MẶT TRỜI KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỰC
Phạm Công Thiện
Gần năm tháng nay, hắn đã sống hững hờ như một thây ma. Mỗi ngày bắt đầu lại một mặt trời cũ, dâng lên trên những mái nhà một xác thối của mặt trời, ánh sáng của đèn cầy còn dễ thở hơn ánh sáng của mỗi ngày dư máu. Máu ứ đọng lại trong lòng mặt trăng của tư tưởng. Hắn thù ghét sanh từ, động từ “ý thức” và thù ghét cả tính từ “ý thức”. Chỉ có hận thù mới có thể rửa sạch những vết đen mà mặt trời và mặt trăng đã để lại trái đất này. Hắn không còn ở mặt đất này nữa. Hắn bay xa đến một triệu năm ánh sáng: Hắn bay bằng hai cánh tay. Hãy thu lại lộ trình thời gian, vì hắn đã bay không cần cánh chim. Tay hắn run run, muời năm trời tập bay, bay lên rồi té xuống muốn vỡ sọ.
Hôm nay, hắn đã bay xa và không trở về mặt đất nữa. Tiếng chim non hôm nay là tiếng chim non của một triệu năm không bao giờ mất mặt. Những con kiến đen hôm nay trở thành những ngôi sao đổi màu giữ không gian xanh, trắng và màu vàng cam. Hắn quỳ lạy những con kiến lửa. Kiến lửa của thoát ly, kiến máu của mực đen chảy từ ngòi bút, “con kiến này kiện củ khoai”, ngôi sao trong lòng tôi đông như kiến cỏ: Những con kiến cánh bay trên thung lũng của sợ hãi, dè dặt, tiết kiệm tinh khí, chứa chấp cơm chiều. Kiến càng vẫn chịu thua kiến gió: “con ong cái kiến” là vấn đề trọng đại của triết lý hiện nay.
Tiếng phản lực cơ muốn đe dọa những con kiến dưới kia. Triết lý của con kiến là chờ phản lực cơ bay ngang để bò ẩn dưới những ngọn cỏ đọng sương, lớn lên như loài kiến riện, làm hôi đời, đất mùa thu, hôi trăng, non như thơm nách đêm rằm. Chỉ cần mặt trời mọc lên cao là mặt trăng ứ sữa, loãng ra như loài côn trùng bị xới đất. Những con kiến cánh lại thèm nhớ lửa và đã chết đi một cách thê thảm như ngững ngày quá khứ của đời tôi. Nguyệt Thu, Nguyệt Thu. Một dòng sông chảy dài qua thành phố cũ. Thành phố mang tên là Nguyệt Thu và con sông ấy được người đặt tên là Quế Hương Giang. Tiếng động cơ nổ giữa trời. Hắn bỏ viết.
Tôi muốn giết hết tất cả con kiến trong ý thức con người.
II.
Viết điên lên, viết bất cứ cái gì: viết về gió, nước mắt, mây đen, tàn thuốc, bình minh, tiếng xe cộ, vệt mây đỏ, tiếng va chạm của kim khí, chậu hoa héo, chim, áo phơi, hang xóm, máu, bàn tay. Viết cho mệt nhoài thân thể, rã rời trí óc, tê chết ngòi bút, lạnh buốt hơi thở. Viết như chưa từng viết bao giờ. Viết cho hoang phí hết sức khoẻ, tiêu tán hết những con đường, mòn nát hết những trang giấy trắng trên đời. Viết cho chết lẵng hồn tất cả những hi vọng của trái đất. Viết như giã biệt đời sống, tuyệt bút gửi lại miền Bắc Cực và Nam Cực. Tôi ôm cả địa cầu trong đại dương chưa khám phá của Mực và Máu.
III.
Biết chờ đợi, không kết quả, không hoa mọc, không mùa xuân. Không hỏi, không hỏi gì hết. Không hỏi buổi sáng, không hỏi lòng người, không hỏi sức nóng tàn bạo của buổi trưa, không hỏi hơi ngạt u ám của buổi chiều, không hỏi quá khứ. Chịu cực hình một cách phũ phàng im lặng, đôi mắt thuộc về bong tối của mưa rừng hoang khê. Đến và đi, mặc cho đại dương, mặc cho mày trắng sơn trời, mặc cho thời gian, mặc cho thời gian, tìm đâu cho ra sữa tươi giữa khu phố vắng? Đến và đi như vệt khói điên trên đống lửa cháy. Tôi muốn giết hết tất cả những con chim trên đời: mỗi một con chim là bản án tử hình treo lên đầu nhân loại; tôi muốn giết hết tất cả thiên thần trong lòng người. Tôi vừa chuyền lửa cho điếu thuốc cuối cùng của đời sống thiên mệnh.
Nói chỉ khi cần nói, khi nói có ý nghĩa như đá va chạm vào nhau; rất ít nói và đem im lặng trả về cho sự bí mật khôn cùng của thung lũng. Rất ít nói. Và khi nói thì lời nói là lửa đánh lên giữa diêm quẹt và đá khô. Hát khẽ trong lòng những ngày lửa cháy trên từng hơi thở. Nuôi bầu trời Mễ Tây Cơ trong lòng, giữa mùa hè khô khan, tôi vụt nghe tiếng nổ của mùa xuân. Tạo Phi châu trong mỗi cái nhìn thường ngày. Mỗi một giây phút, mỗi một hơi thở của mình chứa đựng những cánh rừng hoa nở khắp hoàn cầu, những con bướm giao nhau trên những hải ngạn mùa đông, những nàng con gái mơ mộng thẹn thò, tiếng cười của trẻ thơ trong một đường hẻm bỏ hoang.
Ồ, chưa bao giờ tôi thương những con chim như chiều nay. Tôi muốn xây lên một nghĩa địa chim giữa thành phố.
IV.
Kiên nhẫn, biết chờ đợi với sự ồn ào dễ sợ của trí óc. Chưa có người nào có được kiên nhẫn lạ thường như ngày hôm nay. Thời gian là một con sân có bong trổ mầu.Tôi có dư thời giờ để làm đủ mọi sự. Tôi chưa bao giờ hấp tấp vội vã trong bất cứ lần nào trong đời sống. Thỉnh thoảng tôi tưởng rằng tôi gấp gáp vội vã nôn nóng để làm một việc gì đó; thực ra thì đó chỉ là một sự trá hình cần thiết để sống với người đời, để cho họ thấy rằng tôi không khác họ: lòng nhân đạo cuối cùng còn rớt lại trong linh thức.
Trầm lặng, tàn nhẫn, khiêm nhượng, lạnh lùng, chỉ khi nào đứt mặt nạ thì những nét lộ liễu ấy mới vụt hiện ra như trò chơi của ánh sáng và bong tối trên đám lá non.
V.
Thanh bình đã chết trong tôi như một con muỗi để máu trên chiếc mền mùa đông. Từ đây cuộc đời trở thành mực đắng.Tôi không còn phân biệt giữa mực và máu. Tôi trở thành kẻ thù của tất cả loài hoa dại.Tôi tru lên như người bị cơn điên mặt trời giữa mùa Đông vô tận của Bắc Cực. Tôi không hét; tôi nhổ vào mặt Thanh Bình. Tất cả mùa xuân đều lường gạt; vệt máu đỏ của con muỗi cũng là vệt máu từ thân thể tôi: muỗi là con chim bị đọa. Tôi xin gióng lên một hồi chuông siêu độ cho tất cả những con muỗi đã chết trên khắp hoàn cầu, Requiem pour un moustique, an bình cho muỗi, cầu nguyện cho muỗi an giấc ngàn thu…
VI.
Không bao giờ và bao giờ. Tôi cứ sống mãi với thế giới của không bao giờ và bao giờ. Triển hạn là nỗi đau đứt thần kinh của con người. Đập quá khứ nát bấy ra như bụi tro. Chỉ một lần, không bao giờ trở lại vì bao giờ trở lại. Đẩy mọi kinh nghiệm đến chỗ đường cùng, tát cạn tất cả mọi dòng sông, tát cạn tất cả mọi đại dương, đây là đường của tôi đi. Chỉ hối tiếc là đã sống không trọn nó, nuốt nó, ăn nó, liếm nó, nốc cạn nó cho điếng hồn, khô họng, tê lưỡi, đây là đường của tôi đến. Đi và đến vì không bao giờ đến đi và bao giờ đi đến, đây là tiếng hót buốt lạnh của những con chim chưa có tên. Viết như nhảy vào lửa, viết thư xối nước nguồn, bơi, chìm, ngộp, ngất, chết đi trong mực và máu. Cắt đứt mạch máu trong cơ thể để hoà với mực; ồ, mùa thu đã về trên hải ngạn. Mây trắng vẫn bay ngỗ ngược như không bao giờ hối tiếc trăng thu mọc trên cây quế thơm cách đây mười năm. Vật đổi sao dời, nhưng mùi thơm của quá khứ vẫn tràn lạnh không gian, nhờ một bong mây xa triệng vào phương trời cũ. A, ta đang làm văn chương?
VII.
Gió nồm, hoa gạo và cỏ may. Ba đề tài cho tiềm thức hôm nay. Một đám cỏ khâu là dấu vết rêu phong của một trăm năm ý thức, “Trăm năm còn có gì đâu…”. Một vùng cỏ mọc lan trong những ngày tháng trôi đi. Hai mươi sáu vùng cỏ mọc trong hơi thở liên tục và chấm dứt lại một đám cỏ khâu.
VIII.
Một đám cỏ rậm rạp mọc lan trên hình hài của tôi. Thời gian, mặc thời gian. Thời gian đi qua những đám cỏ khâu. Thời gian đọng lại, đứng lại và không đi; thời gian bắt rễ trong đất, mọc dài lên và đợi gió nồm và hoa gạo.
IX.
Không có gì thơ mộng cho bằng mất giờ. Tôi mất giờ trong những việc nhảm nhí; tôi mất giờ trong những ý tưởng rời rạc, mất giờ vì làm những việc không xứng đáng, mất giờ bằng bao hoa lải nhải, bằng tâm sự bang quơ. Mất giờ để lặp đi lặp lại những cử chỉ, những cái nhìn, những dáng đi, những hơi thở. Mất giờ quá nhiều vì không làm gì hết, mất giờ vì mơ mộng vớ vẩn suốt ngày, suốt đêm.
Mất giờ, sung sướng biết rằng mình đã hoang phí thì giờ vào những việc không đâu. Thực còn gì mơ mộng, còn gì tuyệt vời cho bằng mất giờ và chỉ mất giờ!
Biết mất giờ mà không hối tiếc mới là sống và chết với tiếng ca của thời gian, tiếng hót của Thiên Thu, tiếng cười của Chết. Tiếng kêu rì rào của suối ngọt, tiếng chuông của ban mai, âm thanh xoắn óc xoay tròn, một đám mây, một vệt nắng, một người bước qua đường, ồ, tôi đang yêu đời, yêu đời vô hạn.
X.
Tôi đang yêu đời; tôi bỗng nhiên cảm thấy lo sợ vì nếu người đời biết được rằng tôi yêu đời dữ dội như vậy thì chắc họ sẽ giết tôi chết! Cả cuộc đời tôi là một giấc mộng đẹp vô song, vô hồn, vô tác. Tôi vĩ đại hơn hầu hết mọi người ở chỗ tôi có thể tạo ra giấc mộng cho tôi và điều khiển giấc mộng theo ý muốn trong mộng của tôi. Khổ, đau, bệnh, chiến tranh, tai nạn đã sợ tôi như sợ quỉ ma. Tất cả quỉ ma và thánh thần cũng sợ tôi; tôi cười âm lên, tiếng cười của tôi nổ tung trên ba tỷ ngôi sao vừa sinh.
Tôi không thể tin được rằng trên cuộc đời này lại có thể có người dám nhận rằng mình là bi quan. Tất cả những người tự nhận là bi quan yếm thế đều là những kẻ nói dối và lường gạt. Cuộc đời là một bài thơ vĩ đại nhất mà tôi đã tự sáng tác riêng cho tôi và cái chết chỉ là đôi mắt của Quế Hương. Điếu thuốc bastos sao mà thơm tho kỳ lạ, thơm như mùi khét của lá Đà Lạt.
XI.
Tại sao tôi có thể yêu đời dữ dội như ngày hôm nay? Tôi tự nhốt tôi trong phòng kín; tôi hút liên miên từ điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, có lẽ khoảng vài ba chục điếu. Tôi tắm gần mười lần. Tôi thích nước; tôi yêu sức nóng quá độ của thời tiết; tôi sung sướng vì được đổ mồ hôi; tôi nhìn đám mây; tôi nghe từng tiếng trẻ con khóc dưới xóm; tôi thở nhẹ nhàng, tôi thở mạnh bạo, tôi yêu nét chữ in; tôi mơ mộng những lộ trình sắp đi trong tương lai, tôi hồi nhớ dĩ vãng, tôi mân mê tỏ tình với cái chết; tôi nhảy múa bước lại trong phòng, cười, nghĩ, nằm ngồi; tôi nghĩ rằng hiện đang sống ở Thiên đàng, quả quyết rằng Thiên đàng cũng không hơn được những gì tôi đang sống hôm nay.
XII.
Đêm qua mưa ào ào tuôn chảy hơn thác nước; trời xuất tinh sau những ngày nóng dữ dội. Mưa đổ ào ào suốt buổi chiều, suốt buổi tối và suốt đêm. Tôi ngủ sớm, vì lâu lắm tôi mới được ngủ trong tiếng ru thơ mộng của cơn mưa lũ; tôi đắp mền kín cả người, thức giấc thì thấy thành phố đẹp lạ thường vào lúc bình minh; những mái nhà đen xanh, màu huyền lam, ửng lên một chút đỏ phượng trên chân trời mây xám. Tôi tưởng đang sống trong thế giới của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn mà tôi đã sống lúc còn bé nhỏ. Tách cà phê sữa và vài điếu thuốc bastos đưa tôi trở lại thế giới người đời. Mặt trời hừng sáng, tràn ngập vào phòng tôi; tôi nghe một trăm con chim đang nhảy trong tim.
Lâu lắm rồi, tôi mới được nghe tiếng chổi quét bên hàng xóm. Tim tôi nhói lên vì bao nhiêu hình bóng thơ mộng bay về lào rào theo tiếng chổi sau cơn mưa. À ơi, mẹ ru con ngủ…
XIII.
Tôi hạnh phúc quá sức, còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ nằm trên giường, mở rộng ba cánh cửa sổ, nằm kê gối đầu giường ngước nhìn ra chân trời cây mọc đàng xa, dở vài ba trang sách, mắt ve vuốt mực in màu đen, ngửi mùi giấy thơm của trang sách in ở Paris, của một tác giả xa lạ; mộng và thực xoắn vào nhau như lá bí và bông bụt, lòng tôi tràn trề như sữa chảy bất tận từ lòng trời. Cơ thể tôi run run như khi giao hợp; ồ ồ, tôi sung sướng ngất ngư tắm trong mật ngọt của những đài hoa, của hương phấn bông rừng. Hơi thở tôi nhẹ quá, tôi không còn nghe được hơi thở tôi nữa. Tôi cũng không còn là tôi nữa. Cái tôi quá nhỏ bé và cạn cợt; tôi bay lên trên nóc nhà ướt mưa đêm qua. Tôi bay lên tiếng kêu của trẻ con bên xóm. Tôi không còn mang tên, mang tuổi; một tiếng chim con vừa kêu, tôi sụp lạy.
XIV.
Đêm trở về, tâm hồn tôi bình lặng theo con nước chảy chậm của dòng sông đen đen. Cuộc đời trôi qua nhẹ nhàng, từng ngày lũ lượt kéo đi và sẽ trở lại trong trí nhớ, trong một vết sẹo bỏ quên dưới cơ thể kín đáo của một người xa lạ nào đó ở cuối chân trời. Nét mặt bình thản thanh bình, vướng nhẹ một nỗi buồn kín đáo xa xôi, dấu trong đôi mắt của một người chết vừa sống lại. Đêm trở về, mặt trời đã đi vắng, những ngôi sao thấp thoáng mờ mờ, tất cả tiếng động xa dần, những ngày tháng yêu đời nhộn nhịp cũng đi xa tận cuối địa cầu.
Tôi bắt đầu đi xa tôi; từng cử chỉ lê lết trong căn phòng đóng kín, tiếng chìa khóa của người giúp việc khua lên đôi tiếng ngoài hành lang, những con kiến cánh đã bay đâu mất, bước chân của một người ướt mưa dưới kia kéo lệch nhệch trên sân đất. Không vui không buồn, không yêu không ghét, phong vũ biểu của tâm hồn tôi xuống độ quân bình, tôi ngồi trong phòng kín, đèn mờ đỏ đủ thấy bóng mình in xuống sàn gạch xanh. Có lẽ người gác cổng của bất cứ nghĩa địa nào cũng cùng mức độ phong vũ biểu tâm hồn như tôi. Tôi hình dung mình đang rảo bước đi thơ thẩn trong nghĩa địa, tiếng chìa khoá khua nhẹ nhàng như thùng thiếc bị mưa lớn rớt vào nửa đêm, tiếng chó sủa hoang vắng kỳ lạ, mấy mảnh vải rách tả tơi bay rời rạc trên đám cỏ khâu.
Tôi muốn đốt lên một điếu thuốc để thay hương khói cầu linh, nhưng diêm quẹt không còn nữa. Tôi chờ đêm đến và đêm đã đến; tôi chờ một cơn mưa lũ và sau cơn mưa sẽ có mặt trời đỏ lửa và bình minh sẽ là bức rèm thoáng mở nghê thường của mây và gió. Một con kiến nhỏ sợ hãi bò nhanh trên cổ tay tôi. Bình minh không đến vào lúc mười một giờ khuya và mưa cũng đã dứt từ chiều, nghĩa là không biết bao giờ trở lại.
Tất cả đều xa và gần, mới và cũ; vài tiếng động dưới phố làm thành tĩnh mịch vắng vẻ. Tôi đi ngủ và tự chúc an giấc.
XV.
Tham lam, muốn vồ chụp, ngốn ngấu, nuốt trọn tất cả những gì con người đã làm, nghĩ, viết, sống, yêu, chết, thở, bệnh, đau, khóc, cười, đi, chạy, trong một triệu năm, mười triệu năm của lịch sử con người.
Giới hạn, giới hạn lại, đứng tại một chỗ, xới, đào, bơi, bới, banh, móc, cào một chỗ thôi; bao nhiêu lần tôi tự nhủ rằng phải đứng một chỗ, đứng yên lại một chỗ để đục khoét cho sâu, cho thực sâu vào lỗ trống của trái tim con người và trái tim địa cầu, tôi tự nhủ rằng phải giới hạn lại, thu nhỏ lại phạm vi, nhưng chẳng bao giở tôi làm được. Nhìn một chữ trong bất cứ một quyển sách nào, tôi lại thấy một ngàn chữ khac hiện ra; nhìn một chiếc lá xanh, tôi thấy một ngàn chiếc lá xanh khác trong đời, mỗi một chiếc lá gợi lại muôn ngàn hình ảnh khác đã qua trong đời; nhìn nét mặt một người, tôi đọc được Tân ước, và Cựu ước, đọc ngay nguyên tác Hy Lạp và Do Thái, đọc được những dấu tay, những gấp trên trang giấy, đọc được đôi mắt của người đã in vào những dòng chữ, như những vật hoá thạch trên đá khô bảo tang viện.
Đừng đọc, đừng nghe, đừng nhìn, đừng thấy, đừng nói, mà vẫn thở nhẹ nhàng như hơi thở của con chó nằm phơi nắng, đó là mục đích tối thượng mà trọn đời sống tôi đang huớng đến.
Bây giờ đúng 12 giờ trưa, mặc dù đồng hò chỉ 12 giờ 15 phút, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng bây giờ là đúng 12 giờ trưa. Chỉ có thời giờ do tôi đặt ra cho tôi là mới quan trọng; dù tất cả đồng hồ Thụy Sĩ ở thế giới nói rằng bây giờ là 6 giờ sáng, tôi vẫn cho rằng bây giờ đúng 12 giờ trưa.
Giờ ngọ, tôi tự viết chữ ngọ ở dưới cửa phòng và không tiếp khách, tôi muốn làm con trâu không ló đầu ra cửa sổ. Tôi ngồi trong phòng kín và cố gắng hồi nhớ lại tất cả con trâu mà tôi đã gặp trong đời, con trâu đầu tiên gặp lúc còn bé nhỏ và con trâu cuối cùng gặp lúc gần đây.
Tất cả con trâu, hay bất cứ con trâu nào cũng là thầy của tôi; nó dạy tôi lội bùn phơi nắng, nó dạy tôi lầm lì im lặng, nó dạy tôi kéo cầy cho dân nghèo có lúa, nó dậy tôi nhai cỏ. Ừ, tôi đang nhai cỏ khâu, một đám cỏ khâu, “trăm năm còn có già đâu…”
XVI.
Tôi gặp nó lúc nó mới vừa ba tuổi, nó tên là Mi. Bây giờ gặp lại nó lần cuối thì nó đã hai mưới sáu tuổi, nghĩa là hai mươi ba năm trôi qua và gieo giống cho một đám cỏ khâu trong tương lai; tương lai có thể là hôm nay, ngày mai, mười năm, năm chục năm, sáu chục năm vô định bất ngờ, bí ẩn, phong phú.
Mi ơi, Mi, mi là ai? Ta đã đi bên cạnh Mi gần hai mươi sáu năm trên con đường hữu hình này, có lúc ta bỏ rơi Mi, có lúc ta trốn Mi, có lúc ta chạy tìm Mi, nhưng không lúc nào ta quên Mi: ta đi theo Mi như hơi thở đi theo máu, như cỏ xanh đi theo đất ướt, như con gái mới lớn đi theo kính soi mặt.
Người ta gọi nó là Mi, chữ gọi tắt của Dominico. Tên Dominico gồm 4 vần: Do – Mi – Ni – Co. Tại sao không gọi nó là Do, không gọi là Ni, không gọi là Co, mà chỉ gọi là Mi, chỉ gọi vần thứ hai trong 4 vần quan trọng như nhau?
Dominico là tên Tây Ban Nha, nó là người Việt Nam mà vì sao lại mang tên Tây Ban Nha? Đây là điều khó hiểu thứ hai. Tại sao không gọi là Dominique, như thường lệ của những gia đình trưởng giả dưới thời Pháp thuộc thường đặt tên Tây cho con mình?
Bỗng nhiên nó được mang tên ngộ nghĩnh là Dominico và những người trong gia đình thường gọi nó là Mi, tiếng gọi gọn lại của tên Dominico.
Nó tên là Mi, tôi gặp nó lần đầu còn nhớ được là dường như lúc nó mới chừng 3 tuổi tôi gặp Mi tại một đường mang tên Pháp là Avenue Desvaux, số 47, ở một thành phố tại miền Nam nước Việt dưới thời Pháp thuộc. Lúc đó khoảng vào năm 1944. Tôi còn nhớ ngày sinh tháng đẻ của Mi, ngày 1 tháng 6 năm 1941 dương lịch tại làng Điều Hoà. Tôi nhớ rõ như vậy là vì ngày 1 tháng 6 năm 1941 là ngày mà không người nào học sử mà không nhớ, đó là ngày quan trọng như ngày 24 tháng 12 năm thứ nhất của dương lịch hay ngày 8 tháng 4 âm lịch, năm 566 trước dương lịch.
Mi ra đời vào giữa năm, đầu tháng sáu và đầu hai chu kỳ, nghĩa là năm đầu của sáu chục năm cuối cùng của thế XX. Thôi, hãy quên những niên hiệu dài dòng trên. Chỉ nên nhớ hắn tên là Mi, chỉ thế đủ rồi.
Mi ơi, Mi, tôi có cần phải nói về Mi cho mọi người nghe không? Tôi không thể nói được, vì ngay đối với tôi, Mi cũng là bí mật, xa lạ, lầm lì, kỳ dị, khó hiểu, huyền ảo. Mi giữ lại tất cả những gì tôi đánh mất. Mi không đóng kịch, không mang mặt nạ, không lễ phép, không đọc sách, không viết sách, không đi tìm chân lý, không là văn sĩ, thi sĩ, học giả, sinh viên, giáo sư trung học, giáo sư đại học, nghệ sĩ, lãng tử, tu sĩ, ký giả, v.v… Mi không là gì hết, Mi chỉ là Mi, Mi của Mi, Mi của Mi, Mi viết hoa và mi viết thường, Mi viết chữ nghiêng, italique, và Mi chữ đứng, nói gọn lại là Mi, đánh vần là mờ i mi.
Tôi thấy Mi đánh vần tên Mi lần đầu tiên lúc Mi học lớp năm tiểu học; phải chi lúc ấy tôi có máy ghi âm và ghi lại lần đánh vần đầu tiên ấy thì có thể nghe lại được âm thanh thiêng liêng đầu tiên của nhân loại, lúc mà con người đánh vần chữ đầu tiên cho thần thánh nghe để khai sinh văn minh cho hậu thế. Lúc Mi tập đánh vần lần đầu tiên thì lúc ấy cũng là lúc tôi bước vào ý thức của con người. Bây giờ tôi mới hiểu rằng ý thức và công thức là đồng nghĩa như nhau; tôi ý thức rằng (hay tôi công thức rằng) không có sự khác nhau giữa ý thức và công thức, nghĩa là ý thức chính là ước thức; ước thức là ý thức về ước lệ, hay ước lệ, công ước, hiệp ước của ý thức.
Tôi bước vào ý thức con người; nói khác đi, tôi bước vào công thức con người, vào sự trói buộc của con người đối với con người. Chỉ có tiếng đánh vần đầu tiên của Mi ở lớp năm tiểu học mới có thể giải phóng sự trói buộc trên của tôi đối với tôi, của người đối với tôi.
Xin từ giã Mi trong một thời gian ngắn; bây giờ tôi cần uống sữa để lấy sinh lực mà sống cho hết hai chu kỳ tâm thức. Sữa bắt đầu lạnh rồi.
XVII.
Người con gái đẹp nhất vẫn là người con gái im lặng nhất, im lặng một cách hiền lành; tiếng nói của con gái là hương thơm của một đoá hoa; nhưng sự im lặng thường xuyên của người con gái là một đoá mai vào đêm giao thừa; hoa mai mà có hương thơm ngào ngạt thì hoa mai không còn quyến rũ một cách trầm lặng rạo rực. Tôi cầu nguyện cho tất cả những người con gái đều im lặng.
XVIII.
Tại sao mỗi ngày tôi phải sống khổ sở như vầy? Vừa mở cửa sổ ra để thấy mặt trời và thở không khí phải gặp một bộ mặt nào đó chìa ra. Tôi tránh tất cả khách; tôi tránh gặp tất cả bạn bè; tôi tránh tất cả người quen; tôi tránh gặp tất cả những người trong gia đình. Không muốn gặp ai hết và không muốn nói chuyện với hết ai hết. Tôi muốn được im lặng và sống một mình suốt ngày và suốt đêm. Thế mà mọi người đều đến tìm tôi; họ đeo vào tôi như đeo vào chiếc phao; họ là những con đỉa đói, họ hút máu tôi bằng những câu chuyện bàn tán nhảm nhí của họ, bằng kiến thức thối tha của họ, bằng những ý kiến, tin tức, khuyên răn, thăm dò, miệng lưỡi, tóc, tay, tim, bao tử, gan, mật, thận, phổi v.v… Tôi hoàn toàn lạnh lùng. Dù mười trái bom H nổ tại thành phố này, tôi vẫn thản nhiên lạnh lùng. Dù động đất, hoả diệm sơn nổ, đại hồng thủy, dịch hạch, một tỷ người chết, dù gì đi nữa, tôi vẫn lạnh lùng. Dù là ngày tận thế, dù nhân loại, văn minh, văn hóa bị tiêu diệt trước mắt tôi, tôi vẫn lạnh lùng, hoàn toàn lạnh lùng.
Tôi không muốn ai đến thăm tôi cả, tôi không muốn nghe ai nói chuyện nữa cả. Tôi muốn đi qua đi lại một mình trong gian phòng, mà không phải mỉm cười với bất cứ người nào, dù là cười thực hay cười gượng.
Tôi có chết đi thì mấy mươi tỷ người đã chết trước tôi rồi và mấy muôn tỷ người sẽ chết sau tôi; tôi không có gì để hãnh diện rằng mình khác thiên hạ cả. Tôi cũng bần tiện, lì lợm, tục tĩu, ngu si, tham lam, bẩn thỉu, tầm thường, hạ cấp, rẻ tiền, khờ khệch, nông cạn, lưu manh, hẹp hòi, xấu xa, tàn ác, hung bạo như họ. Tôi chỉ ra đời, sẽ ra đời mãi mãi để lặp lại tất cả những điên rồ, hận thù và ngu xuẩn như họ.
Muôn tỷ người ra đời trước tôi và cũng đã từng viết giống tôi vừa viết, giống từ dấu phết và dấu chấm, giống từ nét chữ viết cho đến chỗ ngồi, tâm tư, thời tiết.
Vừa viết xong câu trên, tôi sực thấy mình bay như chim. Tôi bay trên tất cả những gì thuộc con người. Tôi bay trên mái nhà xanh và giác quan tôi bắt được luồng điện thứ tám xuất từ hành tinh thứ bảy: hành tinh ấy vừa nổ thành bột, một thứ bột quánh lại như sữa đặc trong tách nước nguội. Tôi vừa lấy lại tinh thần và yêu đời lại như thường lệ.
XIX.
Tôi bỗng nhớ mấy con cá lia thia của Mi.
XX.
Một ngày chìm tận xuống đáy biển dơ, một ngày nổi lên trên trời như cá rồng. Yêu đời rồi lại chán đời, điệp khúc kỳ lạ và ngu xuẩn khôn cùng. Đời là hơi thở, yêu hay chán gì thì cũng vẫn thở. Như thế là đủ rồi. Yêu là thở, biết thở, nhớ thở, nuôi thở, dưỡng thở. Thở là sống trong mộng mị vô hình; hơi thở là một đám mây nhỏ, không màu, không hình. Không có tôi thì cả bầu trời này, cả vũ trụ này cũng sụp đổ như tất cả sự sụp đổ của những gì đã sụp đổ trên mặt đất này. Đất, rừng, núi, đá biển, cây, cỏ, chim, trâu, voi, ngựa, chó, thành phố, lăng tẩm, đền đài, mặt trời, tất cả hành tinh chuyển hoá nhau thành cát, bụi, nguyên tử, tinh lực, gió, hơi thở, để rồi kết tinh lại thành tôi, một người có thân thể, có đều óc, tay, chân, tim, phổi, bộ phận sinh dục, người rất người, rất người và rất thú, rất thiêng và rất lạ, lạ đối với mình và đối với người, khi chìm, khi nổi, khi yêu, khi ghét, khi bay vút lên tận đỉnh núi chót vót rồi lại rớt xuống vũng bùn thối tha nhất của ý thức và vô thức.
Triết lý là biến hơi thở thành khói thuốc, tất cả triết gia đều là những kẻ bị ung thư tinh thần.
XXI.
Hai tội lớn nhất của tôi là tội triển hạn và tội nuốt thời gian. Triển hạn là muốn đi thực chậm, mà nuốt thời gian là muốn đi thực mau: mâu thuẫn tượng trưng cho tất cả khủng hoảng con người. Chỉ có Mi là không bận tâm gì với những thứ ấy.
XXII.
Tất cả đều vô cùng cần thiết: nếu một hạt bụi trong phòng tôi mà mất đi thì cả vũ trụ đều mất theo lập tức. Chỉ có một ngọn gió đi qua thì hai thế giới đổi ngược lại hoặc sụp đổ tan tành như bọt sữa.
XXIII.
Tất cả sợ hãi đã chết trong tôi, như những bóng đèn xa của thuyền chài giữa đại dương vào lúc bình minh. Tôi trở nên giàu sang, phương phi, cao thượng, quí phái, trầm lặng, vĩ đại, vô danh, tĩnh mịch, uy nghi, hào hoa, phi thường, cao chót vót như đỉnh núi ở Kalimpong. Tôi bước đi giữa đám đông như một con sư tử ở xa mạc đi lạc vào thành phố Bắc Phi. Tôi gầm gừ chậm chạp bước đi hiên ngang và thỉnh thoảng đứng lại đái xuống những nơi hành hương của dân chúng. Trời hôm nay, sương mai phớt nhẹ lên mái nhà.
XXIV.
Càng ngày tôi càng đi xa giới hạn của con người; càng ngày tôi lại càng thấy mình không còn nói ngôn ngữ của loài người; tôi bắt đầu tập nói lại tiếng loài người, nhưng khó quá. Tôi nói không đúng giọng, đúng vần và sai văn phạm. Có lẽ chỉ Mi mới hiểu được tiếng nói xa lạ của tôi. Đêm nay, tôi muốn thức suốt đêm để nói chuyện với muỗi; tôi sẽ đập cánh và kêu vo vo thâu đêm. Tôi bỗng nhiên nhớ đến những trái vú sữa, trong khu vườn thơ ấu; dạo ấy, Mi ngơ ngác như con nai lạ.
XXV.
Khủng hoảng, tôi đặt tất cả tin tưởng vào tất cả sự khủng hoảng trong tất cả mọi phạm vi. Sáng tạo chỉ được giữ chín trong sự khủng hoảng của thể xác và tâm thần. Tôi muốn rước vào tim tất cả những khủng hoảng nào có được trên đời này. Đêm qua tôi muốn tự tử vì một lý do giản dị là cuộc đời không có gì để đáng tự tử cả: ý nghĩa tự tử là ước muốn đục khoét ý nghĩa vào bóng tối sâu kín của đời người; tất cả những người tự tử đều là những kẻ có tham vọng muốn tìm hiểu ý nghĩa của đời sống, bị thúc đẩy một cách vô thức hay có ý thức bằng trung gian của khủng hoảng lải nhải của cơ thể và trí óc.
XXVI.
Đứng nhìn, đừng bao giờ nghĩ về ý nghĩa cuộc đời lúc mình mệt. Tôi chỉ chán đời lúc tôi mệt. Bây giờ càng mệt thì lại càng nên không chán đời, khi mệt thì sự kiêu ngạo thụt lùi lại đằng sau và biến mất. Tập thở, và tập mất giờ; quan trọng nhất là chịu đựng Thiên đàng trong mỗi ngày mỗi đêm.
XXVII.
Đêm qua lại muốn chết, không thích sống dai nữa. Không còn gì để giữ lại tôi trong đời sống này; tôi không còn liên hệ nào đối với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Hôm nay tôi sẽ cố gắng hết sức để yêu đời, yêu đời như điên. Tôi sẽ cố gắng tưởng tượng tất cả những cánh đồng, tất cả những tiếng ca sướt mướt lí nhí của Connie Francis, tất cả những chiếc cầu trên sông, tất cả những con gà con và tất cả những điếu thuốc mà tôi sẽ hút trong tương lai.
XXVIII.
Trời mưa, một điếu thuốc đang cháy, một ý tưởng trong đầu; tôi không đòi hỏi gì nữa; thiên đàng cũng không hơn thế. Một tiếng sét vừa nổ giữa trời. Nơi nào có sấm có sét nơi đó có tôi. Tôi ca tụng mưa, tôi ca tụng điếu thuốc, tôi ca tụng lửa, tôi ca tụng một ý tưởng đơn độc trong đầu.
XXIX.
Một chiếc lá tròn, một tiếng còi xe, ôi cuộc đời, tôi yêu tất cả con người; không yêu tất cả con người thì cũng thơ mộng như thế.
XXX.
Tôi sủa với con chó dưới kia, tôi đưa đẩy xối xả trên mái nhà với cơn mưa chiều, tôi ướt lèm nhèm với đất, tôi quét sân với chổi, tôi chảy trôi trong đất, nước, mưa, mây, trẻ con, mực đen, lá dừa. Sống là chảy mà chết cũng là chảy, tôi chảy với chảy trong chảy; chảy chảy về chảy trong chảy ở chảy. Ồ, điều lạ tuyệt vời!
XXXI.
Hôm nay tôi muốn nuôi dưỡng hoả ngục trong cơ thể và tâm thần.
XXXII.
Mỗi ngày phải rót nước vào đất và phơi sương vào lúc rạng đông hay trước bình minh, để cho lá vẫn tươi màu áo ban đầu, phải không cô? Chúc cô ngủ ngon đêm nay, ôi là dễ thương, song mũi hơi thoải lên, trông buồn chi lạ.
XXXIII.
Sống một ngày và chết một đêm; tất cả triết lý, tất cả, tất cả.
XXXIV.
Bình tĩnh, điềm đạm, sáng suốt, chậm rãi, phơi phới, thanh thoát, không mỉm cười ngày hôm nay, ngó thẳng vào hai lỗ mũi của bất cứ người nào mình gặp ngày hôm nay, hai lỗ mũi của bất cứ người nào cũng là hai cánh cửa của sự chết và sự sống, của tuyệt vọng và hy vọng; một hơi thở đi ra và một hơi thở đi vô: đó là ý nghĩa của cuộc đời và vô nghĩa của cái chết.
Đừng bao giờ tìm ý nghĩa của cuộc đời; cuộc đời không bao giờ có ý nghĩa. Không ai có thể hiểu được bất cứ cái gì trên đời này: không gian, thời gian, thế gian, một chiếc lá khô, một vết mực đen, tất cả đều bí mật và huyền ảo. Tất cả những triết gia, tất cả những hiền nhân, tất cả những nhà thong thái, những nhà toán học, những nhà khoa học đều là những kẻ tự đánh lừa và đánh lừa người khác rằng họ có thể đi vào được hang tối của sự vật. Không. Không bao giờ sự vật hé ra một tý cho họ thấy. Sự vật vẫn đen tối như đêm ba mươi, dù nhân loại có trường tồn đến một tỷ triệu năm nữa thì sự vật vẫn đen tối như đêm hai mươi chín Tết vào mỗi năm nước không chảy.
Hơi thở, chỉ có hơi thở là quan trọng nhất. Biết thở mới là khó nhất. Hơi thở, tìm ý nghĩa cho hơi thở có khác gì tìm mặt trời trong bảo tàng viện đóng kín đầy bụi.
XXXV.
Dù vũ trụ có nổ tan tành như tro, tôi vẫn còn đó: tôi là vũ trụ, tôi là tro, tôi là tiếng nổ.
XXXVI.
Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.
XXXVII.
Người ta thường nói rằng sự việc xẩy ra hàng ngày. Đây là một điều ngu xuẩn lớn nhất của nhận thức con người. Không có gì xẩy ra trong mỗi ngày. Chỉ có tôi mới là xẩy ra từng giây phút, tôi xẩy ra với ánh sáng và bóng tối, tôi xẩy ra với đau đớn và hạnh phúc, tôi xẩy ra với tình yêu và im lặng. Tất cả sự việc chỉ có thể xuất hiện từ việc xẩy ra của tôi, từ xự xẩy ra và xẩy vô của hơi thở, của trái tim.
XXXVIII.
Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.
XXXIX.
Trời mưa bưởi rưởi trên sườn đồi. Còn gì nữa để bứt rau đem về thành phố?
XL.
Một tuần nay, tôi đã chết đi. Tất cả đều lềnh bềnh xa lạ. Ôi là xa xôi. Tôi bước đi hay ai bước đi? Không phải ý thức nữa; hai chân tôi bước đi trong vô thức. Lời nói cũng xa vời. Tôi không thấy gần gũi với tôi nữa. Tôi! Tôi là? Tôi đã đầu thai qua một trăm kiếp chỉ trong vòng một tuần. Tôi đang sống ở nhà thương điên? Có gì bảo đảm rằng tôi không điên? Tất cả những gì xảy ra chung quanh tôi đều do trí óc điên loạn của tôi tạo ra? Có gì bảo đảm rằng tôi vẫn là người bình thường? Có gì bảo đảm rằng tôi đang sống? Tôi đã chết? Tôi đang ở trong hoả ngục? Đi tìm bảo đảm có phải là triệu chứng của cái gì đã mất? Có phải tôi đang thở? Cái gì đang thở trong tôi? Một hơi gió đang thở qua xác tôi? Có phải tôi đang viết? Hay tôi đang bị sai khiến? Sai khiến bởi một con quỷ, con ma; một con yêu hay một con tinh đang điều khiển mấy ngón tay tôi để viết những giòng này? Một ngọn đèn đang cháy. Mùi nhị tỳ bay lảng vảng đâu đây. Tôi nghe tiếng la, tiếng khóc, tiếng ếch, tiếng va chạm. Tôi nghe hay ai nghe qua tôi? Tiếng chìa khóa rơi xuống gạch. Tôi nghẹn thở. Hay hơi thở nghẹn tôi?
XLI.
Mi ơi, tôi đang hấp hối, hãy đi tìm rau húng quế cho tôi. Dưới kia, ừ, lưng chừng giữa đèo hải vân.
XLII.
Đêm qua, tôi thèm chết như thèm mùi thuốc lá vào lúc 3 giờ khuya.
Sống và chết, một chiếc cầu bắc qua sông. Mây triệu năm rồi, tôi đã hoá thân biến dạng đã trôi qua mấy tỷ nhịp cầu, tôi đã là hạt bụi, hoa dâm bụt, điếu thuốc, khói, diêm quẹt, mực, sắt, đá, than, đất, gạch, nước, lá, cây, trái, chim, nguyên tử, tinh cầu, vân vân. Chữ “tôi” hoàn toàn vô nghĩa; chữ “tôi” là cái án tử hình chung thân; chữ “tôi” là thiên đàng và địa ngục. Ô hay là bình minh đã leo lên đỉnh thiên. Một cánh cửa bật mở.
XLIII.
Không có gì đáng tôi bận tâm: không có gì đáng làm, không có gì đáng ghét, không có gì đáng nói, không có gì đáng nghe, không có gì đáng thờ phụng, không có gì đáng đọc, không có gì đáng được ghì ôm, không có gì đáng nhớ, không có gì đáng đau khổ và tuyệt vọng, không có gì đáng mong đợi và hy vọng. Tôi đang say đời, yêu đời, đắm đuối với cuộc đời, mặc dù không có gì đáng gọi là cuộc đời!
XLIV.
Sợ làm con sâu, sợ là con dế trong kẽ nhà. Sợ chết và sợ sống, sợ viết và sợ không viết được, sợ yêu và sợ không được yêu. Sợ sống không đầy đủ. Ôi là ngu, là dại. Tất cả sợ hãi và lo âu đã đứt tuyệt trong tim tôi. Đôi lúc tôi giả vờ sợ và lo, nhưng không thành công. Tôi muốn lo sợ như mọi người để cho giống họ, nhưng không thành công.
Sợ hãi là gì? Tôi không biết, vì tôi không bao giờ sợ hơi thở.
Gió hay bưởi rưởi lên sườn đồi.
Mưa đã tạnh cách đây bảy ngày.
XLV.
Đem chậu tùng con ra phơi nắng, bỏ quên ngoài nắng khoảng mấy giờ, vụt nhớ lại, mở của phòng mang vào thì giật mình nhận thấy hai con ruồi lạ giao cấu nhau trên đầu ngọn tùng con. Hai con ruồi, mà không phải ruồi, trông giống như hai con ong chúa, mà chắc không phải ong chúa, chưa bao giờ tôi thấy con ruồi lạ như vậy, ruồi màu trắng có những chấm đen vòng khuyên, con đực nằm trên lưng con cái, đeo dính nhau như một; ruồi đẹp và có hình dáng gần giống những con bướm nhỏ mà cánh khép sát lại. Tôi giật mình và lúc ấy hai con vụt bay đi. Điềm lạ? Tại sao chỉ giờ ấy, phút ấy, giây ấy, tôi vụt thấy chúng nó. Nếu tôi bỏ quên chậu tùng con khoảng chừng vài giờ nữa thì làm thế nào thấy chuyện lạ như vậy?
Giờ đây đến lúc tôi chết, nhất định không thấy lại lần thứ hai cảnh tượng ân ái lạ lùng như vậy.
Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe thầy bói, thầy pháp, thầy bùa. Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe ai coi tướng số cho mình. Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe và tin vào bất cứ những gì có ghi trong sách, trong sử, trong ý thức, trong mộng mị, trong tư tưởng triết lý và văn chương. Tôi chỉ tin vào những gì tôi tự bày đặt cho tôi hay cho người khác. Và một điều lạ nữa là tôi biết rằng tôi vẫn sống đời đời, không bao giờ chết, mặc dù biết chắc chắn rằng một ngày kia tôi sẽ chết mà vẫn sống. Một triệu tỷ năm tôi đã có mặt ở đây và một triệu tỷ năm tôi vẫn còn đó, vào giờ đó, phút đó, để nhìn hai con ruồi ấy đeo dính nhau trên đầu ngọn tùng con trong chậu kiểng đó. Tôi hơi đau đầu và biết mình đang thở.
XLVI.
Hai mươi năm trời vụt lướt qua như tiếng vó ngựa trong hộp diêm quẹt; tôi thích dùng những hộp diêm quẹt có nhãn in hình con ngựa, trong đó, nằm im mấy chục diêm quẹt, mỗi đầu diêm quẹt là một bầu thai, ôm ấp một mặt trời con. Tiếng lửa đánh lên là tiếng vút thét của vó ngựa. Tôi vứt đi những ngày tháng quá khứ như vứt đi những tro tàn trên đầu ngọn thuốc, không hối tiếc, không tình cảm, không xót xa nghĩ ngợi.
Cuộc đời tôi, những bước chân tôi đi, những ngón tay tôi cầm viết và nâng tách cà phê, thơ mộng những gì thơ mộng nhất và tàn bạo nhất trong đôi mắt khép lại của sự chết.
Ngày hôm nay, ngày 1 tháng sáu năm 1967 tôi vừa đúng hai mươi sáu tuổi. Tôi vừa tắm xong, dưới ánh đèn cầy leo lét của gian phòng tối; phòng có điện, nhưng tôi không dùng điện; nước và lửa, sự trần truồng của tôi và bóng tối, còn hỏi gì hơn khi tiếng kêu của ban mai vẫn chờ những bước chân của tôi trên những lộ trình đã đi qua và những lộ trình sẽ đi qua?
Sự linh thiêng của bình mực và ngòi bút, sự linh thiêng của ba ngón tay chụm lại trên cán bút, sự linh thiêng của hơi thở và khói đen, sự linh thiêng của những dòng chữ sai văn phạm và của một tiếng chim vụt nổ lên giữa không khí, sự linh thiêng của những tai nạn lưu thông, những thiên tai, những cơn giận, những cử chỉ quá tầm thường trong đời sống; sự linh thiêng của người công chức già ở sở bưu điện trong cử chỉ ôm thuốc đánh diêm, giữa một buổi chiều vắng lặng, đọc nhật báo cho qua những tháng ngày máy chạy đều đều như tiếng ru con của mẹ già đã chết và đã được chon trong nghĩa địa quên lãng.
XLVII.
Chưa bao giờ buồn nhẹ nhàng như chiều nay. Một thứ buồn táy máy xa xôi từ lâu bị ngăn chận, bị đàn áp trong tim và đầu. Một giọt nước mắt của một bản nhạc buồn rơi vào trên môi, lưỡi và mũi. Buồn bay lởn vởn trong phòng, tôi sống một cách gượng gạo như tôi cười một cách gượng gạo: hoa chưa kịp nở đã héo. Tôi không muốn sống nữa. Cuộc đời đã chết non từ lúc tôi biết rằng mỗi buổi sáng phải thức dậy, phải đàn áp từng mớ ý tưởng đen tối, phải tập cười, tập nghe, tâp nói, tập nhìn thấy khía cạnh sáng rực của đời sống. Tôi bước đi lạnh lùng giữa hai hành lang. Tôi nằm lạnh lùng trong gian phòng cửa đóng kín; mỗi một cửa sổ hé mở là một sự đồng lõa thỏa hiệp với đời sống nông cạn, nhưng đóng kín lại thì phải chịu ngạt thở và nóng bức. Tôi nhìn lạnh lùng vào cử chỉ thông thường của người xa lạ; mỗi một tiếng tôi nói chỉ còn là tiếng ngập ngừng của kẻ quên mất ngôn ngữ đồng loại. Tôi muốn trở về lai vãng trong dòng sông xưa, dòng sông xanh, dong sông đen, dòng sông đã mất và đã tìm lại được.
XLVIII.
Đêm nay tôi xin thức suốt đêm để biết rằng mình vẫn sống và sống tràn trề hơn bao giờ hết; đêm nay là đêm tuyệt đối; tôi xem đêm nay là đêm duy nhất cuối cùng của đời sống. Ồ đêm cuối, đêm cùng, đêm rớt lại lần chót trong đời. Tôi sẽ thức trọn đêm nay, sống trọn đêm nay, đêm bí mật, đêm một mình, chỉ một mình, ngồi, mơ mộng, bước đi và bước lại trong phòng đóng kín. Tôi đã hút hết gần ba bao thuốc là, nhưng phổi tôi vẫn trinh bạch, tim tôi vẫn trinh bạch, vì chưa bao giờ tôi sáng suốt, trầm tỉnh khôn ngoan, dễ dạy như tôi đêm nay, đêm đầu và đêm cuối, đêm huyền bí, đêm bao la.
XLIX.
Một màu vàng lượn qua cùng với một màu đen trong hành lang, chỉ có thế mà cũng làm sụp đổ thế giới quen thuộc của tôi. Lòng tôi bỗng sôi lên tình cảm cháy lửa của một thế giới khác, một ngưỡng cửa không quen, một mặt trăng bỏ quên trong hộc tủ. Tôi đã chết từ bao giờ? Cái gì là lạ nhoi nhoi trong tôi? Một kẽ hở trong nách áo của người con gái mặc jupe vàng trong hành lang, một buổi chiều, một đám mây xa? Ôi là chua chát.
L.
Hôm nay sẽ không mở cửa cho bất cứ ai, không nói chuyện, không ăn, không đi loanh quanh, chỉ ngồi trong phòng, ngồi như chết, đã chết, như kẻ bị cầm tù, như bị treo án, bị nhốt, tự mình nhốt mình lại, không tha thứ, không tha thứ cho bất cứ sự vi phạm nào trong lãnh vực tuyệt đối cô độc của mình.
LI.
Đập vỡ bất động, đập vỡ bị động, đập vỡ thụ động. Sôi máu xông vào gân hấn với sự tĩnh mịch nặng nề của không gian vô biên và thời gian vô biên. Tôi muốn tự cắt đứt mạch máu để xối máu vào mặt mày của đời sống, tôi muốn hét lên như con sói điên, tôi muốn la lên cho sụp đổ một trăm mặt trăng non, tôi muốn chạy tung vào rừng rú bất tận của địa ngục. Tôi muốn phá vỡ nhà mồ, tôi thấy mình mọc nanh ở hai khoé miệng, tôi đeo năm mươi sọ người trên cổ, tôi trở thành con quỷ của thế kỷ XX: tôi mọc đuôi, tôi mọc móng, tôi mọc gai, tôi mọc lông, hai nanh miệng mọc dài và nhọn, tôi là một con quỷ có cánh, tôi bay xuống nghĩa địa, tôi nhảy từ ngôi mộ này qua ngôi mộ kia. Tôi cám dỗ tất cả thần thánh; tôi phá nhà thờ, điện thờ, đình chùa. Tôi phá trinh tất cả những gì trong sạch và thuần khiết; tôi cười ra lửa và khóc ra máu, tôi hét ra sắt, tôi nói ra thép, tôi kêu ra đá.
LII.
Trận mưa lớn đổ ào xuống mặt đất, tôi bỗng nhiên cảm thấy yêu đời chi lạ, hơi thở tôi nhẹ nhàng như mộng đẹp tươi non, tôi thấy mình như con chim nhỏ, con gà tre, con chó nhật bản bé nhỏ, con cừu long măng, tôi thấy yêu cái ghế dài, cái ghế ngắn, yêu cái bàn, yêu cây bút, yêu cuốn sách, yêu tiếng ồn ào trên đường phố, yêu những ý tưởng hiền lành trong đầu; những ý tưởng trong đầu tôi giống như những chiếc thuyền giấy bé nhỏ mà tôi thả trôi bình thản trong dòng máu ở cơ thể khỏe mạnh. Hạnh phúc, ồ, tôi đã hiểu thế nào là hạnh phúc, nó đến một cách tự nhiên, không báo trước, nó đến với mình như đổ xuống từ trời cao.
LIII.
Chưa bao giờ tôi mệt như chiều hôm nay, tất cả trôi lềnh bềnh, tôi ngạt thở, tôi nằm dài trên giường trong cơn hấp hối tuyệt vọng. Sống, sống lên, tôi mệt quá rồi, mây trắng vẫn còn bay?
LIV.
Một cuộc gặp gỡ thoáng qua, một nỗi đau đọng lại trên đôi mắt chim thành phố. Gian phòng sáng rực lên theo với một ý tưởng chói loà trong đầu. Sự giản dị buông hờ của bước đi trên đám cỏ ướt mưa; đứng lại nhìn đám cỏ xanh trôi theo cơn gió chiều, một cánh đồng xa, một buổi chiều không hề đến, một bản nhạc đợi ngóng, một tiếng ru sặc khói, một tình đông, tại sao một mà không hai?
Không viết, không đợi chờ gì hết, không nói trên đầu, chỉ nghe tiếng hát của đời sống chụp nhói xoáy vào tim tôi?
LV.
Tôi không biết gì hết. Đèn tắt, tôi đi trong tối suốt mấy giờ đồng hồ. Chết rồi sống, sống rồi chết, thực là tàn nhẫn. Tôi không biết sẽ chịu đựng đến lúc nào. Có lẽ chỉ có cơn điên đầy đoạ mới chấm dứt cuộc thay đổi tàn bạo kia. Một tiếng gõ cửa giữ tôi lại với cuộc đầy đọa kia. Nước không chảy, đèn không cháy, gió không thổi, tôi đã sống hai mươi sáu năm trong địa ngục, không bạn, không gia đình, không an hem, không người yêu, không gì hết. Hư vô quá quen thuộc với tôi. Để cho khỏi điên, tôi thường ca khẽ những bản nhạc nhẹ nhàng của ngày xưa. Sự im lặng giữa hai điệu nhạc buồn đau như tiếng trẻ con giữa thời bom đạn. Tôi vẫn muốn chết. Cuộc đời không còn gì quyến rũ tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, tôi lại lún sâu vào cơn tuyệt vọng không đáy, tràn ngập một nỗi buồn nghẹt thở; những vòng khói thuốc bâng quơ làm thế nào giữ nổi những bóng mây xưa để cho tháng ngày cứ trôi trong bước đi giữa hai hành lang, giữa hai phương trời, giữa màu đen và màu xám?
LVI.
Một tuần qua, nhất là trong ba ngày qua, tôi bị khủng hoảng dữ dội, tôi không còn biết gì nữa, tôi bước đi hoang vu chới với trong sự trống không của đời sống; hoả ngục: tôi nghiến răng chịu đựng, giây thần kinh căng lên đến độ cuối, tôi tưởng thần kinh sắp đứt và bắn máu đầu tôi ra mũi; tôi chạy trốn tôi, tôi chạy tới lui, quanh quẩn, như một con chuột đói; đau đớn nhất là tôi chạy trốn và biết rõ rằng mình đang chạy trốn mình. Chạy đâu? Tôi muốn nhảy vào thế giới xa lạ của sự chết. Chẳng biết tôi chịu đựng đến lúc nào? Tất cả lối đi đều mất rồi. Tôi đứng nhìn thẳng vào đám mây trắng trong nửa giờ.
LVII.
Cái gì đã ngăn tôi lại, khi tôi đứng trên cao ngó xuống dưới kia? Cái gì đã giữ tôi lại để tôi đừng nhảy xuống? Có lẽ tôi chưa tìm được núi lửa? Tôi muốn chết thiêu trong lửa hoả diệm sơn, trong lửa và đá; tôi khinh bỉ lửa củi, tôi thù ghét lửa rơm, tôi mạt sát lửa đèn cầy, thờ lạy lửa sét đánh trong đá; lửa mặt trời nổ trong lá rừng già, lửa lá khô đốt trên đốt trên đồi ma là lửa của hồn tôi.
Người tôi nóng, lòng tôi cháy; tôi là lửa của hai khối đá; tôi vụt cháy từ hai khối đá va chạm nhau; thảm kịch của đời tôi là bị nước ám ảnh; ánh lửa cháy trên diêm quẹt làm ướt thoáng thân cây diêm: lửa khai sinh ra nước: chính mặt trời đã sáng tạo ra tất cả những đại dương: nước lại sinh ra đá: chính đại dương sáng tạo ra tất cả những dãi núi: trận đại hồng thuỷ đã sinh ra Hy mã lạp sơn. Tôi là con chim lạ nằm giữa lòng Hy mã lạp sơn, sinh ra từ trứng một con rắn; rắn sinh từ biển sâu và di cư theo trận đại hồng thủy; rắn ngậm một viên ngọc xanh và nhả viên ngọc ra trôi trong lòng nước; viên ngọc xoay âm u và lớn dần thành hòn đá; hòn đá xoay âm u và lớn dần thành dãi Hy mã lạp sơn, tôi xoay âm u và lớn dần thành người điên. Người điên ôm trái mù u và lớn dần thành một bậc thánh: tôi không muốn làm thánh và tôi xoay âm u biến thành một tách cà phê buổi sáng. Chim kêu trên mái nhà, trẻ con nô đùa bên hiên, tôi uống nửa tách cà phê còn lại và vụt thấy cuộc đời vô cùng trinh bạch. Tôi đang xông vào phá trinh, xin mặt trời hãy che mặt lại sau đám mây. Tôi đánh lửa diêm quẹt và phun khói thuốc đen vào bộ phận sinh lý của Thời gian. Tôi lột truồng không gian; hơi thở nóng ran cơ thể, linh hồn tôi lảo đảo.
LVIII.
Sống cho đàng hoàng, sống cho đủ ngày, đủ tháng, sống cho ra hồn, sống cho ra chết, sống và viết, sống và phạm tội, sống và tưởng tượng, tôi đi trên mặt trời, tôi té vào nhà thú chuồng; tôi leo lên ngọn cây và ghẹo chọc con trăng gần rằm.
Tôi điên. Tôi không điên. Tôi, tôi. Chữ tôi làm tôi nghẹn; chữ tôi làm tôi mệt; chữ tôi làm tôi đau: tôi, tôi, tôi!
Bây giờ gần 12 giờ khuya, tiếng nước chảy, tiếng ếch kêu, chắc chúng nó còn thức và đã khám phá ra vết tàn thuốc cháy một lỗ trên nệm giường chúng nó. Tiếng một người dưới kia đang ho và khạc nhổ. Tiếng hàng xóm thì thẩm; tiếng xe chạy xa xa; một con đường rừng, một cánh đồng hoa mồng gà đỏ; ba tách cà phê với một chút rượu rhum cho thơm ngát một đêm lạ, một bản nhạc của một trăm năm trước; ba bốn cuốn sách; một bao thuốc lá biến thành tro; tôi làm thánh; tôi muốn làm đạo sĩ, một đạo sĩ điếm đàng, một bậc thánh tàn bạo, rung rợn, gieo tai hoạ, rắc dịch hạch, ban phép dữ cho loài người. Mộng mị và đời sống, mộng mị và đêm khuya, mộng mị và mặt trăng, mộng mị và mồ hôi nách, mộng mị và dâm đãng, mộng mị và hơi sương buổi sớm; ruộng lúa và mặt trời, hoa mồng gà đỏ và hoa cúc vàng vào đêm ba mươi Tết; tiếng máy bay chạy đều đều; tiếng kêu, tiếng sủa, tiếng máy, tiếng nước, tiếng bàn động, tiếng ngòi bút, tiếng xe nổ, tiếng nói, tiếng thở, tiếng áo cởi, tiếng nước máng xối chảy càng khuya càng rộng rãi, tiếng mộng mị, tiếng chim đập cánh, tiếng mặt trời động đậy nhoi mình lên cho buổi sáng mai.
Tôi vừa tìm được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc quá man rợ.
LIX.
Tôi ngồi xuống, tạo ra một vũ trụ trong gian phòng. Tôi chỉ sống với những ý tưởng trong đầu; những ý tưởng ấy là những con bướm vàng bay lượn, những chiếc lá cuốn tròn, những đám mây hững hờ, một đôi mắt nhay nháy, hai buổi chiều bơ vơ trong một thành phố ngoại quốc, ba chuyến tàu hoả băng qua ba biên giới khác nhau, một tên người quên lãng từ lâu, một dáng đứng buông hờ trên một trạm ga vào hai giớ sáng, một cô gái mặn mà ngồi lạnh lùng trên ghế đợi, ơi là mộng mị, ơi là sương bay, ơi là một buổi chiều tuyết rơi, bên tách cà phê nóng ở Paris, tuyết bay ngoài cửa quán cà phê, “những cơn tuyết bay của mùa vắng mặt”. Chỉ một vài ý tưởng cô liêu trong đầu, trong máu, cũng đủ đem về những con đường đã đi qua, những cây đèn sáp đã cháy hết, những cây đèn sáp trở về hư vô; sáp thánh khói, thời gian thánh ý tưởng, con chim thành vết mực đen, một người con gái thành cơn nhói đau của tim, một buổi mai không chờ đợi, một tiếng động cơ và tôi ngồi đây, đốt lên từng điếu thuốc, đốt lên từng giọt máu, giọt máu biến thành hơi thở và hơi thở đi ra giữa hai hành lang.
LX.
Mơ mộng là nốt ruồi son của đời sống. Tôi mơ mộng suốt ngày, mơ mộng nhiều hơn hành động. Tại sao lại sợ mơ mộng? Hành động là một thứ hình thức sa đoạ của mơ mộng, hành động là mơ mộng không đúng lối. Biết mơ mộng, mơ mộng rằng mình đang mơ mộng, thức trong mơ mộng, thở với mộng mị, đi trong mộng, mộng rằng mình đang mộng. Nốt ruồi son của tôi, trong thân thể tôi, là những tháp chuông vào lúc 11 giờ khuya, lúc người gánh cỏ vừa trở về mở cổng, tiếng gà đêm kêu ríu rít. Tôi sống ngoài không gian, ngoài thời gian, mơ mộng là bay mãi trên trời, chìm trong gió, làm bạn bè với bầy chim hải âu, tắm trên đầu ngọn mưa cuối hạ, thở với trái tim non của con chim sẻ.
LXI.
Ý nghĩa của một câu văn, một lời nói, một quyển sách, không quan trọng. Ý nghĩa hoàn toàn không quan trọng, cao siêu, sâu sắc, nông cạn, thiển cận, tất cả tính từ này không quan trọng, chỉ quan trọng là hơi thở mà người nói và người viết đã cô đọng vào đó; chính lòng tronh sạch của người nói và người viết mới quyết định tất cả linh hồn của câu nói và câu viết. Dù người nói và người viết có chết đi và dù mười ngàn năm có trôi nếu câu nói và câu viết ấy còn sót lại thì hơi thở nóng nồng của người nói và người viết vẫn còn nguyên vẹn trong câu văn. Chính cơn say sưa thuần khiết, chính lòng chân thành, chính sự sạch sẽ trong tim đã khiến cho lửa trong câu văn vẫn còn cháy mãi thiên thu.
Một lời nói, dù cao siêu thâm trầm đến tột đỉnh, vẫn hoàn toàn vô nghĩa và nhạt nhẽo; nếu lửa của người nói và người viết không cháy trong lời nói và chữ viết ấy. Lửa trong và lửa ngoài phải tiếp nối nhau, như cây diêm và lưu hoàng, như mặt trời và con mắt của con người, như cơn điên nửa đêm và mặt trăng thượng đỉnh.
LXII.
Vô hạn vừa nổ trong tôi, một con chim run cánh bay chấp chấp giữa cơn mưa chiều.
LXIII.
Tôi không thể sống với bất cứ ai nữa. Tôi chỉ có thể sống một mình. Nói chuyện với bất cứ ai, chỉ trong vài giây là đủ để tôi nuốt hết tất cả sự trống rỗng nông cạn của đời sống họ. Vẫn bấy nhiêu lo âu sợ hãi, vẫn bấy nhiêu tình cảm xúc động, vẫn bấy nhiêu chật hẹp tâm tư, khắp mọi chân trời, con người hoàn toàn giống nhau. Mười ngàn năm trước, con người vẫn như thế; người ngàn năm sau, con người vẫn như thế: dè dặt, lo sợ, yếu đuối, hèn nhát, kiêu căng, hào nhoáng bần tiện, cạn cợt, thấp hèn, biếng nhác, bất mãn và tự mãn một cách ngu xuẩn.
Tôi không còn muốn nói chuyện hay làm bạn với bất cứ ai. Dù có Thượng đế đi nữa, tôi cũng không hề muốn nói chuyện với hắn. Tôi cũng thấy Thượng đế là hố sâu để chất chứa tất cả những gì bần cùng nhất trong ý thức và vô thức của con người.
Tôi không còn muốn nói gì nữa; tôi không còn muốn nghe gì nữa. Hoả ngục là phải nghe và phải nói. Tôi sẽ bỏ đi và đi mất. Các ngài sẽ được ở lại vĩnh viễn để vĩnh viễn nói và vĩnh viễn nghe.
LXIV.
Sống nhẹ nhàng, sống như đã chết rồi trong cuộc đời; sống không mệt nhọc, không khó khăn, không hề cố gắng, sống như nước chảy ào ạt vào những rừng thông, sống như nước tràn, sống như chim bay, rừng bay, gà bay, ngỗng bay, cá bay, vịt bay.
Sống như đã chết với mặt đất này, sống như đã mù, đã điếc, đã câm: sống như tàn tận, như tê bại thân thể, như chậu tùng đã héo, như cây xương rồng gẫy nát, như đầu điếu thuốc dúi vào gạt tàn đầy tro đen.
Sống như viết văn: đừng bao giờ chờ hứng. Viết thì phải viết ngay, dù hứng không đến, dù mưa, gió, nắng, bệnh hoạn, đau đầu, đau cổ, đau thân thể, dù tiếng ồn đánh tan cả tĩnh mịch tâm tư, dù nghịch cảnh đổ dồn vào đầu, dù hoàn cảnh bắt buộc mình phải bỏ viết, nhưng vẫn tiếp tục viết, viết mãi, viết liên tục dù không còn ý tưởng rớt lại trong đầu, dù cơn ho rũ rượi xé nát buồng phổi, dù không còn gì trên đời để giữ mình lại với đời sống, dù tất cả người con gái mình yêu đã bỏ đi đâu mất, dù mặt trời không bao giờ mọc trong tim và óc, dù những điều thuốc đã cháy hết, dù cơn mệt nặng nề áp đảo sức khoẻ, dù gì đi nữa, vẫn cứ viết, tiếp tục viết, viết một cách bệnh hoạn, viết một cách điên loạn, viết một cách trác tang trụy lạc, viết một cách thánh thiện thiêng liêng, viết trong hoả ngục, viết trong phòng tối, viết trên giường, viết trên xe, viết trong cầu tiêu, viết trong nhà thờ, viết trong nhà tù, viết trong nhà đĩ, viết trong tu viện, viết tay trái, nếu tay mặt bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân, nếu tay trái bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân trái, nếu năm ngón chân mặt bị cắt đi; viết bằng bộ phận sinh lý, nếu chân và tay đã bị cắt mất; viết bằng bụng nếu bộ phận sinh lý bị thiến đi, viết bằng mắt bằng mũi, bằng môi, bằng lưỡi.
Sống cũng giống như viết: Sống là viết, Sống, dù phải chết nay mai; sống dù không có gì đáng sống. Sống, dù hứng không đến- Sống, dù tất cả quyền sống đã bị tước đoạt; sống, dù hoả ngục vẫn vồ chụp lấy mình từ giây phút này đến giây phút khác. Sống bằng chân, sống bằng tay, sống bằng mũi, sống trên trời, sống dưới sông, sống trên biển, sống trên rừng, sống trên núi, sống trên đá, sống trong đất, sống trên mây.
Sống như vứt xác của mình trên kè đá cao ở Tây Tạng để cho diều hâu và ó núi bay vù đến rỉa rói từng mảng thịt ứ gió.
Sống với mầu đỏ, sống với màu vàng, sống với màu xanh, sống với màu đen, sống với màu trắng, sống với màu xanh lá cây!
Đốt đèn sáp lên và quì lạy màu xanh lá cây. Đọc kinh cho màu xanh lá cây, ngủ trong màu xanh lá cây, đau nhói trong màu xanh lá cây, khóc trong màu xanh lá cây; viết bằng lá bần, lá dâm bụt, lá dừa, lá me, lá trầu cay. Lấy màu xanh lá cây sơn mặt trời buổi sáng, lấy màu xanh lá cây sơn dòng sông xuyên rừng, lấy màu xanh lá cây sơn lên áo em mặc vào mười hai năm trước. Quế Hương, Quế Hương của màu xanh là cây.
LXV.
Tôi vừa hồi sinh. Gần một tháng nay, tôi bất động, chỉ nằm ngủ suốt ngày, không còn muốn cử động gì nữa. Bây giờ thì tôi đang hồi dương, tôi yêu đời, yêu, yêu, yêu vô hạn, tôi thấy mình kiên nhẫn, thông minh, sáng suốt hơn cả going suối ngọt ở Thiên Thai. Tôi viết như nhảy múa, bất cứ việc gì cũng thơ mộng, tất cả đều trong sạch, tôi yêu cả nhân loại đã chết, cả nhân loại đang sống; tôi yêu cả thảo mộc, cả thú vật, cả khoáng vật, cả sinh vật và tử vật; tôi yêu đá, yêu nhất là đá khô; tôi yêu những con vi trùng, yêu nhất là những con vi trùng nguy hiểm độc địa. Mưa vừa dội xuống lan can. Mộng ơi là mộng, mị ơi là mị, mộng mị, tất cả đều là mộng mị. Mưa trên mộng mị, mưa ơi là mưa, tôi thờ lạy những cơn mưa. Mưa đổ xuống đời, mưa đổ xuống đây, mưa xây mộng mị, mưa trên tháp chuông, mưa rừng bay về thành phố, mưa biển bay về núi cao, mưa mùa đông bay về mùa thu, mưa từ hư vô bay về trái đất. Tôi lạy mưa, ôm mưa, hôn mưa, thương mưa, nhớ mưa.
Tiếng mưa nhẹ dần trên khói thuốc.
LXVI.
Con đường ngắn nhất, dễ nhất, mau nhất vẫn là con đường chậm nhất, khó nhất và dài nhất. Tôi nguyện đi thật chậm, từng bước, từng bước.
LXVII.
Chỉ cần một ý tưởng là hai thế giới được xây thành và bị phá hoại; ý tưởng mửa con gà con trên cánh đồng cỏ, ý tưởng bay như chim trong giấc ngủ, ý tưởng đọng lại thành sữa trong ly. Sống một ngày và cỡi trên ý tưởng để bay vào cuộc đời, cỡi trên ý tưởng như cỡi trên lưng con lừa. Xúi ma quỉ nhập vào ý tưởng, ý tưởng cuộn tròn nhảy múa; ý tưởng thành thần chú. Cho ý tưởng mọc trong đầu, trong máu, như những cụm lan rừng.
LXVIII.
Buồn và đau tê tái, cuộc đời tê tái, bước chân tê tái, tôi sống gượng qua ngày tháng lãnh đạm, khô héo, tê tái, có lẽ tôi sắp chết, không còn gì để sống nữa. Lại về, lại hiện về, quá tê tái. Suốt đêm nay, tôi không muốn ngủ. Tôi héo dần, chết dần, chết dần, tàn tạ, khô lạnh, nước mưa tràn ngập con đường xưa. Tôi không còn sống nổi trên đời nữa, mỗi buổi chiều lại mang đi những dấu chân đen…
Bây giờ là một giờ khuya, tình thương tràn ngập phòng tôi. Chung quanh tôi, những con muỗi đang bay, từng tiếng kêu vo vo của muỗi làm bừng dậy sự sống, trong gian phòng, tôi đang sống với sự sống mọi sự đều mới lạ, mộc mặc, bí mật, bao la và bí mật. Tất cả mốc meo của cuộc đời cũng trỗi dậy như ngọc reo trong biển sâu; những nụ tầm xuân vừa hót lên bài ca chào đời; hồn tôi bay xuống ruộng cà và đậu trên trái cà đỏ như một con bướm giao tình. Bên cuối địa cầu mùa xuân đang về; bên đây, mùa hạ của gian phòng tôi leo lét trước cơn gió mơn trớn của tình thương rừng quế. Tôi thương những con muỗi bơ vơ, tôi thương những con gián trong tủ sách, tôi thương tiếng chó cào nhào giữa phố, tôi thương cơn đói nhè nhẹ trong lòng.
Đêm nay, tôi sẵn sáng lao đầu vào tất cả mọi hỏa ngục, hỏa ngục nghĩa bóng và hoả ngục nghĩa đen. Tôi lao đầu, lao thân, lao hồn vào hỏa ngục, miệng mỉm cười, mắt đắm đuối, tim bao la. Tình thương tuôn chảy ào ạt ngập cả phòng, tôi run lạnh, tôi ấm áp, tôi bơi trong nước, sặc mũi trong nước, cô độc như tảng đá mốc meo, bao dung như mưa nguồn, bình thản như đêm không trăng, thơ ngây như kinh nghiệm, uy nghi như khói núi. Yêu thương, tôi đã thấy; yêu thương, tôi đang thức. Sống “khi buổi sáng thức dậy trên ngoại ô thành phố”. Nhan đề một quyển sách ngoại quốc chưng bày trong một tiệm sách mà tôi đã thoáng thấy ngày hôm qua.
Bây giờ, một giờ khuya, mặt trời đang mọc trên ngoại ô của giấc ngủ đêm nay.
LXX.
Bình tĩnh, nhẹ nhàng, chịu đựng tất cả những cực hình lớn lao nhất trong đời mà không bao giờ than thở, lì lợm kiên nhẫn, bới sâu hết những giải đất của Đông phương và Tây phương, bỏ mình hy sinh cho một đóa hoa héo trong ly nước.
LXXI.
Trong tôi vừa nổi dậy một cơn thác lũ động đất, tôi yêu đời, yêu lạ lung; tôi yêu luôn sự chết; tôi sống với tất cả những người đã sống trên vũ trụ: tất cả mọi người là tôi. Tha thứ, khoan dung, rộng lượng, tôi ôm cả đỉnh núi trào bọt biển. Tôi không còn biết gì nữa. Tôi bí ẩn, lướt thướt, hạnh phúc, tuyệt diệu, tuyệt vời… Ồ, ồ. Nói gì… nói gì nữa…
LXXII.
Mắc cỡ những lúc nói hay viết những chữ “đời”, “cuộc đời”, “cuộc sống”; những chữ ấy là những chữ gì, có nghĩa gì; tôi nào có hiểu gì đâu, tôi không bao giờ hiểu gì cả, tôi hoàn toàn không hiểu gì cả.
Kiên nhẫn, lạnh lùng, xa lạ, viễn mộng bay qua lòng tôi như ráng chiều trên song nhạc Beethoven…
LXXIII.
Tôi đủ kiên nhẫn như đồi núi, như tảng đá khô, để bước đi từng bước một, học từng chữ A và chữ B, tập đánh vần, tập viết và bỏ từng dấu chấm và dấu phết, để cho sống lại trong hồn tôi những đồng xanh đã mất, những đám lúa xanh bay vút trong bóng mặt trời.
LXXIV.
Tôi không muốn thay đổi những gì đã xẩy ra trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Tất cả đã xẩy ra như ý muốn lạ lùng của tôi, tôi sống và tôi chết như tôi đã sống và đã chết. Tôi leo lên, với lên, bò lên, đứng ở trên cao; tôi trượt xuống, té xuống, rơi xuống, chìm xuống tận đáy sâu. Tôi bay lên bay xuống, tôi nằm xuống và đứng dậy. Tất cả đều xẩy ra như tôi đã muốn. Thức và ngủ, thực và mộng, tất cả lan ra và thu lại, chim chiều bay xa, chim mai gọi về… Chỉ im lặng, tôi mới sống nổi… Ồ, ồ hơi thở sao mà thiêng liêng.
LXXV.
Mưa đổ ào xuống lòng tôi, tôi nghẹt thở, tim tôi nhảy vụt lên trời, ồ sung sướng, hạnh phúc ngây ngây, thiên đàng, tôi đã thấy thiên đàng, nốt nhạc xưa nổi dậy theo hơi gió luồn qua mười ngón chân tôi.
Chậm chạp, bình tĩnh, sẽ tới nơi, tới nơi, đừng gấp gáp, đừng vội vàng, sắp tới, tới đã tới nơi rồi. Chậm chậm, mọi sự đều xong, bước tới, chỉ còn một bước nữa, bước từng bước cho trọn, tới, sắp tới, đã tới rồi. Ồ, ồ, tới, đến rồi. Chậm chậm mọi sự đều thành tựu. Cơn điên mặt trời đã dứt, cơn đau mặt trăng đã chìm; bình tĩnh, đừng bồn chồn, không có gì canh cánh, điềm đạm, từng bước một, từng hơi thở một, nhè nhẹ, âm thầm, tới, bước tới, sắp xong rồi, đã tới rồi. Mưa vẫn lí lóe cùng tiếng sấm xa xa, hồn tôi đã nhập. Ồ, ồ… tôi yêu, tôi yêu… Tôi yêu tôi!…
LXXVI.
Sự nản chí, nản lòng, ý định muốn bỏ cuộc chỉ xẩy ra trong một giây: đừng để một giây làm thành định mệnh. Hãy đập nát nó ngay lập tức và ngồi dậy tập thở cho điều hòa. Một giây phút nản chí là mùa đông, một hơi thở, chỉ một hơi thở là mùa xuân bừng dậy. Từ đây, tất cả cuộc đời tôi được xây dựng trong đoạn văn này.
LXXVIII.
Tôi thèm chết, nhớ chết, yêu chết, thương chết. Chết. Chết tất cả kỷ niệm, chết hết những ngày tháng cũ, chết hết những con đường đã đi qua và ngàn đời không trở lại. Có lẽ tôi đang hạnh phúc mà không biết?
LXXIX.
Hiểu được ý nghĩa chữ “donc” là hiểu được trọn vẹn văn hóa Pháp, văn hóa Âu châu, văn hoá Tây phương.
Sự thất bại lớn nhất của tôi, nỗi đau đớn của tôi là đã sống theo ý nghĩa của chữ “donc”…
Tại sao phải vội vã hấp tấp?
Tại sao phải gấp gấp, khi mà mỗi bước đi đều là định mệnh? Mỗi cái nhìn là thiên thu ly biệt? Mỗi lời nói là một thế giới sụp đổ? Mỗi giây phút là đền điện vĩnh cửu? Tôi không còn biết thù ghét, bực bội giận hờn, phân chia. Tôi là tất cả mọi người đang ngủ, tất cả mọi người đang mộng, tất cả mọi người đang thức, đang làm việc, đang thở, đang hút thuốc, đang đau đớn vui sướng, hãnh diện, ray rứt, mệt mỏi, hạnh phúc, già và chết. Tất cả nhà tù bị phá vỡ trong tôi, tất cả những đường rầy xe lửa đang chạy suốt đêm trong hồn tôi. Tôi bước đi rất chậm, tôi nói rất chậm và viết rất chậm, vì nhân loại đang đi, nói và viết. Sự mau lẹ, sự nhanh chóng chỉ là cơn bệnh trầm trọng của không khí.
Gió thổi nhanh nhất khi không khí xoáy chậm lại, mặc dù gió là không khí trưởng thành!
Triết lý ngày mai phải là triết lý về nước.
Tôi phải sống như chết rồi, leo lên, vươn lên, hy sinh cho mọi người, chịu đựng mọi người, tha thứ mọi người, thương yêu họ vì lòng tôi tràn đầy sự khinh bỉ. Im lặng, nói để mà im lặng, im lặng để mà nói… Đường đời chỉ còn gió thổi. Tôi có nghe tiếng gió?
Tại sao mấy triệu năm đã trôi qua rồi mà loài người vẫn không thay đổi? Vẫn bần tiện, vẫn nông cạn, vẫn bao nhiêu nhỏ mọn hèn nhát?
Hôm nay tôi phải viết một bức thư 50 trang gửi cho Thượng đế nói về sự im lặng của Nietzsche và khi viết bức thư trên thì tôi lên đường đi qua Nice, Gênes, Turin, Sils-Maria, bước từng bước một đi theo hình bóng cũ, nghe tiếng sống xa cách mãi, tinh thần không còn se sắt và thu trần gian bay về đây.
Tôi thích mới lạ, thích thay đổi, thích cảm giác bén nhọn, thích vui đùa để chạy trốn. Sự buồn chán, sự tẻ nhạt, sự lạnh lùng là thiên đàng của tôi.
Mất, tôi đã đánh mất tôi quá nhiều. Mất đi, cho mất đi, chẳng có gì hối hận, lên và xuống, vui và buồn, yêu và ghét, tôi thay đổi hay chính ngữ vựng trong đầu tôi đã thay đổi. Ngữ vựng của một người dùng mỗi ngày đã quyết định cuộc đời của người ấy.
Chỉ sống một lần và lần cuối, chỉ chết một lần và một lần đầu.
Tại sao tôi thế này, tại sao tôi thế kia, tôi phải sống thế nào, ý nghĩa cuộc đời là gì, tại sao tôi chết, tại sao tôi đau khổ như thế, tôi chán đời như thế, vân vân.
Tất cả những câu hỏi như trên chỉ xuất hiện lúc trong người mình yếu đuối, mệt nhọc; mệt nhọc đặt câu hỏi về sự mệt nhọc: như thế có khác gì con rắn cắn đuôi rắn, vì không ý thức được rằng đuôi rắn là rắn: rắn cắn một cách vô ý thức và tưởng rằng đuôi mình là một thực thể khác mình: đặt lên những câu hỏi và tìm những câu trả lời: tưởng rằng những câu trả lời khác câu hỏi!
Tôi sống ý thức từng giây phút và ý thức rằng từng giây phút là từng ý thức, vì giây phút chính là ý thức, không khác ý thức: ý thức là thời gian; ý thức về thời gian là thời gian về thời gian, nghĩa là: rắn cắn đuôi rắn: người Việt Nam giết người Việt Nam: ngày mai tôi chết đi, dù chết bởi lý do gì đi nữa, chết tai nạn, chết bức mệnh, chết yểu, chết đau bệnh, chết điên, chết già, chết giữa mặt trận; dù chết vì bất cứ lý do gì đi nữa; tôi phải hiểu rằng chính tôi đã giết tôi, cũng như chính rắn đã cắn rắn; nói theo một nghĩa bơ vơ hơn nữa, chính tôi đã sinh ra tôi.
Tôi giết tôi, tôi sinh ra tôi: bất diệt; tôi đang ngồi đây viết những dòng chữ kỳ dị này; nghĩa là mười triệu năm nữa, nói theo lịch sử loài người: tôi vẫn còn đang ngồi đây viết những dòng chữ kỳ dị này. Ồ, lạ.
Tai nạn lớn nhất trong đời là sợ sự nhạt nhẽo khô khan. Phải sống nổi với những gì khô khan nhạt nhẽo nhất thì mới nói đến chuyện lên núi.
Sống thực khô khan, thực cũ kỹ, thực bình thường, thực nhạt nhẽo, thích lặp đi lặp lại muôn ngàn lần những gì mình đã biết rồi, lặp đi, lặp lại với ý thức cháy mặt trời…
Không đi tim mới lạ: tất cả sự mới lạ đều là sự đánh lừa của ý thức. Hãy đào bới trong những gì khô khan, tẻ nhạt, buồn chán nhất.
Hãy ăn cơm trắng tring mỗi ngày, chỉ ăn cơm trắng mà không bỏ muối, không bỏ tiêu, không bỏ ớt. Hơi thở vẫn là cao nhất, sang nhất, đẹp nhất trên cuộc đời này và trên tất cả vũ trụ này.
Nhân loại là hơi thở liên tục.
Hơi thở đứt ra thì tất cả nhân loại bị tiêu diệt và một vũ trụ mới thành hình.
Cô độc làm cho người ta gây ra chiến tranh, cô đơn khiến cho người ta kêu gọi hòa bình; chiến tranh và hòa bình chỉ là tiếng động của những người cô đơn. Cô độc làm cho phản lực cơ bay lên trời, cô đơn khiến cho bom nổ vỡ mặt đất.
Chịu đựng, tôi phải chịu đựng cho tới bao giờ? Chịu đựng cho mặt trời mọc mỗi ngày, chịu đựng cho sự thay đổi vĩnh viễn của mặt trời, chịu đựng cho sự phân ly, chịu đựng cho nỗi bất lực, chịu đựng những cánh cửa đóng, chịu đựng cơn lạnh buốt thân thể lúc mặt trời mọc ngay đỉnh trời…
Tiếng gõ cửa, tôi không muốn mở, và vì thương nhân loại, tôi đã mở cửa.
Một tiếng ừ, một tiếng không… tôi chỉ nói ờ… ờ, thế này, ờ thế kia… không bao giờ ừ không bao giờ không… ờ, ờ… chỉ ờ thôi.
Cửa đóng là một tiếng không dứt khoát.
Cửa hé là một tiếng ờ ngập ngừng.
Cửa mở là một tiếng ừ dễ dàng.
Đóng, hé và mở là ba tấn bi kịch phũ phàng mà tôi phải đóng mỗi ngày. Sự sống và sự chết: tiếng ờ là một cây cầu bắt qua sự sống và sự chết. Tôi mong cầu sụp đổ, dưới kia là tiếng không vĩnh viễn.
Nắng hôm nay quá chói chang, nó đâm nát sự bình thản trong tâm hồn, dục tính trỗi dậy ầm ầm như tiếng núi sập theo cơn lũ tuôn tràn… Tôi không ngờ dục tính trong tôi còn quá mạnh như thế: tôi tưởng nó đã chết, đã khô. Tôi nằm dài và cố gắng thở nhẹ nhàng để ngủ, nhưng dục tính cứ ầm ầm trổi dậy, nó đập tôi, xô tôi, quất mạnh vào từng thớ thịt, tôi mệt nhoài trong cơn chống cự hằn học, tôi đóng cửa lại để xô đuổi từng luồng ánh sáng cuồng dâm đổ tràn vào cửa sổ. Mặt trời bừng bừng sáng chói lên và dục tính trong tôi bừng bừng nổi dậy như một ngàn cơn động đất, tôi nằm ngửa ra và ngó lên trời, tôi cố gắng thở nhẹ nhàng, tôi thiếp đi trong cơn mê sảng, tôi thức dậy vào ba giờ chiểu, cổ họng khô cháy, mặt trời bắt đầu xế qua chân trời, đánh diêm đốt lên từng điếu thuốc rã rời, thở ra từng cuộn khói trắng, lòng nhói lên những hình ảnh quá khứ loạn cuồng, những kỷ niệm giết chết hiện tại, bóp nát buổi chiều nắng quái và phá vỡ trái tim của một mặt trời sắp lặn.
Mong đợi một cái gì khác xẩy ra là cơn bệnh trầm trọng hiện nay. Sống cứ triển hạn, sống như chưa chịu sống thực, tôi phải xử trảm tôi ngay lúc này, tôi phải cắt đầu tôi trong mỗi phút. Đừng bao giờ mong đợi gì hết: bất cứ giờ phút nào, bất cứ giây phút nào cũng đều quan trọng và nặng chĩu ý nghĩa: tôi phải sống thường xuyên với thiên thu vĩnh cửa; bất cứ sự việc tầm thường nào cũng nặng chĩu trái đỏ và hoa trắng, bất cứ những gì xầy ra mỗi ngày chỉ xẩy ra trong vĩnh cửu thiên thu; một giây là một triệu năm trôi qua. Yêu, yêu hết tất cả kẻ thù, yêu tất cả những ngày thê thảm, yêu hết những mặt trời cay đắng, yêu hết những mặt trăng tủi nhục.
Tôi đang sống trong thiên đàng, hoả ngục cũng chỉ là thiên đàng, một thứ thiên đàng thâm trầm hơn, bí ẩn hơn; tôi đang ngồi trên cao, nhìn xuống thành phố dưới kia, tôi làm bạn vô hình với tất cả mọi người dưới kia, không phân biệt, không xa cách họ; một trăm năm nữa, tất cả những người dưới kia chỉ còn là cát bụi; tôi yêu cát bụi; mỗi hạt cát là dấu vết sống động của một kiếp đời bí mật; tôi yêu sự bí mật; tôi yêu luận lý học, vì luận lý học cũng bí mật trá hình; tôi yêu tất cả sự trá hình; tôi thích đóng kịch; tôi yêu những thằng hề trong kịch; tôi ghét những đôi mắt của những đứa con gái còn trinh: đôi mắt ấy là sự trá hình của một thiêng đàng giả tạo. Lãng mạn, cả đời tôi là một bài thơ lãng mạn: tóc tôi bay dài theo gió trời; tóc tôi bay bồng bềnh như mây mộng trong tim tất cả người con gái đẹp; tôi nỏi giận: tôi cắt tóc và cạo đầu trọc để mặt trời vẫn có thực trên mái ngói mỗi buổi sớm mai, để “bao nhiêu thương nhớ đầy vơi”…
Tôi yêu những gì khô khan nhất trên đời; tôi yêu những gì khó hiểu nhất, tẻ nhạt nhất, buồn chán nhất; tôi yêu những gì cổ điển nhất, lỗi thời nhất, những gì loài người bỏ quên, đánh mất và xua đuổi. Mục đích tối thượng của đời tôi là tạo ra cho mình một đời sống thức buồn chán, thực tẻ nhạt, thực khô khan, thực bình thường, thực lạnh lùng: tạo một đường mòn cho đời mình; một con đường thực mòn, mòn đến chán chường, mòn đến buồn ngủ, mòn như những gì mòn nhất trên đời; mục đích tôi hậu của đời tôi là phải cố gắng tạo cho mình một đời sống nhoè nhạt của một con chó già, con chó ngáp ngủ và nằm thè lưỡi thở nhọc nhằn giữa một bầy ruồi nhặng quấy rầy; tôi đang sống trên thiên đàng, một thứ thiên đàng kỳ lạ, một thứ thiên đàng đầy ruồi nhặng, đầy sắt cũ, đầy đá khô, đầy mồ hôi nách; tôi mong đợi được sống ở hỏa ngục, nhưng trọn đời tôi chỉ là một kẻ bất đắc chí vì đã không tìm thấy hỏa ngục; tôi nhớ, thèm, khát, mơ mộng nhớ nhung hỏa ngục. Tôi không thể sống nổi nữa vì không tìm ra được hỏa ngục. Chỉ có hỏa ngục mới là quê hương của tôi, nhưng tôi đã mất quê hương; tôi đã bị lưu đày khỏi hỏa ngục yêu dấu. Ôi hỏa ngục thơ mộng của đời tôi, ới hỏa ngục xa xôi của mộng đầu, hãy trả lại tôi ngọn lửa thiên thu, hãy cho tôi được đốt cháy thiên thu trong hỏa ngục. Chỉ có những con quỷ dữ mới là bạn thân của tôi, tôi không còn sống nổi với những ông thánh mất dạy. Ai hiểu nổi tôi? Chỉ có quỷ ma mới hiểu được tôi. Lòng tôi phong kín như một bày hoa trắng chưa nở trong rừng sương. Tôi lãng mạn như một buổi chiều không tới, như một chuyến tàu trễ hẹn vì mùa xuân đến sớm và tung ra muôn ngàn bụi hoa non trên đường rầy…
Một danh từ ám ảnh tôi ngày hôm nay là danh từ Hán Việt “nguyên khí”. Đánh mất nguyên khí là sự nản lòng của đời người: nuôi dưỡng nguyên khí là để ý thường xuyên hơi thở của mình. Người ta chỉ chán, bỏ cuộc, thiếu can đảm bạo dạn lúc nguyên khí bị đánh mất đi. Sứ mệnh tối trọng bây giờ là phải làm sống lại những danh từ bị bỏ quên trong ngôn ngữ: giữ nguyên khí, nuôi dưỡng nguyên khí cho ngôn ngữ. Tiến một bước tréo nữa là giữ nguyên khí cho chính danh từ nguyên khí.
Tôi phải giết chết tôi, đập nát bản ngã nhỏ hẹp, vươn lên đám chim ưng trên cao kia. Chịu đựng, chịu đựng cho tàn lửa, rồi phá vỡ sự chịu đựng, ca hát trên những buổi chiều tắt gió. Ru lên những lá chớm trên mái nhà thuở bé nhỏ. Động mình kêu tiếng thở xanh xao. Ô hay, nước mặt đã cạn. Con sông trước mắt tôi không còn chảy, tiếng bước chân đi trên không khí, tiếng hè phố chiều thứ bảy. Con người tìm giải trí tiêu khiển để quên rằng mình chỉ sống một lần, chỉ yêu một lần, chỉ nhìn thấy một lần, chỉ nghe tiếng kim khí va chạm một lần thôi. Tư tưởng, chỉ một tư tưởng thoáng hiện trong đầu là một vũ trụ xa lìa chìm đắm. Hồi sinh lại tư tưởng. Giữ nguyên khí cho tư tưởng.
Mỗi ngày tôi thức dậy trước bính minh; tôi muốn túm lấy cổ mặt trời. Tôi phải thức trước mặt trời, không thì mặt trời sẽ chụp lấy đầu tôi và khiến tôi điên đảo uất nghẹn u tối trọn ngày. Ngày nào tôi cảm thấy yêu đời thực sự đều là những ngày tôi đã thức dậy trước bình minh. Trời màu xanh huyền huyền, gió bay quá nhẹ, gà gáy quá thanh, tiếng thành phố nhóm dậy như một bầy hoa hé mở từng khóm trong khu rừng xao xác lá đông. Nguyên khí chỉ xuất hiện trọn vẹn từ 1 giờ khuya đến lúc bình minh chuyển mình. Hôm nay, tôi yêu đời lại như xưa, tiếng chuông nhà thờ đổ dồn xao động những đường phố ướt nước mưa. Tiếng một đứa trẻ khóc sáng. Tiếng động của những năm trôi qua trở về bóp nhói tim tôi.
Tôi không thể sống nổi với bất cứ những người nào tôi đã quen biết. Sống với bất cứ ai, tôi cũng thấy hết, đâm thủng vào những tâm tư thầm kín của họ: Nỗi đau đớn của đời tôi là đã nhìn thấy, nhìn, nhìn thấy quá sâu vào những ý nghĩ của con người. Tôi có thể đọc được tất cả những gì đã xẩy ra và sẽ xẩy ra trong một lời nói vô nghĩa, một cử chỉ nào đó, một bóng chờn vờn vô hình nào đó, trên nét mặt, trong giọng nói, trên trán, trong con ngươi mắt, trên hé môi, trong cổ họng, trên sóng mũi, trong hai lỗ mũi, trên dáng đi, trong muời ngón tay thừa thãi.
Dù biết thế, tôi vẫn phải yêu đời sống và lại càng yêu nó thập bội; nói tóm lại, vì biết thế, tôi phải thức dậy trước bình minh.
A, a, tôi đã thấy. Mặt trời chiếu cao và ôm ghì đôi chân của tôi, tôi bước qua bước lại trên ban công, tôi đi qua đi lại, bước chân tôi vụt mạnh từ trái qua mặt, bước chân tôi đi vụt qua vụt lại như trái tim đồng hồ lớn treo trong một ngôi nhà cổ ở nghĩa địa. Tôi bước qua lại trên ban công và tư tưởng tôi vút qua vút lại như con thuỷ triều ở biển rộng. A, ồ, tôi đã thấy, đã nhìn thấy rồi. Mặt trời không bao giờ có thực; tôi muốn hét lên rằng Mặt trời không bao giờ có thực, mặc dù mặt trời đang chiếu rực ngời trên đầu tôi; Mặt trời không bao giờ có thực. Từ lâu tôi đã đau khổ quằn quại, tôi đã tê liệt thần trí, vì nghĩ rằng mặt trời vẫn mọc lên đầu mình. Tôi đã chiến đấu với mặt trời, đã để sự hiện diện của mặt trời đè nặng trên đời sống thường nhật. Tôi đã khám phá ra một sự bí mật lớn nhất của vũ trụ: Mặt trời không bao giờ có thực, mặt trời không bao giờ có thực.
Các ngài có thể lấy khoa học và cơ khí tối tân nhứt để chứng tỏ rằng mặt trời có thực. Tôi vẫn tru lên rằng mặt trời không bao giờ có thực! Tôi sống và chết với những gì tôi đã khám phá ngày hôm nay.
Ngày hôm nay là ngày 30, ngày cuối tháng, tôi đã đánh mất tôi bao lâu rồi? Tôi đã quên hết rồi. Bắt đầu từ giờ phút này; tôi nguyện ở lì luôn trong phòng, không đi xuống lầu, dù với bất cứ lý do nào, không nói chuyện, không mở cửa, không tiếp đón ai cả. Tôi ngồi suốt ngày trong phòng, viết suốt ngày, viết suốt đêm, viết suốt tuần, viết đang lúc ngủ, viết lúc thức, viết lúc thở. Đóng kín cửa lại, không mở cửa sổ, giết hết tất cả sự thực, tạo ra một vũ trụ mộng mị và chết lì lợm luôn trong cơn mộng huyền bất tận. Tình yêu hiện nguyên hình hôm nay. Trời, một đêm khuya lạnh lẽo đi suốt bao nhiêu cây số bên dòng sông Marne. Tại sao tôi còn sống đến ngày hôm nay?
Hãy coi mình là kẻ bị bệnh hủi, bị bệnh lao, bị bệnh tim, bị bệnh cancer; hãy coi mình như là đã bị tàn tật, hai chân bị bại, tê liệt, bị cắt đứt, hai tay đã bị đứt rồi, mắt đã mù, tai đã điếc, mũi đã tịt, lưỡi đắng, ý thức mù mịt; hãy coi mình như là kẻ bị tù, bị đầy ở Tây Bá Lợi Á, một kẻ bị trung thân lưu đày, một kẻ tử tội sắp bị đem ra hành hình, một kẻ bị khoét mù đôi mắt và tay chân bị còng và bị nhốt trong xà lim hôi thối, nóng nực.
Mặc dù như trên, đồng thời hãy coi mình như là thần thánh, Phật, Chúa, Thượng Đế, kẻ lớn hơn Thượng đế và khai sinh ra Thượng đế.
Đồng thời, hãy coi mình là một co quái vật, một thằng điên, một kẻ bại dâm và bạo dâm, một con quỉ, một con kiến rất nhỏ.
Yêu đời, cười thầm lặng, hưởng nuốt từng giọt thời gian, từng giọt ý thức luân lưu tỉ tê trong đầu. Sống trọn vẹn mỗi đêm, mỗi ngày; sống mỗi một cảm giác, một ý tưởng một cách thơ mộng, một cách sầu mộng, một cách lãng mạn, một cách tuyệt vời. Thiên thai xuất hiện từng giây trong gian phòng đóng kín. Chỉ cần một ý tưởng nào đó, tôi cũng tạo được Thiên thai bất tuyệt trong gian phòng đóng kín này. Không sợ mất thiên thai, không giữ lấy lại những gì đang lướt qua. Những dòng nước chảy tỉ tê trong máng xối và đón nhận tất cả như trời cho nước để đất nhận, thở ra và thở vào, đi xuống và đi lên, một thời đau khổ và một thời Thiên thai. Con người chỉ mất lối Thiên thai khi con người không chịu mất Thiên thai.
Hồi sáng tới bây giờ tôi chưa gặp ai cả, tôi nhìn tờ lịch và thấy ngày cuối tháng, không ngày mai mới là ngày 31 tháng 8, tôi phải viết suốt ngày hôm nay, không mở cửa và không nói nhảm nhí. Tôi nằm trong màu xanh lá trái cây, màu lục, màu lá rừng xuân. Trước mắt tôi cũng là màu xanh lá cây. Có tiếng gõ cửa. Tôi lắng nghe và lãnh đạm. Có tiếng xoáy ổ khoá, một con ma hiu quạnh bước vào, một con ma hiền lành đang mỉm cười và khuyên tôi tiếp tục ngồi sáng tạo, sáng tác, khai tạo, khai phá, khám phá, dựng lên một vũ trụ mà chính tôi là kẻ được toàn quyền phá huỷ và được toàn quyền biến chuyển mình thành ra kẻ lệ thuộc cho nó.
Nước trong máng xối tuôn chảy rà rào, buổi chiều mưa vụt rơi và vụt hết đi trong nháy mắt. Tôi nằm lênh đênh trên giường, từng cuộn ý tưởng rối rít đan dệt trong đầu, tôi không thây mình là gì cả, chỉ có chữ tôi là một bến tàu để neo giữ lại một con thuyền đang vượt trùng khơi. Bước đi thật chậm giữa ánh sáng tốc hành của vũ trụ, mỗi bước đi là mục đích cuối cùng, mỗi bước đi là nơi đến tối hậu, bước đi này dẫn đến bước đi khác, bước đi không đưa mình về một phương hướng nào cả: vòng tròn là dấu hiệu của đời sống và sự chết: vòng tròn là chân lý: vòng tròn là nỗi thất bại tuyệt diệu của mặt trời.
Sợ chết và thích sống, đó là dấu hiệu của người tầm thường.
Sợ sống và thích chết, đó là dấu hiệu của người bần tiện.
Không sợ chết và không thích sống, đó là dấu hiệu của người yếu đuối.
Không sợ chết và không thích sống, đó là dấu hiệu của người ngu xuẩn.
Biết sống và biết chết: dấu hiệu của kẻ khờ dại.
Không biết sống và không viết chết: dấu hiệu của kẻ đần độn.
Sống và chết: dấu hiệu của kẻ bệnh hoạn.
Không sống và không chết: dấu hiệu của kẻ ích kỷ.
Sống trong chết và chết trong sống: văn chương phù phiếm dùng để trang hoàng hoa mỹ cho sự trống rỗng của tư tưởng.
LXXXI.
Tôi khinh bỉ mùa thu trên tóc em.
Những con ngựa già chạy đuổi bóng trăng non
Tôi khinh bỉ tiếng gà gáy trọn đêm thâu
Những bóng ma đen trở về mua mộng ảo
Đường lên mặt đá hoa cương nổi loạn.
Biển nổi cù lao trên trời ly hương
Những con rắn già nằm ngủ mười lăm thế kỷ.
Hạnh phúc để trên khoé mắt bé thơ mùa tuyết chảy
Mây đông đùn khói cá chết trên trời
Tóc Quế Hương xõa xuống nhú đồi Place de la Contrescarpe
Những con đường lên, những con đường xuống
Tôi bước theo Phương trên đường lên dốc ngược
Phương xõa tóc dài phủ đá sông sâu
Xóm chợ Mouffetard Phương bước nghiêng đường dốc
Và hát rất nhỏ
Moi jie construis
Les marionettes
Avec… de la ficelle et du papier…
Tôi hát theo rất lớn
Cơn gió heo may dâm loạn
Tôi hát theo luống cày lên hoa
Tóc Phương bay lâu đài yêu ma
Những chiếc lá marronniers
Những đám mây non của trời tháng tư
Đầu tháng tư
Tôi hát theo lâu đài huyễn mộng
Tiếng xe điện hầm cuối phố Jussieu thét mòn lòng đất Paris
Như tiếng hát của Phương khoét nhói đời tôi những đêm trắng bạch, những đêm Paris mỏi mòn thuốc lá, những đêm cà phê huyền chảy mướt tóc Phương trên chuyện tình tưởng tượng và chỉ là tưởng tượng
Những đêm nín thở
Những đêm mưa tháng tư tưới trên cỏ măng mọc mướt thân thể của một người
Mưa phùn tháng tư tưới trên những nhú hoa linh lan
Những nhú hoa muguets trắng bạch
Bóng mặt trời trong con ngươi của mắt Phương
Bóng mặt đường trên những trang giấy tôi mang từ Greenwich Village đem về cho Phương bôi đen những ô nhật ký màu xám
Moi
Je construis
Les marionettes
Avec de la ficelle
Et du papier…
LXXXII.
Sự thành thực không thể có được trong đời này; mâu thuẫn: những gì có tên thì mới có được. Sự thể và toàn thể xuất hiện trong toàn thể ngữ vựng của loài người: một chữ được nói ra thì sự thể ra đời theo cùng lúc với chữ ấy. Sự thành thực, lòng chân thành thuộc vào một đời sống khác, đời sống của sự im lặng, không ngôn ngữ, chưa ai biết. Biết, nói, gọi, xuất hiện và thể hiện cùng đồng nghĩa với nhau. Tất cả những gì có thể đặt tên được, có thể nói lên lời, có thể biết được, đếu đồng nghĩa với nhau, dù hời hợt bên ngoài, ý nghĩa này chống nghịch với ý nghĩa kia. Nhưng sự chống đối này chỉ là hậu quả của bản chất đồng nghĩa của toàn thể.
Đoạn văn này quan trọng: tất cả tư tưởng của đời tôi xoay vào đó kể từ đây trở đi: bước đầu để tôi phá huỷ văn hóa văn minh nhân loại, bởi vì bi kịch đau đớn của đời tôi là từ lúc tôi tự gọi là “tôi” và từ lúc tôi biết mình có một tên.
LXXXIII.
Muốn làm vui lòng người này hoặc người kia: dấu hiệu của cơn yếu đuối xa lầy của tâm thức
Muốn gây hấn người này hoặc người kia: dấu hiệu của sự tẻ nhạt trong tâm thức và muốn chạy trốn hố thẳm trống rỗng của tâm hồn lạnh lẽo.
Lãnh đạm với người này hoặc người kia: dấu hiệu của hỏa ngục và thiên đàng.
Để ý tọc mạch về người này hoặc người kia: dấu hiệu của một người không dám đứng một chân què quặt trước mặt trời, mặc dù biết rằng mặt trời không có thực.
Tập sống với những gì mình không có, tập sống với những gì mình thiếu thốn và mất mát, tập sống với một vết đen bâng quơ nào đó trên vách tường.
Ngó và nhìn thẳng vào một sự vật gì tầm thường nhất trong 1 giờ đồng hồ, trong 3-4 giờ, trong 24 giờ, trong 24 năm, trong 70 năm, trong 7000 năm.
Giết tất cả mọi sự tưởng tượng, mặc dù biết rằng sự giết ấy cũng là tưởng tượng nữa.
Con ngưởi là kẻ nô lệ của Ngôn Ngữ.
❌ Tuyệt đối cấm trích dẫn bất cứ một dòng chữ nào trong quyển này để đăng lại trong nhật báo hoặc tạp chí mà không được sự thỏa thuận và cho phép của nhà xuất bản hoặc của tác giả.
◊ Nguồn: Phạm Công Thiện. Mặt trời không bao giờ có thực. Tranh minh hoạ của họa sĩ Đức, Paul Klee. An Tiêm ấn hành lần thứ nhất 4000 quyển. In xong ngày 10 tháng 10 năm 1967 tại ấn quan Đăng Quang, 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Kiểm duyệt số 3111 ngày 16-10-67. Bản điện tử do talawas thực hiện.