Pháp Hoa là một trong những bộ kinh lớn thuộc Đại thừa liễu nghĩa trong Phật giáo. Diệu lý Pháp Hoa phát nguồn từ Ấn Độ, được tuyên thuyết bởi chính kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sau khi Phật diệt độ, Kinh được kết tập và trùng tuyên lại dưới sự ủng hộ của vua Asoka, tiếp đó là được truyền bá sang các vùng, lãnh thổ lân cận.
Theo các sử gia, bản Hán dịch đầu tiên là của Ngài Chi Khiêm (khoảng 225 – 253) thời Tam Quốc, mở đường cho Thiên Thai tông do Trí Khải Đại sư thành lập sau này tại Trung Hoa, lấy Kinh Pháp Hoa làm bộ Kinh chủ đạo. Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna) được xem là sơ tổ của tông này với chủ thuyết Thiên Thai tam quán (gần với lý thuyết của Trung quản), tiếp đến là tổ Bắc Tề Huệ Văn, Nam Nhạc Huệ Tư, Thiên Thai Trí Khải…, ngoài ra còn có các cao tăng như Thiền sư Thạch Kinh Tịnh Uyên, Pháp sư Tịnh Giác Nhân Lạc, Luật sư Chiêu Đề Giám Chơn… đều có những đóng góp không nhỏ trong việc hoằng truyền tông phong này. Khi đến Nhật Bản, tông này phát triển cực thịnh và được xem là một trong những phương pháp hành trì phổ biến; các Đại sư như Nichiren, Nanjoo, Yutaka Iwamoto, Ueki Masatoshi, Saka- moto Yukio… được xem là những người có công lớn trong việc hoằng truyền Pháp Hoa tại quốc gia này. Năm 1852, bản Pháp ngữ đầu tiên được hoàn thành bởi Burnouf và tiếp đó là các bản dịch bằng tiếng Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ…cũng lần lượt xuất hiện. Pháp Hoa tông truyền vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX (sau TL), với danh xưng ban đầu là Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông, ngài Liễu Thiền (1885-1956) được xem là sơ tổ của Thiên Thai tông Việt Nam.
Trải qua bao đời tương tục, vì nghĩa lý cao sâu nhiệm mầu, cánh cửa phương tiệnkhai mở cho nhiều hạng chúng sanh, đi từ tam thừa lên đến Phật vị mà tông chỉ Pháp Hoa luôn được truyền bá rộng rãi không ngừng. Các tác phẩm diễn giải cũng như chú số vô cùng đa dạng và phong phú. Pháp Hoa Khái Luận của Hòa Thượng Thích Viên Lý là một trong những công trình diễn giải Pháp Hoa giá trị, ghi chép lại những tư tưởng, luận điểm nòng cốt của Pháp Hoa. Dõi theo từng phẩm Kinh, ta thấy sự logic trong nội dung, chặt chẽ trong lý luận và đặc biệt là sự cân bằng trong pháp học và pháp hành. Đây là công trình nghiên cứu với đầy đủ công phu, sự nghiên tầm đối với các giáo ngôn của chư Phật, chư tổ, được đun sôi từ những tinh hoa pháp yếu, quyện cùng năng lực hành – hộ trì để kết thành nguồn pháp ngữ cô đọng, trọng tâm nhất.
Hoà thượng Thích Viên Lý được biết đến nhiều nhất với tư cách là một hành giả Phật giáo, nhà lãnh đạo cộng đồng xuất sắc tại Mỹ Quốc cũng như là một trong những cố vấn cho tổ chức Liên Hữu Phật giáo Thế Giới. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Tôn Giáo học tại Hoa Kỳ và hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại. Bên cạnh các công tác Phật sự xiển dương chánh pháp, lợi ích cộng động, Ngài còn là tác giả của hàng loạt các công trình diễn giải, dịch thuật Kinh, Luận Phật giáo, các tác phẩm thuộc thế pháp mang tính học thuật cao. Ngoài ra còn phải kể đến công đức hành trì và thuyết giảng Kinh Pháp Hoa chuyên ròng suốt hơn bốn mươi năm, vì tín chúng hậu học mà nhiệm kế bản hoài đại sự lợi sanh của chư Phật, chư tổ. NÓI đúng hơn, nên gọi Ngài là nhà học Phật thay cho Phật học, bởi lẽ, những tinh hoa của chánh pháp đã không những được Ngài nhiệm thu một cách chân xác mà chúng còn được chuyển vận một cách khéo léo trong việc hành trì, biến những lý luận siêu hình thành ứng dụng thực tại, xây dựng đời sống tâm linh trên nền tảng chánh kiến và đạo đức Phật giáo. Quyển Pháp Hoa Khái Luận ra đời là minh chứng cho sự chắt lọc và cô đọng của cả quá trình diễn giảng và hành trì Pháp Hoa suốt hơn bốn mươi năm của Hòa Thượng.
Trong phần phương pháp hành trì, Hòa Thượng có nói: “Với nhận thức một cách có ý thức, mỗi người đang sống trên hành tinh này cần tinh tấn tu học và nỗ lực hành động, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trên nền tảng của từ bi, lợi tha, bình đẳng, vô ngã để chuyển hóa phiền não vọng động, khổ đau bằng cách y theo kinh Pháp Hoa, nhiếp tâm quán chiếu, thấy rõ tất cả phiền não, tự tánh vốn không, rỗng lặng như hư không, soi khắp mười phương, biến tai ương thành an lạc. Vì được soi sáng và dẫn dắt bởi tuệ giác siêu việt, nhờ thế các giá trị và sự phát triển của các văn minh được tôn trọng. Trên quy luật cộng sinh để cộng tồn, mọi quốc gia, mọi chính phủ, mọi tổ chức, mọi cá nhân đều hợp tác trên tổng thể hài quà của ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh”.
Pháp Hoa là vua trong các Kinh, học tập Pháp Hoa không phải để dừng lại trên mặt lý luận hay pháp đàm văn tự mà là ứng chuyển trong hành trì, đem lại hạnh phúc, an lạc cho mình và người, xua tan mây mù vô minh để vầng nhật nguyệt tự tánh phát khởi và hiển lộ, lấy trí diệu giác làm ngọn hải đăng dẫn lối muôn loài đến bến bờ giải thoát, nơi biển sinh tử vì chúng sanh mà thi thiết thiện xảo phương tiện, hành Bồ Tát đạo – đây cũng chính là để mục mà Pháp Hoa Khái Luận hướng đến.
Phải thật sự xác quyết một điều rằng, địa vị Nhất thừa chỉ Phật cùng Phật mới có thể tận giải rốt ráo, bởi lẽ, Diệu lý Pháp Hoa không gì khác chính là tiếng vọng của chân tâm, là pháp giới sự sự bình đẳng. Khi đã mở tung được cánh cửa của chân tâm tự tánh, hiểu thấu vạn pháp đồng nhất thể thì trùng trùng các pháp đều là chánh pháp, phương tiện và cứu cánh tuy hai mà một, muôn sự muôn vật – hoa lá cỏ cây đều đang thuyết Pháp Hoa Kinh và do đó, quyển Pháp Hoa Khái Luận này cũng là một phương tiện, là một trong những con thuyền đưa những hành giả hữu duyên về nơi thánh địa.
Trước công trình nghiên cứu giá trị chứa đầy hạnh bị mẫn lợi tha này, hàng hậu học chúng con xin đảnh lễ niệm ân soạn giả của Hòa Thượng cũng như kính giới thiệu đến quý học – hành giả gần xa.