Mục Lục
Thích Viên Lý
Vấn đề giáo dục là vấn đề lớn, là vấn đề lâu dài, trọng đại và là vấn đề thiết cốt của đời sống của xã hội nhân loại. Khi nói đến vấn đề giáo dục, đặc biệt là sứ mệnh giáo dục trong Đạo Phật, quả thật đó là điều bất khả thuyết vì lẽ nó nhiều đến vô lượng.
Bản thân của Đạo Phật tự nó chính là giáo dục, Pháp môn mà đức Phật khai thị là vô lượng (vô lượng pháp môn); tuy nhiên, vì sự giới hạn của thời lượng, do vậy, có 5 đặc điểm chính chúng tôi muốn được chia sẻ với chư vị, đó là:
1/ Tiêu đích giáo dục (cứu cánh)
Nền giáo dục của Phật giáo là nền giáo dục cần được hiểu và đánh giá như là chính nó đang là. Giáo dục phải đào tạo được những con người với tất cả ý nghĩa của NGƯỜI, một con người mà từ đạo đức đến trí tuệ đều trở thành nghi biểu mẫu mực cho xã hội, ở mọi thời đại và quốc độ.
Một con người sống vì người, cho người, với tất cả ý thức trách nhiệm của một con người. Khi đề cập đến Nghiệp, đức Phật muốn đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm do ý thức được mình là người thừa tự của chính những hành tác mà mình đã tạo.
Nói cách khác, mình là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì mà mình nghĩ, nói và hành động. “Duy tuệ thị nghiệp” là tinh thần giáo dục mà ta có thể gọi là một Nền Giáo Dục Toàn Giác, một nền giáo dục Nhất thiết chủng trí.
Nếu suy nghĩ thật kỹ, ta sẽ thấy cứu cánh tối hậu hay tiêu đích giáo dục của Đạo Phật được đặt trên nền tảng của hai yếu tính cốt lõi: Thứ nhất: Tịnh hóa tự ngã, và, thứ hai: Lợi tế quần sanh, nói cách khác, Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn là cứu cánh của một nền giáo dục toàn diện mà Đạo Phật luôn hướng đến. Thiếu những yếu tính quan thiết này, Phật giáo không còn là Phật giáo.
Vì Đạo Phật là đạo của Hòa bình, của Từ bi, Trí tuệ, Giác ngộ, Giải thoát; Đạo Phật là đạo của sự sống và sức sống, thế nên, trách nhiệm giáo dục con người có được một đời sống đạo đức tâm linh tốt đẹp, thánh thiện, phù hợp với chánh pháp, chính là đường hướng, là tiêu đích giáo dục thuần chánh của Đạo Phật.
Trên phạm trù thế tục, đối với xã hội, để có được một đời sống thật sự tốt đẹp, đức Phật dạy con người xây dựng sáu mối tương giao giữa Cha mẹ và Con cái; Thầy và Trò; Vợ và Chồng; Cá nhân và Quyến thuộc, Thân hữu, Láng giềng, Đoàn thể; giữa Chủ và Công nhân, giữa Tu sỹ và Cư sỹ[1]
Nhằm duy trì sự thịnh vượng, vững mạnh của một quốc gia, Ngài dạy 7 nguyên tắc xây dựng và phát triển làm nhụt chí những ai muốn cậy vào sức mạnh quân sự để gây hấn, thôn đoạt lãnh thổ và mười chánh sách để có được một chính phủ xứng đáng mà trong kinh Pháp Cú Sớ và Jātaka gọi là Thập Vương Tử Pháp.
Ngài cũng dạy về nguyên nhân của nghèo đói và tệ nạn của xã hội đồng thời đề ra phương pháp cải thiện thực trạng xã hội qua việc nâng cao đời sống kinh tế, cải thiện kế hoạch canh tác, cung cấp phương tiện cho giới nông dân, và nguồn vốn đầu tư cho giới thương gia, trả lương xứng đáng cho giới công nhân (Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Trường Bộ Kinh 3 số 26).
Ngài dạy về cách chăm sóc và xây dựng hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, có tay nghề vững, có khả năng điều hành, lãnh đạo tốt, siêng năng, cần mẫn. Biết quân bình ngân sách, biết tạo lập tài sản, biết bảo vệ sức khỏe, biết trưởng dưỡng tuệ giác, biết cải tổ đời sống của xã hội trên mặt vật chất lẫn tâm linh v.v…
Với việc bảo vệ chánh pháp, đức Phật dạy “Thất bất thối pháp” nhằm giúp cho chánh pháp được trường tồn, bảo vệ được hòa khí, giải quyết tận gốc những nan đề phức tạp, 7 pháp Tỳ ni để hóa giải mọi thị phi tranh chấp, 6 phép Hòa kính để chung sống hòa hợp, lâu dài và cả một tạng Luật để sách tấn hàng xuất gia và tại gia có một đời sống thanh tịnh, giải thóat, đó là chưa nói đến Kinh tạng, một kho tàng chân lý đồ sộ mà mỗi chữ mỗi câu đều là những phương pháp giáo hóa vi diệu có khả năng giúp người trút bỏ mọi hệ lụy, ưu não nhằm thăng hoa cuộc sống một cách nhanh chóng và hữu ích.
Nói chung, không có bất cứ lãnh vực nào trong đời sống mà không được Đạo Phật hướng dẫn một cách cụ thể, nhất là mặt nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, cải thiện xã hội, giải thoát khổ đau, sanh tử cho toàn thể chúng sinh, từ mặt nhân sinh quan đến vũ trụ luận, từ con người đến tất cả sinh loại, từ hữu tình đến vô tình, từ ảo tưởng đến thực tại, từ thế giới nhị nguyên phân biệt đến pháp giới bất nhị bình đẳng vô sai biệt.
Có thể nói, phương pháp giáo dục của đức Phật là hằng hà sa số thể loại, đó chính là lý do tại sao các nhà học giả tây phương, đặc biệt là những vị giáo sư lỗi lạc tại các trường đại học hiện đại nổi tiếng trên thế giới đã hết sức ngạc nhiên và khâm phục Phật giáo khi nghiên cứu và bắt gặp những điều mà theo họ vượt ngoài sức tưởng tượng của mình. Nói tóm, nền giáo dục của Phật giáo bao gồm cả: Đạo dục, Tâm dục, Trí dục, Tín dục, Kỷ dục và Thể dục
2/ Phương tiện giáo dục
Phương tiện giáo dục trước hết phải được hiểu như chính là cứu cánh, vì cứu cánh và phương tiện tuy hai nhưng lại là một. Trong cứu cánh vốn tự có sẵn phương tiện và ngược lại. Phương tiện tốt, cứu cánh tốt, phương tiện xấu, cứu cánh xấu.
Phương tiện ở đây, trước, trên và quan trọng hơn hết phải là bản thân của những nhà làm công tác giáo dục, chứ không phải chỉ thuần là những thiết bị giáo dục, dù thiết bị giáo dục là những phương tiện không kém phần quan trọng. Người đóng vai trò giáo dục phải nắm vững mục tiêu giáo dục, phải có chính sách giáo dục tốt, phải tự thấy trách nhiệm, tận tụy với chức năng của mình, thấu triệt những nan đề đặt ra cho bản thân.
Người đảm trách sứ mệnh giáo dục theo đức Phật phải cần tự trang bị cho mình một cách đúng mức về Tam Vô Lậu Học (Giới, Định,Tuệ). Trên căn bản của ba môn học này, người làm công tác giáo dục sẽ có đủ 3 tiêu chuẩn tối thiết đó là: Đức năng, Trí năng và Kỹ năng.
Đây là những tiêu chuẩn quan yếu mà trong vai trò của một nhà giáo dục cần phải được ưu tiên hàng đầu. Người đóng vai trò giáo dục đúng nghĩa theo Đạo Phật là người luôn thể hiện đúng đắn ba chuẩn mực căn bản: Thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, và cần phải Khế thời, Khế Lý và Khế Cơ.
3/ Ưu tiên hóa giáo dục
Đạo Phật đặc biệt quan tâm đến vai trò giáo dục và xem giáo dục như một sứ mệnh ưu tiên hàng đầu. Trong suốt 49 năm ròng rã, không ngày nào đức Phật không giáo hóa. Ngài đã tuyệt đối trung thành với sứ mệnh giáo hóa đến hơi thở cuối cùng mà pháp hội Niết Bàn tại rừng Kushinagar là pháp hội đặc biệt quan trọng.
Châm ngôn “Hoằng pháp thị gia vụ, Lợi sanh vi sự nghiệp” đủ nói lên sự quan tâm sâu xa của Đạo Phật đối với sứ mệnh giáo dục như thế nào. Đức Thế Tôn luôn luôn sách tấn đồ chúng là phải nỗ lực tinh cần trong vấn đề tu học, tu học liên tục, thường xuyên không gián đoạn (Ngài thường dùng hình ảnh của một người cọ hai thanh cây để lấy lửa ra ví dụ).
Điều này có nghĩa là cần sửa đổi, tu nghiệp, cải tổ, cập nhật hóa… một cách miên tục, không gián đoạn, đặc biệt giáo pháp Tứ Chánh Cần đã chứng minh rất rõ thực tế đã đề cập. Do vậy, đối với Đạo Phật người nắm vai trò giáo dục cần thường xuyên quan tâm cải tổ hệ thống giáo dục, xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đa dạng, tiên tiến, toàn diện và luôn phù họp với thời đại. Cần cải thiện kỹ năng và nội dung giáo dục, chấn hưng và thiết định hóa chương trình, tổ chức giáo dục trong tinh thần bình đẳng, cởi mở vì công ích.
Chương trình giáo dục phải là một chương trình thù ứng với khả năng của từng đối tượng thụ huấn, phải thực tiễn, khả thi và đáp ứng thỏa đáng nhu cầu xã hội, thời đại, thể hiện cao độ lý tưởng của Bồ tát đạo, đặc biệt giải quyết rốt ráo khát vọng bức thiết của con người: Giải thoát sanh tử, khổ đau, thể nhập Niết bàn an tịnh, hạnh phúc đích thật.
4/ Phương Pháp Giáo Dục
Phương pháp giáo dục của đạo Phật là phương pháp rất hợp lý, khoa học và hết sức thực tiễn, hữu hiệu. Thường thì mỗi khi đức Thế Tôn thuyết giáo, Ngài kiên nhẫn và bi mẫn phân tích vấn đề một cách tỉ mỉ từ phạm trù của hiện tượng giới đến bản chất của sự vật, từ nguyên nhân đến kết quả, từ tục đế đến chân đế.
Ngài không chủ trương bóp méo sự thật, ngược lại, trong tâm lượng của một bậc Đạo Sư, Ngài dạy đệ tử của mình phải khảo sát các pháp, tức mọi hiện tượng một cách tường tận và khoa học, khách quan (gạt bỏ mọi thủ kiến) để thể nghiệm chân xác và như thật bản thể hay tự tính của thực tại. Đây là phương pháp giáo dục của bậc Điều Ngự Trượng Phu, bậc Đại Giác.
Đức Phật thường căn cứ vào những sự kiện cụ thể để chỉ dạy, qua những chỉ dẫn của Ngài về giáo pháp Tứ Diệu Đế, Kinh Pháp Cú, Luật Tạng, 12 bộ kinh (chỉ cho thể loại một cách tổng quan chứ nếu nói đủ thì phải nói là vô lượng pháp môn) ta có thể chứng minh được điều đó.
Những lời Ngài dạy rất sinh động, cởi mở, đi thẳng vào trái tim của người nghe, nhờ ánh sáng chân lý của bậc tuệ giác siêu việt chiếu vào khiến tâm thức của từng đối tượng tan đi tất cả những vô minh, phiền não. Tác dụng của những lời dạy của đức Phật quả thật rất khó nghĩ bàn, thật cao siêu, màu nhiệm, nhưng luôn luôn có sự tương quan với lịch sử và những chuyển biến mang tính thời sự.
Bốn tiêu chuẩn (nguyên tắc), tức là Tứ Tất Đàn (siddhāntas) mà đức Phật thường xuyên khai thị đã thể hiện rõ điều đó: Thế giới tất đàn, Vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn và Đệ nhất nghĩa tất đàn. Qua bốn Tất Đàn trên, chúng ta thấy rằng:
1/ Tiêu chuẩn thứ nhất: căn cứ trên những căn bản nhận thức hoàn toàn thù ứng với thế giới. (Trên phạm trù tục đế dù ta biết mọi hiện tượng đều giả hữu, nhưng nếu không có phương tiện thiện xảo được ứng dụng một cách tuyệt hảo nhằm khai dụng trọn vẹn bi nguyện và trí lực thù thắng thì không thể có được hoạt dụng bất khả tư nghì của chánh pháp giữa một thế giới đầy mộng tưởng, điên đảo và khổ đau.)
2/ Tiêu chuẩn thứ hai: căn cứ trên sự nhận thức của thính chúng đương cơ, của con người. Phù hợp với hoàn cảnh, trình độ, ngôn ngữ v.v… (nhưng cũng có người bảo rằng vị nhơn chứ không vị kỷ, ở một trình độ nào đó ta cũng có thể thông cảm được)
3/ Tiêu chuẩn thứ ba: Đối trị cả thân bịnh và tâm bịnh, do đó nền giáo dục của Đạo Phật là nền giáo dục có khả năng giải quyết những vấn đề của xã hội hiện thực từ kinh tế, đến y học, kỹ thuật v.v… Nói chung là làm cho con người hết khổ, có một đời sống hạnh phúc, an tịnh, giải thoát thật sự.
4/ Đệ nhất nghĩa là tiêu chuẩn thứ tư đặt căn bản trên chân đế, thắng nghĩa đế, hay xuất thế gian đế. Đây là tiêu chuẩn tuyệt đối, thực tại siêu việt. Tiêu chuẩn hoàn toàn đặt sự nhận thức trên sự thật như thật.
– Bốn nguyên tắc quan trọng khác nữa, đó là Tứ y: 1. Y pháp bất y nhân; 2. Y nghĩa bất y ngữ; 3. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa; 4. Y trí bất y thức. Và, còn cả hàng ngàn pháp môn màu nhiệm khác mà chúng ta không thể nói hết và nói đủ.
5/ Hiệu năng giáo dục
Đạo Phật đặc biệt nhấn mạnh đến hiệu năng của phương pháp hành trì, hay nói khác hơn dụng lực hay công năng của sự tu tập. Đạo phật không chủ trương trao cho con người một số kiến thức vô bổ, cũng không nhằm thỏa mãn nhu cầu tri thức thời đại mà chính là đặc biệt chú trọng đến hiệu năng của tiến trình tu chứng. Đây chính là phương pháp giáo dục đặc thù của Phật giáo.
Nền giáo dục của Phật giáo là nền giáo dục khai phóng, có khả năng giải thoát mọi cá thể ra khỏi mọi phạm trù tri thức ốc đảo. Ở thời đại chúng ta, để kế thừa nền giáo dục siêu xuất đó, trên căn bản của một nhận thức như thật, chúng ta cần phát huy tinh thần giáo dục thù ứng và diệu dụng của Phật giáo, tổng hợp những tinh tủy của mọi nền văn hóa để có thể nhiếp hóa nhằm bồi đắp nhưng đồng lúc triển khai đúng mức bản sắc đặc thù và những tinh hoa đặc hữu của dân tộc nhằm đưa dân tộc đến chỗ tự do, dân chủ, phồn thịnh và hạnh phúc chân thật. Đặc biệt nền giáo dục của Phật giáo là phương pháp giáo dục giúp con người trở thành bậc đại giác, toàn trí, toàn đức, có khả năng mang lại sự lợi ích to lớn và lâu dài cho muôn sinh.
Đạo Phật chủ trương lấy con người làm trung tâm điểm để cải hóa và xây dựng xã hội. Con người tốt, xã hội tốt và ngược lại. Giáo dục con người để trở thành một tài bảo của thế giới nhân loại là bước căn bản và hết sức quan yếu mà Phật giáo gọi là Nhân Thừa trong Ngũ Thừa giáo.
Con người là tài nguyên lớn vô giá như Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhân thị tối thắng – Con người là trên hết”; do vậy, cần đầu tư vào việc giáo dục con người trên một quy mô quốc gia theo nền giáo dục hiện đại và toàn diện là một nhu cầu bức thiết mà chúng ta cần hướng đến. Suốt 49 năm du phương hóa độ, sứ mệnh trung tâm của đức Phật là tuyên giảng con đường giải thoát, đề cao khả tính giác ngộ của mọi cá thể một cách bình đẳng và tuyệt đối.
Truyền thống giáo dục của Phật giáo là truyền thống giáo dục toàn diện. Đức Phật được tôn xưng như là một nhà giáo dục vĩ đại và thánh thiện, là bậc đạo sư tiêu biểu, mẫu mực (bậc Điều Ngự, đấng phước trí vẹn toàn), đức Phật chủ trương giáo dục con người giải thoát mọi kiến thủ để đạt được tuệ giác siêu việt. Ta thường nghe nói nhiều về sự Chứng Đạo, Đạt Đạo, Thành tựu đạo quả v.v… đó là cốt ý muốn nhấn mạnh đến thành quả, hiệu quả, cứu cánh tối hậu chứ không là một lý thuyết thuần túy.
Thưa chư liệt vị, trước khi dứt lời, có một đề nghị khiêm tốn mà chúng tôi muốn được trình bày cùng chư vị:
Ý thức được sự khủng hoảng nghiêm trọng của nền giáo dục hiện tại là nguyên nhân khiến cho đất nước bị tụt hậu, dẫn đến tình trạng nghèo khó, bất công, thiếu tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… chúng ta cần tiên phong trong vấn đề cải tổ chính sách và hệ thống giáo dục từ học đường đến gia đình, từ quốc gia đến thế giới, và tôi nghĩ rằng, đây vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng chính là sự sống của chúng ta vì chúng ta không xem một nhà làm giáo dục như là một nghề để sinh sống mà đây là lý tưởng sống, mạch sống, nguồn sống của nhân loại.
Chỉ với ý thức trách nhiệm như thế, chúng ta mới cứu vãn được tình trạng suy thoái, tụt hậu hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, muốn làm được như thế, trước hết chúng ta cần phải có khả năng cải tổ chính mình, tôi muốn nói đến vấn đề tu học bản thân mà mỗi nhà giáo dục cần phải hoàn bị.
Tôi thấy Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức có được những yếu tố cơ bản đó, có thể đáp ứng được nhu cầu giáo dục cấp thiết hiện nay, quý Trưởng vừa có tu, có học nhưng đồng thời cũng vừa có hạnh nguyện truyền đạt cả kiến văn lẫn kinh nghiệm cho đàn hậu tấn. Do vậy, chúng tôi đặc biệt tin tưởng vào các anh chị em. Xin thành tâm tán dương công đức và cầu nguyện cho tâm nguyện của mỗi một anh chị em luôn kiên định và phát triển tốt đẹp.
Thích Viên Lý
Cảm ơn Quý Vị đã dành thời gian tìm hiểu về Đaoh Phật và Giáo dục để xem thêm nhiều sách hay về Phật giáo, mời Quý vị vào Ebook HT Thích Viên Lý, có rất nhiều cuốn sách hay ý nghĩa về Phật giáo Thế giới.