TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY

TỔNG QUAN
LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY

THÍCH VIÊN LÝ

LỜI GIỚI THIỆU

Có thể nói, tìm kiếm và chinh phục tri thức là một trong những nhu cầu và đặc quyền cơ bản của con người. Từ thuở hồng hoang, khi cuộc sống chỉ được định nghĩa bằng bản năng tìm kiếm thức ăn để duy trì sinh mệnh, cho đến tiến thêm một bước nữa là chinh phục thiên nhiên để thỏa mãn khát vọng làm chủ…, suốt chiều dài tiến hóa ấy, việc con người khát khao sự hiểu biết, sôi động trong việc vươn tới những tầm cao tri thức mới, trở về tự vấn nguồn cội cũng như mong muốn am tường vũ trụ và thế giới xung quanh chính là nét chấm phá đánh dấu sự trưởng thành của nhân loại.

Bắt đầu từ những mảnh vụn của kiến thức, những quan điểm, lập trường riêng biệt của từng cá nhân, cho đến sự giao thoa, trùng phức giữa những luồng tư tưởng tạo tiền đề để hình thành nên những học phái, trường phái tiêu biểu trong lịch sử học thuật. Triết học ra đời như một hệ quả tất yếu của sự kế thừa những tri thức ấy, là minh chứng cho sự tích hợp và sàng lọc các hệ thống lý luận nhằm đáp ứng nhu cầu tiến bộ của con người cũng như sự phát triển của thời đại, đúng như tên gọi của nó – môn học của những triết lý.

Trên căn bản sự khác nhau về vị trí địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị… Á – Âu mà Triết học cũng được phân thành Đông – Tây. Nếu Triết học phương Đông quay về nội hướng, tâm linh, tâm lý thì Triết học phương Tây mang thiên hướng cởi mở với thiên nhiên, phóng tầm nhìn ra bên ngoài và mở rộng mô thức tư duy đến vô cùng của vũ trụ. Ra đời vào thời kỳ được xem là “bùng nổ năng lượng tư duy” cũng như được mệnh danh là “đấu trường của sự kiêu hãnh”, Triết học phương Tây tự tin đề cao nhận thức, lý luận và phê phán, sự minh bạch trong nhận thức, sắc bén trong lý luận và tự do trong phê phán đã được dẫn xuất từ cổ đại và diễn tiếp mãi đến ngày nay, trở thành huyết mạch trong phong cách tư duy phần đa của con người Tây phương.

Nói Triết học phương Tây chính là nói đến một mảng học thuật độc lập sau khi đã được phân nhánh của Triết học, sự tao ngộ của những triết gia, học giả Tây Âu và Mỹ Quốc, giảng đường của hàng loạt các mệnh lý, chủ thuyết, tư tưởng ở nửa vòng Trái Đất và sách Tổng Quan Lịch Sử Triết Học Phương Tây chính là đang làm nhiệm vụ tường thuật lại và sắp xếp chúng theo tiến trình lịch sử một cách logic và dễ hình dung hơn.

Dưới ngòi bút của Hòa thượng Thích Viên Lý, nền Triết học phương Tây cũng như sự tục diệm tương tục qua bao thời Triết gia, học giả từ cổ đại đến đương đại hiện rõ lên hơn bao giờ hết. HT. Thích Viên Lý là một tu sĩ, học giả và dịch giả Phật giáo. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Tôn giáo học tại Đại học University of the West, California, Hoa Kỳ. Được biết, Hòa thượng là người gốc Việt đầu tiên được trao giải Community Leaders Award (Nhà Lãnh đạo cộng đồng xuất sắc), là tác giả – dịch giả của hàng loạt tác phẩm Phật học lẫn thế học. Với trình độ học vấn uyên thâm, sự tiếp thu cộng hưởng những tinh hoa học thuật, văn hóa ở cả Đông lẫn Tây phương nên các tác phẩm của HT. Viên Lý luôn được viết bởi một tinh  thần khách quan và vô cùng thuyết phục, dĩ nhiên, TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY cũng không phải là ngoại lệ. Chủ bút chia Triết học phương Tây thành 6 thời kỳ từ cổ đại đến đương đại, từ Học thuyết ý niệm của Plato, quan điểm Tự nhận thức của Aristotle, chủ nghĩa duy lý của Descartes, thuyết hiện sinh của Nietzsche, phép biện chứng của Hegel cho đến khái niệm tồn tại của Heidegger…qua đó thấy rõ những đóng góp giá trị cũng như sự thiếu sót, hạn chế và bổ sung, tương hỗ các tư tưởng trên địa hạt Triết học giữa các Triết gia với nhau qua từng giai đoạn trong lịch sử và vẫn đang không ngừng hoàn thiện. Lỗ Tấn – nhà phê bình văn học người Trung Quốc từng nói: “Trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Mọi định nghĩa về cái đẹp, quan niệm về con người và vạn hữu qua các tư tưởng đều là tương đối và bản thân Triết học cũng là một con đường, là ảnh hiện của hệ ý thức chủ quan đặt dưới sở kiến riêng của từng chủ thể, là phép biện chứng luân lý do con người đặt ra để trở lại phục vụ con người. Ngược lại với chân lý cần phải dùng con mắt nội chứng để nhìn thấy, thì dù có được con người phát hiện ra hay không, chân lý mãi mãi là chân lý.

Cuộc sống là một trường học vĩ đại và tri thức là bể cả vô bờ, Triết học nói chung cũng như Triết học phương Tây nói riêng hãy còn đang được tiếp thu, phát triển và làm mới từng ngày, song việc tìm hiểu về thế giới quan của tiền nhân đối với con người ngày nay là điều cần thiết và tối yếu. Sự học hỏi ấy làm cho mạch nguồn tri thức chảy mãi và không ngừng mở rộng, huy tiến, làm nhân bản hạt giống tư duy và phấn phát tinh thần “ôn cố tri tân” ở mỗi người.

Do đó, TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY là một công trình nghiên cứu giá trị, là tác phẩm cho “con người tư duy”, một hiện tượng khoa học, đồng thời cũng là một biểu tượng văn hóa, mà văn hóa là phương tiện phổ biến của việc giáo dục con người, là hạt nhân bên trong và là trái tim của văn minh. Xin cảm niệm sự trước soạn của Hòa thượng và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả!

Nhà xuất bản

Bodhi Wisdom DN Publishing

Mời Quý độc giả cùng đọc chi tiết TỔNG QUAN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY chi tiết ngay dưới đây:

Cảm ơn Quý bạn đọc đã dành thời gian nghiên cứu về quyển sách ý nghĩa này. Để tham khảo thêm nhiều sách hay, sâu sắc về Phật giáo. Mời Quý vị xem tại mục Ebook HT Thích Viên Lý nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *