CẢM NIỆM NGÀY PHẬT ĐẢN
Thích Viên Lý
Cách đây 2634 năm, Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn đã thị hiện đản sanh tại vườn Lâm tỳ Ni (Lumbini), thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), Ấn Độ. Ngày Rằm trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lễ đặc biệt đánh dấu sự Đản sanh của bậc đại giác – đấng đại đạo sư phạm hạnh mà sự tái khám phá chân lý bằng chính đời sống tâm linh thánh khiết của Ngài đã là động lực thúc đẩy thế giới nhân loại chung sống hoà bình qua Thông điệp từ bi, bình đẳng, khai phóng đầy năng lực thanh tịnh. Vào thời đại này, hàng trăm triệu người thuộc nhiều quốc gia trên khắp hoàn vũ vẫn tiếp tục tìm sự cảm hứng và cứu độ qua giáo pháp giải thoát khổ đau mà đấng siêu nhân đã truyền đạt.
Sự thị hiện của đức Phật là một sự kiện lịch sử trọng đại, vì mục đích thị hiện duy nhất của đức Phật như đã được ghi trong kinh Pháp Hoa là nhằm khai thị để mọi loài chúng sanh thể nhập vào kho tàng tri kiến như thật của chư Phật.1
Bằng chính tuệ giác siêu việt của mình, những lời dạy và cách sống của đức Phật đã và đang là pháp dược thậm thâm vi diệu có công năng phục hồi khả tính giác ngộ mà mỗi chúng sanh vốn tự có sẵn.
Tưởng niệm ngày Đản sanh của đức Phật, chúng ta cần nỗ lực thực hiện tất cả thiện pháp, chấm dứt mọi ác nghiệp và thanh tịnh hóa toàn triệt tâm thức của chính ta. Chúng ta cần kính trọng lẫn nhau và chăm sóc cho nhau, đặc biệt cần thể nghiệm chân lý bằng con đường tu chứng hầu mưu tìm nền hoà bình và hạnh phúc đích thực cho sinh loại.
Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo đảm cho một tương lai đầy tươi sáng trước mắt. Với Từ bi và Trí tuệ, chắc chắn chúng ta sẽ mang lại nền hoà bình thật sự cho một thế giới đầy bất ổn. Theo lời dạy của đức Phật thì, phẩm hạnh thánh khiết biểu thị Giới, Định, Huệ chính là con đường lớn dẫn đến một đời sống ý nghĩa, thành tựu và an lạc.
Để tôn kính và tưởng niệm ngày Đản sanh của đức Phật, đồng thời để biểu tỏ lòng biết ơn sâu xa của chúng ta đối với giáo pháp thậm thâm vi diệu mà Ngài đã chứng ngộ và khai thị, mỗi chúng ta hãy tinh tấn tu học và, trong khả năng có thể, chia xẻ đức tin trong sáng của mình đến với tha nhân. Với việc làm đầy công đức và ý nghĩa này, chúng ta sẽ làm giàu đời sống tâm linh và nâng cao sức sống cho xã hội loài người.
Ngày Phật Đản là ngày nhắc nhở chúng ta sống đời sống Phật, thương tình thương Phật. Sống đời sống Phật là sống hạnh lợi tha xả kỷ, là sống với tất cả tâm vô ngã, trí tuệ, là sống đúng với chân lý. Chỉ có chân lý mới giải thoát mọi khổ đau, sợ hải và thất vọng. Chỉ có chân lý mới giải phóng mọi nô lệ và giải thoát mọi vô minh. Thương tình thương Phật là yêu thương với trọn vẹn lòng Từ bi vô lượng. Yêu thương ở đây đã vượt ra ngoài mọi dụng tâm chiếm hữu, là tình thương không ái nhiễm và bất vụ lợi. Từ bi và Trí tuệ là chất liệu trưởng dưỡng sự sống, chính Từ bi và Trí tuệ làm đời sống thực sự ý nghĩa, giá trị và đáng sống hơn.
Với Từ bi và Trí tuệ, chúng ta không ngừng dấn thân phụng sự chánh pháp, phục vụ dân tộc. Dân tộc còn nghèo khốn, nhân loại còn khổ đau, chúng sanh còn đoạ lạc chúng ta còn tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình. Chúng ta nhất định không xoay lưng với bất an, nguy khó mà ngược lại can đảm đối diện và quyết tâm chuyển hoá tham ái, vô minh để mang lại một xã hội văn minh, đạo đức và từ ái.
