1. Là một thành viên của Đạo Pháp, nói chuyện về Phật Pháp với các đạo hữu hoặc đến các địa phương giảng cho thanh thiếu niên hiểu đại cương về Đạo Phật. Khi được tiếp xúc các thính giả mọi lứa tuổi trong dịp đó, chúng ta thấy một số câu hỏi, một số vấn đề, khó hoặc dễ, nông hoặc sâu liên quan đến Đạo Phật. Hôm nay xin trích để trình bày cùng quý vị.
Xin gác những đề tài có tính cách nghiên cứu, chỉ có ích cho những ai thích tìm hiểu Đạo Phật qua các vấn đề: Đạo Phật có phải là một tôn giáo không? Có phải là một triết lý không? Con người từ đâu tới? Vũ trụ do đâu mà thành? Chắc chắn, có nhiều sách đã thảo luận về các vấn đề trên đây.
2. Chúng ta bắt đầu bằng những hiểu lầm về Phật Giáo không phải ở người ngoại quốc, mà ngay ở người Việt chúng ta.
Nghĩ rằng Phật Giáo là yếm thế, nhìn đâu cũng thấy khổ não. Từ quan niệm căn bản đó, người ta sinh ra chán đời, bỏ nhà vào rừng đi tu, “trốn việc đời đi ở chùa”.
Bài pháp đầu tiên nói Tứ Diệu Đế, Đức Phật không dùng những câu như “đời là bể khổ”, “nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước trong đại dương” … Thật ra, Ngài nói “đây là sự thật về khổ và khi thuyết về “khổ”, Ngài đâu có bi quan, Ngài chỉ nói lên nhận xét chân thực của Ngài mà thôi. Hơn nữa, Ngài không dừng lại ở đó, Ngài chỉ cho ta thấy đâu là nguyên nhân của đau khổ và con đường để thoát khổ. Có vô số pháp môn để thực hiện an lạc giải thoát, khỏi cái đau khổ to lớn nhất là vòng sinh tử luân hồi. Hơn nữa, người tu Phật không có ý trốn đời, mà có nguyện lớn là trước cầu giác ngộ Phật Đạo, sau giúp chúng sinh. Người tu Phật cũng không phải là người ăn bám xã hội, ai cũng biết lời dạy của ngài Bách Trượng: “một ngày không làm là một ngày không ăn”.
Có một số lý luận rằng: “đạo nào cũng thế, đạo nào cũng dạy làm lành tránh dữ cả. Điều này quả là đúng. Tuy nhiên, đối với người tu Phật thì làm lành tránh dữ, chỉ là những bước đầu của cả một quá trình tu tập, lên đến mức giác ngộ giải thoát. Làm lành tránh dữ thuộc về tu phước. Phước là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để thành đạo giác ngộ giải thoát. Thật vậy, cần phải đủ cả phước đức và trí huệ mới gọi là tu đến nơi được.” Phật Tổ dạy:
“Tài Pháp nhị thí thỉ thành công
Phước huệ song tu phương tác Phật.”
Lại nữa, có người khi đến chùa nghe tụng kinh dài dòng, với những câu thần chú tiếng Phạn mờ mịt, với một số lời kinh khó tin, những lễ nghi cổ điển khó hiểu… nảy ra ý kiến cho rằng Đạo Phật đã nhiễm nặng tính cách mê tín dị đoan. Người ch-ết rồi đâu có nghe được lời kinh cầu siêu, đâu có ăn được mà cúng, đâu có hiểu tiếng Phạn
… Quả thật, cũng có những chỗ khó hiểu nếu không được nghe giải thích: quả thật, có những điều có vẻ phổ thông mà thật ra không do chính Đức Thích Ca thuyết ra, Phật Giáo cần nghiên cứu uốn nắn lại. Nói thế không có nghĩa là Đạo Phật đã lầm lẫn chỗ nào đó. Không, Đạo Phật “chính cống” đâu có lầm lẫn, và quan trọng hơn là coi lại những “kinh” mà không từ kim khẩu của Đức Phật nói ra!
Tuy vậy, thiện chí học hỏi của người tới chùa, tham dự một khóa lễ nào đó là điều cần thiết. Muốn hiểu thì cần học, cần hỏi, sau đó mới suy nghĩ, cân nhắc và đánh giá, không nên vội vàng kết luận. Chúng ta cũng nên tự hỏi rằng có được bao nhiêu chùa giảng về Đạo Phật cho Phật Tử ngoài việc “cúng kiếng chập cheng giống thầy cúng?
Ngoài ra, một số người đưa ra câu “Phật tại tâm” để biện minh cho việc biếng học tập, lười đến chùa. Phật tại tâm rồi mà, tìm làm gì nữa cho mệt! Nhưng cái khúc mắc nhất lại ở chỗ “Phật nào?”, “tâm là gì?”. Chắc chắn là Phật không ở trong cái tâm phàm đầy dẫy tham sân si của chúng sinh, mà dù có ở rồi cũng bị phiền não che lấp mất rồi! Chớ nên dùng câu đó để biện minh cho sự ngại ngùng tìm hiểu và tu tập của mình.
Và đây, một lời phê bình mà chúng ta đã đọc được: “Đạo Phật không biết phân biệt thiện ác”. Chắc chắn rằng người đã nhận xét như vậy cũng đã đọc qua một vài quyển sách Phật. Thí dụ: trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Huệ Năng bảo sư Huệ Minh rằng: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh?”.
Thật ra, trước câu này, còn một câu nữa: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm”… Khi nói “sinh tử tức niết-bàn, phiền não tức bồ-đề”… thì có ý nói đến chân đế (còn gọi là đệ nhất nghĩa đế) tức là bước vào phạm vi tuyệt đối, không còn có những cặp đối đãi nhị nguyên nữa (thiện ác là một cặp đối đãi). Thế nên khi Đức Phật đưa cành hoa sen lên trong đại chúng, không ai hiểu gì, duy có Ngài Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, Niết Bàn diệu tâm, Chánh Pháp nhăn tạng”. Về điểm này, người học Phật như chúng ta cần phải thận trọng, lúc nào là tục đế, lúc nào là chân đế, lúc nào là tương đối, lúc nào là tuyệt đối, cần nhận định rõ ràng mới khỏi lầm lạc.
3. Trong số Phật Tử, không phải là không có những người thích để cao Đạo Phật, chỉ mong chứng minh rằng Đạo Phật hợp với khoa học, Đạo Phật là đạo của dân tộc ta, gắn liền với lịch sử nước ta VV… Những nghiên cứu đó đáng được tán thưởng và ca ngợi.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng “Đạo Phật là đạo thoát khổ”, Đức Phật là đạo sư chỉ cho chúng sinh con đường giác ngộ giải thoát, Ngài không phải là giáo sư vật lý, tâm lý hay vũ trụ học… Hơn nữa, cần tránh sự “tự để cao”, “thái độ kiêu ngạo” đồng thời gạt bỏ việc “tấn công” các tôn giáo khác , do vô tình hay cố ý vì làm như thế là trái với tinh thần Đạo Phật.