Muôn sự muôn vật trên thế gian đều được gói gọn trong một chữ Duyên. Sự hội tụ, sự xuất hiện làm nên một chủ thể chính là duyên hợp. Sự tan rã, đoạn diệt, tiêu huỷ một sự hiện hữu chính là duyên tan rã.
Thế nên vạn pháp đều thuận theo quy luật có hợp ắt có tan. Chẳng sinh vật nào có thể vượt ra ngoài sự chuyển vận của nhân duyên trùng trùng bao phủ. Có khác chăng chính là sự giữ tâm bất biến mà nhìn thế gian không ngừng biến chuyển. Người giữ vững tâm trí, hiểu thấu được bản chất sanh diệt của tất cả đều là sự thực hằng hữu thì mới có thể sống một đời sống vượt lên trên những cám dỗ, những thú vui, những sự vội vã, hấp tấp trong cuộc sống. Người nào sống giữa đời xô bồ nhưng tâm trí an tịnh, vắng lặng, bất động trước những biến đổi của cuộc sống hay thản nhiên đón nhận những thay đổi ngay cả những thay đổi trên chính thân thể của họ như bệnh, chết một cách an nhiên thì mới là người thực liễu ngộ rốt ráo giáo lý Duyên khởi của Phật giáo.
Đa phần chúng ta chỉ biết thế gian là huyễn hoá trên lý thuyết suông vậy nên mới khổ đau không ngớt. Chúng ta thấy huyễn lại bám víu vào huyễn cho đó là thật nên cứ quay vòng trong theo những được mất hơn thua để rồi chấp chặt huyễn cảnh là một vật thuộc sở hữu của chính mình.
Nếu thế gian vốn không thật, thân này cũng tạm bợ vay mượn mà có thì nương tựa vào đâu mà bảo rằng đây là thân ta, đây là vật sở hữu của ta. Tất cả đều từ giả tạm, từ huyễn hoá nhưng với người vô minh thì nhìn đâu cũng thật, nhìn đâu cũng là sở hữu chủ. Lại do thủ chấp nên đến cả ngay sự diễn đạt trạng thái khổ chúng ta cũng mê mờ mà diễn đạt chúng qua từ “tôi khổ“. Khổ vốn chẳng của riêng ai, những cảm giác khổ đau hay hạnh phúc chẳng phải là một thứ gì quá riêng tư của bất kỳ một cá thể nào. Vậy nên, thấy khổ, cảm nhận khổ chỉ cần đơn thuần mà nhận chân ra trạng thái của khổ, nhìn nhận chúng một cách chân xác thế là đã đủ.
Trên thế gian có muôn hình vạn trạng của những nỗi khổ đau nhưng dựa trên giáo lý Phật giáo thường phân có tám loại khổ dau. Tám loại này chính là những trạng thái phổ quát nhất mang tính chất phô diễn sự bất toại nguyện từ vật chất đến tinh thần của tất cả chúng ta. Nếu hành giả tu tập đã nhận chân, liễu triệt ba giáo lý Khổ, Vô Thường (Huyễn Hóa), Vô Ngã (Duyên sinh nên chẳng có ngã thật sự) và áp dụng giáo lý ấy vào đời sống tu tập hằng ngày thì chắc chắn an lạc, hạnh phúc sẽ luôn hiện hữu.