NHỚ TƯỞNG ÂN SƯ CỐ ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG thượng VIÊN hạ THÀNH

NHỚ TƯỞNG ÂN SƯ CỐ ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG thượng VIÊN hạ THÀNH VIÊN CHỦ CHÙA DIỆU PHÁP

Ấn Viên

Những ngày cuối tháng 3, tiết xuân còn quyến luyến chưa nỡ rời đi, những vạt nắng hanh hao đã chập chững rón rén len lỏi bước từng bước chậm rãi vào khúc giao mùa. Khi đất trời chuyển mình bằng những cơn mưa nặng hạt vội đến rồi vội đi, thì cũng chính là lúc nhắc nhớ chúng con về hình bóng của Bậc Tôn Sư khả kính, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Viên Thành. Ngài đến và đi như một cơn gió thoảng, mát lành và ngắn ngủi. Sâu năm trôi qua, Diệu Pháp chúng con không còn nhìn thấy hình dáng bước đi vững chãi với bộ vạc hò quen thuộc của Ngài nữa. Và rồi, cứ đến ngày không trăng 20 tháng 3 hằng năm, không ai nhắc ai, tứ chúng khắp nơi đồng quy tựu về ngôi phạm vũ Diệu Pháp, trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm ngày mà bậc Thạch Trụ của Tăng Đoàn đã quay gót về Tây.

Hơn 76 năm trụ thể cõi ta bà, 69 năm khoác áo Như Lai một đời mật hạnh tu hành tiếp Tăng độ chúng bằng những di ngôn chuẩn mực. Hướng dẫn thiện tín nam nữ quy hướng Tam Bảo bằng những khóa tu học định kỳ. Dù Ngài đã ra đi mãi mãi nhưng những lời dạy dỗ sách tấn sớm hôm của Người vẫn còn đọng lại trong kí ức của chúng con. Nhờ vào sở học, sự liễu ngộ và sự hành trì miên mật đã tạo nên Ngài – một bậc Cao Tăng khả kính. 

Ở nơi Ngài luôn toát lên sự hòa đồng, gần gũi không chỉ đối với những đệ tử xuất gia hay tại gia mà cả những người không phải là Phật tử. Đối với hàng môn đồ trẻ người non dạ như chúng con. Ngài luôn nghiêm khắc trong từng lời răn dạy, bởi tuổi trẻ bồng bột dễ dàng sa ngã nếu không được nhắc nhở kĩ càng. Ngài luôn phân tích rõ những mặt tích cực vànhững điểm còn yếu kém của chúng con vào mỗi giờ dùng cơm chung để chúng con được vững vàng trên con đường tu tập và hành đạo của mình. 

dai-la0-hoa-thuong-thuong-vien-ha-thanh

Chúng con còn nhớ vào buổi ngọ trai cuối cùng của chúng con với Ngài, Ngài vẫn còn dõng dạc chỉ vẽ chúng con cách đọc sở, cách đánh chuông mõ làm sao cho đúng. Ngài còn đưa ra những hoạch định trong tương lại cho chúng con hiểu làm thế nào để phát triển Phật giáo vững mạnh hơn nơi hải ngoại, Bằng tất cả sự ân cần và quan tâm đối vớI thế hệ Tăng Ni trẻ Ngài dạy chúng con, “Phải luôn tinh tấn tu học và cống hiến cả cuộc đời mình cho Đạo Pháp đến hơi thở cuối cùng”. Đúng như những gì Ngài dạy, sau buổi cơm trưa hôm ấy, Ngài vẫn ung dung đến hộ niệm cho một gia đình Phật tử, 2 giờ sau khi trở về Chùa Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch. Giữa dòng đời sanh diệt, cuộc đời Ngài như một bài pháp vô ngôn, như một bài kinh vô tự, luôn an trụ trong tịch lặng nhưng vẫn vang vọng mãi với thời gian.

Hôm nay, ngày huý kỵ lần thứ 6 của Ân Sư, phủ phục trước giác linh đài, lòng đau như cắt. Khi xưa Ca Diếp Tôn giả khóc thương tiễn biệt Đức Điều Ngự Thượng Sư nhập vào cõi vô dư Niết Bàn, thì nay nơi Diệu Pháp Già Lam chúng con ngậm ngùi kính tưởng nhớ thương Người bậc Long Tượng Thiền Môn. Ta bà Ngài đã mãn, trời tây người nhẹ bước thong dong. Chúng con đề đầu thâm tạ ân đức giáo hóa độ sanh của Ngài, và nguyện mãi noi theo thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của Ngài để làm tròn hạnh nguyện của một Sử giả Như Lai nhằm đạt được tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn. Ngưỡng nguyện Giác Linh Ngài thuỷ từ chứng giám.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị

Thế, Diệu Pháp Tự Viện Chủ, Điều Ngự Tự

Phương Trượng. Huỷ thượng Như hạ Thức,

Tự Viên Thành, Hiệu Hải Trừng. Hoà Thượng

Chi Giác Linh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *