Lý do mà chúng ta thực hành Phật Pháp là để đạt đến trạng thái hoàn toàn thanh tịnh của Phật (Buddhahood) và nếu chúng ta không đạt được trạng thái này trong cuộc đời này, thì chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi mục đích này trong suốt các cuộc đời tương lai cho đến khi nào đạt được nó. Nếu chúng ta tu tập càng nhiều trong đời này, ta sẽ tiếp nhận được một năng lực vững chắc hay một năng lượng tốt lành để mang qua đời sau. Nếu chúng ta dùng đời kế tiếp để tu tập, thì năng lực của hai đời sẽ kết hợp lại tạo ảnh hưởng đến đời kế tiếp sau đó. Tiến trình tích lũy này giống như là đời sống của loài cây ăn trái, năm đầu cây bắt đầu nẩy sanh và không ra trái, chỉ sau vài năm với sự chăm bón kỹ lưỡng, cây bắt đầu sung mãn và ra trái.
Vì thế, nay có thể giúp ích cho kẻ khác, chúng ta phải biết rằng, được sanh ra làm người thừa hưởng mười tám duyên lành độc đáo là một cơ hội hết sức quý báu. Trong sự sanh được làm người, chúng ta mới có cơ hội để thực hành Phật Pháp, chứ nếu sanh ra làm súc vật thì ta không thể làm gì được. Hơn nữa, xuất sanh thuận duyên như vậy, không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của các nhân duyên đặc biệt, đó là, trừ bỏ các việc ác và tích lũy các việc lành.
Duy chỉ có chúng ta mới nhận lãnh hậu quả của những gì mà chính chúng ta làm ra. Nếu chúng ta hành động thiếu thận trọng, với sự lôi cuốn của những xúc cảm xấu xa như: tham lam, sân hận, si mê, v.v., chúng ta sẽ chỉ tạo ra những hậu quả tai hại trái ngược lại với những gì mà ta mong cầu. Kết quả của những hành động thiếu thận trọng ấy sẽ làm mất đi cơ hội để có được những hoàn cảnh thuận lợi cho việc rèn luyện tâm trí trong tương lai.
Hiểu rõ về những hành động (nghiệp, kar- ma) của chúng ta, là một đề tài hết sức sâu rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực. Một cách khái quát, nghiệp, được tạo ra từ ba cửa là thân (việc làm), khẩu (lời nói) và ý (suy nghĩ). Muốn tránh đi sự khổ đau và si mê trong tương lai và có lại được thân người quý báu, chúng ta cần phải chấm dứt sự tạo ra bất kỳ một hành động xấu ác nào nữa; đặc biệt là chúng ta cần phải ngưng ngay những gì được gọi là “mười điều bất thiện”. Thay vào đó, chúng ta phải thường xuyên hành động có sự cảnh giác sáng suốt, việc này sẽ giúp cho ta đạt được sự hạnh phúc mà chúng ta mong cầu.
Lợi dụng sự tự do và năng khiếu của một đời người quý hiếm này, chúng ta phải đặt ngay cơ sở cho đời sống của mình bằng cách dứt bỏ mười điều bất thiện. Dứt bỏ mười bất thiện nghiệp, tất nhiên là tương đương với việc thực hành mười thiện nghiệp. Ba bất thiện nghiệp thuộc về thân là: giết hại chúng sanh (sát sanh), lấy của mà không được cho (trộm cắp), và gian dâm (tà dâm). Bốn bất thiện nghiệp thuộc về khẩu là: nói láo; nói đâm thọc gây chia rẽ, nói lời thô bỉ bằng sự mắng nhiếc, nguyền rủa, hay mia mai châm biếm và nói chuyện tào lao vô bổ. Ba bất thiện nghiệp thuộc về ý là: tham lam; sân hận, hay ác ý với kẻ khác, chấp chặt vào những quan niệm sai lầm (tà kiến) như không tin vào luật nhân quả, hay có sự chứng đắc sự giác ngộ viên mãn của Phật Đạo.
Khi chúng ta hiểu rằng phạm vào mười điều xấu ác này tạo ra sự tổn hại và đau khổ vô cùng cho chính mình cũng như cho kẻ khác, khiến chúng ta phải nghĩ đến chúng như là kẻ thù nguy hiểm nhất của mình.
Nếu có sự thôi thúc nào nổi lên để phạm vào một trong những việc ác đó, chúng ta phải đem ra thẩm xét ngay bản chất giả tạm và hậu quả tai hại của sự thôi thúc ấy. Bằng cách này, chúng ta mới có thể ngăn ngừa cho mình khỏi phải tạo ra nghiệp ác, và cuối cùng ngăn ngừa sự thôi thúc khỏi nổi lên. Sự dứt bỏ thành công mười nghiệp ác này, lại trở thành sự thực hành mười nghiệp thiện, và điều này tự nó đã tích lũy thật nhiều công đức tốt lành.
Chúng ta phải xem ý muốn tạo ra bất kỳ một trong mười bất thiện nghiệp còn tai hại hơn là một con rắn độc nằm khoanh trong lòng mình. Nếu con rắn có cắn ta, thì sự tệ hại nhất cũng chỉ sự đau đớn, bệnh tật và chết chóc; nó không có khả năng đẩy thần thức của chúng ta lúc chết vào sự tái sanh bất thuận lợi. Phạm bất kỳ một điều ác nào, dù tầm thường đến đâu, cũng có năng lực đó. Cho nên, tích lũy ý tưởng tạo ra bất kỳ một việc ác nào đều có hậu quả khốc liệt hơn là vết cắn của một con rắn độc,