HỌC HẠNH QUÁN THẾ ÂM – Thích Nữ Như Vy

Như chúng ta được biết, hạnh nguyện cũng như các ứng hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm được nhắc đến trong Phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tôn tượng của Ngài được xem là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Phật giáo. Hầu hết Phật tử theo Phật giáo Bắc Truyển đều thờ tượng Bồ Tát Quán Âm, vì họ tin về sự mầu nhiệm từ Bồ Tát. Nhìn chung Phật tử tôn thờ tượng Quán Thế Âm hầu hết chỉ với một tâm niệm là được Bồ Tát gia hộ. Còn về biểu tượng quan trọng của hình tượng thì rất ít người biết đến hoặc nghĩ đến. Điểm quan trọng của hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu tượng của hạnh “lắng nghe”.

Hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm dựa trên hai khía cạnh, đó là “lắng nghe bằng trí tuệ và lắng nghe bằng từ bi”. Trong Phẩm Phổ Môn đã cho chúng ta thấy rất rõ về điều này:

“Chơn quán thanh tịnh quán

Trí huệ quán rộng lớn

Bi quán và từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng”

 

Chúng ta học hạnh “lắng nghe bằng trí tuệ” của Bồ Tát Quán Thế Âm nghĩa là chúng ta luôn tâm niệm rằng, bất cứ ai trong cuộc đời này cũng đều đem lại cho chúng ta những bài học, cho nên chúng ta nguyện lắng nghe. Cho dù người đó kém hơn mình, bằng mình hoặc là hơn mình, ai cũng có thể cho chúng ta những bài học quý trong cuộc đời này. Người xấu hay người tốt đều là tấm gương để chúng ta hoàn thiện nhân phẩm của mình. Nếu được nghe điều tốt thì đó là cơ hội cho chúng ta học theo, còn nếu điều xấu thì cũng là bài học để chúng ta khắc phục sửa sai. Trong các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, xã hội, v.v, nếu chúng ta thực hành hạnh” lắng nghe ” thì càng ngày các mối quan hệ càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. 

Bởi vì chỉ khi nào chúng ta có khả năng lắng nghe thì chúng ta mới có thể đón nhận được sự hữu ích từ nó. Chỉ khi nào chúng ta nghe bằng một nội tâm tĩnh lặng, thì chúng ta mới thấu hiểu được mọi chuyện. Trong cuộc đời đầy bôn ba này nếu chúng ta thiếu sự lắng nghe, thì kết quả mà chúng ta đón nhận sẽ là buồn khổ nhiều hơn hạnh phúc, nước mắt nhiều hơn nụ cười. 

Ở Tây phương có một câu nói rất hay “Thượng Đế cho chúng ta hai lỗ tai và một cái miệng, vì Thượng Đế muốn chúng ta nói ít hơn nghe”. Nhưng hình như kết quả không giống như những gì Thượng Đế mong muốn. Còn về lòng từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm thì vô lượng vô biên. Trong Phẩm Phổ Môn đã cho chúng ta thấy rất rõ về điều này:

“Lòng bi răn như sấm 

Ý từ diệu dương mây 

Xối mưa pháp cam lồ 

Dứt trừ lửa phiền não”

Chúng ta học hạnh lắng nghe bằng từ bì của Bồ Tát Quán Thế Âm nghĩa là bất cứ ai cần sự giúp đỡ gì từ vật chất đến tinh thần, hoặc học vấn, hay lời khuyên, v.v, nếu có thể chúng ta hãy giúp đỡ tận tâm. Hòa Thượng Thích Viên Lý viện chủ chùa Điều Ngự, có một câu nói mà bản thân người viết rất tâm đắc và rất kính phục: “Quý Phật tử về chùa cứ xem chùa như là nhà của mình, cứ tự nhiên và nếu có cần sự giúp đỡ gì xin hoan hỷ cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ hết lòng giúp đỡ. Giữa dòng đời mênh mông, lầm lạc này có rất nhiều tâm hồn đang bơ vơ, bất hạnh, bệnh tật, đói rét…. đang cần tấm lòng bi mẫn của mỗi chúng ta, đang rất cần vòng tay thương yêu sẽ chia của chúng ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng đã có câu nói rất tuyệt vời về lòng từ bi ” If you want others to be happy. practice compassion. If you want to be happy, practice compassion.” (Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bị. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bị)

Trong cuộc đời này có ai mà ngàn mắt, ngàn tay không? Thế nhưng một trong những hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm lại có hình tượng như vậy. Biểu tượng “ngàn mắt” là để nói đến sự quan sát của Bồ Tát đến mọi khía cạnh của nhân thế, ở đâu cần Ngài cứu thì Ngài thị hiện đến cứu độ. Còn biểu tượng “ngàn tay” là để chỉ cho vô số phương tiện, vô số cách thức mà Bồ Tát có thể làm cho vô lượng chúng sanh. Trong Phẩm Phổ Môn đã cho chúng ta thấy rất rõ:

“Đầy đủ sức thần thông 

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nước mười phương 

Không cõi nào chẳng hiện”

Cho nên chúng ta tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm là để học hạnh lắng nghe của Ngài. Chúng ta phải buông bỏ mọi cực đoan, đừng đóng khung suy nghĩ. Chúng ta phải linh hoạt trong cuộc sống, tuỳ vào địa vị, hoàn cảnh của mình mà chúng ta đóng góp cho cuộc đời bằng những phương cách tốt nhất có thể. ” Từ nhân thị chúng sanh” là một trong những dòng cuối của bài kệ trong Phẩm Phổ Môn. 

Người nhìn cuộc đời này bằng mắt thương là Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát đang lắng nghe tiếng kêu khóc của nhân gian. Chúng ta hãy tự phát nguyện làm Quản Thế Âm để lắng nghe, để nhìn, để thương yêu cuộc đời này. Không có một Quán Thế Âm duy nhất mà có vô lượng vô biên Quán Thế Âm. Bất cứ ai muốn thành Bồ Tát hay thành Phật đều phải có khả năng lắng nghe tiếng kêu réo của cuộc đời. Tình thương đối với tha nhân không thể có được nếu chúng ta thiếu sự lắng nghe, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự cảm thông. Để hiểu được người khác, chúng ta phải lắng nghe từ họ. Có như vậy chúng ta mới có thể giúp đỡ họ bằng lòng bi mẫn. Tình thương yêu có được chỉ khi tâm hồn của chúng ta tràn đầy sự tỉnh thức.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *