TRUNG NIÊN THI SỸ, NHỮNG KỶ NIỆM CHƯA NHÒA
T.T. Thích Viên Lý
Dù ở chung với thi sỹ Bùi Giáng một phòng trong suốt hơn bốn tháng, nhưng, tôi có cảm thức như không hiểu gì về Ông trừ một vài khái điểm lờ mờ rằng Ông là một Đại Thiên Tài siêu xuất nhất của dân tộc, là bậc Thầy của những bậc Thầy cùng và nhiều thế hệ, là thi sỹ lớn vượt mọi thi gia thời đại và vượt ngay cả chính tự thân, một con người sống rất Người với tất cả ngữ nghĩa nhưng vượt ngoài mọi nghĩa ngữ. Ở Ông ngôn ngữ phải cúi đầu vì bản thân Ông chứa đựng hằng sa ngôn tự nhưng vẫn là một cõi vô ngôn.
Tại Chùa Long Huê – Gò Vấp, cách tình cờ nhưng chẳng tình cờ vì theo lời Phật dạy, trên trần gian này, không một hiện tượng nào hiện hữu một cách ngẩu nhiên, tôi đã sống không phải chung Chùa mà chung phòng với một nhân vật gần như trở thành linh thoại dù hôm nay Ông đã vĩnh viển từ giả cuộc chơi.
Với Ông không có gì để tôi phải nói, vì tự biết, nói thế nào cũng chẳng chính xác về Ông, ở Ông, có lẽ hàm tàng mọi góc cạnh ngay cả cõi giới vô cùng, chổ không phải tưởng tư vói tới.
Qua tháng năm, tôi chỉ còn lại những kỷ niệm siêu thì giửa một giai kỳ chung sống và những kỷ niệm này như tồn đọng với thời gian.
Trước hết, một hôm Ông bắt đầu nói năng sau thời gian im lặng bốc cháy, Ông đã mượn tôi một cái quần Vía vì tôi chỉ sử dụng nó trong những dịp lễ lạc quan trọng. Chiếc quần này chính là cái độc nhất còn tương đối mới. Kính trọng Ông, tôi không đủ can đảm đem những chiếc quần củ để cho Ông mượn dù không rõ là Ông sẽ sử dụng nó vào việc gì? Thế rồi với tất cả sự thắc mắc, tôi đã thầm lặng quan sát, trước hết, Ông đem cái quần Vía của tôi giặt dịa thật kỷ, và điều làm tôi ít nhiều xót xa đó là Ông đã xé tẹt chiếc quần vía ấy ra làm nhiều mảnh để rồi phải tốn cả ngày dài khâu vá với nhiều mảnh vụn khác màu.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cái việc Ông chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy mộng thực mà một số người gọi Ông là một “người điên”. Ông có “Điên” thật sự như một số người bảo thế? Với tôi nếu có “Điên” thì Ông đã điên với tất cả sự chuẩn bị chu đáo, chu đáo hơn cả một vị Tướng cầm binh xuất trận sau khi đã trù bị đầy đủ quyết sách cần thiết. Cái điên của Ông là cái điên mà rất nhiều người thèm khát nhưng không Điên như Ông được.Chính cái điên của Ông mà nhiều lúc những cán bộ Cộng sản cao cấp điên đầu, cũng chính cái điên của Ông mà dân tộc Việt nam có được những vần thơ độc thoát.
Ngoài chiếc quần bị xé và vá nhiều mảnh, trong một cái bị vải, ông đã thủ sẳn những thứ mà theo Ông có lẽ rất cần nhưng nếu trao những vật ấy cho người thì chắc là ai cũng lắc đầu bỏ chạy. Thế rồi Ông biệt tăm trong hai tuần để rồi về lại Chùa với một dáng vẽ nữa tỉnh nửa say. Men rượu nặc nồng mà có lúc vì không chịu nổi tôi phải bỏ phòng để tạm lánh đi nơi khác.
Trong những lúc ấy là lúc mà tôi có thể học được rất nhiều từ Ông vì thắc mắc điều gì cũng được Ông giải thích cặn kẻ nhất là Triết Học, Thơ phú … bù lại những lúc Ông “tỉnh” dù cạy miệng Ông cũng chẳng nói một lời. Tư tưởng của Nietzsche, Heidegger, Rimbaud, Nguyễn Du, Héraclite và Long Thọ là những tư tưởng mà Ông thường đề cập mỗi khi trò chuyện.
Bình thường Ông rất khiêm hạ. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn, tôi có cảm nghĩ mình như là thượng khách. Ông chí mực uyên bác trong mọi lãnh vực nhưng sống mà cứ như giởn đùa với cuộc tồn sinh. Ông xa lạ với chính Ông nhưng ngoài Ông, có lẽ không ai hiểu Ông như là chính Ông đã hiểu, dẫu thế, chỉ dấu vô ngã là một cái gì mà dù kẻ khó tánh cách mấy cũng không thể phủ bác nơi một con người vốn thấm nhuần kinh Phật.
Một hôm chúng tôi — những kẻ đồng liêu đang bàn với nhau về chuyến vượt biên, thình lình Ông xuất hiện: “Bộ các Thầy toan tính vượt biên đó hả, chừng nào đi?” Ông hỏi như quát, ngại Công An rình mò nghe được, chúng tôi nhỏ nhẹ với Ông: “Thưa Thầy chưa đi đâu ạ”. “Chưa đi mà cớ gì lại bàn bạc chứ, bộ định lấy vãi thưa che mắt thánh à, coi sao được chứ bộ, khà khà khà”, Ông cười một cách vô tư lự như không có gì xảy ra làm một phen chúng tôi lo lắng bồi hồi.
Rồi một buổi khuya nọ, không hiểu đã đi đâu về, Ông đấm cửa rầm rầm và gọi lớn: “Thầy Viên Lý à, thức dậy mà tụng kinh, tu hành chi mà ngủ dữ thế”. Tôi giựt mình trờ dậy, trong lúc chưa định tỉnh, cứ ngờ là hôm trước vì mình thức khuya nên ngủ mê và bị trể thời công phu thường lệ lúc 4 giờ sáng mỗi ngày, té ra khi nhìn kỷ đồng hồ. Chỉ mới 2 giờ rưởi khuya! Vì biết tánh Ông hay đùa, tôi chỉ cười huề và mở cửa để mời Ông vào sau hai tuần hơn Ông du hí ta bà với tâm vô sở trụ.
Thế rồi một hôm, đang lúc đàm đạo với một số Thầy trong phòng của Thầy Quảng Trừ, đứng ngoài cửa sổ, Ông chỉ vào mặt tôi và thét thật lớn: “Thầy Viên Lý coi thường tôi, bộ tôi là cái lỗ rún của vũ trụ sao chứ, ông biết tay tôi à nghe”, thét xong Ông tông cửa xông vào, một quả đấm được giơ cao như sẳn sàng giáng xuống, tôi bình tỉnh lên tiếng: “Thầy Bùi Giáng, chúng ta lớn cả rồi, Thầy làm gì kỳ cục thế”. (mặt dù tuổi tôi và Trung Niên Thi sỹ cách nhau khá xa). “Ồ tôi tưởng đâu ông Quảng Niệm”, Ông làm lành với tôi nhưng những bước chân chạy trốn hối hả của một ai đó đang ngồi bên cạnh làm mọi người cười ồ, thế là chúng tôi ôm nhau làm hòa nhưng ngẫm nghĩ kỷ lại thì không có gì để hòa cả vì giửa chúng tôi và Ông có gì bất hoà đâu để mà hoá giải.
Kỷ niệm cuối cùng là vào dịp Tết, sau khi biếu Ông một lít rượu nếp thang của một ai đó chuyển đến, Ông uống say mê nhưng cho là nồng độ chưa đạt, trong câu chuyện gồm đủ thể tài, bất chợt Ông hỏi: “Thầy có bao giờ đọc Truyện Kiều chưa?” “Dạ có, chẳng những đọc mà còn học để trả bài thi nửa thưa Thầy” tôi thật thà đáp. “Theo Thầy chổ nào là chổ diệu cực nhất của Truyện Kiều?” Thi sỹ Bùi Giáng hỏi. “Ơ ơơ, dạ chổ nào cũng hay cả,” tôi đáp. “Nói như thế thì huề vốn cả làng, này nghe nè, là một người ăn nằm với Truyện Kiều trên suốt mười ba năm, tôi thấy mấy câu kết là cực diệu chi huyền mà Đại thi hào nhà Nguyễn đã để lại cho đời, rồi Ông ngâm vang một cách sảng khoái làm chúng tôi đồng cảm nhưng chỉ biết cười trừ:
“Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”
“Thật tuyệt diệu, siêu tuyệt quá, vô ngã đến thế là cùng, có phải thế không các Ông?” Ông nhìn tôi mà như nhìn vào khoảng không vô cùng để hỏi những điều mà chỉ riêng Ông tâm đắc.
Còn nhiều điều đáng ghi nhớ khác, nhưng với Thi Hào Bùi Giáng, đã có rất nhiều ngòi bút biểu đạt về Ông. Với bản thân tôi, tôi chỉ muốn nhìn Ông bằng một cái nhìn kính trọng và viết lên những gì trung thực nhất mà qua thời gian chung sống tôi còn giữ lại trong lòng.
Ngày Ông vĩnh viễn ra đi, nơi một ngôi Chùa cách xa bên kia nửa vòng trái đất, tôi âm thầm tụng Bát Nhã Tâm Kinh và nhìn lên không trung mà tưởng chừng như ông một mình cỡi mây về cố quận. Trong ngậm ngùi tôi nghe một phần hồn như hoang vắng vô biên dù vẫn biết cuộc đời là vô thường giả ảo.
Ước gì giờ này còn sống chung bên Ông trong một căn phòng trong Chùa Long Huê như ngày nào để nghe từ Ông những gì chưa nghe được!
17 tháng 12, đánh dấu ngày chào đời của Trung Niên Thi sỹ.
Thích Viên Lý