ĐỨC PHẬT TƯƠNG LAI-THÍCH CHÁNH LẠC

ĐỨC PHẬT TƯƠNG LAI – THÍCH CHÁNH LẠC

Nguyên văn: 

“Đại đỗ bao dung, liễu khước nhân gian đa thiểu sự 

Mãn khang hoan hỷ, tiếu khai thiên địa cổ kim sầu.” 

Dịch nghĩa: 

“Lòng rộng bao la, quét sạch trần gian vô hạn hận 

Mặt đầy hoan hỷ, cười tiêu thiên hạ cổ kim sầu.” 

Theo Phật Tổ Thống Kỷ quyển 30 thì: trú kiếp của quá khứ gọi là Trang Nghiêm Kiếp, trong kiếp này có 1.000 Đức Phật ra đời; trú kiếp của hiện tại gọi là Hiền Kiếp (Bhadrakalpa), có 1.000 Đức Phật kế tiếp giáng sinh và trú kiếp của vị lai gọi là Tinh Tú Kiếp cũng có 1.000 Đức Phật thay nhau giáo hóa. 

Trong số 1.000 Đức Phật ở Hiền Kiếp, vị Phật đầu tiên là Câu Lưu Tôn, vị thứ hai là Câu Na Hàm Mâu Ni, vị thứ ba là Ca Diệp (chúng ta quen đọc Diếp), vị thứ tư là Đức Bổn Sư Thích Ca, vị thứ năm là Di Lạc tức Đức Phật TƯƠNG LAI, vị thứ sáu là Sư Tử và vị Phật thứ 1.000 của kiếp này là Lâu Chí. 

Sở dĩ chúng ta nói Đức Phật tương lai, vì lẽ, hiện nay Đức Di Lạc còn là một vị Bổ Xứ Bồ Tát đang thuyết pháp ở cung trời Đâu Suất Nội Viện. Ngài là vị Phật sẽ kế thừa Đức Thích Ca Mâu Ni để giáo hóa chúng sinh ở cõi Sa Bà, trong đó có thế giới bé xíu của chúng ta. Điều này chứng tỏ Đức Di Lạc là vị Bồ Tát có nhiều nhân duyên sâu xa với chúng sinh ở thế giới Diêm Phù – địa cầu của chúng ta. Do đó, là Phật tử, chúng ta không thể không tìm hiểu về thân thế và đạo nghiệp Ngài, như con cháu truy tầm về dòng dõi, sự nghiệp của ông bà tổ tiên. Và, trước hết xin nói về:

 

1. TỊCH QUÁN VÀ NHÂN DUYÊN XUẤT GIA CỦA ĐỨC DI-LẠC (MAITREYA) 

Đức Di Lạc, con một vị Tể Tướng, sinh ở Nam Thiên Trúc (Trung Ấn Độ), nước Ba La Nại (Banares) dòng dõi Bà La Môn. 

Một hôm, vị Tể Tướng mời thầy tướng tới xem cho Đức Di Lạc; thấy tướng mạo đặc thù – có đủ 32 tướng tốt – của Ngài, đoán biết đứa bé này là một người có phước trí xuất chúng, nếu ở nhà sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, xuất gia sẽ thành Chánh Giác. Và, hôm đó, vị Tể tướng cũng không quên nhờ thầy tướng đặt tên cho con trai mình. 

Tướng Sư hỏi: “Trong khi phu nhân mang thai và sinh cậu bé này có triệu chứng gì đặc biệt?” 

Tể Tướng: “Từ ngày có thai, mẹ nó đột nhiên trở thành một người rất giàu lòng thương xót, ưa cứu người giúp đời, nhất là đối với hạng nghèo khó.” 

Tướng Sư nghe thế, biết đó là ảnh hưởng của thai nhi, nên liền đặt tên cho đứa bé là Di Lạc. 

Di Lạc dịch nghĩa Từ Thị, là họ, còn tên A Dật Đa (Ajita), có nghĩa là vô năng thắng – không ai hơn, không thể phá hoại. Nhưng cũng có thuyết nói A Dật Đa là họ, Di Lạc là tên. 

Vì Ngài ở trong nhiều kiếp đã tu từ tâm tam muội, nên hai chữ Từ Thị không những là biệt hiệu của Ngài lúc bình sanh mà mãi tới khi thành Phật vẫn giữ biệt hiệu ấy. 

Tin vị Tể Tướng sinh được quý tử chẳng bao lâu truyền khắp cả nước và đến tai vua. Nhà vua sợ rằng việc này sẽ bất lợi cho ngai vàng của mình sau này, nên có ý muốn giết cậu bé trừ hậu hoạn. Bởi vậy, nhà vua giả vờ cho người tới báo Tể Tướng, đem con trai vào cung cho vua xem! Tể Tướng tuy phải vâng lệnh, nhưng trong lòng hết sức lo âu, vì đã thăm dò được ý đồ thực sự của nhà vua… Bởi thế, vị Tể Tướng đã đem Di Lạc gửi cho em trai vợ (cậu ruột của Di Lạc) là Ba Bà Li (Pravari) ở nước Ba Lê Phất Đa La nuôi. Ba Bà Li vừa là một học giả, vừa là quốc sư nước ấy. Ông ta có đến 500 đồ đệ. Ông rất yêu chuộng Di Lạc, không phải (yêu vì nết, trọng vì tài), vì lúc này Di Lạc còn quá bé, nhưng có lẽ là bởi tướng mạo phi phàm của cậu bé. 

Nhờ vào sự tận tâm dạy dỗ của Ba Bà Li và căn tánh thông lợi sẵn có của mình, lớn lên, Di Lạc trở thành một học giả uyên thâm, lỗi lạc. 

Thế rồi, một ngày nọ, Ba Bà Li muốn mở hội để giới thiệu Di Lạc với mọi người. Ông sai đệ tử tới báo tin này với phụ thân của Di Lạc và xin đài thọ cho sở phí của đại hội này. 

Trên đường từ Ba Lê Phất Đa La tới Ba La Nại, người đệ tử của Ba Bà Li nghe người ta đồn đại về uy thần, đức hạnh của Phật Đà, nên sinh lòng ngưỡng mộ. Do đó, thay vì tới nhà Tể Tướng, ông lại tới gặp Đức Phật trước. Nhưng, không may, ông ta bị cọp bắt giữa đường!… Tuy bị bất đắc kỳ tử, song nhờ vào lòng thành muốn thấy Phật, nên ông được sanh về cõi trời. 

Trong khi đó, Ba Bà Li, ngày lại ngày, đợi chờ mãi mà không thấy đệ tử mình trở về, nên cuối cùng, ông tự bỏ tiền túi ra lo đại hội. Đại hội này mỗi vị dự hội được cúng 500 đồng. Phút cuối, khi tiền bạc của Ba Bà Li đã hết và đại hội sắp bế mạc, đột nhiên có một người Bà La Môn tên Lao Độ Sai xuất hiện. Ông này đòi Ba Bà Li cũng phải cúng cho mình số tiền như những người vừa rồi. Nhưng, khốn nỗi là giờ đây Ba Bà Li không còn của cải gì ráo! Lao Độ Sai với thái độ hậm hực nói: “Nếu trong vòng bảy ngày không cúng cho ta 500 đồng thì đầu ngươi sẽ bễ làm bảy miếng.” Chính Ba Bà Li cũng thừa biết về sự độc hại của ác thú, nên ông càng lo sợ thêm… 

Trong rủi có may, nguyên người đệ tử bị cọp ăn của ông, nhờ sinh lên cõi trời, nên dễ dàng thấy được thầy mình đang gặp tai nạn. Vì vậy, ông hiện về và báo cho Ba Bà Li hay rằng, Đức Phật đang thuyết pháp ở núi Linh Thứu, nơi thành Vương Xá, nếu thầy tìm tới đó và xin quy y với Đức Phật thì sẽ vượt thoát ách nạn. Ba Bà Li nửa tin nửa không, liền sai 16 người đồ đệ, trong số ấy có Di Lạc, đến thành Vương Xá tìm gặp Phật Đà để dò xem thực hư. 

Trước khi các đồ đệ khởi hành, Ba Bà Li đã dặn riêng với Di Lạc về hai việc phải làm lúc gặp Phật: 

  1. Quan sát Cù Đàm (tên thực Đức Phật) xem có đủ 32 tướng tốt không. 
  2. Thí nghiệm trình độ chứng ngộ của ông ta ra sao, bằng cách thầm nghĩ trong lòng 4 điều: 
  3. Tướng mạo thầy tôi (Ba Bà Li) có gì đặc trưng? 
  4. Năm nay bao nhiêu tuổi? 
  5. Thuộc giòng dõi nào? 
  6. Có bao nhiêu đồ đệ? 

Giả sử Cù Đàm biết đúng các điều ngươi nghĩ tưởng về ta thì ông ấy quả thật là vị đã giác ngộ chân lý vũ trụ. Bấy giờ, ngươi có thể xin quy y, đồng thời tìm cách báo tin cho ta biết ngay! 

Tới thành Vương Xá, gặp Đức Phật, Di Lạc thấy tướng tốt trang nghiêm của Ngài, tuy đã muôn phần kính mộ, nhưng không quên thầm tưởng 4 điều mà Ba Bà Li đã căn dặn… Đức Phật, không một chút do dự, bảo Di Lạc rằng: “Tướng mạo thầy ngươi có hai đặc trưng là tóc đen bóng và có tướng lưỡi vừa rộng vừa dài; năm nay 120 tuổi; dòng Bà La Môn; có đến 500 đồ đệ.” 

Nghe thế, Di Lạc vô cùng khâm phục và nguyện xin được xuất gia với Phật Đà, đồng thời báo tin về cho Ba Bà Li… 

Nhận được tin, Ba Bà Li biết rằng Đức Phật quả là vị đã chứng ngộ, có tha tâm thông (một trong sáu thứ thần thông), nên ông chí thành hướng về Phật Đà cầu xin xót thương cứu độ. Đức Phật liền dùng thần thông hiện đến thuyết pháp cho Ba Bà Li. Ba Bà Li kiền thành thọ giáo và chứng được quả vị A Na Hàm (Angami). 

Trong kinh sử không thấy ghi rõ ngày tháng năm viên tịch của Đức Di Lạc, chỉ biết rằng Ngài tịch diệt trước Đức Thích Ca và sau khi thị tịch Ngài sinh về cõi trời Đâu Suất. Tại sao lại sinh về Đâu Suất Thiên mà không sinh ở các cõi trời khác? Điều này sẽ trình bày rõ trong đoạn:

2. VIÊN TỊCH, SINH LÊN CÕI TRỜI ĐÂU SUẤT. 

Căn cứ vào kinh Phật Thuyết Quán Di Lạc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất, gọi tắt là Kinh Di Lạc Thượng Sanh, do cư sĩ Tự Cừ Kinh Thanh dịch vào đời Tống (Tây Nguyên 420. Tống đây là đời Tống trong Nam Bắc Triều, do Lưu Dũ diệt nhà Tấn mà lập ra, xin đừng nhầm với Tống (960) sau Đường. Để phân biệt hai đời Tống này sử Tàu thường gọi Tống trước là Lưu Tống) thì khi Đức Thích Ca nói kinh này với Ngài Ưu Ba Li, Phật đã cho biết rằng 12 năm sau Đức Di Lạc viên tịch và sẽ sinh về cõi trời Đâu Suất. 

Đâu Suất Thiên cũng gọi là Tri Túc Thiên, nơi đây là chỗ cư trú chung của cả năm thừa (người, trời, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát); tương lai, khi Đức Di Lạc thành Phật, tất cả chúng sinh được sanh về đây đều xuống trần gian để kiến thiết nhân gian Phật giáo… 

Cõi trời Đâu Suất chia ra hai bộ phận: nội viện và ngoại viện. Đâu Suất nội viện là tịnh độ của các vị Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát hay Tối Hậu Thân Bồ Tát, nghĩa là vị Bồ Tát còn mang thân sanh tử lần cuối cùng trước khi thành Phật. Vì thế, cũng gọi Đâu Suất Tịnh Độ, Nội Viện Tịnh Độ, Di Lạc Tịnh Độ, Thiên Cung Tịnh Độ… là y báo thắng diệu của mười nghiệp lành. Cách đây 2528 năm Đức Bổn Sư Thích Ca cũng từ cung trời này giáng sinh. 

Tây Phương Tịnh Độ là nơi giáo hóa của Đức A Di Đà sau khi thành Phật. Đâu Suất Tịnh Độ là đạo tràng giáo hóa của Đức Di Lạc trước khi thành Phật. 

Cõi Đâu Suất Tịnh Độ là do vị đại thần của cung trời này tên Lao Độ Bạt Đề hóa hiện để cúng dường. Cảnh trí trang nghiêm, vi diệu, ở đây cũng tương tự với cõi Tây Phương Tịnh Độ. Chỉ có một điểm nổi bật là Tây Phương Tịnh Độ không có nữ giới (xin xem lời nguyện thứ hai trong 48 lời nguyện của Đức A Di Đà), còn Đâu Suất Tịnh Độ lại có đủ thanh, sắc, hương, hoa và thiên nữ. Những thiên nữ khi nghe tấu các khúc Phật nhạc về vô thường, khổ, không, vô ngã thì họ cũng vừa ca vừa múa, tán dương Phật Pháp nhiệm mầu, khiến người nghe đều phát đạo tâm vô thượng. Lại còn có những thiên nữ vừa hòa nhạc vừa hát những khúc tán thán lục ba la mật của các vị Bồ Tát. Ngoài ra, còn một điểm sai khác nữa giữa hai cõi tịnh độ, đó là: những chúng sanh chuyên tu pháp môn niệm Phật, cầu sinh về Tây Phương Tịnh Độ, khi lâm chung sẽ được chính Đức Phật A Di Đà hoặc do hai vị Bồ Tát Quán Âm và Thế Chí đến tiếp dẫn. Trái lại, những người tu theo phương pháp cầu sinh Đâu Suất Tịnh Độ (sẽ nói rõ ở đoạn 5 trong bài này), khi mệnh chung sẽ được năm vị đại thần của Đâu Suất Nội Viện rải bảy thứ châu báu, hoa hương, hòa tấu nhạc… để nghênh đón những chúng sinh nào đủ duyên lành xin về đây. 

Để chúng ta có một khái niệm về các cõi trời trong tam giới và vị trí của cõi Đâu Suất Thiên, chúng tôi xin sơ lược trình bày như sau: 

Trong Sa Bà thế giới (sẽ nói rõ ở đoạn 3) có tam giới (Dục, Sắc và Vô Sắc Giới), trong tam giới lại chia ra chín địa, tức cửu địa, cũng gọi: cửu cư, cửu hữu, có nghĩa là chín vùng hay chín phạm trù. Chín địa là: 1. Ngũ Thú Tạp Cư Địa là nơi cư trú chung của năm loài chúng sinh, gồm: các chúng sinh cõi địa ngục, quỷ thần, bàng sinh, người và trời. Trong phạm vi trời của Dục Giới này lại chia ra sáu tầng bậc, gồm: 

– Thiên Vương Thiên, cũng gọi Tứ Vương Thiên, vì 4 phương của cõi trời này có 4 vị Thiên Vương: Trị Quốc Thiên Vương (ở phía Đông), Quảng Mục Thiên Vương (Tây), Tăng Trưởng Thiên Vương (Nam), và Đa Văn Thiên Vương (Bắc). Thiên Vương Thiên ở lưng chừng núi Tu Di. 

– Đao Lợi Thiên (Trayastrimsa), tức Tam Thập Tam Thiên – 33 cõi trời – nằm trên chóp núi Tu Di, đức Bổn Sư từng thuyết pháp cho mẹ Ngài ở đây. 

– Dạ Ma Thiên tức Thời Phần Thiên. 

– Đâu Suất Thiên, cũng gọi là Hỷ Túc hay Tri Túc Thiên. 

– Hóa Lạc Thiên. 

– Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Trong sáu cõi trời thuộc Dục Giới (Kamadhatu), hai cõi đầu thuộc về địa cư (trên núi Tu Di), từ cõi thứ 3 tới cõi thứ 6 thuộc không cư.

  1. Ly Sanh Hỷ Lạc Địa, tức cõi trời Sơ Thiền.
  2. Định Sanh Hỷ Lạc Địa, tức Nhị Thiền Thiên.
  3. Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, tức cõi Tam Thiền Thiên.
  4. Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, tức Tứ Thiền Thiên. 

Từ Ly Sanh Hỷ Lạc tới Xả Niệm Thanh Tịnh Địa đều thuộc Sắc Giới Thiên (Rupadhatu). Chúng sinh ở Sắc Giới tuy còn hình sắc, song không còn dục vọng, nên gọi là Hữu Hình Vô Dục Giới.

  1. Không Vô Biên Xứ Địa.
  2. Thức Vô Biên Xứ Địa.
  3. Vô Sở Hữu Xứ Địa.
  4. Phi Phi Tưởng Xứ Địa, cũng gọi Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ Địa. 

Từ số 6 tới 9 thuộc Vô Sắc Giới Thiên (Arupadhatu). Chúng sinh ở đây không còn hình sắc, nghĩa là không còn mang thân ngũ uẩn như chúng ta, vì họ chỉ có 4 uẩn (thọ, tưởng, hành và thức), không còn dục vọng, chuyên sống với cảnh giới thiền định, nên gọi là Vô Hình Vô Dục Giới. 

Trong cõi Sơ Thiền Thiên, theo Tát Bà Đa Bộ, tức Nhất Thiết Hữu Bộ, một trong số 20 bộ phái Tiểu Thừa, thì chỉ có hai cõi trời là Phạm Chúng và Phạm Phụ. Nhưng theo Kinh Lượng Bộ và Thượng Tọa Bộ lại có ba, ngoài hai cõi trời vừa kể còn thêm Đại Phạm Thiên. Sở dĩ có sự sai khác đó, vì Tát Bà Đa Bộ cho rằng Đại Phạm Thiên đã nằm trong Phạm Phụ Thiên. 

Riêng Tứ Thiền Thiên của Sắc Giới, Tát Bà Đa Bộ và Kinh Lượng Bộ đều chủ trương có tám cõi trời, vì hai bộ này cho rằng Vô Tưởng Thiên đã có trong Quảng Quả Thiên. Nhưng Thượng Tọa Bộ lại bảo có chín, tách Vô Tưởng và Quảng Quả làm hai cõi. 

Do đó, Tát Bà Đa Bộ chủ trương Sắc Giới có 16 cõi trời. Kinh Lượng Bộ chủ trương có 17 cõi, Thượng Tọa Bộ nói có 18 cõi. Chủ trương của Thượng Tọa Bộ giống với Duy Thức Tông. 

Tóm lại, nếu chúng ta căn cứ theo Thượng Tọa Bộ thì Tam Giới có 28 cõi trời: Dục Giới 6, Sắc Giới 18 và Vô Sắc Giới 4. 

Loài người chỉ ở Dục Giới, Chư Thiên có khắp cả ba giới. Khác với chúng sinh ở Dục Giới, chúng sinh trong hai cõi Sắc và Vô Sắc đều sống bằng thiền định; tùy định lực cao thấp mà có y báo và chánh báo không giống nhau, nhưng tất cả đều còn nằm trong vòng luân hồi sinh tử. Nên biết rằng, không riêng gì Phật Giáo mà ngoại đạo cũng có thể tu chứng các định cảnh này. Điều tối trọng yếu là khi chứng tới cảnh Phi Phi Tưởng, nếu hành giả thiếu quán huệ sẽ bị mắc vào vòng “trầm không trệ tịch”, mê đắm cảnh sở chứng, rồi tưởng lầm đó là tối hậu Niết Bàn và vì vậy không thể giải thoát sanh tử được. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao đức Thích Ca Mâu Ni bỏ các ngoại đạo danh tiếng thời bấy giờ mà đi tìm một phương cách tu hành khác, sau sáu năm khổ hạnh … 

Mang thân phận con người và nhất là con người trong xã hội công nghiệp ngày nay, nếu một người nào đó chỉ muốn bằng vào định lực để bãi thoát Dục giới, sinh về Ly Sanh Hỷ Lạc địa của sơ thiền đã là một vấn đề bất khả tư nghị, nghĩa là khó khăn bằng triệu triệu lần đưa phi thuyền vào hỏa tinh hay kim tinh, huống gì các cõi trời cao hơn, trừ phi người đó trốn vào thâm sơn cùng cốc, xa hẳn trần gian… Nhưng dù họ có chứng được sơ thiền, nhị thiền và luôn cả Phi Phi Tưởng đi nữa, cũng chỉ đi tới một kết quả là vui hưởng một đời sống tinh thần an lạc, tịnh diệu ngắn hoặc dài, thô hoặc tế mà thôi. Cuối cùng, khi quả bóng định lực đã hết hơi, vẫn không tránh khỏi rơi vào tam giới. 

Do đó, tất cả những lớp tọa thiền cùng những biến tướng của nó, hiện có trong thế gian hôm nay, nếu chỉ xem đó là một phương pháp để lấy lại sự cân bằng (equilibre) cho thân thể hầu tránh bớt bệnh tật hoặc lấy đó làm bàn đạp tốt cho bước đầu, để tiếp tu các pháp môn khác thì được, ngược lại, nghĩa là nếu bảo rằng chỉ dựa vào tu thiền (chúng ta không thể bì với chư Tổ sư ngày xưa) là có thể “minh tâm kiến tánh”, ấy là một lối mê hoặc quần chúng, tự thổi phồng mình lên trong ý đồ bất chính mà thôi. 

Trên đây chúng ta đã lược thuật về các cõi trời trong tam giới, nay xin trở lại vấn đề Đâu Suất thiên. Đâu Suất là cõi trời thứ 4 trong Dục giới. Vì thế, vấn đề được đặt ra là tại sao một vị Bồ Tát Bổ Xứ không sinh về các cõi trời cao hơn ở Sắc và Vô Sắc giới mà lại sinh vào đây? 

Theo ngài Long Thọ (Nagarjuna), tức Long Mãnh, sinh sau khi đức Thích Ca bát Niết bàn 700 năm, ngài là đệ tử của Ca Tỳ Ma La (Ca Tỳ Ma La là đệ tử của Mã Minh Bồ Tát) và là thầy của Đề Bà Bồ Tát – tác giả Bách luận, trong luận Trí độ, lý do có hai:

  1. Các cõi trời dưới Đâu Suất dục niệm còn nặng nề, nên không dễ tín hướng Phật Pháp. Các cõi cao hơn Đâu Suất thiên, vì tự thấy đã quá mãn túc với hiện cảnh của mình, nên không còn có tâm chí cầu hướng thượng… 
  2. Thọ mạng của cõi trời Đâu Suất là 4,000 năm, cứ một ngày đêm ở đây dài bằng 400 năm của thế giới chúng ta. Do đó, vừa hợp với thì gian thành Phật của đức Di Lạc. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong đoạn nói về: 

3. ĐẢN SINH, THÀNH ĐẠO VÀ GIÁO HÓA 

Căn cứ vào kinh Di Lạc Đại Thành Phật do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Hậu Tần (đầu thế kỷ thứ 5) thì từ khi sinh lên Đâu Suất mãi tới 56 ức bảy ngàn vạn năm hoặc 57 ức năm, cũng có chỗ ghi 5 ức bảy ngàn 600 vạn năm sau mới giáng sinh và thành đạo. 

Điều nên biết về chữ ức ở đây, vì nó không giống như Việt Nam chúng ta thường tính: lẻ, chục, trăm, ngàn, vạn, ức, triệu, tỷ… mà ức theo lối tính xưa của người Trung Hoa thì 1 ức = 10 triệu, còn theo hiện nay thì 1 ức = 100 triệu (chính tôi đã có lần nhẫm). Do đó, số năm ghi trên kinh điển không giống nhau. 

Nếu chúng ta tính ức = 10 triệu thì 56 ức 7 ngàn vạn = 630.000.000 năm, còn 57 ức = 570.000.000 năm. 

Và nếu tính ức = 100 triệu như hôm nay của người Trung Hoa thì 5 ức 7 ngàn 600 vạn = 576.000.000 năm. 

Giờ đây, chúng ta tạm căn cứ vào con số 576.000.000 năm và thử làm một bài tính thí nghiệm lời nói của ngài Long Thọ xem sao: 

Thọ mạng ở cõi Đâu Suất 4.000 năm x 12 tháng = 48.000 x 30 ngày = 1.440.000 ngày. Cứ một ngày đêm trên cõi Đâu Suất bằng 400 năm, vậy chúng ta sẽ có 1.440.000 x 400 = 576.000.000 năm của thế giới chúng ta. 

Cũng trong kinh dẫn trên nói rằng, bấy giờ thế gian mưa thuận gió hòa, khắp nơi ấm no, hạnh phúc, không có họa binh đao, không có nạn phân chia màu da, chủng tộc, tương ái tương thân, cũng không cả bệnh tật, con người sống lâu tới 84.000 tuổi… Chính lúc ấy, có một vị Chuyển Luân Thánh Vương đứng ra thống nhất toàn thiên hạ mà không cần tới vũ khí. Thế rồi, trong cảnh thăng bình ấy, đức Di Lạc từ Đâu Suất thiên thị hiện thác sinh vào nhà một vị đại thần tên Tu Phạm Ma… lớn lên, xuất gia, học đạo và thành Chánh Giác dưới gốc cây Long Hoa, trong vườn Hoa Lâm. Sau khi thành đạo, đức Di Lạc triển khai công tác hóa đạo chúng sinh. 

Như chúng ta đã biết Ngài là vị Phật kế tiếp và thay thế đức Thích Ca Mâu Ni. Bởi thế, phạm vi giáo hóa của đức Di Lạc cũng là Sa bà thế giới. 

Sa bà thế giới tức Tam thiên đại thiên thế giới. Sao gọi là Tam thiên đại thiên thế giới? 

Tam thiên đại thiên thế giới, chúng ta thường nghe nói thế giới ba ngàn được tính thế này: 

Một đơn vị thái dương hệ là một tiểu thế giới, cũng gọi là Diêm phù đề hay Nam diêm phù đề (vì ở về phía Nam núi Tu Di) cũng tức là Nam thiệm bộ châu, tên một đại châu, tức thế giới của chúng ta. 

Cứ 1,000 tiểu thế giới gọi là một tiểu thiên thế giới. 

Cứ 1,000 tiểu thiên thế giới gọi là một trung thiên thế giới. 

Cứ 1,000 trung thiên thế giới gọi là một đại thiên thế giới. 

Như vậy trong một đại thiên thế giới (Tam thiên đại thế giới) có 3 thứ 3 ngàn: 1,000 tiểu thế giới, 1,000 tiểu thiên thế giới và 1,000 trung thiên thế giới, nên gọi thế giới ba ngàn hay ba ngàn thế giới. 

Từ đó suy ra một đại thiên thế giới (6) gồm có tới 1.000.000.000 tiểu thế giới, đó là phạm trù nhiếp hóa của một đức Phật. 

Trong đợt giáo hóa đầu tiên của đức Phật Di Lạc dưới cội Long Hoa, có tới 960.000.000 người chứng A La Hán, 36 vạn thiên tử và 20 vạn thiên nữ phát tâm cầu đạo vô thượng. 

Đợt hai có 940.000.000 người chứng A La Hán. 

Đợt ba có 920.000.000 người chứng A La Hán và 340.000.000 thiên long bát bộ phát tâm tu hành cầu vô thượng đạo. Vì thế, chúng ta thường nghe nói Long Hoa Tam Hội (ba phen khai hội giáo hóa) hoặc nghe mọi người khuyên nhau gắng tu để có thể gặp ở hội Long Hoa là vậy. 

Theo Pháp Hoa nghĩa sớ của ngài Gia Tường thì những chúng sinh nào hôm nay giữ trọn 5 giới cấm căn bản sẽ được độ ở đợt một (Hội I). Những ai thọ trì tam qui sẽ được độ ở đợt hai. Còn những người chỉ biết thành kính niệm Nam Mô Phật thôi cũng sẽ được độ vào đợt thứ ba. 

Vị Bồ Tát nào cũng đầy đủ hai đức: Từ (đem an vui tới cho người), và Bi (cứu người khỏi vòng đau khổ), nhưng đức Di Lạc đặc biệt thiên trọng từ tâm trong nhân địa tu hành, nên chúng sinh sống trong thế giới do Ngài hóa độ hoàn toàn an lạc về mọi phương diện. Đó, tức là Nhân Gian tịnh độ. Ngược lại, đức Thích Ca Mâu Ni trong khi tu nhân, đặc biệt chú trọng bi tâm (cứu khổ, bạt khổ), nên Ngài đã giáng sinh, thành đạo giáo hóa trong đời ngũ trược (một cảnh giới đầy dẫy tham sân phiền não và muôn vàn khổ đau). 

Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ đầu thế kỷ, song mãi tới cuối thế kỷ thứ 3 (Tây Tấn) khi ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Di Lạc Bản Nguyện và nhất là vào thời Diêu Tần (cuối thế kỷ thứ 4, đầu thế kỷ thứ 5) ngài Cưu Ma La Thập dịch kinh Di Lạc Hạ Sanh Thành Phật và Di Lạc Đại Thành Phật, người Trung Hoa mới bắt đầu tín ngưỡng đức Di Lạc. 

Qua thời kỳ Nam Bắc triều (420-587) tín ngưỡng Đâu Suất tịnh độ mới thật sự phổ biến khắp nơi và cũng từ đây tượng đức Di Lạc mới được điêu tạo để phụng thờ. 

Xưa nay, những vị cao tăng tín mộ Đâu Suất tịnh độ và đã có kết quả ngay trước mắt, theo chúng tôi biết, gồm có: 

* Cứ Cao Tăng truyện quyển 5, ngài Đạo An (người đời Tấn) và đệ tử đều rất sùng mộ Đâu Suất tịnh độ. Ngài thọ 72 tuổi, vào ngày 27 tháng Giêng năm cuối cùng của đời Ngài, một hôm có một tăng sĩ ăn mặc lam lũ, hình mạo thô lậu vào chùa Đàn Khê xin trú túc, vì thiếu phòng nên nhà chùa tạm mời vị tăng kia ngủ ở nhà giảng. Không ngờ, đêm đến thầy thủ chúng trông thấy vị khách tăng xuyên qua cửa sổ ra vào một cách tự như. Vừa ngạc nhiên, vừa hoảng sợ, thầy thủ chúng vào bạch với ngài Đạo An cớ sự. Ngài Đạo An biết đó là một vị dị tăng hóa hiện, nhất định có mục đích gì đây. Do đó, Ngài tìm tới đảnh lễ và thỉnh giáo vị khách tăng. Khách tăng bảo: “Ta đặc biệt tới đây để độ thoát ngươi” đồng thời dạy cho ngài Đạo An pháp môn làm sạch nghiệp chướng. Ngài Đạo An hỏi: “Sau khi chết tôi sẽ được sinh về đâu?.” Khách tăng đưa hai tay lên không trung, hướng Tây Bắc, rồi làm theo thể vạch vén mây mù, bấy giờ ngài Đạo An và mấy chục đồ chúng liền thấy cảnh giới Đâu Suất tịnh độ hiện ra rõ ràng trước mắt… 

Thế rồi, trên mười ngày sau, ngày 8 tháng Hai, ngài Đạo An hướng đại chúng nói lời giã biệt, chẳng ốm đau gì! 

* Ngài Huyền Trang (7) (596-664), một nhà tân dịch Phật điển nổi tiếng, (từ ngài Huyền Trang trở về trước, thuộc hệ thống ngài Cưu Ma La Thập gọi là cựu dịch phái), từng lưu học Ấn Độ 17 năm (Đường Trinh Quán năm thứ 3, Tây nguyên 629-645), cũng là người triệt để suy sùng, xiển dương tông Duy thức. Kinh điển tối chủ yếu của tông này là luận Du già sư địa, luận này do đức Di Lạc giảng cho ngài Vô Trước. Ngài Huyền Trang trong khi du học Ấn Độ đã từng nghe hai anh em ruột ngài Vô Trước (8) đều được vãng sanh Đâu Suất tịnh độ; lòng Huyền Trang tam tạng đã nảy sinh mến mộ từ đó. Vì thế, lúc về nước Ngài tận lực trong sự nghiệp phiên dịch và hoằng truyền Duy thức học. Khi dịch xong bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, Ngài cảm thấy cơn vô thường sắp đến, mạng sống không còn bao lâu, nên dẹp hết mọi việc, ngày đêm chuyên tâm bái sám. Ngày 5 tháng Hai năm Lân Đức, nguyên niên đời Đường Cao Tông, Ngài cùng đại chúng nói lời từ biệt: “ Nguyện đem phước huệ tu hành lâu nay, hồi hướng khắp tất cả chúng sinh, cầu mong được sanh về Đâu Suất nội viện, và đến ngày đức Di Lạc giáng sinh cũng nguyện được theo Ngài để tiếp tục tu hành cho đến khi thành Chánh Giác.” Bấy giờ những tăng chúng trong chùa đếu thấy điềm lành hiện ra. Trong hàng đồ đệ có người bạch Ngài: “Thầy quyết chắc được sinh về Đâu Suất tịnh độ?” “Nhất định” Ngài trả lời, rồi an tường từ giã… 

Cận đại, các nhà Phật học nổi tiếng như: Thái Hư Đại Sư, Từ Hàng Pháp Sư đều quy hướng Đâu Suất tịnh độ. 

Trên 30 năm trước đây, Hư Vân Thiền Sư (1840-1960), một hôm bị bệnh và chết đi trong vòng một ngày, hôm sau sống lại, nói với thị giả: Ta vừa mộng được lên cõi tịnh độ Đâu Suất, thấy đức Di Lạc đang thuyết pháp, rất đông người nghe, trong đó có trên 10 người đều là pháp hữu của ta, như: ngài Chí Thiện, chùa Hải Hội, Giang Tây; Pháp Sư Dung Kính, núi Thiên Thai; ngài Cung Bảo Ngộ; ngài Thánh Tâm, núi Bảo Hoa; ngài Tử Bá (một trong bốn vị đại sư cuối đời Minh: Liên Trì, Tử Bá, Hàm Sơn và Ngẫu Ích) v.v… Các vị này thấy ta đều niềm nở vái chào và mời ngồi vào hàng ghế đầu phía Đông, chỗ trống thứ ba. Ta cũng thấy ngài A Nan làm duy na (lãnh chúng), và ngồi cách ta không xa. Mọi người đang nghe đức Di Lạc giảng Duy Tâm Thức Định, chưa giảng xong, đức Di Lạc chỉ ta và nói: “Ngươi hãy trở về!” Ta thưa: “Con nghiệp chướng sâu dày, không muốn trở lại trần thế nữa.” Đức Di Lặc: “Số ngươi còn nặng nợ, cần phải về, sau này sẽ trở lại!” (xin xem niên phổ của ngài Hư Vân). 

Tượng Phật Di Lạc đã được điêu tố (khắc, đúc) và lưu truyền từ thời Nam Bắc triều (420-587), nhưng tượng Ngài thời đó không giống với hình tượng mà chúng ta thấy hiện nay đang thờ ở các chùa hay trang trí ở các hiệu buôn… Vì lẽ, tượng đức Di Lạc đang có khắp nơi giờ đây là tượng của Bố Đại Hòa Thượng (Hòa Thượng mang đãy vải, hóa thân của đức Di Lạc thời Ngũ đại [907-959]). Sự thật ra sao về vấn đề này, chúng ta sẽ nói đến trong đoạn 4 dưới đây:

HÓA THÂN ĐỨC DI LẠC 

Trên 1,000 năm về trước, nhằm thời kỳ Ngũ đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu), ở tỉnh Chiết Giang, huyện Phụng Hóa, bỗng nhiên xuất hiện một nhà sư khá kỳ đặc: dáng hình mập mạp, bụng phệ, ăn mặc xốc xếch, ngực luôn luôn phơi bày… Không ai rõ người từ đâu đến, tên họ thật là gì, chỉ nghe người tự xưng mình tên KHẾ THỬ, đi đâu cũng mang một cái đãy (túi) vải, do đó, được người đời gọi là Bố Đại Hòa Thượng. 

Tuy tướng mạo như thế, lại thêm cách nói năng hoàn toàn tự do, phóng khoáng, nhưng thế nhân chẳng ai dám xem thường Người. Vì, trong những câu nói không cần sắp đặt, hình như thiếu mạch lạc kia, lại ẩn tàng một ý vị thâm mật. 

Bố Đại Hòa Thượng không có chỗ cư trú nhất định, bốn biển là nhà. Mỗi khi Ngài đi đâu thì có 18 đứa trẻ con chạy theo sau và không ai rõ những đứa bé kia thuộc con cháu nhà ai? Những lúc vào xóm làng hay đi ngang nông trại, Bố Đại Hòa Thượng thường hướng mọi người xin cơm canh thừa thải để ăn, không phân biệt thức ăn chay hay mặn, cho gì ăn nấy, ăn không hết thì đổ vào đãy vải mang đi. 

Một hôm, Bố Đại Hòa Thượng xin cơm hai vợ chồng nông gia, người chồng vui vẻ đem cơm cho, nhưng người vợ lại cằn nhằn rằng: “Công việc làm không xuể, hơi đâu đi lo cho cái ông thầy tu điên điên, tàng tàng ấy!” Bố Đại Hòa Thượng không nói năng gì, song lấy cơm vừa đổ vào trong đãy, bỏ xuống dưới gốc cây dâu của nông gia, rồi ra đi. Bố Đại Hòa Thượng mới quay lưng, bà vợ bác nông phu lại phát hiện bát cơm ở gốc cây dâu sao lại nằm nguyên trong nồi cơm! Đến đây, bà mới biết Bố Đại Hòa Thượng không phải là một nhân vật tầm thường, vừa sợ vừa xấu hổ, nên vội vàng chạy tìm Ngài để xin tạ tội… 

Bố Đại Hòa Thượng lại thường ám thị cho dân chúng trong vùng nhiều điềm lạ, rất linh ứng như: hễ sáng nào thấy Hòa Thượng mang guốc gỗ cao gót, nằm ngang giữa cầu, ngày đó nhất định trời tốt; hễ thấy Hòa Thượng mang dép cỏ, rảo bước ra đi thì ngày đó thế nào cũng mưa. 

Có một lần người ta thấy Hòa Thượng đem cỏ dại trồng vào ruộng lúa, ai nấy đều cho là ông thầy tu này “tào lao!” Không ngờ, qua năm sau, vì chính quyền bắt dân đóng thuế ruộng quá nặng, rất nhiều người không đóng nổi, nên phải bỏ làng trốn đi. Do đó, ruộng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy… 

Tại huyện Phụng Hóa, có một Phật tử tên Tưởng Tông Bá, ông này rất sùng kính và thường cúng dường Hòa Thượng. Hòa Thượng dạy ông Bá hàng ngày nên trì tụng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ông Bá vâng lời và hết sức tinh thành tụng niệm, nên ông Bá được dân trong vùng đặt cho cái biệt hiệu Ma Ha Cư Sĩ. 

Một ngày nọ, ông Bá cùng Hòa Thượng tới khe Trường Đinh tắm. Trong khi chùi lưng giúp Hòa Thượng, đột nhiên ông thấy trên lưng Ngài có bốn con mắt long lanh, nhấp nháy và đang chăm chú nhìn mình. Bấy giờ, ông Bá vừa lạy vừa run và nói: “Bạch Hòa Thượng, Ngài là cổ Phật thị hiện, xin Ngài hóa độ cho con!” Hòa Thượng bảo: “Việc này đừng tỏ cùng ai! Ta với ngươi đã sống chung nơi đây ba, bốn năm nay, kể ra ngươi cũng có lắm duyên lành đấy! Không lâu nữa ta ra đi, nhưng ngươi đừng buồn lo, ta sẽ có việc nói với ngươi.” 

Tắm xong, Hòa Thượng đến nhà ông Tưởng Tông Bá và hỏi ông: “Ngươi có muốn giàu sang không?” 

Ông Tưởng bạch: “Giàu sang không thể giữ được lâu dài, con chỉ trông mong con cháu sum vầy, đời đời nối dõi, bình an mạnh khỏe.” 

Hòa Thượng liền lấy ra một cái túi lớn, trong túi lớn lại có nhiều túi nhỏ, ngoài ra còn có một cái rương nhỏ, một sợi dây và nói: “Ta tặng ngươi các thứ này để làm vật kỷ niệm, trước khi chia tay, đây chính là ước vọng của ngươi về hậu đại.” 

Ông Bá cung kính nhận tặng phẩm, song không hiểu ý nghĩa vấn đề ra sao! Vài ngày sau, Hòa Thượng mới cắt nghĩa cho ông hay: “Đời đời con cháu của ngươi sẽ nhiều và tiếp tục mãi như các cái đãy nhỏ nằm trong đãy lớn…” 

Vào cuối thời Hậu Lương, niên hiệu Trinh Minh, năm thứ ba (tây lịch 917), ngày 3 tháng Ba, Hòa Thượng ngồi viên tịch trên một khối đá ở hàng hiên chùa Nhạc Lâm. 

Ngày Hòa Thượng còn sống, trong huyện Phụng Hóa có một ông xã trưởng rất ghét Ngài; ông ta cho rằng Hòa Thượng là người “dở dở ương ương”, nên hễ mỗi lần gặp là buông lời nhục mạ và cướp đãy vải rồi đem đốt đi. Nhưng, sáng hôm sau, ông ta lại thấy Hòa Thượng vai mang đãy vải, mặt đầy hoan hỉ khi gặp ông. Ông đã đốt nhiều lần, song lần nào cũng thấy vậy, nên từ đó, ông đặt ra nhiều nghi vấn và sinh lòng kính sợ! Bởi vậy, khi hay tin Hòa Thượng viên tịch, ông xin cúng dường một cái quan tài để tỏ lòng sám hối. Thế nhưng, lúc ông xã trưởng đem quan tài tới, lại không có cách gì di động được nhục thể Hòa Thượng, dù rất nhiều người… 

Sau đó, có một Phật tử họ Đồng, người này hàng ngày rất tôn kính Hòa Thượng, mua một chiếc quan tài khác, bấy giờ việc tẩn liệm tiến hành vô cùng dễ dàng. Vì thế, cả huyện Phụng Hóa đều tin rằng Hòa Thượng là một vị đã chứng ngộ và họ tổ chức lễ truy điệu hết sức long trọng. 

Khoảng mười năm sau ngày Hòa Thượng viên tịch, có một vị sứ thần, người huyện Phụng Hóa, từ tỉnh Tứ Xuyên về nhà, giữa đường, trên chiếc cầu treo bằng gỗ, ông ta gặp Hòa Thượng, Hòa Thượng nói với ông: “Ở tỉnh Chiết Giang, huyện Phụng Hóa có vị tên Tưởng Ma Ha cư sĩ, nhờ chuyển lời giùm tôi, khuyên ông ta nên cố gắng tu hành, mai mốt sẽ gặp…” 

Về đến nhà, vị sứ thần đi tìm gặp được cư sĩ Tưởng Tông Bá; lúc này ông Bá đã vào núi ẩn tu, đoạn tuyệt với trần duyên. Ông Bá có nuôi một con chó vàng, cứ từng kỳ hạn nhất định, ông lại buộc tiền vào cổ con chó để nó xuống núi mua gạo về… Vị sứ thần đem lời Hòa Thượng nhắn nói với cư sĩ Ma Ha, cư sĩ thưa: “Cảm tạ Ngài, tôi đã biết việc ấy.” 

Thế rồi hôm sau, cư sĩ Ma Ha mời bà con, bạn bè đến. Cư sĩ tắm rửa, thay áo quần xong, ngồi niệm Phật và an nhiên giã từ… 

Cách nhiều năm sau, một hôm ông Vương Nhân Hú, huyện trưởng Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến lại gặp Hòa Thượng. Hòa Thượng đưa cho ông một phong thư và nói: “Nếu sau bảy ngày ta không trở lại, xin tự tiện mở thư ra xem!” 

Bảy ngày đã qua, không thấy Hòa Thượng trở lại, vị huyện trưởng mở thư xem thì chỉ thấy một bài thơ (kệ) ngũ ngôn tứ tuyệt thế này: 

“Di Lạc chân Di Lạc 

Hóa thân thiên bách ức 

Thời thời nhị thế nhân 

Thế nhân câu bất thức.” 

Dịch nghĩa: 

“Di Lạc thật Di Lạc 

Hóa thân ngàn muôn ức 

Thị hiện ở khắp nơi 

Người người đều bất thức (9).” 

Dưới bài thơ ấy lại ghi chú chín chữ: 

“Bất đắc trạng ngô tướng, thử tức thị chân.” 

Nghĩa là: 

“Không nên khắc, vẽ hình tướng hóa thân của ta, đó mới là sự khắc vẽ đúng mức. Lại cũng có thể hiểu, không nên khắc vẽ hóa thân ta, vì ta thật như bài thơ mô tả.” 

Đến đời vua Thần Tông, triều Bắc Tống, niên hiệu Nguyên Phong, năm thứ 4 (tây nguyên 1081), pháp sư Tông Thượng cho khắc hình tượng hóa thân Bố Đại Hòa Thượng và bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt vào bia đá dựng nơi mộ Ngài ở chùa Nhạc Lâm. Nhưng ba năm sau, có người sưu tầm được nơi con cháu quan huyện Vương Nhân Hú, nguyên tác bài thơ trên và yêu cầu thầy Như Tuân, trú trì chùa Nhạc Lâm, khắc thêm vào dưới bài thơ “chín chữ ghi chú.” Thầy Như Tuân xem thấy tự tích của Hòa Thượng và biết ý Ngài không muốn ai hội họa hóa thân của mình, nên cho người mài bỏ đi hình tượng đã khắc trên bia đá. 

Lại có cư sĩ họ Lư, huyện trưởng Phụng Hóa, rất sùng mộ Hòa Thượng, do đó, thuê người vẽ tượng Ngài và thờ ngay công đường. Chính hôm làm lễ an vị, bỗng nhiên mưa to gió lớn, mọi người lại càng thêm tin tưởng vào sự linh nghiệm của Hòa Thượng. Tuy Ngài không muốn hàng Phật tử vẽ khắc hóa thân mình, song không từ chối lòng chí thành của những ai chỉ vì muốn kỷ niệm Ngài, chứ không vì gì khác… 

Đời Bắc Tống, niên hiệu Nguyên Phù (tân nguyên 1089), vua Triết Tông sắc phong Hòa Thượng tôn hiệu là Định Ứng Đại Sư. 

Đến đời vua Tống Huy Tông, niên hiệu Sùng Ninh, năm thứ ba (1104), hàng Phật tử xây một tòa nhà lầu phía sau chùa Nhạc Lâm để thờ Hòa Thượng. Tòa nhà này đã từng được sửa sang nhiều phen, nhưng đến đời vua Thế Tổ, triều Nguyên (1281), lầu này bị hư sập, song tượng Hòa Thượng vẫn nguyên vẹn, ngồi trơ trơ giữa đống gạch ngói đổ nát kia. Và có người lại tìm thấy sau vườn trúc của chùa, một hương án cùng hình tượng Ngài không hề hấn gì đứng trên đó. Không ai rõ bằng cách nào hương án nặng như thế mà lại có thể di động tới đây một cách hoàn hảo, trong khi lầu sập?! Bởi vậy, Phật tử lại cùng nhau kiến tạo một tòa nhà mới cung phụng Ngài để tỏ lòng ngưỡng mộ. 

Sau khi đã biết sơ qua về tịch quán, lý do xuất gia, viên tịch, sinh lên cõi trời Đâu Suất, ngày giáng sinh, thành đạo… cũng như hóa thân của đức Di Lạc, ai trong chúng ta lại không muốn cầu sinh về Đâu Suất tịnh độ? Và ai lại không ước mong được thấm nhuần ơn hóa độ của Ngài trong hội Long Hoa? Để có thể đạt tới hai mục tiêu ấy, chúng ta phải làm gì? Đáp án đó sẽ tìm thấy trong đoạn 5 sau đây.

5. PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH ĐỂ ĐƯỢC SANH VỀ ĐÂU SUẤT NỘI VIỆN VÀ GÂY NHÂN LÀNH CHO VIỆC GẶP ĐỨC DI LẠC Ở HỘI LONG HOA. 

Đạo Phật là con đường đưa chúng sinh từ MÊ tới NGỘ, lìa KHỔ được VUI. Phật giáo là những pháp môn tu chứng đã trải qua trên 2,500 năm thời gian và vô biên không gian khảo nghiệm, chứ không là những hý luận hay những lý thuyết để cho chúng ta bàn cãi suông, tiêu khiển… 

Đức Phật ra đời vì mục đích cứu khổ, độ sinh, chứ không phải để chúng ta thờ cúng Ngài. 

Chính vì đạo Phật là một tôn giáo cứu khổ, cho vui (Từ Bi), nên Phật giáo luôn luôn chủ trương HÀNH GIẢI TƯƠNG ỨNG hay nói như Vương Dương Minh là: “Tri hành hợp nhất,” nghĩa là hiểu biết và thực hành phải ứng hợp nhau, ngang nhau. Chỉ hiểu thôi mà không làm, chẳng khác gì người đói nói ăn, nhưng không chịu và cơm vào miệng, kết quả là vẫn đói meo. Ngược lại, chỉ cắm đầu làm mà không hiểu biết, cũng rất dễ bị lầm đường hoặc bị lợi dụng… Đây tức là lối “tu mù luyện tối,” sự tai hại và nguy hiểm không kém gì người mù cưỡi ngựa đi trong đêm đen! 

Cũng vì đạo Phật là đạo TU CHỨNG, nên tu nhiều có kết quả nhiều, tu ít kết quả ít, không tu sẽ không có kết quả, giống như người đã cụt hai tay, tuy có tới núi vàng vẫn phải về không, dù họ mang thân phận gì, xuất gia hay tại gia, địa vị nào, cao sang hay hèn mọn, nếu không thực tâm tu trì vẫn không thể nào thoát khỏi phản ảnh trung thực, vô tư và triệt để công bằng của định luật nhân quả. 

Đã rõ như thế, giờ đây chúng ta thử tìm hiểu là nên gây nhân gì trong khi tu, nói khác đi, là nên tu theo pháp môn nào, để tương lai được sinh về Đâu Suất tịnh độ và có duyên lành tham dự hội Long Hoa… 

Căn cứ vào kinh Di Lạc Thượng Sanh thì: 

“Nếu có hàng xuất gia hoặc tại gia, phát tâm vô thượng bồ đề, muốn cứu độ tất cả chúng sinh, không sợ và không nhàm chán cuộc sống sinh tử khổ não như hàng nhị thừa, khát vọng cầu sinh về Đâu Suất và luôn luôn nghĩ tới cảnh tịnh độ Đâu Suất, đồng thời nên tùy khả năng cố gắng tu mười thiện pháp, Bát quan trai, giữ năm cấm giới, cụ túc giới, quán tưởng hình tượng, xưng danh Bồ Tát Di Lạc, đọc tụng kinh điển, nhiếp niệm chuyên tâm (không để tâm ý buông lung)… Ngoài ra, lại thường nên dùng hương hoa chí thành dâng cúng hoặc nghe đến danh hiệu Bồ Tát Di Lạc sinh lòng cung kính, lễ bái… Những người làm được nhiều hoặc ít trong các pháp tu trì kể trên, tuy phiền não chưa đoạn trừ sạch, cũng không cần phải đoạn sạch, (nguyên văn: Bất cầu đoạn kết), nhưng sau khi mạng chung, chỉ trong nháy mắt, liền được sanh về cõi tịnh độ Đâu Suất. Sau này, khi đức Di Lạc giáng sinh cũng sẽ được cùng Ngài xuống trần gian để tiếp tục tu trì, hóa độ…” 

Xem thế thì ai cũng có thể tu được và tôi tin rằng mọi Phật tử đều có thể gặp nhau ở hội Long Hoa, ngoại trừ những người gây nhân tam ác đạo hay hàng xiển đề (không có lòng tin) mà thôi. 

Xưa nay, giới Phật giáo lấy ngày 1 tháng Giêng âm lịch làm ngày kỷ niệm (vía) đức Bồ Tát Di Lạc. Đó là một việc làm hoàn toàn theo tập quán và tập quán ấy vì quá lâu đời nên đã trở thành truyền thống. Sự thật, ngày mồng một tháng Giêng không phải là ngày đức Di Lạc xuất sinh, xuất gia, sinh lên cõi Đâu Suất, lại cũng không phải là ngày Ngài sẽ giáng sinh trần gian… Nhưng tại sao lịch đại Tổ sư chúng ta lại chọn ngày ấy (1/1 âm lịch) mà không chọn ngày nào khác? Theo tôi: 

  1. Có lẽ vì chán chường với cuộc đời đầy dẫy thương đau, nên người người đều khát vọng một sự đổi mới, có thể xoa dịu được niềm đau nhức kia chăng? Vì như kinh Di Lạc Hạ Sanh nói, ngày Ngài ra đời, thế giới sẽ biến thành Nhân Gian tịnh độ. 
  2. Trong xã hội nông nghiệp xưa, ngày một tháng Giêng là ngày trọng đại nhất trong một năm. Do đó, mọi ước mơ tốt đẹp nhất của cả năm, thậm chí cả đời người thường được gửi gắm trong ngày ấy. 
  3. Có lẽ ai nấy đều trông mong suốt trong năm mọi việc đều trôi tròn, vui vẻ như nét mặt tràn đầy hoan hỷ, không lưu dấu âu lo của đức Di Lạc chăng? 

Cuối cùng, xin trích lục một bài thơ ngụ ngôn mô tả về Phật tính của tất cả chúng sinh của Bố Đại Hòa Thượng, để kết thúc bài này. Dĩ nhiên, đã là Phật tính thì phàm thánh đều như nhau, vì “Tâm, Phật, chúng sinh tam vô sai biệt.” 

Nguyên văn bài thơ: 

Phiên âm: 

Ngô hữu nhất tôn Phật 

Thế gian giai bất thức 

Bất tố diệc bất trang 

Bất điêu diệc bất khắc 

Vô nhất khối nê thổ 

Vô nhất điểm thái sắc 

Công họa họa bất thành 

Tặc thâu thâu bất khứ 

Thể tướng bản tự nhiên 

Thanh tịnh thường hảo khiết 

Tuy nhiên thị Nhất tôn 

Phân thân thiên bách ức. 

Dịch nghĩa: 

Ta có một đức Phật 

Người đời không ai biết 

Không đúc cũng không trang 

(trang trí, trang hoàng) 

Không điêu cũng chẳng khắc 

Không cần đến đất bùn 

Cũng chả cần màu sắc 

Thợ vẽ vẽ không ra 

Giặc cướp lấy không được 

Thể tướng vốn tự nhiên 

Tuy chỉ có một tôn 

Thường trắng trong thanh tịnh 

Hóa thân ngàn muôn ức. 

SÁCH THAM KHẢO: 

  1. Tống Cao Tăng truyện 
  2. Tục Cao Tăng truyện 
  3. Di Lạc Đại Thành Phật kinh (*), ngài La Thập dịch 
  4. Quán Di Lạc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên kinh, cư sĩ Tự Cừ Kinh Thanh dịch 
  5. Hiền Ngu Nhân Duyên kinh, quyển 12, phẩm Ba Bà Li 
  6. Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 27 
  7. Định Ứng Đại Sư Bố Đại Hòa Thượng truyện, Nguyên, Đàm Linh pháp sư viết 
  8. Hòa Thượng Hư Vân (Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ, Thiên Hoa xuất bản) 

(*) Kinh này đức Phật nói với ngài A Nan. 

CHÚ THÍCH: 

(1) Lộc Dã Uyển chính ở đây 

(2) Từ thị: người giàu lòng nhân từ 

(3) Quả thứ 3 trong 4 quả vị của Thanh Văn thừa 

(4) Thuộc Dục giới. Chúng sinh trong Dục giới có đủ tánh dục và thực dục, nên cũng gọi là hữu hình hữu dục giới 

(5) Ở giữa là trời Đế Thích, bốn phương mỗi phương đều có tám cõi trời, 8×4+1=33 cõi. Xin xem Phật Địa Luận quyển 5 và Luận Trí Độ cuốn 9 

(6) Nên nói Đại thiên thế giới hoặc Tam thiên thế giới mà không nên nói theo thói quen xưa nay là Tam thiên Đại thiên thế giới, vì hai thế giới như nhau 

(7) Xin xem Tục Cao Tăng truyện quyển 14 

(8) Em ruột của ngài Vô Trước là Thế Thân, cả hai sinh sau đức Phật bát Niết Bàn 900 năm 

(9) Bất thức nghĩa là không biết 

(10) Kết tức là phiền não 

(11) Đây là văn ở Dạ Ma Thiên Cung phẩm trong kinh Hoa Nghiêm. Tông Thiên Thai gọi là ba diệu pháp, vì Phật, chúng sinh và tâm thể tính bình đẳng, không khác nhau. 

(12) Chữ này bút giả xin đổi cho trang nghiêm hơn, nguyên văn là 

(13) Có bản chép 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *