GS PHẠM CÔNG THIỆN VIẾT VỀ THƠ CỦA HT THÍCH VIÊN LÝ

GS PHẠM CÔNG THIỆN VIẾT VỀ THƠ CỦA HT THÍCH VIÊN LÝ

Tác giả gửi cho tôi đọc trước trên 80 bài thơ. Tôi cẩn thận đọc đi đọc lại ba bốn lần. Mỗi lần đọc là mỗi lần ngạc nhiên thích thú.
Tôi đã tìm thấy ở tác giả một cõi thơ khác biệt, một giọng thơ hăng hái, chân thành, tha thiết, dễ thương, đôi khi chua chát phẫn nộ, thường khi thành khẩn, tinh thần “kêu gọi” và “dấn thân” tràn ngập khoảng trên mười bài thơ tích cực lên đường, vì lợi ích chúng sinh, vì quê hương, vì thảm kịch hắt hiu của cả dân tộc.
Những bài thơ ấy rất là hữu dụng trong mặt trận đấu tranh hiện nay để an lập một tự thức quyết liệt toàn diện của cả dân tộc, vùng dậy đạp đổ ý thực hệ công sản, vùng dậy hủy diệt tà kiến vô minh của cộng sản để cho sở hành trọn vẹn của cả dân tộc Việt Nam được an trụ một cách phi thường trong tinh thần vô sở úy của nhất thiết chủng trí, lộ trình tối thượng mà GHPGVNTN đã khai mở cho hiện tế và hậu tế của tính mệnh Việt Nam…
Phát từ tinh thần sở hành của giải thoát tri kiến, tác giả đã mở đầu điệu thơ rất lạ:
Có những đêm lạ nhà không ngủ được 
Ta lặng hồn nghe gió… 
Rồi trở lại tự thân quán tưởng 
Ta tủi nhục, quạnh hiu và khắc khổ… 
Một thứ “quạnh hiu và khắc khổ” cùng độ mà vẫn thanh thoát, giống như cơn gió siêu thoát nào thổi quạnh hiu thơm ngát từ “Viên Lý Tính” của Thực Tế bất chứng vô nhị.
Trên 80 bài thơ, có rất nhiều bài phi thường mà tôi nghĩ rằng tính chất thơ mộng đã được thể hiện trọn vẹn, như bài thơ này:
Lững lờ nước chảy băng khê 
Ngàn con sến lại keo về ngang sông 
Cây sầu đông đã điểm bông 
Một con bướm đậu trên cành khế non 
Xin đọc giả dở tập thơ và đọc kỹ trọn bài trên. Những bài thơ tuyệt vời của thời đại Lý Trần ở Việt Nam thì cũng đạt tới như vậy mà thôi, trụ xứ mây bay của Pháp vân thập địa trong ngôn ngữ thi ca dân tộc.  tiếp
Chúng ta vẫn thấy ngạc nhiên, dù chúng ta có được biết qua chỗ sở trụ và sở hành của tác giả:
Tác giả là một thiền sư trẻ tuổi mà tôi được vui sướng quen biết từ cả chục năm qua. Tất cả thiền sư đều là thi sĩ và tất cả thi sĩ không hẳn là thiền sư. Thiền sư Viên Lý là một nhà thơ trọn vẹn, và mỗi một nhà thơ trọn vẹn chỉ cần làm vài chục bài thơ thực trọn vẹn. Chỉ thế thôi, cũng quá đủ để cho ngôn ngữ Việt Nam vẫn là ngôn ngữ Việt Nam trọn vẹn.
Chúng ta đã từng biết rằng Nguyễn Du đã từng tự nhận rằng mình đã đọc kinh Kim Cang đến cả ngàn lần.
Có mấy thi sĩ Việt Nam hiện nay đã đọc kinh Kim Cang đến 5 lần thôi? Thi sĩ là người sống với và sống trong ngôn ngữ, sống mật thiết với thể tính của ngôn ngữ chính yếu. Tinh thần Bát Nhã Kim Cang là thu phôi tất cả khả tính của ngôn ngữ chính yếu vào trong sự im lặng tuyệt vời của Thơ và Mộng.
Tác giả đã sống trọn đời từ lúc bé thơ trong những thiền viện quê hương và là một đạo sĩ uyên bác Kinh Luận Phật Giáo, thế mà tác giả đã không bị cột bó vào những thuật ngữ Phật Giáo như thường tình. Mỗi chữ trong văn tự Phật Giáo mà tác giả sử dụng trong thơ đều là những âm ba linh động phong phú mà chỉ có nhà thơ nào sống trọn đời và thở trọn đời trong linh ngữ và mật ngữ của quê hương mới có khả năng trọn vẹn.
Phạm Công Thiện 
  California, ngày 20 tháng 3 năm 1990