Chúng ta đang sống giữa một thế giới mà mỗi ngày đều có những sự đổi thay cùng Với sự có mặt thường trực của những nỗi sợ hãi, bất an, khổ đau. Một trong những hình ảnh gây xôn xao dư luận trong những ngày qua trên rất nhiều phương tiện truyền thông đó là cuộc chiến tranh tại dải Gaza. Chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có hàng ngàn người tử vong. hàng ngàn người khác bị thương, hàng nhiều ngàn người dù không bị thương hay tử vong nhưng lại sống trong lo lắng sợ hãi, không biết tương lai của mình sẽ như thế nào. Tuy nhiên, không riêng gì tại những vùng có xung đột, về tôn giáo, chính kiến, chủng tộc mà ngay tại đất nước Hoa Kỳ này cũng tiềm ẩn những mối hiểm họa bởi sự vô thường luôn chi phối tất cả và chính do sự thiếu thắng trị về quy luật tất yếu này mà chúng sanh quay quẩn mãi trong nhà lửa tam giới khổ đau.
Sự vô thường liên lỉ trong từng sát-na biến dịch nhưng đa phần chúng ta đều quên mất. Chỉ đến khi giai đoạn tử thần xuất hiện chúng ta mới nhận chân ra sự thật đáng sợ ấy thì sự thể đã quá muộn. Do mải mê chạy theo sự nghiệp, danh vọng, địa vị…. mà chúng ta chưa từng kiến tạo cho bản thân một đời sống tâm linh vững chắc để rồi khi chết đi chẳng mang theo được gì trên phương diện vật chất nhưng lại chẳng có đủ tư lương tâm linh cho đời sống kế tiếp. Có còn chẳng cũng chỉ là một bức di ảnh, chút xương tàn nằm trong hủ cốt hay được chôn sâu dưới lòng đất lạnh. Do đó, chúng ta hãy tự trang bị tư lương cho chính chúng ta cũng như để lại những di sản tâm linh giá trị cho thế hệ sau.
Sự biến dịch của vô thường đang dần trôi một cách nhanh chóng qua từng hơi thở ngắn ngủi của chúng ta. Một kiếp người sẽ kết
thúc khi hơi thở ra nhưng không thể trở vào thì đã hoá ra người thiên cổ. Dòng chảy thời gian không hẹn một ai và sự sanh, già, bệnh, chết vốn chẳng thể là bất định đối với tất cả mọi người trên thế gian này. Có những cuộc sống do nghiệp lực chi phối mà đôi khi giai đoạn già và bệnh chưa kịp xuất hiện thì cái chết xuất hiện. Chúng ta có thể minh chứng rõ rệt nhất thông qua những cuộc chiến tranh đang xảy ra với nhiều người thiệt mạng ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ thai nhi, đến trẻ sơ sinh, hay những thiếu niên đang ở điều kiện sức khỏe tràn trề chứ chẳng phải chỉ là những cụ già lọm khọm. Trước sự biến thiên nhanh chóng của thời thế, việc cần thiết mà đức Phật từng nhiều lần nhắc nhở cho hàng đệ tử đó là cần chuẩn bị đầy đủ tư lương cho chính bản thân mà đặc biệt nhất đó chính là phát khởi và làm viên mãn Bồ Đề Tâm. Đây chính là gia tài trân quý nhất đối với tất cả chúng ta.
Bồ Đề Tâm (Phạn: Bodhicitta, Anh: Enlightenment mind) có nghĩa là tâm Phật, tâm đại giác ngộ, tâm đã giải thoát khỏi những phiền não khổ đau. Chúng ta nếu muốn thoát khổ, muốn được giải thoát, muốn thể nhập Phật tánh thì trước hết phải hưng phát Bồ Đề tâm. Tuy nhiên, hưng phát thôi cũng chưa đủ mà chúng ta còn phải làm sao để Bồ Đề tâm được tăng trưởng, vững chắc và viên mãn lại là yếu tố vô cùng quan yếu đối với hành giả học Phật. Bởi lẽ, phát khởi nhưng không tăng trưởng tâm Bồ Đề lâu dần sẽ bị suy yếu, đoạn giảm. Trong kinh Hoa Nghiêm từng dạy rằng: “Vong thất Bồ Đề Tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp” tức “quên mất tâm Bồ Đề mà tu chư thiện pháp thì đó là ma nghiệp”. Quên mất đã vậy huống hồ là những ai chưa từng phát khởi Bồ Đề tâm thì quả thật vô cùng thiếu sót. Vì lý do đó, chúng ta phải phát khởi tâm Bồ Đề và làm cho tâm ấy được viên mãn.
Muốn viên mãn Bồ Đề tâm thì hai yếu tố cần thiết cần phải thực hiện đó chính là phát Bồ Đề tâm nguyện và Bồ Đề tâm hạnh. Bồ Để tâm nguyện như Tứ Hoằng Thệ Nguyện là một ví dụ điển hình:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Hay như đại nguyện của tôn giả Anan:
Hán:
五濁惡世誓先入
如一眾生未成佛
終不於此取泥洹
Âm:
“Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập Như nhất chúng sinh vị thành Phật. Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn.”
Nghĩa:
Trong đời ác ngũ trược con nguyện vào trước, nếu một chúng sanh chưa thành Phật thì con thề chẳng hưởng quả vui Niết Bàn.
Hay chúng ta cũng có thể phát một nguyện tương đối nhỏ hơn đó là nguyện cho mọi người được an vui hạnh phúc, được mạnh khoẻ, được sống lâu, không ai phải gặp những tai nạn bệnh tật hoặc giả là phải sống trong một hoàn cảnh bất hạnh. Tuy nhiên đây chỉ là những lời nguyện của mang tính phát khởi nơi tâm thức. Do đó cần phải phát Bồ đề tâm hạnh, Bồ Đề tâm tương đối thì vẫn còn những vọng tưởng, phiền não. Bồ đề tâm tuyệt đối thì không còn điên đảo mộng tưởng khổ đau nữa. Sau khi phát Bồ đề nguyện việc tiếp theo đó chính là hành hạnh Bồ Để. Bồ Đề tâm hạnh chính là mình phát nguyện như thế nào thì phải ứng dụng vào đời sống thực tế như thế đó. Giống như mình muốn giúp người khác được an vui, hạnh phúc thì mình phải bố thí, truyền bá những giáo lý thâm diệu khiến người xoa dịu nỗi khổ chứ không phải chỉ phát một lời nguyện đơn thuần.
Phát khởi Bồ Đề tâm, lập Bồ Đề tâm nguyện, hành Bồ Đề tâm hạnh thì công đức vô lượng. Đây chính là đường mà chư Phật, Bồ Tát đã đi để đến quả vị giải thoát giác ngộ. Nếu tâm Bồ Đề chẳng phát, chẳng hành Bồ Tát đạo cứu khổ độ sanh lại cũng chẳng nỗ lực tu tập thì công đức để tự trang bị cho bản thân chẳng còn không đủ còn nói gì đến việc hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh. Người hành Bồ Đề tâm hạnh sẽ có một sức kham nhẫn vô cùng lớn vì thế đối với những cảnh thuận hay nghịch đều giữ tâm bình thản, tự tại tùy duyên mà quyền biến độ sanh. Sự kham nhẫn, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, chuyển hoá những tâm thức ích kỷ, bỏn xẻn, tham lam, sân hận….chính là Bồ tát hạnh. Cùng nhau thực hành Bồ Tát hạnh như Bồ Tát Quán Thế Âm lắng nghe âm thanh khổ đau của chúng sanh để cùng nhau cứu khổ, độ sanh. Chúng ta nên biết rằng, tất cả chúng ta được gặp nhau đã là nhân duyên thù thắng lại cùng nhau phát khởi Bồ Đề tâm, cùng nhau tụ tập, cùng nhau xây dựng đời sống tâm linh vững chắc thì lại chính là mối nhân duyên tương thích giữa những tâm thức thiện lành. Chính điều này khiến cho tất cả mọi người khi về chùa Diệu Pháp đều cảm thấy thân quen như trở về chính ngôi nhà của bản thân ngôi nhà tâm linh cũng là nơi trở về Phật tánh.
Thế giới chúng ta đang sống hiện đang có quá nhiều biến động mà khiến cho con người quên mất những giá trị đang hiện hữu, quên mất đi bốn nguyện và cũng quên tu tập để rồi thiểu chánh kiến do không thấu hiểu giáo lý thâm diệu mà đức Phật đã giảng dạy một cách rốt ráo. Khi đã không hiểu rốt ráo thì khi áp dụng, thực hành sẽ đưa đến khiếm khuyết. Chính vì vậy, mỗi khi chúng ta bắt tay vào một công việc Phật sự hay thế sự, đặc biệt là dụng công để tu tập chúng ta đều phải tính chuyện học tập và nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh rơi vào con đường tà kiến.
Do đó, nhân dịp chùa Diệu Pháp tổ chức khóa tu xuất gia gieo duyên cho hàng Phật tử, quý vị hãy cố gắng ghi danh tham dự để trải nghiệm cũng như xây dựng nền tảng cơ bản trên con đường bước dần về đạo lộ giải thoát và cũng nhân cơ hội đây mà hưng phát. trường dưỡng Bồ Đề tâm khiến tâm Bồ Đề ngày một hưng thịnh, kiên vững. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để tất cả những hành giả học Phật tập cùng nhau chung sống trong hoà hợp, bỏ đi những thủ chấp cá nhân để chỉ còn lại một sự thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc từ nơi những tâm thức thiện lành. Chúng tôi khuyến khích tất cả quý vị hãy cùng nhau tham dự khoá tu bởi lẽ nếu số lượng đã đủ, chúng tôi sẽ khoá số và những ai ghi danh trễ sẽ bị lỡ chuyến tàu thì phải đợi đến năm sau hay hai ba năm nữa mới có đủ thuận duyên để tổ chức lại. Đặc biệt những ai tham dự khoá tu này cũng chính là đang góp phần làm cho xã hội hòa bình, giúp tái kiến tạo một thế giới mà mọi người đều nhìn đời bằng đôi mắt thương yêu và hiểu biết.
Như những gì đã nói ở trên, nếu chúng ta muốn trưởng dưỡng Bồ Đề tâm, giúp cho Bồ Đề tâm được viên mãn thì chúng ta hãy phát Bồ Đề tâm nguyện và phát Bồ Đề tâm hạnh. Tuy nhiên, muốn Phật nguyện được viên thành thì Phật hạnh chính là con đường đưa chúng ta về với Phật tánh. Vậy nên, những ai đủ thuận duyên tham dự khoá tu Xuất gia gieo duyên vào ngày 18-19/11 thì nên ghi danh tham dự ngay để tự xây dựng một nền tảng tâm linh vững chắc trước tình hình thế giới đầy biến động vô thường và đau khổ. Những hành giả học Phật hãy nhân cơ hội này trải nghiệm tu tập để hoàn thiện bản thân, và cũng chính là viên mãn hạnh nguyện Bồ Để vậy.