GIỚI THIỆU SÁCH : “TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY”CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN LÝ – Ấn Pháp

Nhắc đến Triết học là nhắc đến môn học của tư duy và sự thông thái, được con người xem là điểm đích trong cuộc chạy đua chinh phục tri thức. Do đó, từ trước đến nay có không ít các học giả tham gia nghiên cứu cũng như soạn tác. Không giống với một số tác giả chỉ mang những “đứa con tinh thần” của mình vào đời trên nền tảng các chủ đề triết học chuyên biệt, TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY lại đi theo một quỹ đạo khác – khái lược toàn bộ nền triết học Tây phương.

Dĩ nhiên đây không phải là một công việc dễ dàng, đòi hỏi người cầm bút phải có một lượng kiến thức tổng thể rất lớn, một sự dứt khoát, logic, uyển chuyển trong văn phong để có thể sắp xếp những viên gạch tư tưởng riêng lẻ mang khuynh hướng cá nhân của mỗi triết gia thành tòa kiến trúc học thuật Tây Phương đồ sộ mà không bị khô khan, cứng nhắc. Và thật sự ngạc nhiên rằng, TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY của Hòa thượng Tiến Sĩ Thích Viên Lý đã vượt lên mọi yêu cầu đó để có thể chào đón bạn đọc bằng một diện mạo như bây giờ.

Hòa thượng Tiến Sĩ Thích Viên Lý là một lãnh đạo Phật Giáo xuất chúng, một học giả uyên bác có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng Phật Giáo hải ngoại. Ngài đã, dịch, viết và soạn tác rất nhiều tác phẩm trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Phật học, Khoa học, Phân tâm học, Vật lý học, Xã hội học, Sử học, Chính trị học v.v… Điểm chung trong hầu hết các tác phẩm của ngài là đều viết chúng dưới góc nhìn của một học giả nghiên cứu và khá chuẩn mực cũng như khách quan trong việc truyền bá Phật pháp.

Qua lăng kính của một học giả và sử gia, triết học Phương Tây với không ít những quan điểm đôi lúc được xem là cực đoan điển hình trong giai thời trung cổ, ngài đã viết lại chúng như “chính chúng đã là” một cách nhẹ nhàng, vô tư, khách quan và thuyết phục. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp của một nhà nghiên cứu và chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy vào những tác phẩm được viết bằng sự cẩn thận, chuẩn xác và khách quan như vậy.

TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY chia triết học Tây phương thành 6 thời kỳ, ứng với những cột mốc lịch sử là sự xuất hiện của các triết gia và triết thuyết tiêu biểu, giúp người đọc có thể hình dung toàn bộ sơ đồ phát triển của lĩnh vực học thuật này ở thế giới Tây Phương. Đây là quyển sách thích hợp với những ai quan tâm công việc nghiên cứu và yêu thích tri thức, khai mở năng lượng tư duy, chúng ta có thể xem đây như là một “công trình giáo khoa” căn bản, một tác phẩm “Triết học nhập môn” hơn là lý luận, bình phẩm triết học. Với hơn 50 triết gia tiêu biểu và gần 30 học thuyết, diễn ngôn triết học khác nhau từ cổ đại, trung cổ, phục hưng, cận đại, hiện đại đến đương đại, thêm vào đó là những tài liệu tham khảo phong phú và đáng tin cậy, tôi tin rằng tác phẩm sẽ là công trình nghiên cứu giá trị cho những hậu sinh đam mê triết học và nhất là những Tăng Ni Phật tử đang sống tại phương Tây cần phải hiểu rõ căn bản về tư tưởng sống của người bản xứ nơi đây, điều này giúp ích rất nhiều trong công cuộc hoằng dương đạo Pháp nơi xứ người.

Sau cùng, hơn là một tác phẩm học thuật, tác giả đã thật sự định hướng một tư duy mở và quan điểm tiến bộ để người sau có thể viết tiếp những trang tri thức của tiền nhân chưa thể hoàn thiện một cách kiện toàn và hoàn hảo hơn, ứng hợp với chân lý muôn đời bất biến. Hy vọng tâm huyết này của Hòa thượng sẽ được lan tỏa và hiện thực hóa, như ngài có nói trong tác phẩm của mình: “Càng về sau, với nhiều khám phá và nhận thức mới, rất có thể những ý nghĩa và giá trị sẽ thay đổi theo thời gian ngoại trừ những chân lý thì sẽ luôn mãi bất biến, thực tế này minh chứng rằng, triết học Phương Tây dù đa nguyên, thâm áo nhưng vẫn có những giới hạn chưa thể xem là đã vượt lên trên thời và không gian, ngã và pháp mà giáo lý Phật giáo gọi là “Bất Nhị”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *