HỘI THÔNG THIÊN HỌC DO HAI PHẬT TỬ MỸ THÀNH LẬP TIỂU SỬ NHÀ ĐỒNG SÁNG LẬP

HỘI THÔNG THIÊN HỌC DO HAI PHẬT TỬ MỸ THÀNH LẬP

Có Công Đức Quảng Bá Phật Giáo Ở Hoa-Kỳ và Âu Châu

– Thích Viên Lý-

Thông-Thiên-Học (Theosophy) là một phong trào tâm linh và tổng hợp tôn giáo phát xuất ở Tây phương trong thế kỷ 19. Từ ngữ “Theosophy” gồm 2 từ Hy-Lạp “theos” (có nghĩa là “thần”) và “sophia” (có nghĩa là “trí huệ” – “wisdom” trong tiếng Anh), vì vậy từ ngữ “Theosophy” thường được hiểu như là “trí huệ thiên khải” (“divine wisdom”). Châm ngôn của Hội Thông Thiên Học là “Không có tôn giáo nào cao hơn Chân Lý” (“There is no Religion higher than Truth”).

Trong số những hội viên nổi tiếng của Hội Thông Thiên Học gồm có: Mahatma Gandhi, học giả Nhật D. T. Suzuki, nhà phát minh Thomas Alva Edison, nhà bác học Albert Einstein, triết gia Mỹ William James, thi hào Ái Nhĩ Lan William Butler Yeats, Bác Sĩ Albert Schweitzer v.v…

Hội chủ trương: “Sứ mạng của chúng tôi là khuyến khích người ta tìm hiểu với tinh thần phóng khoáng về những tôn giáo, triết học, khoa học, và nghệ thuật, để am hiểu trí huệ trong các thời đại, tôn trọng sự hợp nhất của mọi đời sống và, giúp tha nhân tự tìm hiểu về chuyển hóa tâm linh.”

BA MỤC TIÊU CHỦ YẾU CỦA HỘI THÔNG THIÊN HỌC LÀ:

1. Tạo lập một trọng tâm của tình huynh đệ trong nhân loại, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, giai cấp, hoặc màu da.

2. Khuyến khích những công trình nghiên cứu tôn giáo tỷ giảo, triết học và khoa học.

3. Khảo cứu về những luật thiên nhiên mà con người chưa giải thích được và về những năng lực tiềm tàng trong nhân loại.

Nhờ theo đuổi những mục tiêu nói trên, Hội Thông Thiên Học đã có công đức cung thỉnh những bậc thầy tôn giáo từ Á Châu sang Tây Phương để thuyết giảng giáo lý, nhất là Phật Giáo và Ấn-Độ giáo.

Trong thế kỷ 19 phong trào tâm linh này phát xuất từ khi Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) được thành lập ở New York City năm 1875 bởi bà Helena Blavatsky và ông Henry Olcott. Bà Helena Blavatsky là một nhà quý tộc gốc Nga đã di cư sang Hoa-Kỳ trong năm 1873 và trở thành công dân Mỹ, sau nhiều năm đi chu du và khảo cứu về tôn giáo ở Á Châu. Ông Henry Olcott là một cựu đại-tá trong quân đội Mỹ, từng hành nghề luật sư và ký giả, đã giữ chức chủ tịch từ năm 1875, sau khi Hội Thông Thiên Học thành lập cho tới khi ông từ trần năm 1907.

Học giả Phật Giáo Nhật Bản, Thiền sư D. T. Suzuki đã nói về Bà Blavatsky rằng là: “Bà Blavatsky đã chịu ảnh hưởng từ một số giáo lý Đại Thừa thâm sâu và sau đó đã quảng bá những điều mà bà nghĩ rằng là thích ứng với thế giới Tây phương.” Năm 1920, Học giả Suzuki và phu nhân đã gia nhập Hội Thông Thiên Học tại chi nhánh của hội ở Tokyo.

Những giáo lý của Hội Thông Thiên Học đã vay mượn một số khái niệm và từ ngữ của Phật Giáo. Hai nhà sáng lập Hội Thông Thiên Học là Bà Blavatsky và Ông Olcott đã quy y Tam Bảo ở Tích Lan, và được coi những Phật Tử Mỹ gốc Âu Châu đầu tiên. Ông Olcott là người đã thiết kế lá cở Phật Giáo trong thời gian sống ở Sri Lanka. Hội viên Thông Thiên Học người Mỹ Walter Yeeling Evans-Wentz (Dịch giả của “Tử Thư Tây-Tạng” – The Tibetan Book of the Dead) là người đầu tiên giúp quảng bá Phật Giáo Tây-Tạng ở Hoa-Kỳ và Âu Châu.

Ngày nay Hội Thông Thiên Học được coi là đã tạo ảnh hưởng lớn trong những địa hạt tâm linh trên thế giới, như ăn chay trường, những tổ chức bảo vệ thú vật, những sinh hoạt giao lưu giữa các tôn giáo… Hội đã quảng bá những khái niệm từ Phật Giáo và Ấn-Độ giáo ở Tây phương, như thuyết luân hồi và tái sanh, nghiệp quả, thực hành thiền định và yoga, hỏa tang v.v… Hội đã tạo nhiều ảnh hưởng về chính trị và xã hội ở Ấn-Độ.

CỜ PHẬT  GIÁO

Lá cờ Phật Giáo do Đại tá Henry Olcott thiết kế đã được trương lên ở Sri Lanka (Tích Lan) lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 4 năm 1885 trong dịp Đại lễ Phật Đản; tuy nhiên mãi đến 65 năm sau, vào ngày 25 tháng 5 năm 1950, tại hội nghị Phật giáo quốc tế đầu tiên ở thủ đô Colombo Sri Lanka với sự tham dự của 26 quốc gia, lá cờ ngũ sắc hay sáu màu này mới chính thức được công nhận nhằm biểu tỏ sự thống nhất kết hợp của Phật giáo thế giới.

Đại Hội Phật Giáo Thế Giới được triệu tập lần đầu tiên tại Colombo, thủ đô của Sri Lanka từ ngày 25 tháng 5 năm 1950 đến ngày 8 tháng 6 năm 1950 đã thành lập tổ chức The World Fellowship of Buddhist (Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới). Thượng tọa Thích Tố Liên, trưởng phái đoàn của Phật Giáo Việt Nam đã tham dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới này.

Lá cờ Phật giáo do Đại tá Henry Olcott thiết kế hiện là một trong nhiều biểu tượng của Phật Giáo gồm 6 màu như sau:

1. Xanh dương: tượng trưng cho khái niệm về từ bi và hòa bình trong Phật Giáo.

2. Vàng: tượng trưng cho Trung Đạo.

3. Đỏ: tượng trưng cho trí huệ và đạo đức (wisdom and virtue).

4. Trắng: tượng trưng cho thanh khiết và giải thoát.

5. Màu cam: tượng trung cho tinh túy của Phật Giáo.

6. Tổng hợp tất cả 5 màu trên đây để tượng trưng cho Chân Lý toàn vẹn. Sự tổng hợp 5 màu cũng tượng trưng cho Hào Quang tỏa sáng từ kim-thân Đức Phật khi Ngài đạt đại ngộ bên gốc cây Bồ-Đề.

Cờ Phật Giáo

Sáu màu của lá cờ Phật giáo cũng còn được giải thích qua những ý nghĩa như sau:

▪️ Màu xanh dương tượng trưng cho Thiền định.

▪️ Màu vàng tượng trưng cho Chánh niệm

▪️ Màu đỏ tượng trưng cho Chánh Tinh tấn

▪️ Màu trắng tượng trưng cho đức tin (Chánh tín)

▪️ Màu cam hay màu nghệ tượng trưng cho Trí tuệ

▪️ Màu tổng hợp của các màu nêu trên tượng trưng cho hòa hợp, bình đẳng.

Cờ Phật giáo 1

Hiện nay đã có hơn 60 quốc gia trương lên trong những dịp Đại lễ Phật Giáo, nhất là Đại lễ Phật Đản.

Nói một cách tổng quát, ý nghĩa của lá cờ Phật Giáo quốc tế là; “Bất kể chủng tộc, quốc tịch, tầng lớp xã hội, truyền thống văn hoá hoặc màu da, tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.

Ông Henry Olcott là một trong những Phật Tử Mỹ có nhiều công đức nhất trong tiến trình phát huy Phật Giáo ở Hoa-Kỳ và Tây Phương. Trong những năm cuối đời, ông đã tận tụy phụng sự cho Đạo Pháp và Phật Tử ở Á Châu. Ông được coi là người đi tiên phong trong phong trào giáo dục Phật Giáo, sau khi giúp thành lập khoảng 400 cơ sở giáo dục, gồm những trường trung/tiểu học và trường cao đẳng ở Sri Lanka.

Phật Tử Mỹ đầu tiên Henry Olcott (đứng giữa hàng thứ nhì) ở Colombo, Sri Lanka, năm 1883.

Phật Tử Mỹ đầu tiên Henry Olcott (đứng giữa hàng thứ nhì) ở Colombo, Sri Lanka, năm 1883.

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA HAI NHÀ ĐỒNG SÁNG LẬP HỘI THÔNG THIÊN HỌC HENRY OLCOTT

Đại Tá Henry Steel Olcott, người đồng sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hội Thông Thiên Học, sanh năm 1832 ở tiểu bang New Jersey, Hoa-Kỳ, đã từ trần năm 1907 ở Ấn-Độ, từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong thời Nội Chiến. Ông là một trong những người phụ trách điều tra vụ Tổng Thống Abraham Lincoln bị ám sát.

Henry Steel Olcott

Colonel Henry Steel Olcott

Ông là người Mỹ gốc Âu Châu đầu tiên đã quy y Tam Bảo. Trong thời gian giữ chức chủ tịch Hội Thông Thiên Học ông đã giúp tạo ra phong trào nghiên cứu Phật Giáo, và được coi là đã có công giải thích Phật Giáo qua những nhãn quan “Tây phương hóa”. Ông đã đóng góp nhiều công đức trong tiến trình phục hưng Phật Giáo ở Sri Lanka, và cho đến nay quốc gia Phật Giáo này vẫn còn nhớ ơn ông. Ngày nay dân chúng Sri Lanka coi ông là “một trong những vĩ nhân đã tranh đấu giành độc lập cho Sri Lanka và giúp phục hưng Phật Giáo và văn hóa truyền thống.” Ngày nay, mỗi năm vào ngày 17 Tháng Hai là ngày giỗ ông, Phật Tử Sri Lanka cử hành lễ tưởng niệm công đức của ông một cách trang nghiêm long trọng.

Năm 1874 ông đã gặp gỡ nhà tâm linh gốc Nga Helena Petrovna Blavatsky trong một dịp sinh hoạt tôn giáo ở tiểu bang Vermont và, tới năm 1875, hai người hợp tác để thành lập Hội Thông Thiên Học ở New York City. Cuối năm 1878 họ di chuyển trụ sở của Hội Thông Thiên Học từ New York sang Ấn-Độ. Sau đó, ông Olcott đi nhiều nơi ở Ấn-Độ để hành hương chiêm bái quê hương của Đức Phật. Tuy chủ trương của Hội Thông Thiên Học là hòa đồng tôn giáo, nhưng Phật Giáo là tôn giáo của cá nhân ông.

Helena Petrovna Blavatsky

     Madame Helena Blavatsky 

Năm 1880 ông và bà Blavatsky trở thành hai người Tây phương đầu tiên quy y Tam Bảo ở Sri Lanka, tuy rằng trước đó, trong thời gian còn ở Hoa-Kỳ họ đã tự nhận là Phật Tử. Trong thời gian lưu lại Sri Lanka ông đã viết cuốn sách “Phật Giáo Vấn Đáp” (Buddhism Catechism) mà ngày nay vẫn còn được lưu truyền. Một thí dụ vấn đáp trong cuốn sách đó là câu hỏỉ “Một người có tự động được coi là Phật Tử chỉ vì người đó có cha mẹ là Phật Tử hay không?” Câu trả lời: “Đương nhiên là không. Một Phật Tử không những chỉ tự nhận mình tín ngưỡng Đức Phật như là vị Thầy có những giáo lý cao quý nhất mà còn phải thực hành những Giới Luật của Ngài trong đời sống hằng ngày.”

Madame Blavatsky and Colonel Olcott

HỘI THÔNG THIÊN HỌC HELENA BLAVATSKY

Helena Petrovna Blavatsky (sanh năm 1831 ở Ukraine trong khi xứ này thuộc Đế Quốc Nga, và từ trần ở Luân-Đôn, Anh Quốc, năm 1891), là người đồng sáng lập Hội Thông Thiên Học. Năm 17 tuổi bà kết hôn với một sĩ quan trong quân đội Nga, nhưng chỉ sau vài tháng họ ly thân. Bà rất quan tâm về những vấn đề tâm linh và đi chu du nhiều nơi để tìm hiểu về tôn giáo ở Á Châu, Âu Châu, và Hoa-Kỳ. Bà đã sống vài năm ở Ấn-Độ và Tây-Tạng để nghiên cứu Phật Giáo và Ấn-Độ Giáo. Năm 1873 bà đã đến New York City và gặp gỡ Đại Tá Henry Olcott ở đây. Năm 1875, bà và ông Olcott cùng với vài người bạn khác thành lập Hội Thông Thiên Học. Năm 1878 họ đã di chuyển trụ sở Hội Thông Thiên Học sang Ấn-Độ. Sau đó, Hội Thông Thiên Học xuất bản đặc san “The Theosophist” (“Nhà Thông Thiên Học”). Hội Thông Thiên Học đã thành lập nhiều chi nhánh ở Ấn-Độ và thu hút khá nhiều hội viên bản xứ.

Thông điệp của Hội Thông Thiên Học

“Châm Ngôn của Hội Thông Thiên Học Mỹ “Không có Tôn Giáo nào cao hơn Chân Lý”

Ngày nay bà Blavatsky được coi là người đầu tiên đã truyền bá cả Phật Giáo và Ấn-Độ Giáo ở Tây phương. Tuy rằng trước bà đã có những học giả về tôn giáo Đông Phương đã viết những sách về chủ đề này, nhưng họ chỉ là những nhà khảo cứu và nhận xét về hai tôn giáo này trong lãnh vực học thuật (academic), và họ thường có những quan điểm lệch lạc và sai lầm về hai tôn giáo này như là những tín ngưỡng mê tín, dị đoan, tôn thờ thần linh, và mức độ đánh giá lệch lạc này tùy theo trình độ về thành kiến của các học giả về Đông-phương-học.

Trong khi đó, Bà Blavatsky giới thiệu Phật Giáo và Ấn-Độ Giáo như là những con đường tâm linh và triết học cao quý ở trình độ thượng đẳng. Một số nhà viết sử tôn giáo quan niệm rằng ngày nay những người Tây phương nào đã được hưởng thêm hạnh phúc trong đời sống, nhờ đã thấm nhuần và thực hành những giáo lý Đông phương thì họ cần phải nhớ ơn Bà Blavatsky. Các nhà viết tiểu sử thường nhấn mạnh rằng bà luôn luôn nhắc nhở tín đồ của các tôn giáo hãy có thái độ phóng khoáng trong suy tư và những nhận xét khách quan về các vấn đề tôn giáo.

Một cách khách quan, với đức tin kiên định và sự hiểu biết bác lãm, Ông Henry Olcott và bà Helena Petrovna Blavatsky đã không chỉ có công đức rất lớn trong việc xiển dương chánh pháp tại Hoa Kỳ và Sri Lanka mà xa hơn, họ còn có công đức vô cùng khả kính trong sứ mệnh lưu bố chánh pháp trên khắp thế giới, đồng thời đã nêu bậc một tấm gương ngời sáng về tinh thần từ bi, vị tha, vô ngã cho nhiều thế hệ.

Ông Henry Olcott đã được cả dân tộc Sri Lanka tôn sùng như một vị anh hùng vĩ đại đã có công đánh thức niềm tự hào dân tộc và xây dựng ý thức đấu tranh cho phúc lợi lâu dài và chân chính của quốc dân trong thời gian Sri Lanka đang còn là thuộc địa của Anh quốc, đồng thời thiết lập nền móng và mở đường cho hệ thống giáo dục độc lập, tự chủ trên nền tảng giá trị của một truyền thống văn hoá Phật giáo lâu đời cho xứ sở Tích Lan (Sri Lanka).

[Thích Viên Lý]

Trụ Sở Theosophical Society in America, địa chỉ 1926 North Main Street, Wheaton, IL 60187

The Key to Theosophy – HP Blava

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *