THẮNG TRI NGŨ UẨN, THEO BA SỰ THẬT

Danh từ Uẩn (khandha) trong tiếng Pāli đây là một danh từ nam tánh có nghĩa là sự tập hợp, nhóm họp những thành phần chồng chất lên nhau, đan chéo vào nhau một cách phức tạp phụ thuộc vào nhau mà phát sanh lên.

Khi nhắc đến Uẩn thì luôn có năm thứ phụ thuộc vào nhau, do đó chúng được gọi là ngũ uẩn. Ngũ uẩn (P) Pañca khandha: (S) Pañca skandha; (H)五蘊. Khi dịch từ Hán ra Việt thì danh từ trên được dịch là ngũ uẩn hay ngũ ấm. 

Ngoài ra, trong một số kinh diễn, danh từ này còn được dịch là sanh y (hàm ý do nghiệp lực của năm nhóm này mà có sự tái sanh) và gánh nặng (còn sự bám víu chấp năm uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta). 

Tóm lại, thuật ngữ ngũ uẩn chính là chỉ cho năm nhóm, năm thành phần, năm hợp chất kết hợp lại tạo nên thế giới và chúng sanh trong thế giới đó. Ngũ uẩn bao gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. 

Tất cả chúng ta sở dĩ khổ đau bởi chấp thủ thân ngũ uẩn do Danh và sắc kết hợp lại này là thật, là sở hữu của ta và từ đó thủ chấp, ái luyến vào ngũ uẩn vốn tạm bợ. Do mê mờ nên chẳng thấy rõ trong ngũ uẩn tồn tại ba sự thật mà không ai có thể thay đổi.

Ba sự thật ấy chính là vô thường, khổ, vô ngã. Khi chúng ta thắng tri một cách rõ ràng về ba trạng thái này của ngũ uẩn thì liền có thể đoạn tham ái và chấp thủ. Bản chất của ngũ uẩn vốn dĩ là vô thường, khổ và vô ngã. Chính cái thân mà chúng ta thường cho nó một bản ngã ấy thực chất chỉ là một khối thịt do tứ đại sanh cùng với tâm thức. Nó là sự kết hợp giữa danh và sắc. Khi các yếu tố này hòa hợp thì thân ngũ uẩn này vẫn tồn tại nhưng khi các yếu tố hợp thành này tan rà thì liền đoạn diệt. Sự tồn tại của một mạng sống chỉ trong chốc lát. Nó mong manh như hoa đốm giữa hư không, thoắt cái đã không còn tồn tại. Do đó, những thứ chúng ta cảm thọ được cũng đều vô thường. Ngay cả sắc thọ tưởng hành thức cũng đều không thể tổn tại một cách mãi mãi.

Trong kinh Mi Tiên vấn đáp đã từng giải thích rằng: “Tất cả căn, trần, thức và những tâm sở đồng sanh ấy chúng tương quan tương duyên với nhau. Như vậy thì thức, cái nhận biết, đâu phải là chủ thể. đâu phải là cái độc lập, đâu phải là tự ngã thường hằng nương gả ở trong thân.” Khi thấy rõ được sự vô thường, biến hoại trong ngũ uẩn thì bản thân chúng ta tự nhận chân được rằng làm gì có cái nào được gọi là tôi, là của tôi và là tự ngã của tôi. Mọi thứ đều do dây đủ các yếu tố mà hợp lại hình thành nên một thân. Cái thân ngũ uẩn này khi chết liền tan hoại, không thể nào tồn tại một cách vĩnh viễn. Nhưng do chúng ta bị vô minh che lấp lầm tưởng rằng đây là bản ngã của ta nên dùng chính những thứ giả tạm này mà tạo ra nghiệp để rồi chính nghiệp ấy lại là yếu tố khiến chúng ta luân hồi sanh tử không dừng.

Bản chất của ngũ uẩn không hề gây nên sự đau khổ nhưng do chúng ta hiểu được bản chất thật sự của nó nên mới khổ đau. Do đó, khi đã tu tập và hiểu rõ về sự thật về ngũ uẩn thì chúng ta nên đoạn trừ sự tham ái và chấp thủ đối với những thứ giả tạm này. Chỉ cần chúng ta mê mờ chấp thủ, bám víu vào thân giả tạm này thì vòng luân hồi sanh tử sẽ cứ mãi tiếp diễn chẳng thể nào ngừng ngớt. Chính vì vậy, những ai muốn thoát ly sanh tử, hãy dùng trí tuệ mà chặt đứt sợi dây tham ái, chấp thủ thì chắc chắn rằng đường về bến giác chẳng còn xa.

(Hòa Thượng Thích Viên Huy)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *