thiện – làm bạn với thiện, hệ luỵ với các pháp bất thiện – hệ luỵ với các pháp thiện. Với từng cặp mang tính chất đối nghịch thể hiện rõ các trạng thái tâm phóng dật và tâm được phòng hộ.
Tất cả đều được xây dựng dựa trên các gốc căn bản của pháp bất thiện và pháp thiện mà lần lượt được diễn giải cũng như đưa ra nhiều hệ luỵ do tâm thiếu chế ngự gây ra. Một người bị phóng dật trú ngụ thì tâm trí sẽ dễ dàng bị chi phối bởi ngoại cảnh mà cụ thể đó là sự buông thả năm căn rong ruổi theo năm trần cảnh, mặc cho trần cảnh dẫn chúng ta sanh bất thiện tâm mà hành bất thiện pháp để rồi rơi vào hố lửa nguy hiểm của trần cảnh cám dỗ.
Trên thực tế, nếu xét cả hai khía cạnh đó là đời sống tâm linh và đời sống vật chất thì siêng năng, tinh cần, chuyên nhất đều đóng một vai trò quan yếu để đưa đến thành công.
Một người luôn biếng nhác, trễ nải, không nỗ lực cầu tiến thì chẳng thể nào đạt đến được đỉnh cao của danh vọng và sự nghiệp. Trên bất kỳ con đường nào đưa đến thành công đều được xây dựng bằng những nền móng vững chắc của sự chuyên nhất, tinh cần. Do đó, tục ngữ dân gian Việt Nam có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhằm chỉ cho sự chuyên nhất, tinh cần kết hợp cùng với sự kiên định, bất thối sẽ là yếu tố giúp chúng ta đạt đến sự thành công trên con đường tu tập cũng như sự nghiệp. Vậy nên, hành giả học Phật hãy nỗ lực tinh chuyên tu tập mà chế ngự tâm trí, nhiếp hộ tâm một cách tỉnh cần thì đường về quả vị tối thượng chẳng còn xa đối với những ai đã thoát khỏi sự kiểm soát của ma biếng nhác, phóng dật.