VIÊN GIÁC KHÁI LUẬN

Lời Giới Thiệu

Ấn Độ là một trong những cái nôi tâm linh của thế giới, nơi đây được biết đến là lãnh địa của hàng loạt các tôn giáo lớn nhỏ và vô số hệ tư tưởng triết học. Từ thời cổ đại, con người của Đại Lục Tâm Linh này đã luôn đặt ra câu hỏi làm sao chấm dứt khổ đau, đạt được hạnh phúc vĩnh cửu cũng như không ngại thực hành những phương pháp tu luyện cực đoan đến cùng cực. Cho đến khi, sự thị hiện vĩ đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha) được xem là sự kiện chấn động khắp nhân loại cũng như Giáo pháp được Ngài thuyết giảng đã trả lời cho mọi thắc mắc của con người. Giáo pháp mà Ngài thuyết giảng là chân lý hiển hiện từ sự chứng ngộ, được thể nghiệm trên chính chân tâm, dụng ứng đối với muôn người và trên muôn pháp nhằm đạt được sự giải thoát miên viễn. Đó là thành trì Chánh pháp được dựng nên bằng chất liệu Vô Ngã, Trí tuệ và Lợi tha… kiến tạo trên nền tảng từ bi, bình đẳng và đạo đức. Ta gọi đó là Học thuyết toàn giác, Giáo pháp viên giác. Quyển “VIÊN GIÁC KHÁI LUẬN” của Hòa Thượng Thích Viên Lý chính là đang đi đúng theo tông chỉ này. Được nhào nặn thành từ tinh hoa Kinh điển, mở ra các chiều kích tư duy nhiếp thâu mọi sở học và trình độ, ứng hợp với mọi nghiệp tánh của chúng sanh, sự luận lý vô cùng sắc bén và chi tiết, tỉ mỉ đã giúp quyển Luận giải về Kinh Viên Giác này trở nên rộng sâu và dễ hiểu hết mức có thể. Chúng ta đều biết rằng, Viên Giác là một trong những bộ Kinh khó và có chỗ đứng quan trọng trong hệ thống Giáo điển Đại thừa, không phải ngẫu nhiên mà nó được xem là “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, “Con mắt của 12 bộ Kinh”, và là “Áng thiên chương giữa rừng Triết lý”, hay nói như Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma): “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.