Tự tánh chân tâm của tất cả chúng sanh từ nơi sơ khởi đều đồng nhất thể: sáng chói, trong sạch, vắng lặng, không cấu uế. Do đó, trong Kinh Tăng Chi, Phẩm Búng Ngón Tay đức Phật đã khẳng định một cách thật ngắn gọn về bản chất của tâm như sau: “Tâm này, này các Tỳ-kheo, là chói sáng”.
Không chỉ riêng trong bản kinh này ngài mới đề cập đến thực tánh thanh tịnh của tâm mà trong các kinh điển khác đức Phật cũng nhiều lần nhắc đến. Cụ thể như trong kinh Viên Giác đức Phật từng nói về Viên giác tánh như sau: “Thí như ma kính, cấu tận minh hiện” (Thí như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện). Viên giác tính ở đây cũng chính là chỉ cho chân tâm, Phật tánh của tất cả chúng ta. Tánh Viên giác trong mỗi người đều thường rỗng lặng, sáng suốt. Ngay trong lúc chúng ta chưa thành Phật thì cái tánh viên giác đó vẫn sáng suốt, Phật tánh luôn hiện hữu dù cho nó có bị che lấp bởi những cấu uế từ bên ngoài vào. Bản chất của tâm vốn không đổi nhưng do sự huân tập cấu uế từ bên ngoài khiến tâm trở nên u tối, cũng ví như gương mờ do bụi bẩn bám đầy chứ bản tính của nó vốn sáng sạch, có khả năng chiếu soi vạn vật một cách rõ ràng. Chỉ vì lâu ngày bụi từ bên ngoài tích tụ dày đặc khiến chẳng thể chiếu soi bất kỳ vật nào nữa. Công năng của gương đã bị bụi mà làm cho tiêu biến và khiến nó trở thành một vật không có lợi ích, khó sử dụng được.
Tâm thức của tất cả chúng ta cũng vậy. do không tu tập nên dần mất đi sự thanh tịnh trong sáng vốn có, chỉ còn lại một tâm thức vô minh, thiếu sáng suốt bởi bụi bẩn lậu hoặc nơi tâm chất chứa quá nhiều. Tham lam, sân hận, si mê cứ mãi chất chồng nhưng bản thân chúng ta lại chưa từng phát khởi thiện tâm hướng về tu tập theo giáo pháp đức Phật đã chỉ dạy mà lau chùi bụi uế nhiễm tâm thức thì từ mờ tối lại càng trở nên mờ mịt chẳng thể thấy được bất cứ vật gì một cách rõ ràng.
Chính vì vậy, đức Phật vì chúng sanh mà chỉ rõ nguyên nhân đưa đến sự uế nhiễm là do: “Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.”
Sự ô nhiễm, bụi bẩn từ bên ngoài chính là do sáu căn tiếp xúc với sáu trần, bị sáu trần khuấy đảo, chi phối, tác động làm sanh các trạng thái tâm, trôi theo những cảm thọ lạc, khổ. Tuy nhiên sự thiếu kiểm soát và chế ngự tâm thức trước trần cảnh lại bắt nguồn từ nơi tâm thức của kẻ phàm phu, ít học, không như thật rõ biết về tâm. Chúng ta thay vì chủ động để hóa giải, chế ngự tâm nhưng do tâm không tu tập nên mặc cho trần cảnh lèo lái tâm thức biến hiện muôn hình trạng thái hỷ, nộ, ái, ố một cách bất thường. Do uế nhiễm quá sâu dày khiến tâm không thanh tịnh, không hiển lộ được bản tánh sáng chói vốn có của nó.
Cũng vì vậy mà chúng ta lạc lối trong sáu cõi chỉ bởi vô minh che lấp, cấu bẩn dẫy đầy. Đã do tâm ô uế kiến thức mê mờ do đó, muốn đoạn trừ cấu uế thì không gì ngoài việc tu tập để gạn lọc tâm thức. Khi tâm thức đã tẩy sạch bụi bẩn vô minh phiền não thì tánh sáng chói của tâm liền tự nhiên hiển lộ. Vậy nên, mỗi người chúng ta hãy tinh cần nỗ lực thính pháp văn kinh để nương nhờ vào lời Phật dạy mà tiến dần trên con đường trở về với tự thể thanh tịnh.