Đức Phật dạy, “Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế mới đáng mặc áo cà sa.” 2
Cũng trong tiêu đích đó, Ngài đặc biệt nhấn mạnh: “Nếu muốn khuyên người khác nên làm như mình, trước hãy sửa mình rồi sau sửa người; Tự sửa mình vốn là điều khó nhất.” 3
Nhận thức rõ thực trạng khổ đau của giống nòi, từ nhiều thập kỷ qua, đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Xử Lý Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã và đang không ngừng tận tuỵ hy hiến dù đã phải trả một giá khá đắt cho sự hy hiến của mình.
Trên 2000 năm qua, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một Giáo Hội truyền thống kế thừa lịch sử truyền bá chánh pháp trên quê hương Việt Nam đã và đang thi triển tâm từ bi, sự hiểu biết, hoà hiệp và rộng lượng với tôn chỉ giúp xã hội nhân loại rũ bỏ mọi tham ái bằng con đường hành trì những nguyên lý căn bản của chánh pháp, đồng thời không ngừng tích cực vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Trong lúc chúng ta đang sống với tất cả tự do tại xứ người thì ngay trên dải đất Việt Nam thân yêu, đại khối dân tộc của chúng ta vẫn sống một đời sống mà quyền sống căn bản của con người bị chế độ độc tài toàn trị ngược đãi, tước đoạt.
Vì vậy, nhân ngày Phật Đản, noi theo bản hoài cứu khổ độ sinh của đức Phật, chúng ta quyết san bằng mọi chướng nạn, biến trở lực thành động lực, chuyển nghịch duyên thành “tăng thượng duyên” nhằm hỗ trợ đúng mức công cuộc vận động giải trừ quốc nạn và pháp nạn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quốc nội, đồng thời tận lực xiển dương chánh pháp, phục vụ sinh loại. Chỉ có như thế, chúng ta mới thật sự đáp đền ân đức hoá độ của chư Phật, chư lịch đại Tổ sư và mới thể hiện trọn vẹn tâm nguyện thiết tha của những người con Phật chân chính.
Để nói lên lòng tri ân thật sự của chúng ta đối với đấng Đại Hùng Điều Ngự, xin mỗi chúng ta hãy dụng công hành trì chánh pháp, nỗ lực sống đúng và sống như chánh pháp. Vì có thể nghiệm chánh pháp, sống một đời sống thật sự vị tha, vô ngã, chúng ta mới tự cứu mình và giúp người. Là người Phật tử chân chính, chúng ta không bao giờ chạy theo hay tìm cách nương tựa vào những thế lực ngoại tại nhất là những thế lực vô minh manh động, vì sức mạnh nội tại đích thực của đạo Phật chính là Từ bi và Trí tuệ chứ không phải bất cứ thế lực ngoại tại nào.
Điều cần ghi nhận ở đây là, đạo Phật hiện là một tôn giáo lớn của nhân loại, có một chiều dài lịch sử ưu thắng và chiều sâu tâm linh đặc hữu; vì thế, chúng ta cần phát huy sức mạnh tâm linh để xiển dương chánh pháp chứ không vay mượn những thú vui tạm bợ của trần tục là những phương tiện vốn thiếu mọi thiện xảo. Chúng ta cũng cần ý thức rằng, một tôn giáo có một chiều dài lịch sử và chiều sâu tâm linh như thế mà không đủ sức mời gọi quần chúng Phật tử đến với Tự viện mà phải nhờ vào những sức mạnh thế tục phù phiếm thì rõ ràng những nhà truyền giáo của thời đại đã thất bại. Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần ưu tư và quan tâm đúng mức thực tế vô cùng quan yếu này để giáo pháp không bị tục hoá, đời sống của người Phật tử không bị tha hoá và những ngày Đại lễ không bị thương mãi hoá.
Kính chúc quý vị một mùa Phật Đản phước huệ trang nghiêm, bồ đề tâm tăng trưởng.
1Kato, Yoshiro Tamura and Kojiro, Fold Lotus Sutra, Kosei Publishing Co., Tokyo, 1975, 1988, trrang. 59 – 60
2Dhammapada Sutta – Kinh Pháp Cú, Pháp kệ thứ 10. ; Bản dịch Anh ngữ: Narada Maha Thera , Colombo, Sri Lanka, 1963, 1971. Bản dịch Việt ngữ: Thích Thiện Siêu, Sài gòn (1959, 2000) .
3 Kinh Pháp Cú dẫn thượng, Pháp kệ 155