PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA SÂN HẬN & SỰ CHUYỂN HOÁ – ẤN TRÍ

Sân hận (Pall: Dosa) chính là sự phản ứng khi đối diện với những gì trái với ý muốn của chúng ta. Sân hận mang đặc tính của lửa, đốt cháy và thiều hoại đối tượng nghịch ý cũng như thiêu hoại thân, tâm khiến rơi vào trạng thái thiếu chế ngự, phòng hộ.

Chính vì vậy, sân được liệt vào một trong ba cân bản phiền não, có công năng to lớn thiêu hoại mọi công đức như trong kinh Di giáo đức Phật đã từng nhiều lần nhắc nhở hàng đệ tử: “Đương trị sân tâm thậm ư mảnh hỏa, thường ông đương dương phòng hộ, vô lĩnh đắc nhập. Kiếp công đức tặc, vô quá sân nhuế”. Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa đã, phải thường phòng hộ, không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức, không gì hơn tâm nóng giận.)

Thông thường khi sân tâm bộc phát có ba xu hướng để chuyển hóa năng lượng sân hận.

Phương thức thứ nhất đó là theo xu hướng tăng dần năng lượng sân hận. Khi người gặp cảnh trái ý tác động khiến sân tâm sanh khởi. Do thiếu sự chế ngự và nhận biết trạng thái của tâm thức đang bị sân tâm chi phối nên đưa đến hành động dong thiếu kiểm soát để bộc phát sân tâm đối với đối tượng thích hợp. Nếu đối tượng tiếp nhận năng lượng sân hận từ chủ thể cũng không có sự kiểm soát sân hận thì khiến năng lượng này tăng lên đột ngột bởi sự thiếu kiểm soát từ hai phía. Kết quả đưa đến đó là tác động vật lý qua các cuộc ẩu đả, hoặc mắng chửi lẫn nhau.

Phương thức thứ hai đó là theo xu hướng giảm dần năng lượng sân hận. Nếu chủ thể bộc lộ sân tâm qua hành động đối với một đối tượng thích hợp. Tuy nhiên, năng lượng sân hận ấy được đối tượng tiếp nhận khéo kiếm soát do đó khiến chúng giảm dần bởi có sự xuất hiện của kham nhẫn.

Phương thức thứ ba đó là xu hướng tự chuyển hóa và triệt tiêu sân hận. Đây là giai đoạn dành cho những ai khéo tu tập và chế ngự được sân tâm nơi chính mình. Tại phương thức thứ ba này, chủ thể tự chuyển hoá và điều tiết trạng thái tâm thức khiến sân tâm không sanh khởi khi gặp cảnh trái ý. Dù nghịch duyên hay thuận duyên đối với họ đều khéo điều tâm ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trạng thái này thường bị nhầm lẫn đối với một số trường hợp không bộc phát sân hận nhưng lại đè nén. Sự đè nén ở đây sẽ đưa đến sự tích tụ năng lượng khiến khi bộc phát lại càng lớn mạnh và nguy hiểm hơn cả hai phương thức biểu hiện đầu.

Từ ba phương thức trên thì chỉ có duy nhất phương thức thứ ba nhờ có sự tu tập nên nhận chân được những diễn biến của tâm thức, khéo an trú tâm định tĩnh do đó mà không tổn hại đến bất kỳ ai. Nhờ khéo an trú tâm, điều phục và chế ngự kịp thời mà chúng ta có thể tránh khỏi những hành động thiếu kiểm soát có thể đưa đến những hậu quả gây khổ đau cho chính bản thân cũng như cho những người đang chung sống quanh chúng ta. Do đó, chúng ta là những hành giả đang tu tập hãy khéo chế ngự tâm ý đừng để sẵn tâm chi phối mà thiếu hoại mọi công đức và đốt cháy mọi thiện pháp mà chúng ta đã gieo trồng.

(Phương thức biểu hiện của sân hận & chuyển hóa trong Nguyệt san Diệu Pháp T1/2024)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *